GIA ĐÌNH PHẬT TỬ – MÔ HÌNH TRUYỀN THỐNG
Hiện nay, Gia đình Phật tử (GĐPT) là mô hình quy tụ thanh thiếu niên Phật tử có bề dày, có lịch sử vẻ vang, và được tổ chức quy củ với nội quy, chương trình tu học rõ ràng. Mục đích hoạt động của tổ chức GĐPT có ý nghĩa rất thiết thực và dài hạn, đó là “giáo dục, đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những Phật tử chân chính, sống đúng với tinh thần đạo Phật, sống có ích cho các em, cho gia đình, cho mọi người.." [1] GĐPT Việt
Tuy vậy, mô hình GĐPT bộc lộ một số hạn chế nhất định. Về phạm vi hoạt động, Gia đình Phật tử Việt Nam mới chỉ có gần 60.000 huynh trưởng và đoàn sinh hoạt động gần 800 đơn vị có đăng ký, chỉ phổ biến tại 16 tỉnh miền Trung và Nam Bộ [2]. Đây là con số rất nhỏ bé so với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu thanh niên Phật tử tại 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. GĐPT chủ yếu sinh hoạt theo các tự viện, theo gia đình, thích hợp chủ yếu với những thanh thiếu nhi theo đạo Phật từ truyền thống gia đình. Sau khi các em lớn lên, trở thành thanh niên, đi học cao đẳng, đại học, học nghề, đi làm, lập gia đình… việc sinh hoạt trong GĐPT gặp rất nhiều hạn chế, nhất là về thời gian, nội dung và hình thức sinh hoạt không còn phù hợp. Chỉ số ít phát triển lên vị trí huynh trưởng tiếp tục sinh hoạt và đóng góp cho GĐPT.
Một đối tượng khác tỏ ra khó thích hợp với mô hình GĐPT là những thanh niên tuổi từ 16 đến 35, sinh ra và lớn lên trong các gia đình có thờ cúng tổ tiên, chịu ảnh hưởng của Phật giáo, có đi chùa lễ Phật nhưng ít hiểu đạo mà chủ yếu để cầu, cúng, lại ở vùng chưa có GĐPT. Nay nhờ thuận duyên được tiếp xúc và hiểu đạo, có nhu cầu học đạo và chia sẻ kinh nghiệm tu tập và giao lưu với đồng đạo trong khi không có nhiều thời gian. Trong khi đó, đây mới là bộ phận chiếm số lượng lớn, có tiềm năng và là mục tiêu hoằng pháp trọng tâm của Giáo hội.
ĐẠO TRÀNG TU HỌC PHẬT PHÁP – MÔ HÌNH ĐANG PHÁT TRIỂN
Đạo tràng là nơi để tập hợp mọi người để học đạo, dạy đạo, tham thiền, giảng kinh, thuyết pháp, thường do các chùa hay hội Phật giáo lập ra. Có thể nói đạo tràng là nơi rất thích hợp cho thanh niên Phật tử tu học Phật pháp thường xuyên, theo đúng chính pháp vì ở đó có sự hướng dẫn của quý Thầy Cô, có đông bạn đạo, có môi trường thích hợp của chốn thiền môn. Hiện nay, việc các đạo tràng tu học Phật pháp đang nở rộ từ trong Nam ra ngoài Bắc, nhất là các đạo tràng Pháp hoa do Hòa thượng Thích Trí Quảng khởi xướng, đạo tràng Thái Tuệ tu thiền của Hòa thượng Thích Thanh Từ… là cơ duyên tốt cho nhiều thanh niên đến với đạo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa số Phật tử đến với đạo tràng là những phụ nữ lớn tuổi. Một số thanh niên một vài lần đến với đạo tràng nhưng thấy lạc lõng, không hấp dẫn lại bỏ. Số đạo tràng chuyên dành cho tuổi trẻ còn quá ít ỏi, lại mở không thường xuyên, nội dung sinh hoạt không thiết thực, gần gũi với giới trẻ, ít mang tính thời sự và thời đại.
Việc mở riêng đạo tràng cho thanh niên Phật tử trẻ ở vùng nông thôn là khó khăn do số thanh niên Phật tử ít và khoảng cách đi lại xa xôi nhưng ở thành phố, thị xã thì hoàn toàn khả thi. Nhưng không có nhiều quý Thầy mặn mà lắm với việc mở đạo tràng cho Phật tử trẻ, phải chăng do có ít thanh niên nên không mở đạo tràng? Tuy nhiên nếu không tạo nhân lành, gieo duyên tốt thì sao có được kết quả mong muốn. Hơn nữa, nếu nhìn theo quan điểm marketing của thế tục, không có sản phẩm đáp ứng nhu cầu (chương trình tu học thiết thực, hấp dẫn), không quảng cáo, khuếch trương thì sao thu hút được khách hàng tiềm năng (thanh niên).
DIỄN ĐÀN TRỰC TUYẾN – MÔ HÌNH NHIỀU TIỆN ÍCH
Cùng với sự phổ biến của công nghệ thông tin, trong đó có internet, các trang mạng Phật giáo xuất hiện ngày càng nhiều, và nhiều trang mạng đã tích hợp chức năng trao đổi trực tuyến (offline chat – trao đổi không đồng thời, instant text chat – trao đổi tức thời qua văn bản, voice chat – trao đổi bằng giọng nói, thậm chí video chat – trao đổi qua thoại và hình). Với các chức năng này, các thành viên, nhất là thanh niên có thể trao đổi, chia sẻ, học hỏi Phật pháp một cách tiện lợi (tham gia mọi lúc, mọi nơi, không phải di chuyển, đi lại, thậm chí vừa tham gia vừa làm việc khác), nhanh chóng, thậm chí có thể nghe giảng pháp trực tiếp và đặt các câu hỏi cho giảng sư. Mô hình diễn đàn ảo có thể tập hợp được thanh niên Phật tử khắp nơi, phát huy được hiểu biết, kinh nghiệm tu tập của rất nhiều người, đặc biệt là giới trí thức, sinh viên, kể cả của quý Thầy, Cô. Đây là mô hình thiết thực và có triển vọng nhất trong sinh hoạt của thanh niên Phật tử hiện nay.
Mặc dù là diễn đàn ảo nhưng mô hình này cũng được tổ chức khá bài bản, tức là có người điều hành diễn đàn, có người theo dõi và quản lý các chủ đề, nội dung trao đổi, cũng có xử lý vi phạm. Một số diễn đàn còn tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu ngoài đời, từ đó tình pháp lữ càng được thắt chặt.
Tuy nhiên, các diễn đàn Phật pháp trực tuyến cho thanh niên Phật tử hiện nay chưa nhiều, lại phát triển manh mún, số lượng thành viên còn ít. Không phải ai cũng đủ chi phí, kỹ năng và hiểu biết để vào mạng. Hơn nữa, do không có nhiều ràng buộc trong thế giới ảo nên nếu không có sự hướng dẫn từ phía quý Thầy, không có sự điều hành tốt của các quản trị viên, đặc biệt là không có sự tham gia tích cực của thành viên, diễn đàn trực tuyến sẽ dễ lộn xộn, chết yểu.
CÂU LẠC BỘ, ĐOÀN, HỘI – MÔ HÌNH CẦN ĐƯỢC NHÂN RỘNG
Đây là mô hình hoạt động thực, có tôn chỉ, mục đích, cơ cấu tổ chức rõ ràng, phát triển từ thấp (nhóm, câu lạc bộ) đến cao (hội, tổng hội). Trong giai đoạn hiện nay, mô hình nhóm, câu lạc bộ tỏ ra thích hợp với hoạt động của thanh niên Phật tử vì một số lý do dưới đây:
– Gọn, nhẹ, không cần phải có tư cách pháp lý
– Kết nối và tập hợp được những thanh niên Phật tử có chung một số đặc điểm (sở thích, tính cách, tuổi tác, nghề nghiệp…), tránh được những phức tạp, rắc rối nếu tổ chức ở quy mô lớn hơn
– Các thành niên hoạt động vào những lúc rỗi rãi, không cố định, không ảnh hưởng đến việc học tập và công tác của bản thân
– Các câu lạc bộ có thể kết nối, liên kết với nhau để giao lưu, học hỏi, thực hiện những hoạt động nhất định, vào những dịp đặc biệt như Phật đản, Vu lan, thành lập Giáo hội… trên tinh thần tự nguyện, không ràng buộc về quyền lợi hay trách nhiệm. Ví dụ mô hình Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Việt Nam hiện nay thực chất là một liên câu lạc bộ, bao gồm Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử tại Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh… Các câu lạc bộ này sinh hoạt độc lập theo địa bàn của mình, nhưng vẫn gắn kết tự nguyện với nhau để thực hiện những công việc lớn, chẳng hạn như tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập giáo hội.
Các thành viên câu lạc bộ có thể tổ chức sinh hoạt tại một địa điểm nhất định (quán cà phê, nhà một thành viên, một ngôi chùa…), cũng có thể sinh hoạt tại các địa điểm không cố định (thông qua các chuyến thăm quan, làm từ thiện, nghe pháp…) Tuy nhiên, tốt nhất là các câu lạc bộ nên sinh hoạt tại một chùa nào đó, được quý Thầy trụ trì chứng minh, hướng dẫn và giúp đỡ.
Mô hình nhóm – câu lạc bộ, diễn đàn trực tuyến và đạo tràng có thể tồn tại thống nhất trong một mô hình, tức là vừa hoạt động ảo vừa hoạt động thực. Câu lạc bộ có thể thành lập trước, diễn đàn trực tuyến lập sau, hoặc ngược lại, thậm chí được thành lập đồng thời. Có thể kết hợp ba mô hình này như sau:
– Diễn đàn trực tuyến là nơi liên lạc, trao đổi thông tin, kiến thức Phật học và kinh nghiệm tu tập, chia sẻ tài nguyên Phật giáo, là nơi quảng bá hoạt động của Câu lạc bộ
– Câu lạc bộ là nơi tổ chức nhân sự, điều phối và thực hiện các hoạt động đã được trao đổi, bàn bạc trên mạng, là nơi đưa ý tưởng vào cuộc sống, cũng là nơi để các thành viên cùng tu tập, hiểu, cảm thông và ràng buộc nhau, khắc phục hạn chế của thế giới ảo. Thông qua hoạt động thực tế, Câu lạc bộ cũng quảng bá Diễn đàn để tạo điều kiện giúp thành viên mới hiểu rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động của câu lạc bộ hơn.
– Đạo tràng là nơi tu học Phật pháp của thành viên câu lạc bộ dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, đặt tại một chùa nào đó
Trong tương lai, khi pháp luật cho phép, Giáo hội ủng hội và giúp đỡ, các câu lạc bộ, nhóm thanh niên Phật tử sẽ liên kết lại thành Hội, Tổng hội có tổ chức, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi đó, vai trò của thanh niên Phật tử với đạo pháp và dân tộc sẽ được nâng tầm và phát huy.
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN – MÔ HÌNH ĐẶC BIỆT
Dự án, hay chương trình là một hình thức tổ chức một hoạt động, giải quyết một công việc cụ thể, trong một thời gian nhất định, sau đó giải tán khi hoàn thành nhiệm vụ. Mô hình này thích hợp với những hoạt động đặc biệt, ví dụ: các hội trại Phật giáo, các khóa tu bát quan trai, khóa tu Phật thất, khóa tu mùa hè, tổ chức đi bộ để hoằng pháp; các đợt công tác cứu trợ, từ thiện lớn; chiến dịch mùa hè xanh; tổ chức đại lễ Phật đản, Vu lan…
Hoạt động theo mô hình này đỏi hỏi có mục tiêu, kế hoạch, tổ chức và giám sát rõ ràng, có người đứng ra tổ chức, chủ yếu là các cấp Giáo hội hoặc các chùa, các quý Thầy. Tài chính cho các dự án, chương trình cũng không kém phần quan trọng. Bản thân các câu lạc bộ cũng có thể đứng ra thực hiện các chương trình, dự án của riêng mình.
KẾT LUẬN
Qua phân tích các mô hình sinh hoạt của thanh niên Phật tử nêu trên, có thể thấy mỗi mô hình có ưu và nhược điểm riêng, và có thể kết hợp linh hoạt, thống nhất với nhau. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức và mục đích sinh hoạt của thanh niên Phật tử. Hi vọng các thanh niên Phật tử sẽ tinh tiến tu học, tích cực sinh hoạt, Giáo hội và quý Thầy Cô quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ nhiều hơn, góp phần tạo ra một lớp Phật tử mới trẻ trung, năng động, nhiệt tình, đóng vai trò tích cực trong việc phát triển ngôi nhà GHPGVN nói riêng và PGVN nói chung.