Trang chủ Thời đại Giáo dục Hoạt động giáo dục: con đường đưa đạo pháp đến với giới...

Hoạt động giáo dục: con đường đưa đạo pháp đến với giới trẻ

81

Những tưởng, việc tập trung vào những hoạt động dành cho người già, người chết chỉ có ở những ngôi chùa Việt Nam, đặc biệt là ở miền quê hẻo lánh, nơi trình độ dân trí thấp, sinh hoạt tinh thần lạc hậu (chẳng hạn, hoạt động ma chay, cầu siêu, bố  thí quan tài, cúng mở cửa mả…), những hoạt  động mà chúng ta vẫn còn thấy phổ biến  ở những ngôi chùa nông thôn, với nhiều tín đồ trong tình trạng không biết chữ.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, khi nghe trên internet, ở mục quảng cáo – thông báo của một đài phát thanh nước ngoài, trong đó các chùa đều tập trung thông báo các hoạt động dành cho người cao niên như giới thiệu dịch vụ chung sự, giới thiệu đất nghĩa trang nhà chùa, giới thiệu hoạt động thủy táng…

Điều khác chỉ là, ở Việt Nam, thì hầu như các hoạt động như vậy không được quảng cáo, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Còn ở Mỹ, nó được thông báo như một dịch vụ. Hơn nữa, nó còn kèm với những hoạt động khác như thủy táng (nghi thức rải tro cốt xuống biển) có thể xem cá heo biểu diễn, du lịch vãn  cảnh chùa…

Nhưng tất cả chỉ đều xoáy vào mục tiêu: phục vụ  người già, người quá vãng.

Đi cùng chương trình những thông báo của Phật giáo, được phát song song trên đài phát thanh nước ngoài nói tiếng Việt đã nói là những thông báo của phía Thiên Chúa giáo. Trừ một số hoạt động như thánh nhạc, truyền giảng…, đại đa số thông báo của Thiên Chúa giáo (gồm cả Ca tô lẫn Tin Lành) đều nằm ở lãnh vực giáo dục: giới thiệu trường tư thục các cấp từ mẫu giáo đến đại học, giới thiệu học bổng, thông báo trại hè dành cho sinh viên học sinh, thông báo họp mặt cựu học sinh sinh viên.

Search bằng từ khóa “Vietnamese Radio”, vào nghe một đài nói tiếng Việt bất kỳ  ở nước ngoài, chẳng bao lâu chúng ta sẽ đều bắt gặp nội dung này.

Để qua một bên câu hỏi tại sao, chúng ta tìm đến một câu hỏi thực tế và cần thiết hơn: Điều này sẽ đưa đến hệ quả gì?

Kết quả  không mấy khó khăn để dự đoán: Với 2 đối tượng được khoanh vùng rõ rệt, hoạt động chủ  yếu ở chùa dành cho người già và các hoạt động giáo dục của Thiên Chúa giáo (nhưng không nhất thiết ở nhà thờ) dành cho  giới trẻ được tổ chức ở khắp mọi nơi, thì Cơ đốc giáo, với môi trường tiếp xúc thường xuyên với giới trẻ, chắc chắn sẽ thu hút ngày càng nhiều tín đồ trẻ vào đạo. Còn Phật giáo, hiển nhiên là ngược lại.

Bên cạnh việc xác định tập trung vào nhóm đối tượng thanh niên, so với các hoạt động khác mà các tôn giáo có thể tham gia, như y tế, văn hóa, học thuật…, giáo dục có thế mạnh đặc biệt trong mục tiêu chiếm lĩnh giới trẻ.

Các hoạt  động văn hóa, y tế có tác động mạnh đến đối tượng tham gia thì chỉ trong một thời gian nhất định. Trong khi đó, giáo dục có thời gian tác động là trường kỳ. Các bậc học phổ thông tác động đến 12 năm, suốt thời gian thơ ấu và trưởng thành của một con người. Nếu mở rộng ra cả thời gian học mẫu giáo và bậc đại học, gồm cả giai đoạn sau đại học, thì giáo dục tác động liên tục đến gần 1/4 đời người, trong thời gian dễ chịu tác động hơn cả (ấu thơ đến trung niên).

Vì thế, một số tôn giáo lớn trên thế giới quan tâm đến giáo dục một cách toàn diện, từ đào tạo mầm non, bước khởi đầu, cho đến tiến sĩ, cấp đào tạo cao nhất.

Không những giáo dục có tác động trường kỳ, mà giáo dục tác động vào cái đầu. Đến chữa bệnh ở một cơ sở y tế do tôn giáo điều hành, tác động chính chỉ nhắm vào các vấn  đề thể xác. Trong khi ở giáo dục, các nội dung tôn giáo chuyển tải vào đầu óc học sinh được tiêm nhiễm thường trực, có khi rõ ràng công khai, có  khi được che đậy, gói ghém bao bọc bởi những kiến thức có thể bề ngoài không liên quan đến tôn giáo.

Giáo dục, theo cách làm tuyệt đối phổ biến, là phải  đến trường. Trong giáo dục, do tôn giáo điều hành, người đi học phải đến không gian do tôn giáo tổ chức, phải thường xuyên tiếp xúc với những biểu tượng tôn giáo, gần gũi thường xuyên với những con người tôn giáo, có thể thực hiện gián tiếp và ngoài ý muốn các nghi thức tôn giáo. Do vậy,  không gian trường học là không gian truyền đạo vô cùng thuận lợi.

Không gian tôn giáo, thời gian tôn giáo, môi trường tôn giáo, quần thể bạn hữu thầy dạy tôn giáo, kiến thức tôn giáo, tất cả phủ trùm lên việc đi học ở  trường tôn giáo. Những yếu tố trên sẽ không kết thúc hoàn toàn tác động khi người đi học tốt nghiệp, ra trường. Kiến thức sẽ còn lại cả  đời. Mối quan hệ bạn hữu, thầy trò cũng sẽ  còn lại bên người đã đi học đến suốt cuộc  đời.

Ở Việt Nam, đối với các tôn giáo có bản chất xa lạ, cách biệt đối với cộng đồng dân tộc, thì giáo dục là phương tiện hữu hiệu giải quyết những vấn đề khoảng cách nói trên, đưa tôn giáo tiếp cận với cộng đồng ngoài tôn giáo đó. Từ đó, giáo dục phục vụ hữu hiệu cho mục tiêu xóa khoảng cách, thực hiện việc truyền đạo.

Xem giáo dục xã hội là một công cụ, tôn giáo không chỉ tác động đến phần ý thức, mà còn gồm cả phần vô thức của con người.

Với hiệu quả mạnh mẽ và sâu rộng như vậy, nhưng giáo dục xã hội đối với một số tôn giáo lại không phải là một hoạt động tạo gánh nặng như hoạt động từ thiện, kinh doanh sinh lãi rất lớn.

Trước đây ở Việt Nam và hiện nay trên khắp thế giới, một số trường do mà là hoạt động tôn giáo điều hành, đặc biệt là cấp từ mẫu giáo đến trung học, có mức học phí cao ngất ngưởng, nhưng vẫn có đông đảo học sinh theo học. Tất nhiên là lãi đậm.

Chưa chắc chất lượng giảng dạy ở 100% các trường đó đều tốt, nhưng giá học phí cao là nhờ ở thương hiệu hệ thống, một hệ thống giáo dục thường được quảng cáo là có chất lượng tốt “nhất” thế giới! Chất lượng cao thì đồng nghĩa với giá bán dịch vụ phải cao. Nhất cử lưỡng tiện, vừa truyền đạo, vừa thu được bộn tiền. Trường tôn giáo nào đó có thu tiền cao hơn thì cũng không ảnh hưởng gì đến bộ mặt tôn giáo đó.

Trái lại, học phí cao còn có tác dụng nâng cao giá trị  học bổng, thường là để nhằm vào những học sinh ưu tú. Học bổng càng cao có nghĩa là số tiền mà học sinh được học bổng theo học miễn phí  càng lớn, “ân nghĩa” càng trở nên sâu nặng. Trong khi đó, học sinh giỏi là thành phần sẽ trở thành tầng lớp tinh hoa của xã hội mai sau. Việc cải đạo tập trung nhằm vào thành phần này.

Giáo dục xã hội mang đến cho tôn giáo lợi ích nhiều mặt, nhưng rất tiếc là Phật giáo chúng ta chưa chú  ý đúng mức. Cho dù bỏ qua mặt kinh doanh, chỉ hướng đến khía cạnh hoằng pháp, thì giáo dục cũng là một phương tiện mà Phật giáo không thể không quan tâm.

Ở Việt Nam, nhà trường hiện nay vẫn tách rời với cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, trong chiều hướng đổi mới, trong sự phát triển khách quan của hoạt động giáo dục, việc tôn giáo tham gia, góp phần vào hoạt động giáo dục là một khả năng rất lớn.

Ở bậc đại học, nhiều trường đại học tôn giáo ở nước ngoài đã chủ động đến các trường trung học, đại học ở Việt Nam vừa tuyển sinh du học, hợp tác đào tạo, vừa tìm đối tượng học sinh giỏi cấp học bổng. Dường như, không nghe nói đến các trường do Phật giáo điều hành trong các hoạt động này.

Trong khi đó, nhiều trường lớp mẫu giáo, bậc học mầm non tư  thục được mở lên ở các nhà thờ, tu viện khắp làng quê Việt Nam. Điều này dễ  thấy, vì trong 10 năm trở lại đây, một phần các cơ sở tôn giáo (ngoài Phật giáo) bỗng nhiên…  đổi màu. Kiến trúc các tu viện được sơn phết lại với màu sắc tươi tắn, rực rỡ, thêm những trang trí chim hoa đặc sở, sinh động dành cho trẻ em. Đó là những lớp mẫu giáo, những vườn trẻ do các nữ tu điều hành.

Trong khi đó, điều trái ngược là ở các chùa Phật giáo, vấn đề quan tài bố thí lại là một sự kiện!

Điều này tạo nên, một đàng là tập trung hướng về giới trẻ, ngay từ lứa tuổi nhi đồng. Còn một bên, thì thiên về những yếu tố hoàn toàn không thích hợp với giới trẻ.

Rõ ràng đây là vấn đề đặt ra cho Phật giáo chúng ta. Không thể nào nói đến Phật giáo hướng đến giới trẻ mà không nói đến giáo dục.