Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế (Bài bảy): Giáo dục trong gia đình
Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm sai lầm rằng con cái là sở hữu của họ, và họ là những người có toàn quyền quyết định về số phận con cái mình trong thời gian chúng lệ thuộc vào cha mẹ. Trên một phương diện nào đó quan niệm, lối suy nghĩ và cách cư xử này đúng một phần, con cái là sản phẩm của cha mẹ. Về mặt vật chất, con cái thừa hưởng ở cha mẹ gen di truyền như là dòng dõi huyết thống. Cơ thể con cái là được sanh ra từ cha mẹ, chin tháng mười ngày trong bụng mẹ cũng có những ảnh hưởng rất quyết định về mặt thể chất cũng như tinh thần của thai nhi. Nếu người mẹ không được ăn uống đầy đủ, khi đau ốm bệnh hoạn không được săn sóc thuốc men đúng lúc thì đứa bé sinh ra sẽ bị suy dinh dưỡng bẩm sinh và suốt cuộc đời nó sẽ phải chịu đựng những khổ sở do một cơ thể yếu đuối mang lại.
Nếu đời sống tinh thần của người mẹ thường bị khủng bố và bức bách, lo âu phiền muộn thì đứa trẻ sinh ra cũng yếu đuối, kém tự tin hay tinh thần bất định. Suốt quảng đời ấu thơ khi đứa trẻ sống gần như hoàn toàn tùy thuộc vào cha mẹ cũng là thời kỳ rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển thể chất cũng như nhân cách của đứa trẻ. Nếu hiểu được tầm quan trọng này, các bậc làm cha làm mẹ sẽ phải có trách nhiệm hơn về sản phẩm mà họ đã sang tạo, đó là con cái họ.
Có những bậc làm cha làm mẹ vì ít được học hỏi và thiếu kinh nghiệm nên rất bất cẩn. Họ thường chỉ phản ứng theo bản năng, nghĩa là chỉ tuân theo tiếng gọi của tự nhiên mà không suy nghĩ hay có sự chuẩn bị nào. Khi đứa trẻ được sinh ra thì cha mẹ chúng chỉ cố lo cho con đủ ăn, đủ mặc (với ý nghĩ rằng như vậy cũng đã tốt lắm rồi!), gửi chúng đến trường rồi phó mặc toàn bộ việc giáo dục cho nhà trường. Đây là một sai lầm rất căn bản vì thời gian ở trường của bé thường ít hơn thời gian ở nhà. Nếu các bậc cha mẹ biết rằng mọi lời ăn tiếng nói, cử chỉ và cách cư xử của mình đều để lại những ấn tượng đầu tiên và sâu đậm nhất trong cuộc đời con họ thì có lẽ họ đã không dám bất cẩn đến như vậy.
Đức Phật nói cha mẹ là những thầy cô đầu tiên của trẻ. Họ dạy con những tiếng bập bẹ đầu tiên, những bước đi đầu tiên; cũng chính trong giai đoạn này họ cho con những ý niệm sơ khởi về những mối quan hệ của trẻ với những thành viên khác trong gia đình: ai là cha, ai là mẹ, rồi ông bà, nội, ngoại, anh chị, cô dì, thím bác,… Những ý niệm sơ khởi này của bé về các mối quan hệ của bé với các thành viên khác trong gia đình đi kèm với ngôn ngữ và cử chỉ mà bé nên biểu hiện với từng người; những gì thì được khuyến khích và những gì thì bị ngăn chặn, đây là những ý niệm đầu tiên của trẻ về cách cư xử. Trẻ cũng được dạy rằng ông bà cha mẹ luôn yêu thương và bảo vệ bé, rằng bé ngoan ngoãn và vâng lời.
Nhưng đứa bé cũng có một thế giới riêng của nó, những đòi hỏi leo thang mà chúng ta gọi là thói hư tật xấu do được cưng chiều quá đáng hay bị bỏ bê quá. Nếu các bậc làm cha làm mẹ không hiểu được thế giới riêng của bé, chỉ đòi hỏi bé phải tuân theo những mực thước mà họ đặt ra thì chỉ làm cho bé hoặc là mất đi sự tự tin, trở nên yếu đuối, thụ động và lệ thuộc, hoặc trẻ sẽ có những biểu hiện giận dữ chống đối dưới nhiều hình thức khác nhau. Cả hai hướng phản ứng này đều có thể dẫn đến sự phát triển không lành mạnh và về thể chất lẫn tinh thần của bé. Nếu bé mất đi sự tự tin, trở nên thụ động và lệ thuộc thì kết quả học tập của bé thường thua kém, sa sút làm bé cảm thấy không hứng thú trong việc học cũng như đến trường. Nếu trẻ giận dữ chống đối thì trẻ dễ bỏ học đi hoang và nói dối, hay gây gỗ với bạn bè, chống đối với thầy cô giáo hay với người lớn nói chung.
Để tránh những biểu hiện tiêu cực này thứ nhất cha mẹ phải quan tâm hơn đến con cái của họ, phải có trách nhiệm với “những sản phẩm” của họ:
– Đừng bao giờ dạy con chửi thề, nói dối hay giễu cợt người khác;
– Đừng bao giờ chửi thề, nói dối hay giễu cợt người khác trước mặt trẻ;
– Đừng bao giờ có thái độ bất kính hay coi thường cha mẹ mình (là ông bà của bé).
Tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng mà cha mẹ trẻ là những người viết những dòng đầu tiên lên nó. Đó là những dòng chữ nắn nót, trân trọng hay những vết bôi bẩn, nghệch ngoạc, đầy bất cẩn và lỗi chính tả làm hoen ố tờ giấy trắng là trách nhiệm của cha mẹ. Tâm hồn trẻ như một tấm gương trong sạch và phản ảnh những hành động, cử chỉ và lời ăn tiếng nói của cha mẹ và người lớn một cách tự nhiên. Nếu cha mẹ chửi thề, nói tục hay cãi lộn thì trẻ cũng học theo và chứng tỏ là mình không thua kém gì! Nếu cha mẹ giận dữ bạt tai hay phạt đòn trẻ vì những hành vi sai trái này thì trẻ cũng học cách biểu hiện sự bất đồng của mình bằng thái độ giận dữ và bạo lực đối với đồ chơi của bé, với đồ vật, với vật nuôi, hay với các trẻ khác ở trường.
Nếu trẻ được quan tâm săn sóc, được nghe những lời hiền hòa tử tế thì như một tiếng vang, trẻ cũng biểu hiện thái độ quan tâm giúp đỡ và dịu dàng tử tế với những người khác hay với đồ chơi của bé. Đôi khi với môi trường xung quanh cũng có những ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ con. Nhiều khi cha mẹ không có những hành vi cử chỉ thiếu văn hóa và thiếu giáo dục nhưng những người hàng xóm xấu hay bất cẩn cũng có thể để lại những ấn tượng xấu trên trẻ con. Trẻ có thể học biểu hiện sự phẫn nộ, chửi tục và nói dối từ bên ngoài gia đình.
Từ những phân tích trên, nếu thấy trẻ có những biểu hiện tiêu cực như hay giận hờn, trả đũa, nói dối, nói tục, cứng đầu, ương ngạnh,.. thì việc đầu tiên các bậc cha mẹ nên nghiêm khắc nhìn lại cách cư xử của mình, do sự bất cẩn trong cách ăn nói, cư xử của họ mà bé học theo hay do ảnh hưởng xấu từ bên ngoài tác động lên trẻ?
Có một điều đáng quan tâm nữa là có những bậc cha mẹ lại quá sở hữu và ích kỷ hẹp hòi. Họ cho rằng họ là những người có toàn quyền duy nhất đối với con cái họ. Xu hướng tâm lý này dẫn đến việc mà họ cấm đoán con cái mình không được tiếp xúc với những người xung quanh, bảo con rằng họ là người xấu, nói dối, kẻ trộm,vv. Điều này gieo vào lòng trẻ con sự sợ sệt, nghi kỵ không cần thiết. Những đứa trẻ con của những bậc cha mẹ như vậy thường cách biệt, lạnh nhạt hoặc sợ sệt nghi kỵ; ở những đứa trẻ này không có sự cởi mở hồn nhiên như những trẻ con khác. Đây cũng là một xu hướng phát triển tâm sinh lý thiếu lành mạnh khác.
Nhiều bậc cha mẹ mong đợi ở con cái quá nhiều. Họ mong con mình phải luôn thông minh, nhanh nhảu và học giỏi; mong con mình phải luôn xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Điều này thật tham lam! Có một sự thật mà ai cũng biết là không phải tất cả trẻ con được sinh ra đều thông minh, khỏe mạnh và lanh lợi. Mặc dù các bậc cha mẹ có xu hướng lý tưởng thường làm hết cách để con họ có những điều kiện tốt nhất để học tập, vui chơi và sinh hoạt nhưng nhiều trẻ em đã không thỏa mãn được tham vọng của cha mẹ. Khi trẻ tỏ ra không được thông minh, lanh lợi như cha mẹ trẻ hằng mong muốn thì họ tỏ ra rất thất vọng và tìm cách này hay cách khác gây sức ép lên trẻ. Những đứa trẻ tội nghiệp này thường cảm thấy thiếu tự tin, không xứng đáng với sự quan tâm và mong mỏi của cha mẹ các em. Cảm giác bị đè nặng bởi sự mong đợi của cha mẹ làm em thiếu tự nhiên và càng kém tự tin hơn. Có những em đã đi đến chỗ lo lắng thái quá thành ra dao động và mệt mỏi thường xuyên, hoặc trở nên trầm cảm vì cảm giác không xứng đáng. Cả hai tình trạng này đều có thể dẫn đến thân bệnh và tâm bệnh nơi trẻ em. Đây là một mặt tiêu cực khác của việc giáo dưỡng con cái.
Chúng ta cần phải biết rằng ở một mức độ nào đó chúng ta không thể khiến mọi việc phải như ý mình, ngay cả với những người thông minh và khôn ngoan nhất đi nữa thì cũng có nhiều điều trong cuộc sống xẩy ra bất như ý, ngay cả với con cái của chúng ta cũng như vậy. Trong thời đại khoa học và kỹ thuật phát triển như hiện nay nhiều người có thể sinh con như ý muốn nhưng điều này không xảy ra cho tất cả mọi người. Khi trẻ không như ý chúng ta, chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là trẻ có những duyên nghiệp và một thế giới riêng với những điều kiện và hạn chế của nó. Chúng ta không thể áp đặt mọi quan kiến, giá trị và chuẩn mực của chúng ta cho trẻ, và rồi gò ép các em phải tuân theo một khuôn mẫu định sẵn của thế hệ chúng ta. Khi bị gò ép thái quá có thể dẫn đến hai loại phản ứng tiêu cực mà tôi đã nêu ra ở trên. Trong cả hai trường hợp đều dẫn đến sự mất mát nơi trẻ, đó là cơ hội được phát triển một cách tự nhiên lành mạnh, và có ảnh hưởng xấu đến tính sáng tạo, tự tin nơi trẻ em.
Giáo dục trong gia đình cần nhất là tình thương yêu, sự quan tâm đúng mức, và cả sự hiểu biết và tế nhị nữa. Thứ nhất các bậc cha mẹ phải có tinh thần trách nhiệm với những ‘sản phẩm của họ’: thứ hai là tình thương yêu quan tâm và sự uốn nắn đúng mức và kịp thời. Trong Phật Giáo những phẩm chất này được gọi là Từ và Nghiêm. Từ là tình thương yêu vô bờ, vô điều kiện và vô giới hạn, luôn mong mỏi cho con trẻ được an toàn, hạnh phúc. Từ thường được nhận thấy trong tình mẹ, một sự gần gũi yêu thương và săn sóc vô điều kiện. Có những người mẹ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình cho con, suốt đời tận tụy nuôi con. Nghiêm là phẩm chất thường được nhận thấy nơi người cha, thương nhưng không thái quá, không nuông chìu những đòi hỏi thiếu lành mạnh của trẻ. Từ là tình cảm, nghiêm là lý trí biết đâu là giới hạn, những gì cần và không cần, nên và không nên. Chỉ có từ mà không nghiêm thì dễ làm cho trẻ hư, vòi vĩnh cả điều không lành mạnh; trong một số trường hợp cũng có thể làm cho trẻ trở nên yếu đuối, thiếu ý chí tự lập và chỉ muốn dựa dẫm vào người khác. Nghiêm mà không từ thì xa cách khó gần, nhiều khi dẫn đến tình trạng khô khan, không dám biểu hiện tình cảm và sự quan tâm nơi trẻ. Có những người có tình cảm rất mãnh liệt nhưng không thể biểu hiện ra ngoài được và rất khổ sở phải nhờ đến sự giúp đỡ của tâm lý học trị liệu. Những người này thường có một tuổi thơ ít được quan tâm âu yếm, và chịu ảnh hưởng của tâm lý rằng bày tỏ và thể hiện tình cảm là sự yếu đuối hay khuyến khích sự yếu đuối. Kết quả là những đứa trẻ lớn lên theo cách giáo dục này, hay bị ảnh hưởng của những quan niệm rằng tình cảm là yếu đuối, không xứng đáng, tội lỗi, v.v thì thường có vẻ lãnh cảm; mực thước qui củ nhưng khô khan cằn cỗi, không phải những người đó không có tình cảm, nhưng tình cảm của họ thường bị dồn nén, hay bị bóp méo thành khắc kỷ; một số người rất muốn được bộc lộ thành khắc kỷ; một số người rất muốn được bộc lộ tình cảm nhưng lại cảm thấy mất tự nhiên, cực kỳ bối rối và vụng về khi phải thể hiện tình cảm.
Do đó, bên cạnh việc giáo dục tri thức, khoa học và kỹ thuật, thì sự giáo dục nhân cách và giáo dục tình cảm cũng là những mặt rất quan trọng. Để có được một đời sống hạnh phúc và lành mạnh con người cần tất cả những yếu tố như sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, nhân cách tốt đẹp và tình cảm thăng bằng. Trong bốn câu đầu tiên của bài Kinh Tâm Từ có liệt kê những phẩm chất cần thiết để người ta có thể sống an lạc, đó là: (1) có khả năng (thuộc về kiến thức và kỹ năng), (2) ngay thẳng và chân thật (thuộc về nhân cách), (3) nói lời hòa ái, (4) mềm mỏng và không kiêu mạn (3 và 4 thuộc về đạo đức cư xử). Ngoài ra có sự hiểu biết đúng đắn về nhân duyên và vô ngã cũng là một điều kiện thiết yếu trong việc giáo dục nhân cách và tình cảm.
Như trên chúng ta đã phân tích, sự ảnh hưởng qua lại giữa cha mẹ và con cái là một sự ảnh hưởng vừa có tính nhân quả, vừa có tính hỗ tương. Chúng ta phải thấy được mối quan hệ nhân quả và hỗ tương này không chỉ trong gai đình, mà cả trong xã hội và trong tự nhiên cũng vậy. Chính mối quan hệ tương quan và duyên sinh này nói lên tính vô ngã của vạn vật và mọi tồn tại; chỉ khi thấy được tính vô ngã này thì chúng ta mới thôi phản ứng một cách chủ quan và cảm tính theo ý chí của một bản ngã vị kỷ. Nhân cách và cá tính của một con người là một tiến trình hình thành, phát triển và đổi thay tùy theo điều kiện sống. Chẳng có một cái ta tự sinh một cách độc lập, cứng ngắc và trường cửu nào cả; không có một cái ta tự hình thành và không chịu sự chi phối, tương tác với môi trường xung quanh, nhất là gia đình và xã hội. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy thủ chấp vào một cái ‘tôi’ tưởng tượng và những cái ‘của tôi’ vốn chưa bao giờ có là một sự điên rồ ngốc nghếch. Chúng là là sản phẩm của những tiến trình và chịu sự chi phối của những tiến trình đó, đồng thời phản ứng và cách cư xử của chúng ta cũng có ảnh hưởng lên tiến trình của đời sống.
Con cái của chúng ta cũng như vậy, chúng không phải là ‘của ta’ và phải theo ý ta hay thỏa mãn những mong ước của chúng ta. Thấy như vậy chúng ta sẽ cho con những gì tốt đẹp nhất nhưng không thủ chấp, bám níu và đòi hỏi chúng phải như ý mình, không được như vậy thì sanh ra buồn khổ, thất vọng. Chính những đòi hỏi mong đợi thiếu thực tế của chúng ta làm chúng ta đau khổ. Đức Phật nói tham ái là nguyên nhân của mọi khổ đau. Chính những ngã chấp, ngã ái và ngã mạn của chúng ta làm chúng ta khổ sở, lo sợ, và tranh đấu để giữ thể diện cho một cái tôi không thật có hay cố công nhọc lòng giữ quyền kiểm soát sở hữu trên những cái ‘của tôi’ vốn không tồn tại. Ý chỉ này được đức Phật thể hiện trong một câu kệ súc tích được gọi là Pháp Cú như sau:
“Con tôi, tài sản của tôi!
Sanh ra ưu não cho người cuồng si.
Ngay “ta” chẳng phải ta là,
Sản nghiệp, con cái chỉ là nợ duyên.”
(Pháp Cú 62)
Công năng của giáo dục vô ngã là để giảm thiểu thủ chấp, ngã mạn, ích kỷ và sở hữu; vô ngã không có nghĩa là vô trách nhiệm và buông xuôi cho hoàn cảnh đẩy đưa. Đạo giác ngộ dạy chúng ta không nên tin tưởng và thực hành mù quáng theo tín ngưỡng giáo điều. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi ngay cả với đức tin, tập tục, cảm tình, quan điểm dễ chấp nhận, và ngay cả với những luận cứ có vẻ logic. Nhưng sự tìm tòi thực nghiệm và tính sáng tạo không có nghĩa là tính bồng bột nổi loạn, phủ nhận, đả phá và tung hê mọi giá trị truyền thống có tính nhân bản. Do đó giáo dục nhân cách và giáo dục tình cảm phải làm cho con em thấy rõ trách nhiệm và bổn phận của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nếu không ý thức được điều này những đứa trẻ lớn lên rất dễ trở thành nạn nhân của văn hóa “hippie” và mất định hướng trong cuộc sống.
Hơn hai ngàn năm trăm năm trước đức Phật dạy về năm bổn phận căn bản của cha mẹ đối với con cái như sau:
(1) ngăn ngừa con khỏi điều bất thiện;
(2) khuyến khích, động viên con làm những điều lành;
(3) cho con học nghề nghiệp;
(4) hướng con đến một cuộc sống hôn nhân thích hợp;
(5) trao truyền sản nghiệp (vật chất và những giá trị văn hóa truyền thống) cho con một cách đúng lúc.
Những lời dạy này vẫn có giá trị thiết thực ngay trong thời đại của chúng ta. Nếu tất cả các bậc cha mẹ ghi nhớ và thực hành những lời dạy này chắc chắn rằng gia đình sẽ bớt xung đột, xã hội sẽ bớt được rất nhiều tệ nạn, và cuộc sống nói chung sẽ bớt được nhiều rủi ro và khổ đau không cần thiết.
Con cái cần phải biết ơn cha mẹ, tự có trách nhiệm với chính mình và với cha mẹ dưới năm điểm căn bản (suy nghĩ như sau):
(1) Cha mẹ đã nuôi dưỡng ta, ta phải nâng đỡ cha mẹ;
(2) Ta phải thay cha mẹ chu toàn bổn phận;
(3) Ta phải giữ truyền thống gia đình;
(4) Ta phải xứng đáng là người thừa kế;
(5) Ta phải làm phước để hổi hướng công đức đến cha mẹ.
Trong bài Kinh Hạnh Phúc, việc thực hành bổn phận của một người con (trai) chân chính được nói đến như là phúc lạc. “Hỗ trợ cha mẹ (trong tuổi già hay khi đau ốm); là trụ cột của vợ và con; hành nghề nghiệp lương thiện; đó là hạnh phúc cao thượng”.
Tóm lại giáo dục trong gia đình chính là bước đầu tiên và rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Cách giáo dục và nuôi dưỡng sai lạc có thể để họa lại cho cả đời người, và ngược lại, cách giáo dục và nuôi dưỡng đúng đắn chính là nền tảng của hạnh phúc an vui lâu dài. Con người làm nên gia đình và xã hội, do đó con người có hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc yên vui, xã hội mới hòa bình thịnh vượng.
Colombo June 26, 2005.
Ayya Khema centre July 18.
Theo: Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế
Tác giả: Dhammananda Bikkhuni (Tỳ khưu ni Pháp Hỷ)
Đánh máy: Thái Dũng Trung
Mời bạn đọc đón xem bài Tám: Tiếng chim hót trên cõi Cực Lạc