Có nhiều ý kiến thắc mắc khác nhau được nêu ra trong cuộc hội thảo: Đây là lễ hội dân gian hay lễ hội cung đình? Lễ hội này diễn ra ở đâu? Nếu tổ chức thì lấy vị trí nào là thích hợp? Có phải là lễ hội của Phật giáo hay không? Phục dựng nguyên trạng hay kết hợp với các yếu tố thời đại?…
Một số ghi chép về Lễ hội Đèn Quảng Chiếu
Sách An Nam chí lược, trong phần miêu tả về phong tục của người Việt, Lê Tắc có viết: “Đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), trồng những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn Quảng Chiếu, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là ‘chầu đèn’”.
Đại Việt sử lược cho biết vào năm Canh Dần (1110): “Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức Hội Đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng”; “Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 7, Bính Thân (1116), mùa Xuân, tháng Giêng, đặt đèn Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng, chế nhà sư bằng gỗ đánh chuông”.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ nhất (1120), tháng Hai, mở Hội Đèn Quảng Chiếu”; “Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (1126), mùa Xuân, tháng Giêng, mở Hội Đèn Quảng Chiếu bảy ngày bảy đêm. Tha người có tội ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành xem”.
Lễ hội Đèn Quảng Chiếu được nhà Lý tổ chức vào thời kỳ đất nước đang khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ. Sau khi Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống vào năm 1076, năm 1077, vua Lý Nhân Tông (1066-1127) vào đầu xuân đã cho mở hội Nhân Vương ở điện Thiên An. Nhân Vương là hội tụng kinh Phật thuyết Nhân Vương Bát nhã Ba la mật kinh, trong đó có đoạn nói rằng nếu vua các nước đọc tụng kinh này thì muôn dân sẽ được tai qua nạn khỏi.
Lễ hội Đèn Quảng Chiếu cùng với các hội Nhân Vương, hội La Hán, hội Tắm Phật (ngày Phật đản) là những lễ hội có ý nghĩa đặc biệt đối với vương triều và ảnh hưởng rộng đến đời sống văn hoá xã hội. Riêng Lễ hội Tắm Phật được tổ chức hàng năm. Sử sách cho phép chúng ta khẳng định rằng cả ba lễ hội trên đều là lễ hội có tầm vóc quốc gia, gắn với cung đình và do đích thân nhà vua chủ trì.
Đáng tiếc cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn Lễ hội Tắm Phật cho xứng với tầm vóc và gần gũi hơn với đời sống dân chúng.
Triều Lý, lễ hội có mối quan hệ gắn bó giữa vương triều và Phật giáo, nhằm minh chứng cho sức sống lâu dài của Đại Việt và sự trường tồn của đạo Phật. Riêng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu, chủ đề được nêu ra rất rõ trong văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh: “Khuynh thiên hạ chỉ ung hòa, dạ vi trú thưởng” (Dốc lòng hoà vui thiên hạ thì đêm mới trở thành ngày).
Những ghi chép trên cho thấy đã có sự khác nhau về không gian, thời gian tổ chức lễ hội và hầu như chỉ nêu sự kiện, rất ít miêu tả. Tuy nhiên, Lễ hội Đèn Quảng Chiếu lại được miêu tả khá kỹ trong văn bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh, do Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn vào năm 1121, ở chùa Đọi, Hà Nam.
Những miêu tả về Lễ hội Đèn Quảng Chiếu trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh
“…Dựng đài cao Quảng Chiếu; hướng sân trước Đoan môn. Trong nêu một cột, ngoài đặt bảy tầng. Uốn hình cung nâng lấy sen vàng; may lồng nhiễu che cho ngọn lạp. Dấu cơ vi ở dưới đất, như bánh xe xoay chuyển; rực ánh sáng ở giữa trời, như bóng ác chói chang. Lại có bảo thánh rực rỡ trang nghiêm; điện vàng viện báu. Do thánh ý dựng nên; đặt tượng vàng hai dãy. Dáng tỏ linh văn; hình phô kỳ lệ. Lại có hai tòa lầu hoa, trong treo chuông vàng, khắc chú tiểu mình mặc áo nâu sồng; vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên đánh. Nghe vỗ bao gươm mà đứng nghiêm quay mặt; nhìn thấy thánh minh mà khom cật cúi đầu.
[Những việc này] đều nảy ra từ ý nhà vua, muốn sao được vậy. Lại có đài cao thất bảo, xếp thành một dãy, chính giữa có ngọn núi vàng. Đặt tượng đẹp Như Lai Đa Bảo; bày chân hình xe phép mấy tầng. Mái hiên lấp lánh ánh mặt trời buổi sáng; màu ngói huy hoàng vẻ mây biếc ban chiều. Thứ đến có hai tòa bạch ngân: bên tả đặt chân dung A Di Đà; bên hữu để xá lị của sắc thân màu nhiệm. Chiều cao mở ra thế khoẻ; vẻ đẹp phô rõ mái cong. Long lanh ngỡ tuyết trắng đang tan; rực rỡ ánh trăng thu vằng vặc.
Thứ nữa lại có hai tòa điểu văn: bên tả đặt từ nhan của Chính Giác; bên hữu đặt diệu tướng của Bồ Đề. Đã hoàn thành gác lớn, lại xây dựng lầu cao. Nóc che ngói quý; vách chạm hình rồng. Lại thứ nữa, có hai tòa ngà voi: bên tả chạm hình dung Phật Cam Lồ; bên hữu đặt diệu tướng Phật Bảo Thắng. Gọi mài chất quý; cao dựng cột hiên. Các cạnh nạp ngọc quý; các khe khảm sừng tê. Lại soạn kỹ những lời ghi đẹp đẽ, đều khắc vào bên cạnh tòa sen. Mở tấm lòng trong trắng; soi sáng mãi đời sau.
Lại tả chín phương bằng năm sắc; khắc bốn cột bằng song huyền. Hai bên nghìn đèn nhấp nháy; bốn mặt rực rỡ vàng son. Có thể gọi là: hơn xa chế độ xưa nay; vượt hẳn sinh thành tạo hoá. Dồn hòa vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày; thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại…” (Viện văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội).
Trên đây là đoạn dịch ra tiếng Việt của Đỗ Văn Hỷ. Sở dĩ chúng tôi nêu đoạn dịch này, bởi khi bàn về việc phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu, một số người đã lấy đó làm căn cứ để trích dẫn. Vào năm 2000, trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2, Giáo sư Hà Văn Tấn đã từng nêu ra một số giới hạn của đoạn dịch trên với nhận xét: “Đáng tiếc là Đỗ Văn Hỷ không quen những từ ngữ Phật giáo, nên nhiều chỗ trong đoạn trên đã bị dịch sai, làm mất đi những thông tin quan trọng, khiến người ta không thể hình dung ra nghi lễ của Lễ Lễ hội Đèn Quảng Chiếu đời Lý…”.
Giáo sư Hà Văn Tấn không dịch lại đoạn trích trên mà đặt vấn đề về bảy tòa tháp được làm bằng thất bảo, đồng thời căn cứ vào một số kinh điển để tìm hiểu ý nghĩa của bảy vị Phật được tôn trí trong lễ hội này.
Kế thừa các kết quả nghiên cứu, phiên dịch trước đó, chúng tôi xin được dịch lại đoạn trích này, rất mong những ai có cùng quan tâm đến việc phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu chỉ giáo, đóng góp thêm ý kiến.
Phiên âm Hán Việt:
“…Kiến Quảng Chiếu chi đăng đài, hướng Đoan môn nhi đình thượng. Trung tiêu nhất cán, ngoại thiết thất tằng. Cù cung xuất nhi bổng kim liên, phùng sa lung nhi địch lan diệm. Uẩn cơ vi ư địa hạ, viên chuyển như luân, thước quang thái ư thiên trung, oánh hoàng tự nhật. Phục hữu nghiêm chương bảo thánh, kim điện trân bảo tùng. Tựu duệ ý trang thành, tọa kim sắc tương đấu. Trạng tả linh văn, hình phô kỳ lệ. Hựu hữu hoa lâu lưỡng tọa, oản dĩ kim chung. Khắc thích tử nhi thể quải điền y, vận u cơ nhi bá chuỳ như kích. Văn minh tiêu nhi túc nghi chuyển diện, đổ anh thánh nhi khể thủ khúc cung. Xuất tự duệ mưu, uyển như động tĩnh. Phục hữu diệu thất bảo chi tốt đổ, tác nhất hàng nhi hỗ bài. Đoan trung tác hoàng kim nhất phong, tọa Đa Bảo Như Lai chi thụy tướng, liệt kỷ tằng pháp giá chi chân hình. Thiềm quang thước thần húc chi huy, ngõa sắc khai bích vân chi thái. Kỳ thứ, tắc bạch ngân nhị tòa, tả trí A Di Đà chi chân dung, hữu trữ Diệu Sắc Thân chi tuý chất. Tiếu thư hùng thế, kiều bị phi manh. Linh lung khi thụy tuyết chi dung, xán lạn đoạt thu thiềm chi khiết. Cánh thứ, tắc ô văn nhị tòa, tả an Quảng Bác Thân chi từ nhan, hữu bị Ly Bố Uý chi diệu tướng. Ký dĩ viên cao các, hựu cánh khởi nguy tằng. Cái điệt tố quỳnh, bích thuyên long trạng. Hựu thứ, tắc tượng xỉ nhị tòa, tả hy Cam Lộ Vương chi hình nghi, hữu nghiễm Bảo Thắng Phật chi tuý mục. Thiết tha tố chất, sùng giá sương doanh. Bài lăng điêu lục ngọc chi anh, gian khích tiễn linh tê chi giác. Kiêm tinh chế ký từ chi mỹ, các thuyên vu liên tọa chi bang. Phi tuyết tinh thành, vĩnh chiêu quyết hậu. Nhu hựu tả cửu thiên dĩ ngũ sắc, khắc tứ trụ dĩ song huyền. Duyên biên nhi oánh điểm thiên đăng, lưỡng diện nhi luyện trang kim thái. Khả vị tuyệt cổ kim chi chế độ, siêu tạo hoá chi sinh thành. Khuynh thiên hạ chi ung hòa, dạ vi trú thưởng. Sướng thế gian chi tâm mục, lão hoán đồng nhan…”.
Dịch nghĩa:
“Dựng đài cao Quảng Chiếu, hướng sân trước Đoan môn, trong trồng một cây nêu, ngoài dựng tháp bảy tầng. Uốn mình rồng đỡ lấy sen vàng, may lồng lụa che cho đèn sáng. Dấu máy tinh vi ở dưới đất, chuyển động xoay tròn như bánh xe. Rực ánh sáng ở giữa trời, chói chang như vầng nhật. Lại có bảo thánh rực rỡ trang nghiêm, điện vàng chùa báu, do thánh ý dựng nên. Đặt hai dãy tượng vàng song đối, dáng tỏ linh văn, hình phô kỳ lệ. Lại có hai tòa lầu hoa, trong treo chuông vàng, chạm nhà sư mặc áo cà sa, vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên đánh. Nghe tiếng vỗ bao gươm mà kính nghiêm quay mặt, nhìn thấy thánh minh mà khom cật cúi đầu. Mọi việc đều do ý nhà vua, y như động tĩnh.
Lại có các tháp làm bằng thất bảo, xếp thành một hàng. Chính giữa là một toà tháp vàng, đặt tướng lành Như Lai Đa Bảo, bày mấy tầng chân hình Đức Phật, mái hiên lấp lánh ánh bình minh, màu ngói nhòa vẻ sáng mây biếc. Thứ đến có hai tòa tháp bạc, bên trái đặt chân dung Đức Phật A Di Đà, bên phải bày tượng Như Lai Diệu Sắc Thân, chiều cao mở ra thế khoẻ, vẻ đẹp bay bổng mái cong, long lanh át thể tuyết trắng, xán lạn lấn sắc trăng thu.
Thứ nữa lại có hai tòa tháp gỗ mun, bên trái đặt từ nhan Đức Phật Quảng Bác Thân, bên phải bày diệu tướng Như Lai Ly Bố Úy, đã hoàn thành gác lớn, lại xây dựng lầu cao, mái lợp ngọc trắng, vách chạm hình rồng. Kế đến có hai toà tháp ngà voi, bên trái bày dung nghi Đức Phật Cam Lộ Vương, bên phải đặt tuệ nhan Như Lai Bảo Thắng, gọt mài chất quý, cao dựng cột hiên, các cạnh cẩn ngọc biếc, các khe khảm sừng tê. Lại soạn kỹ những lời đẹp đẽ, đều khắc vào bên cạnh tòa sen. Mở tấm lòng chân thực, soi tỏ mãi đời sau. Lại tả chín phương trời bằng năm sắc, khắc bốn cột bằng cặp đối treo. Viền bên nghìn đèn lấp lánh, hai mặt rực rỡ vàng son. Có thể nói vượt xa chế độ xưa nay, hơn hẳn cả sinh thành của tạo hoá. Dốc hết lòng vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày, thoả tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại…”.
Địa điểm, cách bài trí, lễ nghi và ý nghĩa của Lễ hội Đèn Quảng Chiếu
1. Theo văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, nơi đặt đèn Quảng Chiếu là một đài cao được dựng ở sân trước Đoan môn. Trong quy hoạch tổng thể, kinh thành Thăng Long gồm có ba vòng thành: La Thành rộng lớn bao quanh phía ngoài, tiếp đến là Hoàng Thành, trong cùng là Cấm Thành, nơi ở của Hoàng đế. Đoan môn là lớp cửa trong cùng dẫn vào cung vua và cửa chính Đoan môn chỉ dành riêng để nhà vua qua lại.
Việc tổ chức Lễ hội Đèn Quảng Chiếu ở sân trước Đoan môn (có sách chép ở cửa Đại Hưng, phía Nam của Hoàng thành) không những chỉ ra tính chất quan trọng của lễ hội đối với vương triều mà còn cho thấy cảnh thanh bình của đất nước, mối liên hệ gần gũi giữa triều đình với nhân dân. Như vậy, Lễ hội Đèn Quảng Chiếu là dịp để thấy rõ hơn ý nghĩa sinh hoạt văn hóa tâm linh và quan hệ giao tiếp cộng đồng thời Lý.
2. Cách bày trí lễ hội qua miêu tả của Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Công Bật có thể cho chúng ta một cái nhìn bao quát từ trong ra ngoài.
– Đài cao Quảng Chiếu được thiết lập bảy tầng, ở giữa trồng một cây nêu, các tầng tháp gắn kết với nhau, chuyển động bằng vòng tròn bánh xe quay (máy cơ – động học) được giấu ở dưới mặt đất. Có thể hình dung mỗi tầng tháp như một bông sen đang nở, chung quanh mỗi tầng uốn cong hình rồng, treo những chiếc lồng đèn hoa sen màu vàng, dùng vải nhiễu để che gió cho ngọn đèn. Khi phục dựng, chúng ta có thể tham khảo hình dáng của tháp cửu phẩm liên hoa, bằng gỗ tại chùa Giám (Hải Dương), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
– Lại có bảo thánh, kim điện do ý chỉ của Hoàng đế sắp đặt, tức thiết lập điện vàng thờ Phật, tôn trí hai hàng tượng Phật đối nhau ở hai bên.
– Lại dựng hai lầu được kết bằng hoa, trong lầu có treo chuông vàng và khắc nhà sư mặc áo cà sa đang đánh chuông (máy cơ – động học).
– Lại có bảy tòa tháp được xếp thành một hàng, tháp vàng ở giữa tôn trí Đức Phật Đa Bảo. Có hai tháp bằng bạc: bên trái tôn trí Đức Phật A Di Đà, bên phải tôn trí Đức Phật Diệu Sắc Thân. Có hai tháp bằng gỗ mun: bên trái tôn trí Đức Phật Quảng Bác Thân, bên phải trôn trí Đức Phật Ly Bố Uý. Có hai tòa tháp bằng ngà voi: bên trái tôn trí Đức Phật Cam Lộ Vương, bên phải tôn trí Đức Phật Bảo Thắng. Trang trí cho các tháp như: các cạnh nạp ngọc, các vách chạm rồng, các khe khảm sừng, soạn những lời hay ý đẹp khắc vào bên cạnh tòa sen.
– Lại trang hoàng chín phương bằng năm sắc (có thể là cờ, phướn, lụa màu cũng có thể là vẻ lại cảnh giới của các tầng trời), khắc câu đối treo trên bốn cột.
– Hai bên bố trí hàng nghìn ngọn đèn (thậm chí hàng vài vạn như An Nam chí lược đã chép).
3. Lễ nghi: đoạn trích trên miêu tả các quan quân khi nghe thấy tiếng vỗ bao gươm thì đứng nghiêm, nhìn thấy nhà vua thì cúi lưng nghênh đón. Trong An Nam chí lược thì chép “thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái, gọi là ‘chầu đèn’”. Như vậy còn có nghi thức chầu đèn, nghi thức này do vua và các quan lại thực hiện. Sau đó các nhà sư tụng kinh và nhiễu Phật (đi vòng tròn tụng kinh để tán thán Đức Phật).
4. Ý nghĩa của lễ hội nhằm ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị của đất nước, làm cho “đêm trở thành ngày” và “người già trẻ lại”. Điểm đáng lưu ý trong Lễ hội Đèn Quảng Chiếu chính là việc tôn trí đặc biệt rực rỡ và nghiêm trang bảy Đức Phật trong bảy tòa tháp quý báu.
Xưa nay cứ liên hệ đến bảy Đức Phật trên trong Lễ hội Đèn Quảng Chiếu là người ta lý giải về việc cúng thí ngã quỷ. Chính vì thế một số người cho rằng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu gắn với lễ cúng thí. Cần phải khẳng định Lễ hội Đèn Quảng Chiếu diễn ra trong dịp đầu Xuân là lễ cầu quốc thái dân an, còn nghi thức cúng chẩn tế là một phần không thể thiếu của bất cứ lễ hội lớn nào, và thường được thực hiện sau khi bế mạc lễ hội (bế đàn) với mục đích khao thí. Trong khoa nghi chẩn tế còn lưu truyền cho đến hôm nay có những ghi chép nhằm tán thán công đức của bảy vị Phật kể trên.
Chúng tôi xin trích phiên âm và dịch nghĩa:
“Chư Phật tử đẳng, ngã kim vị nhữ xưng tán Như Lai cát tường danh hiệu, năng linh nhữ đẳng vĩnh ly tam đồ bát nạn chi khổ, thường vi Như Lai chân tịnh đệ tử.
Chư phật tử đẳng, nhược văn Đa Bảo Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng cụ túc tài bảo, xứng ý sở tu, thụ dụng vô tận.
Chư phật tử đẳng, nhược văn Bảo Thắng Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng trần lao nghiệp hoả tất giai tiêu diệt.
Chư phật tử đẳng, nhược văn Diệu Sắc Thân Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng bất thụ xú nậu, chư căn cụ túc, tướng hảo viên mãn, thù thắng trang nghiêm, thiên thượng nhân gian tối vi đệ nhất.
Chư phật tử đẳng, nhược văn Quảng Bác Thân Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng ngạ quỷ châm yết, nghiệp hoả đình nhiên, thanh lương thông đạt, sở thụ ẩm thực, đắc cam lộ vị.
Chư phật tử đẳng, nhược văn Ly Bố Uý Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng, thường đắc an lạc, vĩnh ly kinh bố, thanh tịnh khoái lạc.
Chư phật tử đẳng, nhược văn Cam Lộ Vương Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng nhất chích cam lộ thuỷ, năng trừ cơ khát tiêu đàn, quán sái đỉnh môn, tất linh an lạc.
Chư phật tử đẳng, nhược văn A Di Đà Như Lai danh hiệu, năng linh nhữ đẳng vãng sinh tây phương Cực Lạc Tịnh Độ, liên hoa hoá sinh, nhập bất thoái địa.
Chư phật tử đẳng, thử thất Như Lai dĩ thệ nguyện lực, bạt tế chúng sinh, vinh ly phiền não, thoát tam đồ khổ, an ổn thường lạc, nhất xưng kỳ danh, thiên sinh ly khổ, chứng Vô thượng đạo, thiên sinh ly khổ, chứng Vô thượng đạo”.
(Này các Phật tử, nay tôi vì các vị xưng tán danh hiệu cát tường của chư Phật, có thể khiến các vị vĩnh viễn xa lìa nơi Tám nạn, Ba đường, thường làm đệ tử chân tịnh của Như Lai.
Này các Phật tử, nếu nghe được danh hiệu Đa Bảo Như Lai, có thể làm cho các vị được đầy đủ của báu, thọ dụng không hết, những điều tu tập đều được như ý.
Này các Phật tử, nếu nghe được danh hiệu Bảo Thắng Như Lai, có thể làm cho tất cả nghiệp khổ trần lao của các vị đều được tiêu trừ.
Này các Phật tử, nếu nghe được danh hiệu Diệu Sắc Thân Như Lai, có thể làm cho các vị không còn thọ thân xấu khổ, các căn trên cơ thể đầy đủ, tướng đẹp tròn đầy, trang nghiêm tột bậc trong cõi trời, người.
Này các Phật tử, nếu nghe được danh hiệu Quảng Bác Thân Như Lai, có thể làm cho các vị không còn bị khổ yết hầu nhỏ như kim nơi ngạ quỷ, lửa nghiệp dừng đốt, trong mát thông đạt, ăn uống những gì đều là cam lộ.
Này các Phật tử, nếu nghe được danh hiệu Ly Bố Uý Như Lai, có thể làm cho các vị thường được an lạc, vĩnh viễn xa lìa kinh sợ mà được thanh tịnh vui vẻ.
Này các Phật tử, nếu nghe được danh hiệu Cam Lộ Vương Như Lai, một giọt nước cam lộ có thể làm cho các vị tiêu trừ đói khát, quán sái đỉnh môn tất được an lạc.
Này các Phật tử, nếu được nghe danh hiệu A Di Đà Như Lai, có thể làm cho các vị được vãng sinh Tây phương Cực Lạc Tịnh Độ, do hoa sen sinh, vào ngôi không còn thoái chuyển.
Này các Phật tử, bảy Đức Như Lai đây, dùng lực thệ nguyện, cứu độ chúng sinh, vĩnh viễn xa lìa phiền não, thoát khổ ba đường, an ổn thường vui. Niệm một danh hiệu Phật đây, nghìn kiếp lìa khổ, chứng đạo Vô thượng, nghìn kiếp lìa khổ, chứng đạo Vô thượng).
Để hình dung thêm về đời sống sinh hoạt lễ hội Phật giáo thời Lý, chúng ta có thể tìm hiểu Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh, được lập vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7, 1126 (cũng là năm diễn ra Lễ hội Đèn Quảng Chiếu), do thiền sư Giác Tính Hải Chiếu soạn.
Văn bia có nhận định: “Tạc nên hình tượng để biểu thị “sự thâu tóm”; dựng nên đền tháp để có “sự hướng về”. Hết tâm sức để kinh doanh, bỏ châu ngọc mà không tiếc. Cho nên đường thì đặt ranh giới bằng dây vàng, hiên thì phô sự quý giá của rèm châu. Tuy rằng hết đỗi trang nghiêm, mà vẫn không hề xa xỉ. Bởi vì mục đích là ở sự tìm cái “nhất” và cái “chân”, chứ đâu phải chỉ cốt làm cho bụng dạ và con mắt chói lòa để khoe khoang sự tráng lệ. Từ khi có Phật giáo tới nay, sự thờ phụng ngày càng thêm mới…”.
Dụng ý của người xưa đã rõ, vậy khi phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu chúng ta cũng nên cân nhắc sao cho linh hoạt, không gây tốn kém, đặc biệt với một số công đoạn, hoàn toàn có thể sử dụng bằng gỗ và các chất liệu hiện đại để tạo nên những màu vàng, bạc, gỗ mun, ngà voi, nhằm đạt được hiệu ứng thẩm mỹ, nghệ thuật.
Những miêu tả trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, về cơ bản đã đủ những cơ sở cần thiết để chúng ta có thể phục dựng Lễ hội Đèn Quảng Chiếu. Lễ hội là một giá trị văn hoá luôn luôn sáng tạo và sống động, vì thế khi thực hiện, chúng ta phải thận trọng làm sao để vừa phục dựng, bảo tồn được những nội dung đã trở thành tinh hoa, vừa làm cho lễ hội “ngày càng thêm mới”, có như vậy lễ hội mới không đi vào sự đơn điệu nhàm chán. Chắc chắn phần hội sẽ sinh động và mở rộng hơn nếu có sự tham gia của cả cộng đồng.
Hy vọng, Lễ hội Đèn Quảng Chiếu sẽ được lưu tâm phục dựng vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tạo cơ sở cho việc phục dựng bài bản hơn vào đúng dịp rằm tháng Giêng trong những năm tiếp theo.
Cột mốc một nghìn năm mang ý nghĩa rất đặc biệt, có thể mở ra vận hội lớn cho toàn dân tộc, mong rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cơ quan hữu trách về văn hoá có thể nỗ lực, cùng hợp tác với nhau để sớm phục dựng lễ hội mang tầm vóc và nhiều ý nghĩa này.
Sách tham khảo:
1. An Nam chí lược, Lê Tắc, thế kỷ 14 (1335), Viện Đại học Huế, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1961.
2. Đại Việt sử lược, Khuyết danh, thế kỷ 14 (1377 -1388), Nguyễn Gia Tường dịch, 1972.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, Bản in Nội Các Quan Bản (1697), Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003.
4. Thơ văn Lý – Trần, tập I, Viện Văn học, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.