Trước khi đi sâu vào vấn đề, cần phân biệt giáo dục xã hội với giáo dục nội bộ Phật giáo.
Giáo dục nội bộ Phật giáo, có thể gọi một cách khác là đào tạo tăng tài, tức mô hình “trường cho tăng ni”. Việc này Phật giáo Việt Nam, có lẽ, đã có những bước đi tích cực, với Học viện Phật giáo Việt Nam ở 3 thành phố lớn ở 3 miền, các trường sơ cấp, trung cấp, cao cấp Phật học…
Tuy nhiên, đây vẫn là ngôi trường “đóng”, có nghĩa là chỉ có Phật học, và chỉ dành cho tăng ni. Cư sĩ Phật tử muốn theo học, dù chỉ là những chuyên ngành Phật học, cũng không thể được.
Giáo dục xã hội, có thể hình dung gồm những nhà trẻ, trường mẫu giáo Phật giáo, hệ thống trung tiểu học Bồ Đề và Viện Đại học Vạn Hạnh tại miền Nam trước 1975. Đây là mô hình trường học trong chùa, chùa trong trường học.
Đối với phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh, mọi người đều có thể ghi danh theo học và tốt nghiệp cử nhân nếu hoàn thành các yêu cầu của khóa học. Có thể coi Viện Đại học Vạn Hạnh là một kiểu chùa trong trường, khác với hệ thống trung tiểu học Bồ Đề, thường là trường trong chùa. Đó chính là mục tiêu mà bài viết này hướng đến.
Trong các bài viết trước đây như Hoạt động giáo dục: con đường đưa đạo pháp đến với giới trẻ và Hệ thống trung tiểu học Bồ đề và Viện Đại học Vạn Hạnh…, chúng tôi đã nêu ra một số cơ sở để đề xuất Phật giáo Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực giáo dục xã hội. Nay chúng tôi đi sâu phân tích một số điểm.
Về truyền thống, giáo dục xã hội đã từng là một lĩnh vực sở trường của Phật giáo Việt Nam. Trước khi Nho giáo phát triển ở nước Đại Việt, nhà chùa đã giữ vai trò là nhà trường, đào tạo tầng lớp tinh hoa của đất nước. Học vấn uyên bác của Đức vua Lý Thái Tổ là kết quả tiêu biểu của giáo dục xã hội Phật giáo. Đức vua được nhà chùa đào tạo, để rồi nhà chùa đưa lại về xã hội giúp đời, giúp nước, khai sáng vương triều Lý hiển hách.
Truyền thống giáo dục xã hội cũng là truyền thống Phật giáo Nam tông. Hoạt động giáo dục xã hội của Phật giáo Nam tông Khmer được bảo tồn cho đến ngày nay. Chùa Nam tông Khmer không những dạy đạo, mà còn dạy chữ, dạy vẽ, dạy mộc, dạy điêu khắc… Chính một phần nhờ vào nhà chùa – nhà trường này mà Phật tử Nam tông Khmer, chẳng hạn ở tỉnh Trà Vinh, đã bảo vệ rất tốt số lượng tín đồ.
Trong khi đó, cũng tại Trà Vinh không xa các xã Khmer vùng sâu hoàn toàn dân sóc đều là Phật tử, ở khu vực các chùa Phật giáo Bắc tông của Phật tử người Kinh, là những ngôi chùa không còn giữ được vai trò nhà trường, thì gần đó đã có một số nhà thờ Đạo Thiên chúa Ca tô, kiến trúc có vẻ lâu đời trong khoảng đầu thế kỷ XX.
Điều dễ nhận thấy là cạnh bên hầu hết mỗi ngôi nhà thờ phần lớn đều có những dãy nhà, có thể nhà lầu nhiều tầng, là trường tư thục Đạo Thiên Chúa Ca tô trước đây, nay có nơi vẫn dùng cho chức năng trường học (do nhà nước quản lý), một số ít hơn dùng làm cơ sở sinh hoạt tôn giáo cho thanh niên.
Không hẳn cứ chỉ do nhờ chùa trường mà giữ được đạo, nhưng vùng chùa không có trường (chùa Bắc tông thế kỷ XX) ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… là vùng lương giáo sống xen kẽ. Trước 1975 đã thường có việc nhiều trẻ em, thanh niên bên Lương theo học trường bên đạo Thiên Chúa, để rồi khi tốt nghiệp cũng trở thành những con chiên tân tòng.
Từ đó, ta thấy truyền thống giáo dục xã hội là một trong những truyền thống chính của nhà chùa, và những ngôi chùa – trường đó là những trung tâm hộ pháp, giữ gìn tín đồ.
Thành tựu của việc xây dựng hệ thống trung tiểu học Bồ Đề và Viện Đại học Vạn Hạnh tại miền Nam Việt Nam trong những năm nửa cuối thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970 cho thấy Phật giáo Việt Nam có thể khôi phục thành công hệ thống giáo dục xã hội từ tiểu học cho đến đại học mà được coi là đã có từ thế kỷ X.
Hình thức trường học trong chùa, chùa trong trường học đã được thể nghiệm trong thời kỳ hiện đại và chứng tỏ hiệu quả của nó.
Khi xây dựng hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo theo mô hình trường học trong chùa, chùa trong trường học, hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo sẽ mang trong tự thân chức năng hoằng pháp và tu học.
Mô hình trường học trong chùa, chùa trong trường học tạo thành một “kênh” để đưa đạo Phật đến với nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, và cũng có thể gồm cả trung niên. Người đến chùa không những là những tín đồ thuần thành mà là một tập thể học sinh, sinh viên. Học sinh sinh viên đến trường thì đã có chùa ở trong trường, trong trường có chùa. Họ có dịp tiếp xúc với Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo một cách thường xuyên.
Riêng đối với tăng bảo, đó không chỉ là nhà sư mà với một số nào đó sinh viên học sinh vẫn còn xa lạ. Ở đây, các vị tăng ni sẽ trở thành các vị thầy cô trong Ban giám hiệu, các vị giám thị, giáo viên đứng lớp…
Học sinh sinh viên còn có thể tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa có tính chất Phật giáo như ngồi thiền, hành hương cảnh chùa, văn nghệ Phật giáo, từ thiện Phật giáo, bồi dưỡng kiến thức Phật học… Đó chính là học Phật, tu Phật theo cách dành cho các lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên và thanh niên.
Chúng ta đã điểm qua các chức năng phục vụ xã hội, hộ pháp, hoằng pháp tu học của hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo, của mô hình trường học trong chùa, chùa trong trường học. Đó là các chức năng chính. Ngoài ra, còn hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo còn một số chức năng nữa, mà việc tìm hiểu đầy đủ, thiết tưởng, cũng rất cần thiết.
Tôn giáo, khi đã sở hữu được một hệ thống giáo dục tư thục chất lượng cao chính là giáo hội đã sở hữu một hệ thống kinh tài hữu hiệu. Nếu Phật giáo Việt Nam có được một hệ thống giáo dục tư thục chất lượng cao, thì Phật giáo cũng không nằm ngoài trường hợp này.
Trường tư thục không chỉ là một hoạt động xã hội, mà trước hết là một hoạt động kinh doanh. Đối với tôn giáo nói chung, trường tư thục là một hoạt động kinh doanh thích hợp, tạo nguồn thu cho giáo hội, gần gũi hơn cả với hoạt động tôn giáo so với việc tu sĩ sở hữu điều hành doanh nghiệp như khách sạn (như trường hợp một tôn giáo trước đây ở miền Nam) nhà in, sản xuất thực phẩm (như Phật giáo ở miền Nam trước đây có cơ sở sản xuất nước tương Lá Bồ Đề)….
Rõ ràng, hoạt động giáo dục có ưu thế là thích hợp với tôn giáo, không hề có chút vướng mắc, mâu thuẫn. Hình ảnh một ông cha, một nhà sư xách cặp bước lên giảng đường trường đại học, hình ảnh một ni cô, một bà sơ chăm sóc trẻ trong trường giáo dục mầm non là những hình ảnh đẹp, dù là việc dạy học có thu tiền.
Việc hệ thống giáo dục xã hội tôn giáo liên tục mở rộng ở miền Nam Việt Nam cho đến trước 1975, trong đó có hệ thống trung tiểu học Bồ Đề, Viện Đại học Vạn Hạnh, đã cho thấy đây là một hoạt động có lợi nhuận đủ để tái đầu tư phát triển cơ sở vật chất.
Nếu chúng tôi không lầm thì vào thập niên 1970, tại miền Nam, các đại học tư đua nhau được xây dựng, như Đại học Minh Đức (đạo Thiên Chúa Ca tô) ngoài các phân khoa nhiều sinh viên như kinh thương, còn mở thêm nhiều khoa chuyên sâu như y khoa, âm nhạc, kịch nghệ và điện ảnh…
Đạo Tin Lành mở Viện Đại học Tri Hành, Phật giáo Việt Nam Quốc tự mở Viện Đại học Phương Nam (cơ sở đặt trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự), đồng thời cũng bắt đầu nghe nói đến việc đạo Cao Đài mở Đại học ở Tây Ninh, Đạo Hòa Hảo mở đại học ở miền Tây Nam Bộ. Chỉ những hoạt động đem lại lợi nhuận cao thì mới “bùng nổ” nhu thế.
Còn hiện nay, cứ nhìn hoạt động rầm rộ các trường tư, đặc biệt tại TPHCM, thì chúng ta cũng ước đoán phần nào lợi nhuận của các trường tư thục. Đề cập đến vấn đề lợi nhuận ở đây không phải là mong Phật giáo Việt Nam chạy theo lợi nhuận trong hoạt động giáo dục, nhưng một hoạt động vừa giúp đời, vừa lợi đạo, lại giúp thêm tài chính cho ngân quỹ giáo hội, thì đương nhiên là một hoạt động tốt, cần triển khai.
Hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo còn có một lợi ích nữa là tạo “đầu ra”, môi trường cống hiến cho một số đông tăng ni sinh được đào tạo ở bậc đại học và trên đại học. Hệ thống giáo dục nhất là bậc trung học và đại học là đất “dụng võ” thiết thực cho các vị tăng ni sinh này. Hoạt động giáo dục xã hội Phật giáo sẽ giúp cho các vị tăng ni sinh có trình độ vừa làm thầy trong chùa, vừa làm thầy ngoài đời, vừa làm thầy đối với Phật tử, vừa làm thầy đối với học sinh sinh viên, tu trong chùa cũng là lên lớp trên bục giảng nhà trường.
Do yêu cầu cấp bách của vấn đề, chúng tôi xin phép thất hứa, tạm dừng loạt bài tổ chức sự kiện Phật giáo, mà đầu tư vào đề tài giáo dục xã hội Phật giáo trong các bài viết sau.