Khi nhà sư làm “cha”
Nương nhờ cửa Phật khi mới 14 tuổi, thầy Thích Thanh Lương sớm thấm nhuần giáo lý nhà Phật “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”. Ba mươi tuổi, đảm đương chức vụ “người cha” của sáu trẻ nhỏ, khó ai có thể thấu hiểu nỗi cực nhọc mà sư thầy đang đảm nhiệm.
Tháng 8.2006, chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của một bé gái bị bỏ rơi ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, thầy làm thủ tục nhận bé về nuôi. Bảy tháng sau thầy đón bé thứ hai, rồi tiếp đó như có duyên với con trẻ, chùa Sùng Nghiêm đã trở thành ngôi nhà ấm áp cho sáu đứa trẻ mồ côi.
Vốn mang họ Vương, thầy đặt tên cho các con lần lượt là Vương Tâm Phúc, Vương Tâm Đức, Vương Tường Thuý, Vương Tường Linh, Vương Tâm Hoà và Vương Tường Vi với mong muốn các bé lớn lên sẽ làm những việc có tâm có đức, được hưởng cuộc sống an lành, hạnh phúc. Chăm con từ khi còn đỏ hỏn, bé lớn nhất mới đầy ba tuổi, nhỏ nhất là bé Tường Vi chưa tròn một năm.
Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Một mình thầy như con ong cần mẫn nâng niu, chăm chút cho sáu trẻ nhỏ. Dưới bóng cửa Phật, thầy không dứt gánh lo đi để thanh thản với kinh kệ, mà hướng đạo vào đời, quan tâm đến những mảnh đời cơ cực. Thầy bộc bạch: “Sống trên đời không chỉ biết vì mình mà còn phải vì người khác – tự lợi và lợi tha như lời Phật dạy. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng mình không có cái tâm trong sáng thôi”.
Người dân nơi đây đã quen với hình ảnh vị sư thầy ngày đêm tần tảo chăm chút cho sáu trẻ nhỏ. |
Ươm mầm cho xã hội
“Những sinh linh bé nhỏ chào đời mà bị bỏ rơi không cha không mẹ là nỗi bất hạnh lớn của trẻ nhỏ” – thầy trầm ngâm nói khi nhìn tụi trẻ đang cười đùa. Tấm lòng của người tu hành đã vượt lên tình cảm thương yêu thường tình trở thành tình mẫu tử thiêng liêng.
Bốn năm qua, không quản ngại khó khăn gian khổ, thầy dốc tâm nuôi dưỡng những “đứa con của xã hội”, ươm những mầm xanh tươi sáng cho đời. Với tấm lòng từ bi, từ lâu, thầy Thích Thanh Lương ấp ủ mong muốn thành lập một Trung tâm từ thiện có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho cuộc sống của các bé với phòng chăm sóc sức khỏe, phòng ăn, phòng vui chơi giải trí, phòng đọc sách,… tạo điều kiện cho các bé phát triển một cách bình thường.
Các bé luôn được thầy tạo điều kiện tốt nhất. |
Nhìn thầy bận bịu cho trẻ ăn, uống rồi quay sang thay đồ lỉnh kỉnh những tã những lót, tôi mới thấm thía hơn lời thầy: “Niềm vui lớn nhất của thầy là thấy các con mạnh khỏe, khôn lớn thành công dân có ích cho xã hội. Đó cũng là mong muốn duy nhất của thầy khi nhận các bé về mái ấm tình thương này”.
Rời ngôi chùa Sùng Nghiêm cổ kính, tôi cứ nghe vẳng đâu đây tiếng con trẻ cười đùa. Có tình thương yêu, rồi đây, những mầm xanh ấy sẽ lớn khôn…