Trong khuôn khổ Hội nghị sinh hoạt hành chính Giáo hội năm 2018 diễn ra từ ngày 10 đến 12/09/2018 tại Thiền viện Quảng Đức (Tp.HCM), HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTTT T.Ư có bài phát biểu chia sẻ về công tác, nhiệm vụ của Ban Thông tin Truyền thông T.Ư nhằm bắt nhịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Như quý vị đã biết, trong các Ban, Ngành, Viện chuyên môn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác thông tin truyền thông, nên Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII đã coi công tác thông tin truyền thông là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm phật sự của Giáo hội trong suốt cả Nhiệm kỳ (2017 – 2022).
Về việc triển khai công tác thông tin truyền thông, Lãnh đạo Ban TTTT T.Ư GHPGVN đã trao đổi và chia sẻ tại nhiều Hội nghị, các khóa tập huấn thông tin truyền thông ở các khu vực trong cả nước.
HT.Thích Gia Quang phát biểu. Ảnh: Bảo Toàn |
Trước hết, về chuyên môn – chúng ta cùng phân tích về định nghĩa “thông tin” và “truyền thông”. Về mặt học thuật có nhiều cách định nghĩa và cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, ở đây theo tính chất của nhiệm vụ, chúng ta có thể hiểu:
Thông tin theo định nghĩa chung: Thông tin (tiếng Anh: inform) có nghĩa là thông báo tin tức. Tin tức có thể hiểu như động từ, cũng có khi hiểu như danh từ. Tin tức có thể dùng như danh từ chẳng hạn: tin tức về Phật giáo, tin tức về các hoạt động phật sự…mở rộng ra là “tin tức” chính là tất cả những gì mang lại hiểu biết cho con người. Con người luôn có nhu cầu thu thập tin tức bằng nhiều cách khác nhau: đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, giao tiếp với người khác… Thông tin giúp làm tăng hiểu biết của con người, là nguồn gốc của nhận thức và là cơ sở để con người đưa ra các quyết định. Thông tin sẽ được thu nhận qua các giác quan của con người.
Truyền thông có nghĩa là “chia sẻ”, là hoạt động truyền đạt thông tin thông qua trao đổi ý tưởng, cảm xúc, ý định, thái độ, mong đợi, nhận thức hoặc các lệnh, như ngôn ngữ, cử chỉ phi ngôn ngữ, chữ viết, hành vi và có thể bằng các phương tiện khác như thông qua điện từ, hóa chất, hiện tượng vật lý và mùi vị. Đó là sự trao đổi có ý nghĩa của thông tin giữa 2 hoặc nhiều thành viên (máy móc, sinh vật hoặc các bộ phận của chúng). Truyền thông đòi hỏi phải có người thực hiện như gửi một tin nhắn, một phương tiện truyền tải và người nhận, mặc dù người nhận không cần phải có mặt hoặc nhận thức về ý định của người gửi để giao tiếp tại thời điểm việc truyền thông này diễn ra; do đó thông tin liên lạc có thể xảy ra trên những khoảng cách lớn trong thời gian và không gian. Truyền thông yêu cầu các bên giao tiếp chia sẻ một khu vực dành riêng cho thông tin được truyền tải. Quá trình giao tiếp được coi là hoàn thành khi người nhận hiểu được thông điệp của người gửi.
Các phương thức truyền tin là những sự tác động lẫn nhau qua một trung gian giữa ít nhất hai tác nhân cùng chia sẻ một ký hiệu tin tức hoặc một quy tắc mang một ý nghĩa nào đó. Truyền tin thường được định nghĩa là “sự truyền đạt suy nghĩ, ý kiến hoặc thông tin qua lời nói, chữ viết, hoặc dấu hiệu”.
Dựa theo các định nghĩa kinh điển nhất, chúng ta sẽ thấy với thông tin truyền thông Phật giáo thì khái niệm “hoằng pháp” cũng chính là hoạt động thông tin truyền thông. Nhưng khi hoằng pháp là chúng ta có mục đích truyền tải thông tin tích cực, giáo lý cao đẹp của đạo Phật đến đối tượng tiếp nhận. Còn thông tin, nhiều khi xảy ra thì lại là thông tin tiêu cực, thông tin mặt trái của chuyện này, chuyện kia, điều mà chúng ta không có mục đích truyền tải, nó vẫn diễn ra và xảy ra. Điều này là thực tế trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thông tin truyền thông Phật giáo không phải là ngoại lệ.
Trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông, ở đây đó có các thông tin tiêu cực, bất lợi, cũng cần có những góc nhìn đa chiều, với những quan điểm đánh giá đa dạng – khác nhau, theo chúng tôi đó cũng là điều bình thường trong lĩnh vực thông tin và truyền thông xã hội nói chung, trong đời sống tôn giáo và đời sống đạo Phật nói riêng khi mà các phương tiện thông tin đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vừa cá nhân hóa (các trang cá nhân) vừa tích hợp trên trang mạng xã hội để kết nối cộng đồng như chúng ta đã và đang tiếp xúc hàng ngày qua máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện nghe/nhìn khác.
Trước hết, chúng ta phải hiểu, thông tin truyền thông chính là sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin. Thông tin truyền thông Phật giáo cũng không nằm ngoài sự tương tác đó. Nhận thức được vấn đề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xác định công tác thông tin truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của mỗi đơn vị, từ cấp địa phương đến Trung ương. Cách thức tổ chức và thực hiện công tác truyền thông cũng phải luôn đổi mới sao cho bài bản hơn, đó là phải chủ động cập nhật thông tin, có kế hoạch, chiến lược triển khai cụ thể, đặc biệt công tác thông tin truyền thông phải thực chất, thiết thực tránh bệnh phô trương, hình thức.
Trong chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) Hội đồng Trị sự đề ra 9 mục tiêu thì mục tiêu thứ 8 là: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng Pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Để làm tốt được mục tiêu này, Ban Thông tin Truyền thông cần phải chuẩn bị và thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Đội ngũ người làm công tác thông tin, truyền thông cần phải trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, tích cực trao đổi kinh nghiệm, có những kế hoạch truyền thông mang tính chiến lược, từng bước nâng tầm công tác truyền thông.
2. Người làm công tác thông tin truyền thông cần biết vận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc phát triển truyền thông Phật giáo để giới thiệu Giáo lý của Đức Phật làm cho cuộc đời an vui giải thoát và nâng cao hình ảnh cũng như vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển của đất nước.
3. Trong thời đại truyền thông thông tin hầu như chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân, mỗi tăng, ni, phật tử cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông là phương tiện hay công cụ để hỗ trợ công cuộc hoằng pháp, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hoằng dương Phật Pháp và phát triển bền vững đất nước.
4. Bố trí sắp xếp nhân sự đúng người, đúng việc, dám nghĩ dám làm sẽ phát huy hết năng lực trong công tác quản lý, điều hành Phật sự. Duy trì hoạt động theo nội quy một cách nghiêm túc, tôn trọng quy định của tổ chức, thường xuyên nâng cao bản lĩnh trí tuệ, phẩm chất đạo đức của người làm công tác truyền thông thông tin.
5. Mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét những ưu, khuyết điểm và những tồn đọng, hạn chế, những khó khăn trở ngại qua đó rút kinh nghiệm để thực hiện các kế hoạch, chương trình một cách sáng tạo, khoa học hơn.
6. Cần có tinh thần cầu thị, thực sự lắng nghe, không ngừng tiếp thu những tinh hoa công nghệ mới, quyết tâm xây dựng và phát triển, tạo sự đồng thuận trong Giáo hội, góp phần vào sự thành công để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ truyền thông đã đề ra.
7. Công tác Phật sự được triển khai phù hợp với Giáo luật, phù hợp nhu cầu và nguyện vọng của Phật giáo các cấp, của tăng ni, phật tử trong tổ chức; Phù hợp với sự phát triển toàn diện của Giáo hội và đất nước theo tinh thần các nghị quyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chủ trương chính sách của Nhà nước. Phát huy tốt tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Thực hiện đường hướng đoàn kết, hòa hợp, ổn định và phát triển để đóng góp vào thành tựu chung của Giáo hội.
Truyền thông là một quá trình, chúng tôi không hy vọng ngay một lúc (ngày một – ngày hai) sẽ giải quyết được những vấn đề lớn, những bất cập và thách thức mà những người làm công tác truyền thông trăn trở bấy lâu nay, nhưng qua đó chúng ta sẽ cùng nhau đào sâu thêm các suy nghĩ, phát huy ý tưởng, có các kiến giải và đóng góp hữu ích để giải quyết làm sao cùng nhau nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm truyền thông có chất lượng. Đồng thời khi đối diện với các tin tiêu cực thì cùng nhau trả lời câu hỏi, vì sao có thông tin tiêu cực? Thông tin đó đúng hay sai? Trước hết, ở góc độ truyền thông có những thông tin đúng thì chúng ta phải làm gì? Những thông tin sai thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Như quý vị đã biết, trong thời đại nhân loại đang bước vào kỷ nguyên 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thông tin và sự đa dạng của đời sống tín ngưỡng tâm linh tôn giáo bên cạnh những hiệu ứng tích cực đã và đang đặt ra những thách thức mới. Do vậy, với lĩnh vực thông tin và truyền thông tôn giáo nói chung, đặc biệt là chuyển tải những giáo lý của đạo Phật nói riêng phục vụ đời sống nhân sinh tốt hơn là làm cho xã hội tốt đẹp hơn, đó là điều rất cần thiết trong xã hội ngày nay.
Trong 09 mục tiêu mà Đại hội VIII Nhiệm kỳ (2017-2022) đề ra và định hướng phát triển tầm nhìn đến năm 2030 của Phật giáo Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức mới trong kỷ nguyên số, thời Công nghiệp 4.0.
Để GHPGVN không bỏ lỡ cơ hội mà Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại, các tăng, ni, phật tử cần nhận biết và hiểu về Công nghiệp 4.0 như thế nào?.
Theo GS.TS Klaus Schwab, người sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho chúng ta hiểu một cách khái quát nhất về bốn cuộc cách mạng công nghiệp, theo Ông thì:
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sử dụng năng lượng và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất.
Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ sử dụng điện năng để sản xuất hàng loạt.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư này đang làm thay đổi cách thức giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân, tổ chức với tổ chức, cá nhân với tổ chức, quốc gia với quốc gia và giữa thực và ảo… trong truyền tải thông điệp, thông tin cho nhau, điều đó đặt ra cho GHPGVN cần đổi mới phương pháp Hoằng pháp ra công chúng… việc làm chủ công nghệ để tương tác, truyền tải thông điệp, sản xuất chương trình mang nội dung những lời Phật dạy, những giáo lý của đức Phật phổ rộng ra bên ngoài, tạo sự hứng thú trong tiếp nhận của công chúng đòi hỏi GHPGVN cần có chiến lược đào tạo, tập huấn cho tăng-ni, phật tử những kỹ năng chính như: Kỹ năng nhân diện và tương tác với mạng xã hội, công chúng mạng, công dân mạng,…( trong Cuộc cách mạng đa nền tảng); Kỹ năng ứng dụng công nghệ vào việc biên tập, sản xuất, mô phỏng trong các bài hoằng pháp; Kỹ năng tổ chức vận hành công nghệ trong quản trị, lưu giữ thông tin về tăng-ni, tự viện, phật tử,..; Sử dụng các công nghệ họp trực tuyến giữa các Khu vực, vùng Miền, Văn phòng 1 và 2 để giảm thiểu chi phí, thời gian di chuyển….
Giải pháp thực hiện cho những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ GHPGVN cần thành lập Trung tâm Dữ liệu Thông tin và Công nghệ số để tham mưu trực tiếp cho HĐTS trong việc xây dựng gói dữ liệu lớn Phật giáo Việt Nam (Big Data PGVN) đồng thời hỗ trợ đào tạo các nghiệp vụ kỹ thuật cần thiết cho các Ban, Viện Trung ương, Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành cả trong nước (và quốc tế nếu cần).
Hiện tại, một số công nghệ số, công nghệ đa nền tảng có thể ứng dụng cho GHPGVN trong công tác quản trị, hoằng pháp và truyền thông:
– Công nghệ quản trị thông minh, kết nối ứng dụng họp trực tuyến: Công nghệ này giúp Lãnh đạo GHPGVN hạn chế việc di chuyển địa điểm khác nhau để họp, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí,..;
– Công nghệ số hóa 3D – Công nghệ E-Tourim: Công nghệ này thực hiện số hóa các Chùa – Tự viện, dữ liệu, tư liệu để quảng bá những hình ảnh ra bên ngoài trong không gian ảo 3 chiều, giúp công chúng xem và tương tác như đang trải nghiệm tại không gian thực;
– Công nghệ Trường quay ảo: Công nghệ này đồng thời cho phép minh họa nhiều hình ảnh, clip cho mỗi phóng sự, bài giảng, bài thuyết trình, hoằng pháp,.. giúp cho công chúng đón nhận thông tin chủ động, tích cực và hứng thú hơn;
– Công nghệ mạng thông minh WifCity: Công nghệ này giúp định danh và kiểm soát những khu vực Chùa – tự viện có không gian rộng, truyền tải nhiều thông điệp cho mỗi lần công chúng kết nối và truy cập mạng;
– Công nghệ quản trị thông tin Tăng-Ni, Tự viện, Phật tử: Đây là công nghệ rất cần thiết cho GHPGVN quản trị tổng thể và chi tiết dữ liệu về Tăng-Ni, Chùa – Tự viên, Phật tử,…;
– Thư viện số: Công nghệ này giúp cho công chúng tiếp cận nhanh nhất, thông minh nhất, không giới hạn về thời gian, địa lí,.. với các dự liệu Phật Giáo để phục vụ nhu cầu của mình, thay vì phải đi tới hiệu sách, thư viện,..
– Công nghệ đào tạo trực tuyến E-Learning: Đây là công nghệ giáo dục không giới hạn về không gian, vùng miền, địa lý; Tài liệu học đa dạng, học viên không phải cần gặp trực tiếp thầy, hoặc đến trường,… có thể trao đổi trực tiếp qua mạng theo lịch trình đã định hoặc việc giải quyết các vấn đề của học viên có thể thông qua hội đồng khoa học, nhóm chuyên môn để tương tác trực tiếp với học viên qua không gian mạng…
Khi Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ, quy mô và sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Giáo dục,… điều này là chưa có tiền lệ trong lịch sử Thế giới, do đó GHPGVN cần có những nghiên cứu cụ thể, từ đó đưa ra những định hướng “đúng và trúng” để áp dụng triển khai tới các đơn vị trực thuộc GHPGVN, giúp các đơn vị trực thuộc GHPGVN chuẩn bị tâm thế cho việc tiếp nhận những giá trị hiện đại làm công cụ truyền tải những giá trị “Chân – Thiện – Mỹ – Đức – Trí – Tín” được lưu giữ trong Kho tàng Kinh điển của đạo Phật đến với công chúng, đúng với tinh thần và mong muốn của Đức Phật “đưa Phật giáo ứng dụng vào đời, xây dựng cõi an vui – cực lạc tại nhân gian”.
Mong rằng, sau những tháng an cư kiết hạ tại các trụ xứ, Chư tôn đức Tăng ni chúng ta đã được tăng trưởng đạo tâm, tăng cường đạo lực, khóa tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính và thông tin truyền thông này sẽ thổi một luồng sinh khí mới để cho mỗi một thành viên làm công tác thông tin truyền thông Phật giáo có dịp trang bị cho mình không những vững về kiến thức Phật học mà còn am hiểu thêm kiến thức về thông tin truyền thông để có thể hoàn thành hiệu quả công việc chuyên môn.
Trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại, với trọng trách mà Giáo hội đã giao phó, Ban TTTT T.Ư và Ban TTTT Phật giáo các cấp đang tích cực thực hiện việc đổi mới công tác quản lý và thúc đẩy các hoạt động chuyên môn có chiều sâu, theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với sự phát triển của Giáo hội cũng như của xã hội.
Ts.HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban TTTT T.Ư GHPGVN