Hàng chục cụ già vô gia cư ngủ gốc cây, vào chùa xin ăn, vạ vật ở tam quan, lại đưa vào hiên nhà sân sau nằm. Cụ Hậu ở Thái Bình vần bó chổi thanh hao quét lá chùa này từ lúc còn trẻ, hết sân trước ra sân sau.
Cụ bảo lo nhất là trẻ mồ côi đang choai choai, ương dở, học xong không biết quét dọn, chỉ mải tam cúc, tú lơ khơ, không khéo dạy thì lêu lổng. Có đứa yêu sớm, thầy Đàm Lan phải nhủ giữ mình, nếu nhiễm “hát” (HIV) như mấy em bé phải chuyển lên trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm bệnh ở Ba Vì thì khổ lắm…
Thế nhưng sân sau chùa còn thuộc về những cảnh ngộ đã ổn định, đáng để người bên cạnh mơ ước. Như bà cụ đã yên bề nội ngoại, con cháu đề huề, không về nhà cứ chỉ quét chùa dâng hương, may áo cho những người cô đơn, già hơn mình mà không đủ ấm khi mùa đông về.
*
Những người mẹ ở đây ăn chay. Muốn ăn mặn phải bỏ tiền túi ra bù thêm. Thầy trả lương cho họ. Tùy thôi. Đưa bao nhiêu họ nhận bấy nhiêu, mà thường từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Những dịp thầy đi Pháp, đi Ấn, Huế, Bắc Ninh, ở nhà các mẹ tự giác tự quản.
Trẻ đau ốm nặng, vào viện cấp cứu, thầy đưa tiền để lo, còn đứa sơ sẩy hắt hơi sổ mũi thì người mẹ bỏ tiền ra thuốc thang. Thế cũng là gánh nặng cho nhà chùa rồi. Nghĩ đến điều ấy, tôi hỏi thầy Đàm Lan: “Trẻ bị bỏ rơi ngày một nhiều. Chùa đang quá sức chịu, có khi nào thầy thấy khó không?”.
“Không, tôi thỉnh chuông lạy Phật. Và nhờ các phật tử giúp. Cứu chúng sinh là bổn phận của nhà chùa. Giang tay ra thôi, như hoa cau nở ra quả cau, đến mùa hằng năm ấy mà”.
Đức Quan âm Bồ Tát nghìn mắt nghìn tay, giang ra hay chấp trước ngực đều là thông hiểu hết, thi hành được hết pháp lực. Tiểu Kính Tâm hiển Phật, cũng chỉ là một trong muôn ngàn thân. Ở sân sau chùa trẻ mồ côi cũng như hoa cau đang được ấp bẹ và chờ ngày nở hoa nhờ tình yêu giữa những con người với nhau.
Đầu tháng năm âm nhà chùa cúng vào hè. Đám cau sân trước trổ hương ngào ngạt.
Chùa Bồ Đề hay có khách du lịch đến thưởng cỗ chay. Đậu phụ, phù trúc, bưởi bòng, mà ra chục món. Không kinh doanh, chỉ giới thiệu cơm chay Việt Nam ra quốc tế thôi. Tất nhiên ai có lòng hảo tâm thì góp công đức nuôi các cháu.
Quán nước gần chùa, có người kể ngày mới về Bồ Đề, khoảng ngoài ba mươi năm trước, thầy Đàm Lan đã nhận trẻ mồ côi. Tiền bạc dân góp, sư bà đứng ra vun vén, tổ chức nuôi nấng tưng nấy đứa. Thì nó cũng giống cái sự mỗi người góp một giọt dầu, ngọn nến thắp sáng trên ban thờ.
Hồi ấy thầy trò đều sống tùng tiệm, chỗ ở đơn giản. Ngôi nhà từ thiện phía sau xây năm 2008, nhờ công đức một doanh nghiệp nước ngoài, đóng góp của cá nhân trong nước. Dần dần khá lên, các cháu đỡ khổ rất nhiều. Ấy là chuyện ngoài quán nước…
Thầy Đàm Lan còn mệt, thủ thỉ bắt đầu cuộc đối thoại với tôi: “Lúc nào mệt quá tôi cũng ỷ lại. Mà thí chủ viết gì thì đổi tên đi nhé”.
– Thầy ỷ lại vào ai, tăng, ni hay phật tử?
– Tôi ỷ lại vào Phật thôi. Tôi thỉnh chuông xin và tôi có đức tin mãnh liệt vào Ngài chứ tôi không mơ hồ.
– Xin phép hỏi, nhà chùa xuống tóc khi bao nhiêu tuổi?
– Mười sáu tuổi.
– Lại xin phép hỏi, tiền nuôi trẻ là do nhiều tổ chức đóng góp ạ?
– Nhiều doanh nghiệp và cá nhân. Có danh có, chỉ cho và không muốn lưu tên cũng nhiều.
– Tôi nghe nhiều sinh viên không có tiền thuê nhà trọ họ vào đây trông trẻ kiếm chỗ trọ, rồi đi…
– Họ cần qua sông tôi có bè cho họ qua. Cũng chẳng cần họ ngoái lại.
– Thầy có khi nào buồn không?
– Có. Tôi cũng rơi nước mắt luôn. Nhưng là vì trẻ con. Vì chúng không cha, không mẹ. Bơ vơ lắm. Nhất là lễ, tết. Hôm trước chia sữa, rồi quần áo, bỉm, giấy vệ sinh cho các “gia đình”, có mẹ trẻ giấu nhẹm mấy cái bỉm cho con. Rồi mẹ khác mách thầy xin “giải quyết”, thầy tủm tỉm cười, chuyển sang chuyện khác. “Họ cũng vì trẻ cả thôi, khổ thế”.
– Nếu ví thầy là một tiểu Kính Tâm thời nay nuôi con cho người, thầy nghĩ sao?
– Tôi cũng có nhiều người yêu và có kẻ ghét chứ! Vì nhà chùa phải thanh tịnh chứ, phải yên tĩnh thanh tao chứ. Dù đã quy định trẻ ở sân sau, nhưng quy định là một chuyện, có hôm chúng vẫn tràn sang sân trước để chơi, như Hà Nội lấn chiếm vỉa hè để xe máy ấy. Cũng có người khó chịu chứ.
Tôi lặng lẽ vơ mệt nhọc vào thân. Mà nhờ Phật độ bọn trẻ mới được lớn lên như thế. Nhưng lại có mấy cụ già vào chùa sống, ngủ gốc cây, tôi mua giường cho nằm. Thế mà có cụ ngoài chín mươi còn đánh nhau với cụ tám mươi, ầm ĩ cả lên. Đời mà.
Có lúc tôi tự hỏi “Con người có lạ không?”. Tôi lấy làm lạ lắm thí chủ ạ, trong tận cùng nỗi khổ mà họ vẫn khô cằn, vẫn chẳng thương xót người cùng cảnh ngộ.
– Ô, thế ra có nhiều nỗi buồn, thầy nhỉ…
– Tôi lặng lẽ âm thầm làm việc, đôi khi cũng đơn độc chèo bè.
– Nghe nói thầy đi được nhiều nước, thầy học gì ở xứ người ạ?
– Tôi đi nhiều, ví như Mỹ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc. Em gái tôi xuống tóc ở một ngôi chùa bên Mỹ. Gặp nhiều thiền sư, các thầy ở nước ngoài, tôi rất kính nể, thấy mình chỉ là rơm rác, cỏ khô thôi. Thế giới rộng lớn, nhiều người giỏi lắm.
– Thầy có mơ ước gì không?
– Lạy Phật, ước có sức khỏe, để ngoài dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được cùng chung tay với Hội Phật giáo dựng cái trung tâm dạy nghề cho trẻ mồ côi ở Sóc Sơn. Trẻ ở chùa đã đành, lớn lên không có nghề thì dễ sinh hư. Cũng là cách san sẻ gánh nặng cho xã hội.
Đất đai bên Sóc Sơn rộng khoảng 34.000m2. Nếu Trời cho lộc, Phật cho lộc, có đến đâu làm đến đó. Tôi chẳng tính trước làm gì, mình có cầu lợi gì cho mình đâu. Của là rơm rác cả thôi. Tôi mơ ước mình làm được một việc mà tựu trung là vì trẻ thơ không cha, không mẹ. Làm sớm, chứ như bạn tôi đang bệnh nặng, có khi chưa làm được việc gì mà đã ra đi…
– Sư cụ đang nằm trong kia, thầy vừa gọi bác sỹ vào chữa trị là thế nào với thầy ạ?
– Là mẹ của một sư nữ đang ở Pháp, cụ ốm, tôi đón về thuốc thang.
Chuyện đang dở thì có khách Mỹ gốc Việt xin công đức 500.000 đồng, rồi chị Trần Thị Cai ở Phương Mai tới góp một triệu đồng và hai mươi cân gạo. Cháu Cù Tuệ Am sốt không rõ nguyên nhân, mẹ trông xin tạm ứng 2 triệu đồng nộp viện phí ở Việt – Đức. Lại một ni sư hỏi thầy có chữa quạt cho gian nhà của các cụ không.
Cứ thế một ngày từ 4 rưỡi sáng đến 12 giờ đêm, toàn không tên, gọi là “việc” chẳng biết có được… Thầy Đàm Lan tủm tỉm:
– Nói ra cũng buồn cười, tôi thèm ngủ lắm thí chủ à. Rất mệt, nhưng tôi đang hạnh phúc, vì có nhiều người thương yêu cứu giúp các cháu. Mình chỉ là cỏ rác thôi, nhưng nhân nào quả nấy thì có thực.
Tôi tin nhà chùa được Phật độ, thì ngôi trường cho các cháu bên Sóc Sơn được khởi công vào mùa xuân năm tới. Thử hỏi không có Phật độ làm sao bọn trẻ khỏe mạnh và được đến trường. Chúng lớn khôn bằng sự thơm thảo của bao người có danh và vô danh, của rất nhiều tình yêu thương đồng loại.
Sau này chúng nên người, mình như người chở bè qua sông Hồng, đâu có cần chúng ngoái lại làm gì.
Thầy Đàm Lan đã mệt. Tôi cũng lặng thinh, chộn rộn những lẽ đời, nỗi người. Rồi đạp xe từ cầu Chương Dương lạc lên mãi Long Biên, tôi cứ lơ ngơ như người tỉnh về Hà Nội. Đang có đợt nóng. Trời đất gì mà cứ ngộp lên, không thở được. Vẫn ám ảnh đâu đó hương cau quê sân trước bên Bồ Đề, ngan ngát dâng lên, như dòng sông Mẹ thao thiết chảy đêm ngày đằng sau chùa.
Xem phần 1