Khi chương trình Thời sự 19 giờ ngày 1 tháng 8 năm 2010 của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin tại phiên họp lần thứ 34 của Hội đồng UNESCO đang họp tại Braxin đã thông qua với số phiểu ủng hộ áp đảo quyết định chính thức công nhận Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam là di sản thứ 900 của nhân loại, tôi tin chắc rằng trong trái tim mỗi người Việt Nam, dù đang sống ở nơi nào trên trái đất đều có chung một cảm xúc là tự hào và hạnh phúc !
Thế là Hoàng Thành Thăng Long, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm" như trong lời một bài hát nổi tiếng của cố nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi , đã từ phạm vi một di sản văn hóa của Việt Nam sải một bước thật dài để trở thành một Di sản văn hóa của toàn nhân loại!
Mấy ngày nay, ngay từ trước khi trở thành di sản văn hóa thế giới thì báo chí cả nước đã nóng lên với những sự kiện tâm linh vô cùng ý nghĩa liên quan đến Hoàng Thành Thăng Long.
– Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ dâng hương tại Hoàng Thành.
– Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kính cẩn quì lễ dâng hương tại Hoàng Thành.
– Hơn 10.000 người tham gia khai mạc Đại lễ tại Hoàng Thành Thăng Long!
– Tối 31 tháng 8 một lễ hội hoa đăng hoành tráng và thiêng liêng đã diễn ra tại trung tâm Hoàng Thành Thăng Long!
Cứ như một lớp sóng kế tiếp nhau nối dài những niềm vui cho Phật tử và những người mến mộ Đạo Phật. Rồi cuối cùng, như để kết thúc một cách có hậu nhất và trọn vẹn nhất, Hoàng Thành Thăng Long đã chính thức trở thành di sản văn hóa thế giới như là sự hội tụ tột đỉnh của các niềm vui và hy vọng !
Điều càng làm tăng thêm niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam là vinh dự ấy lại được trao đúng vào năm Thăng Long vừa tròn một nghìn năm tuổi, vào đúng những ngày sắp diễn ra Đại lễ ! Và có một điều không thể không nhắc tới là kết quả này có được không phải là hoàn toàn thuận buồm xuôi gió.
Tháng 6 năm 2010, Tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO gọi tắt là ICOMOS đã gửi văn bản đánh giá hồ sơ của Việt Nam thuộc loại D tức là thuộc loại tạm hoãn xem xét đợt này. Với biết bao nhiêu cố gắng của các tổ chức, các nhà khoa học mới có được kết quả hôm nay nên nó lại càng quí giá!
Đúng một nghìn năm trước, mùa xuân năm 1010, với sự ủng hộ của Thái sư Đào Cam Mộc và Quốc sư Vạn Hạnh, Thái Tổ Lý Công Uẩn ban Chiếu rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La! Quyết định rời đô cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của một bậc đế vương, tuy rằng cũng không phải là không có nhiểu nguy cơ rình rập!
Đức Thái tổ Lý Công Uẩn đã viết trong Chiếu rời đô : “Thành Đại La, đô cũ của Cao vương , ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không thể thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”
Suốt mấy trăm năm dưới hai triều đại Lý Trần, Thăng Long là trái tim của quốc gia Đại Việt hùng cường. Cũng trong suốt mấy trăm năm lịch sử, hệ tư tưởng nền tảng cho vương triều là một hệ tư tưởng Phật giáo với cái tâm trị quốc nhân ái của các bậc quân vương thấm nhuần Phật pháp. Ta còn nghe như văng vẳng đâu đây từ ngàn xưa vọng về tiếng nói của Đức vua Lý Thánh Tông thương xót mọi thần dân của mình, ngay cả đối với những kẻ lỗi lầm trong tiết trời mùa đông lạnh giá!
Thế rồi Thăng Long đã trải qua biết bao nhiêu là biến cố thăng trầm của lịch sử “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương".
Ngày hôm nay đứng trên Hoàng Thành , chúng ta cảm thấy như vẫn còn đâu đây hình bóng của Tổng đốc Hoàng Diệu khi Ngài bước lên mặt thành, đưa mắt nhìn lại giang sơn gấm vóc lần cuối, rồi tự vẫn chứ nhất định không chịu để sa vào tay giặc !
Rồi khi có những kẻ ngạo mạn đưa B52 đánh phá Thăng Long – Hà Nội , muốn đưa cả dân tộc ta quay trở lại thời kỳ đồ đá thì mọi người có lương tri trên thế giới đều hồi hộp lo âu. Vì Thăng Long – Hà Nội là “trái tim của phẩm giá con người” như báo chí thế giới từng ca ngợi. Và cũng từ Thăng Long – Hà Nội tiếng nói của Bác Hồ “không có gì quí hơn độc lập tự do" đã xốc cả dân tộc ta đứng lên, kiên cường và vững vàng hơn bao giờ hết để làm nên một Điện Biên Phủ trên không ngay giữa lòng Thăng Long cổ kính!
Đúng một ngàn năm trước, Đức Lý Thái Tổ trông thấy rồng vàng bay lên trước mũi thuyến rồng và đặt tên cho vùng đất mới là Thăng Long. Chẵn một nghìn năm sau, trong thời đại Hồ Chí Minh, rồng vàng lại một lần nữa vút bay lên, nhưng không phải chỉ ở trong một góc trời của Thủ đô Hà Nội mà đã vươn ra khoảng không gian bao la của toàn thế giới khi Thăng Long trở thành di sản toàn cầu!
Có thể nói không quá rằng không có nơi nào trên đất nước ta từ một ngàn năm trước mà dấu ấn của Phật giáo lại kết tinh đậm nét như ở Hoàng Thành Thăng Long. Vậy nên cũng có thể nói không quá rằng, Hoàng Thành Thăng Long – một di sản Phật giáo đã trở thành di sản văn hóa của toàn nhân loại!
Dấu ấn Phật giáo tại Hoàng Thành sau 1000 năm
Trong những ngày lịch sử này, tôi lại nhớ về mảnh đất phương Nam xa xôi, nơi những người con nước Việt đã ra đi mở đất. Và lúc nào trong trái tim họ cũng luôn luôn đau đáu một nỗi niềm nhớ thương vọng về quê cũ :
Ai đi về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long!