Cuộc chấn hưng Phật giáo khởi đầu từ những năm 20 thế kỷ XX, đến thập niên 1950 -1960, chỉ mới đưa lại kết quả bước đầu hồi phục hoạt động giáo dục tăng ni nội bộ Phật giáo. Giáo dục xã hội, nhà chùa cũng chính là nhà trường, vai trò mà Phật giáo Việt Nam đã có từ thế kỷ X, đến thập niên 1950 -1960 thế kỷ XX, vẫn là một khoảng trống lớn.
Đánh mất vị trí, vai trò của mình trong hoạt động giáo dục xã hội, Phật giáo Việt Nam đã hạ thấp vị trí của mình, từ một tôn giáo của tri thức, xuống tôn giáo của mê tín, chuyên vào hoạt động nghi lễ, cầu cúng. Đấy là một hệ quả tất yếu, không thể tránh khỏi, khi một tôn giáo từ khước, không nhận lấy vai trò là bộ máy cung cấp kiến thức, đào tạo nhân tài cho xã hội.
Ở miền Nam trước 1963, nói đúng hơn là trước 1964, đạo Thiên Chúa Ca tô là tôn giáo nắm trong tay hệ thống giáo dục khá hoàn thiện. Các trường mẫu giáo trung học do các dòng tu lập nên chiếm giữ những vị trí tốt nhất, từ trung tâm thành phố, khu vực quanh nhà thờ Đức Bà với những đường phố công sở rợp bóng cây xanh, đến những trường ở khu dân cư người Hoa Quận 5, trường ở khu giáo dân di cư ở khu vực ngoại ô… Đâu đâu, cũng thấy các trường Thiên Chúa giáo với biểu tượng Thánh giá.
Sau pháp nạn lịch sử 1963, ý thức rằng một tôn giáo mạnh phải là một tôn giáo nhận lấy trách nhiệm giáo dục xã hội, có tác động mạnh mẽ đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, chư tôn đức lãnh đạo tổ chức giáo hội bấy giờ ở miền Nam đã quyết định đẩy mạnh phát triển hệ thống trường tư thục trung tiểu học Phật giáo Bồ Đề (vốn đã có từ trước, chủ yếu ở miền Trung) và Viện Đại học Vạn Hạnh. Đây là quyết định vô cùng sáng suốt của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội bấy giờ, đưa đến những thành quả rực rỡ, có tác động tích cực đối với việc phát triển Phật giáo mãi tới ngày hôm nay.
Bài viết này điểm lại thành tựu như vừa nói trên lãnh vực giáo dục xã hội. Bài viết có thể có những thiếu sót, thậm chí, sai sót, vì tác giả chỉ là người hậu học, trưởng thành trong bối cảnh hệ thống trung tiểu học Bồ Đề và Đại học Vạn Hạnh không còn do hoàn cảnh lịch sử. Chắc chắn, những thiếu sót có thể được bổ sung và hiệu chỉnh dễ dàng, vì chư tôn đức thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục xã hội Phật giáo nhiều vị hiện nay vẫn còn.
Các trường trung tiểu học Bồ Đề
Trước hết, cần lưu ý hệ thống giáo dục xã hội do Phật giáo điều hành được triển khai mạnh mẽ trừ năm 1965 không chỉ bắt đầu từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học, mà còn gồm cả giáo dục mầm non. Dường như các cơ sở giáo dục mầm non Phật giáo thường được nhắc đến lúc bấy giờ gắn liền với các cô nhi viện Phật giáo lớn.
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở đào tạo bậc học mầm non do Phật giáo điều hành ít hơn nhiều so với hệ thống trường Bồ Đề, gồm cả trung học (từ lớp 6 đến lớp 12) và tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5).
Bấy giờ, một trường gồm cả trung tiểu học không hẳn là một trường lớn. Tuy nhiên,, một trường trung tiểu học tư thục như thế mang lại cho học sinh được nhiều thuận lợi, góp phần giúp học sinh học dễ dàng theo học đến lớp 12, dự kỳ thi Tú tài.
Cùng có một tên gọi Bồ Đề cho các trường do Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ thành lập, quản lý và điều hành, nên điều này đã góp phần hình thành một thương hiệu giáo dục tư thục Phật giáo, tuy đây chưa phải là một thương hiệu thành công tuyệt đối.
Ở Sài Gòn, trường Bồ Đề có khi là một cơ sở biệt lập như trường ở khu vực Chợ Cầu Muối, nay thuộc Quận 1, nhưng thường gắn với nhà chùa, như trường Bồ Đề ở chùa Giác Ngộ nay thuộc quận 10, chùa Giác Sanh, nay thuộc quận 11… Ở các tỉnh, cơ sở trường Bồ Đề thường gắn với các chùa, do khuôn viên các chùa còn rộng rãi.
Điều rất tiếc là tuy có mặt ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng hệ thống trường Bồ Đề không tiến vào được khu vực giáo dục sang trọng nằm ở các đường phố có nhiều cây xanh với tâm điểm là Nhà thờ Đức Bà – Dinh Độc Lập.
Vị trí địa lý như thế, dù sao, cũng phản ánh một thực tế là hệ thống trường Bồ Đề không đạt được đến đẳng cấp tương đương các trường trung tiểu học tư thục của đạoThiên Chúa Ca tô, nơi mà thầy giáo và học sinh vừa có vẻ “tây” hơn, vừa có vẻ “sang” hơn. Trường Bồ Đề trở thành hệ thống trường tư thục loại 2, phục vụ chủ yếu con em của người lao động thành thị Sài Gòn, không đủ điều kiện và khả năng theo học các trường công lập. Kết quả đào tạo do vậy cũng có phần hạn chế..
Cũng phải thấy rằng, chư vị hòa thượng, thương tọa đại đức cũng đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường Bồ Đề, trong đó, nổi bật là các cố gắng nâng cao tính kỷ luật trường học và trình độ ban giảng huấn (giáo viên), lúc bấy giờ gọi là giáo sư trung học đệ nhất cấp và giáo sư trung học đệ nhị cấp.
Vị trí địa bàn các trường Bồ Đề dù sao cũng đã làm giới hạn chất lượng đào tạo. Trường tư thục đương nhiên hướng tới đối tượng học sinh ở gần trường. Học sinh trường Bồ Đề phần lớn là con em của các gia đình lao động, một số lớn là học sinh thi trượt vào các trường công lập, phải theo học hệ thống tư thục. Đầu vào như thế, thì chất lượng đầu ra sẽ không cao, không so sánh được với các trường do dòng Đức Bà, dòng La San… điều hành, nằm ở khu vực phần lớn là biệt thự của giới thượng lưu trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ, thu hút học sinh là con cái tầng lớp trên.
Chất lượng đào tạo hệ thống trường Bồ Đề không cao vì quý tôn đức lãnh đạo và điều hành giáo dục xã hội Phật giáo lúc bấy giờ chủ trương mở rộng cửa trường để để đón học sinh nghèo. Học phí trường Bồ Đề rất thấp, để nâng đỡ con em gia đình lao động nghèo. Trong mục tiêu và bối cảnh như vậy, khó mà có được một kết quả đào tạo thật tốt.
Tuy nhiên, hệ thống trường Bồ Đề cũng làm được rất nhiều việc.
Trước hết, hệ thống trường trung tiểu học Bồ Đề thành công bước đầu của việc đưa Phật giáo trở lại với hoạt động giáo dục xã hội ở cấp học phổ thông. Phật giáo, với hệ thống trường Bồ Đề, không còn là một tôn giáo đứng bên ngoài hoạt động giáo dục, chỉ đảm nhận nhiệm vụ nghi lễ, cầu cúng, bói toán, ma chay. Trái lại, nhiều vị tăng ni trẻ trở thành những giáo viên tiểu học, giáo sư trung học kiến thức rộng, có kỹ năng sư phạm và kỹ năng quản lý và điều hành trường trung tiểu học.
Nhà chùa, với hệ thống trường Bồ Đề, đã trở nên gắn bó với đời sống xã hội hơn.
Học sinh đến trường Bồ Đề học tập, cũng đồng nghĩa với nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến chùa, từ đó một bộ phận tham gia sinh hoạt tổ chức Gia đình Phật tử. Điều đó vừa có lợi cho cộng đồng xã hội, vừa lợi ích cho Phật giáo.
Hệ thống trường trung tiểu học Bồ Đề cũng là phương tiện để giới Phật giáo thực hành hạnh bố thí. Có lẽ, mức học phí các trường trung tiểu học Bồ Đề là mức học phí thấp nhất trong các trường tư thục, có tính chất giúp đỡ con em các gia đình lao động nghèo có điều kiện học hành.
Quý tăng ni là thầy cô giáo chắc chắn không hề có ý định làm giàu bằng học phí. Vì vậy, trường Bồ Đề là chiếc phao cứu sinh, giúp cho nhiều em học sinh không phải bỏ học vì điều kiện gia đình khó khăn, trong khi trường công bấy giờ phải thi tuyển với một sĩ số rất hạn chế.
Viện Đại học Vạn Hạnh
Khác với hệ thống trung tiểu học Bồ Đề, Viện Đại học Vạn Hạnh đã là một thành tựu giáo dục xã hội nổi bật của Phật giáo miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Là một tôn giáo đi sau trong lãnh vực giáo dục xã hội tại miền Nam, nhưng Phật giáo đã bứt phá ngoạn mục ở giáo dục bậc đại học hướng đến cộng đồng với Viện Đại học Vạn Hạnh.
Phật giáo đã xây dựng và xây dựng thành công trong thời gian ngắn một viện đại học tầm cỡ. Về cơ cấu tổ chức Viện Đại học Vạn Hạnh có thể được coi có vị thế tương đương với Viện Đại học Sài Gòn. Hiện nay, chúng ta thấy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, cơ sở phân khoa trước đây của Viện Đại học Vạn Hạnh, một căn phòng lớn có gắn biển “Tòa Viện trưởng”. Đây là một “dấu vết” còn lại của vị thế trước đây của Viện Đại học Vạn Hạnh, khi mà Giáo sư Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh được coi là tương nhiệm với Giáo sư Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn (tòa Viện Trưởng Viện Đại học Sài Gòn lúc đó đặt tại Công trường Quốc tế, thường gọi dưới tên Hồ Con Rùa nay là trụ sở Đại học Quốc gia TPHCM).
Hoạt động trong thời gian ngắn xấp xỉ 10 năm, mất một số thời gian cho công việc chuẩn bị, vừa đi vào hoạt động, Đại học Vạn Hạnh đã khẳng định thương hiệu giáo dục của mình. Về mặt so sánh, ở một số khía cạnh của Viện Đại học Vạn Hạnh có thể xem là nổi trội hơn cả Viện Đại học Minh Đức, một đại học tư hoạt động giáo dục xã hội khá tích cực của đạo Thiên Chúa giáo Ca tô.
Tổ chức trong hình thức có thể tạm so sánh với một trường đại học tổng hợp ngày nay, nhưng điều tất yếu là Đại học Vạn Hạnh tiến khá xa trong các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn.
Thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh trước hết là do đã có được bộ máy lãnh đạo tổ chức điều hành có thực tài, nhiệt thành và gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Xây dựng một viện đại học khó khăn hơn nhiều so với xây dựng hệ thống các trường trung tiểu học. Sài Gòn những năm 1960, trong bối cảnh các trường tiểu học, trung học tư thục đã khá phát triển, thì đại học tư thục vẫn là khái niệm mới. Cái khó là ở chỗ quá mới. Cho nên xây dựng được đại học tư thục đã là một thành công, đưa vào hoạt động hiệu quả lại là thành công lớn hơn nữa. Viện Đại học Vạn Hạnh thuộc về trường hợp này.
Một trong những hoạt động chính của một viện đại học là hoạt động nghiên cứu. Viện Đại học Vạn Hạnh sớm khẳng định vị thế của mình cũng nhờ ở hoạt động này trong khi kết quả đào tạo phải chờ qua một thời gian tương đối mới có thể khẳng định. Tạp chí Tư Tưởng đã là một thể hiện sống động thành quả nghiên cứu học thuật của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Cơ sở vật chất của Viện Đại học Vạn Hạnh không lớn, nhưng tổ chức hoạt động khá quy củ và khoa học xứng tầm với một viện đại học. Có lẽ, do đạt được một số tiêu chuẩn khoa học nhất định, cho nên, sau 1975, cơ sở hạ tầng Viện Đại học Vạn Hạnh được sử dụng làm cơ sở 1 của trường Đại học Sư phạm TPHCM, trong khi cơ sở của Đại học Sư phạm Sài Gòn trước đây trở thành cơ sở 2.
Thành công của Đại học Vạn Hạnh cũng một phần khiến cho tôn giáo khác ở miền Nam trước 1975 quan tâm nhiều hơn vào mục tiêu giáo dục đại học, nói cụ thể là xây dựng đại học tư, mà không quan tâm nhiều đến hệ thống trường trung tiểu học.
Hiện nay, trong bối cảnh hệ thống giáo dục dân lập và tư thục đang trong xu hướng phát triển, góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, thì Viện Đại học Vạn Hạnh vẫn là một hình mẫu khiến chúng ta suy gẫm.
Viện Đại học Vạn Hạnh là một yếu tố quan trọng để Phật giáo miền Nam Việt Nam khẳng định tính chất trí tuệ của đạo Phật, đồng thời đưa đạo Phật tham gia mật thiết trong đẳng cấp tương xứng vào sinh hoạt tinh thần của xã hội.