Từ một bài đăng trên nguyệt san Công giáo và dân tộc
Đó là bài Đạo Chúa hay đạo Do Thái? của Linh mục Thiện Cẩm, một cây viết quen thuộc của giới Thiên Chúa giáo, đồng thời cả đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội trong và ngoài nước. Bài được đăng trên mục diễn đàn nguyệt san Công giáo và dân tộc số 155, tháng 11/2007. Đoạn có đề cập đến đức Phật là đoạn thứ 2, ngay sau câu chuyện mở đầu bài báo. Dưới đây, xin trích lại:
“2. Một hôm cha Nguyễn Hồng Giáo và tôi được Đức cố Tổng Giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình cử lên Ban Tôn giáo thành phố để trao đổi về những thắc mắc của cơ quan này về cuốn Phụng vụ các Giờ Kinh, mà tòa tổng gửi lên để xin giấy phép xuất bản. Chúng tôi được nghe ông trưởng ban Tôn giáo Thành phố nêu nhiều thắc mắc, nhưng ở đây chỉ kể lại một thắc mắc, đó là về câu Thánh vịnh nói rằng “kẻ ngu si tự nhủ, làm chi có chúa trời (Tr 52,1). Ông Trưởng ban Tôn giáo nói: “Chẳng lẽ chúng tôi ngu cả hay sao?” Thật khó trả lời!
Chúng tôi thưa với ông: Đó là người Do Thái nghĩ như vậy. Kinh đọc của chúng tôi lấy nguyên văn các Thánh vịnh của Kinh thánh Cựu ước, nên đọc như thế chứ. Chúng tôi đâu có dám nghĩ rằng những người ngoài Ki tô giáo là ngu”.
Khi trở về hai anh em chúng tôi kể lại cho đức Tổng nghe, ngài bèn nói: “Ừ, đạo mình kỳ cục quá! Đọc kinh thì cứ đọc, song le chửi người ta làm chi cho người ta buồn!”. Tôi nhớ mãi câu nói rất thực tế đó của Đức Tổng, thán phục ngài về tính đơn sơ thẳng thắn và thực tế, với tinh thần tôn trọng những anh em ngoài Hội Thánh. Đấy mới là hợp với tinh thần của tin mừng. Điều này, khiến tôi sau này, khi đọc cuốn sách Bài ca của loài chim của cha Anthony De Mello dòng Tên, người Ấn Độ (nguyên văn tiếng Anh là The song of Bird), do cha Hiến và một nhóm chủng sinh Việt Nam tại Nhật dịch. Văn phòng mục vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản, không để rõ năm nào. Chú thích của Linh mục Thiện Cẩm trong đó có bài “Hãy sửa lại Kinh”, thấy Đức Cố Tổng nhà mình cũng có tinh thần “Thiền” chẳng kém gì cha Mello. Truyện kể rằng “ Một ngày kia, có một học giả đến gặp đức Phật và nói “ Thưa thầy, những điều thầy dạy không thấy ghi trong sách kinh”. Đức Phật trả lời: “Vậy người hãy viết thêm vào”.
Sau một thoáng suy nghĩ, người đó tiếp: “Xin thầy cho phép con được liều lĩnh thưa với thầy rằng: một vài điều thầy dạy xem ra mâu thuẫn với sách kinh!”. Đức Phật bảo “vậy sách kinh đó cần sửa lại!”.
Tại Liên Hiệp Quốc, người ta đưa ra một lời đề nghị là hãy sửa đổi lại tất cả mọi sách kinh của các tôn giáo. Nên cắt bỏ những gì có thể gây ra tinh thần thiếu bao dung, tàn nhẫn, cuồng tín cần phải hủy diệt những gì có thể, một cách trực tiếp hay gián tiếp, chống lại phẩm giá và sự hạnh phúc của con người”.
Bàn luận
Trong câu chuyện sáng tác về Đức Phật nói trên, mà người trích lại (Linh mục Thiện Cẩm) cho là rất có “tinh thần thiền”. Xem sơ qua, có thể ngỡ là “Đức Phật” rất cấp tiến, đổi mới, chống giáo điều, phi kinh viện, không cố chấp. Cần thì bổ sung kinh (“viết thêm vào”) và cần thì “phải sửa lại”. Rất mạnh dạn, đột phá, tiến bộ.
Nhưng đọc kỹ thì có thể thấy rằng, nhân vật “Đức Phật” trong câu chuyện do một linh mục dòng Tên (một dòng tu nổi tiếng là cực đoan, lấy mục đích biện minh cho phương tiện”) là một nhân vật cực đoan, ngạo mạn, độc đoán và vị kỷ. Theo kinh dẫn lời của “Đức Phật” “sáng tác” này thì “Đức Phật” ra lệnh một cách xác quyết và trịch thượng: “Hãy viết thêm vào”, còn nếu kinh sách mâu thuẫn với lời Đức Phật thì Đức Phật bảo ngay lập tức: “Vậy sách kinh đó cần phải sửa lại!”. Như vậy, Đức Phật trong câu chuyện sáng tác của linh mục Thiên chúa giáo dòng Tên Anthony De Mello là người luôn tự cho mình đúng, cho điều mình nói là tuyệt đối đúng, kinh sách nếu không có lời “Đức Phật” là thiếu, còn trái với lời “Đức Phật” là sai. “Đức Phật” của cha dòng tên này không cần tìm hiểu gì cả, chỉ nghe thông báo một câu, là kết luận ngay là kinh thiếu lời Phật là phải thêm, trái với lời Phật là phải sửa. Thực chất, đó là một “Đức Phật” rất chủ quan, hàm hồ, ba chớp ba nháng, và nhất là độc tài, vị ngã.
Đây là hình tượng đức Phật bị ngộ nhận một cách nghiêm trọng. xem ra đức Phật có vẻ tiến bộ đi trước thời đại (ngày nay Liên Hiệp Quốc cũng bàn đến đề xuất “sửa kinh” như vậy). Nhưng điều này còn rất xa với tư duy của đức Phật thật sự.
Chắc chắn là linh mục tác giả câu chuyện tưởng tượng về Ấn Độ kể trên chưa hề biết đến bài kinh Kalama, một bài kinh phổ biến của Phật giáo nguyên thủy và cũng không mấy gì xa lạ với Phật giáo Đại thừa. Bài kinh Kalama có đoạn như sau:
“Phật dạy: “Hãy đến đây người Kalama. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại (tỉ như nghĩ rằng ta đã nghe điều này từ lâu). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì tập tục cổ phong truyền lại như thế (tỉ như nghĩ rằng điều này đã được truyền lại từ bao nhiêu thế hệ). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì có lời đồn đãi như vậy (tỉ như tin lời người khác mà không suy xét). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh sách. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình suy diễn như vậy. Không nên chấp nhận điều gì theo bề ngoài. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến mình. Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hình như có thể chấp nhận được (tỉ như nghĩ rằng điều này phải được chấp nhận). Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều này đã được ta kính trọng từ trước và như vậy là nói phải được chấp nhận).
Tuy nhiên, khi tự các con hiểu rằng những điều này không hợp luân lý, những điều này đáng được khiển trách, những điều này bị các bậc thiện trí thức cấm đoán, nếu thực hiện những điều này sẽ bị phá sản và phiền muộn thì hẳn các con phải từ bỏ, không làm điều ấy.
Khi tự các con hiểu rằng nhưng điều này hợp luân lý, những điều này không bị khiển trách, những điều này được các bậc thiện trí thức tán dương….?
(Anguttara Nikaya – quyển 1, trang 189, Kindred Sayings phần 1, trang 171, 172, dẫn theo Narada Thera: Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kim Khánh dịch, Nhà xuất bản Thuận hóa & Thành Hội Phật giáo TPHCM xuất bản, trang 256).
Căn cứ nội dung của bài kinh Phật dẫn trên, thì Đức Phật thật sự với tinh thần kinh Kalama hoàn toàn trái ngược với Đức Phật trong “sáng tác” của linh mục Anthony De Mello.
Nếu Đức Phật trong trí tưởng tượng của linh mục Anthony De Mello tự khẳng định mình bao nhiêu, thì đức Phật trong bài kinh Kalama lại kêu gọi đệ tử chất vấn lại chính Đức Phật: “Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều này đã được ta kính trọng từ trước (và như vậy lời nói phải được chấp nhận).”
Một bên là một “Đức Phật” ra lệnh như một ông vua. Còn một bên là một Đức Phật kêu gọi suy nghĩ thận trọng, độc lập, khách quan như một nhà khoa học ở thế kỷ XX. Một bên là Đức Phật chỉ có một mình ngài và đối lập với kinh sách, còn một bên là Đức Phật và “luân lý”, “thiện trí thức”, đặc biệt gồm cả ý kiến chủ quan của người đối thoại với Đức Phật và cả sự kiểm nghiệm thực tế nữa: “Nếu thực hiện những điều này sẽ được an ủi hạnh phúc thì hẳn các con phải hành động đúng như vậy”.
Một bên là “Đức Phật” trong sáng tác cứ đòi sửa lại kinh sách, thêm vào kinh sách cho đúng, cho đủ ý mình. Còn một bên là Đức Phật điềm đạm và khiêm nhường, dành lời kết luận cho người đối thoại, sau khi đề cao vai trò của trí tuệ trong đánh giá suy xét các ý kiến.
Nếu được phép viết lại bài “Hãy sửa lại kinh” của linh mục Anthony De Mello, chúng tôi dựa trên tinh thần kinh Kalama xin tạm “viết” lại như sau:
“Một ngày kia có một học giả đến gặp đức Phật và nói:
– Thưa thầy, những điều thầy dạy không thấy ghi trong sách kinh
Đức Phật trả lời:
– Xin thiện nam tử (chứ không phải là ngươi) suy nghĩ, đối chiếu ý kiến mới của ta và kinh sách, đồng thời tham khảo quan niệm truyền thống, quan điểm của các thiện trí thức và kinh nghiệm cũng như ý kiến riêng của thiện nam tử, trên cơ sở lấy an lạc, hạnh phúc làm mục đích. Nếu sau khi nghiên cứu, thấy là cần thiết, thiện nam tử có thể viết thêm vào.
Sau một thoáng suy nghĩ, người đó tiếp:
– Xin thầy cho phép con được liều lĩnh thưa với Thầy rằng một vài điều Thầy dạy xem ra mâu thuẫn với sách kinh.
Đức Phật bảo:
– Vậy không nên chấp nhận ý kiến của ta lẫn kinh sách. Sau khi đối chiếu lời của ta với kinh sách, khi tự hiểu rõ rằng những điều gì không hợp luân lý, những điều gì đáng được khiển trách, những điều gì bị các bậc thiện tri thức cấm đoán, nếu thực hiện nó sẽ bị phá sản và phiền muộn, thì hẳn phải bỏ những điều ấy ra khỏi kinh sách.
Ngược lại, với những tiêu chuẩn như trên, những điều gì khi thực hiện sẽ được an lạc hạnh phúc, thì cần đưa những điều ấy vào kinh sách, cho dù đó là lời của ta hay của bất cứ ai”
Như thế, trong khi “Đức Phật” trong “sáng tác” của linh mục Anthony De Mello lấy chính mình để xét lẽ đúng sai thì “Đức Phật” được tạm xây dựng trên tinh thần kinh Kalama lấy tiêu chuẩn để quyết định từ sự:
– Suy xét bởi trí tuệ chính mình
– Phù hợp với quan điểm của tập thể thiện trí trức.
– Phù hợp với mục tiêu an lạc, hạnh phúc.
Suy cho cùng, các kiểu tư duy chỉ một mình ta là đủ, là đúng, còn kinh sách thì phải “viết thêm”, “sửa lại” chỉ là một dạng biểu hiện của kiểu tư duy “kẻ ngu si tự nhủ, làm chi có chúa trời” đưa đến câu hỏi “Chẳng lẽ chúng tôi ngu cả hay sao?” mà linh mục Thiện Cẩm than rằng: “Thật khó trả lời!”.
Tương tự, nếu học giả trong câu chuyện sáng tác về “Đức Phật” của linh mục Anthony De Mello hỏi tiếp “Nói như vậy thì chỉ mình thầy nói đúng nói đủ thôi sao và như vậy là nên vứt bỏ tất cả kinh sách cho xong?” thì “Đức Phật” của Anthony De Mello cũng “thật khó trả lời!” như Linh mục Thiện Cẩm.
Hiểu Đức Phật đến mức có thể sáng tác về người là điều rất khó. Đức Phật vĩ đại hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Và câu chuyện viết lại và những lời bàn luận của chúng tôi căn cứ vào bài kinh Kamala cũng chắc chắn chưa phản ánh đúng và đủ tầm vóc và tư duy của Đức Phật.
MT