Quốc hoa là từ Hán -Việt có nghĩa là thứ hoa được công nhận là tiêu biểu, tượng trưng cho một quốc gia. Tôi chưa đọc, chưa nghe thấy từ ấy bao giờ. (Từ điển Tiếng Việt-1992 của Trung tâm Từ điển ngôn ngữ không có từ này). Vì thế tôi rất bất ngờ khi được biết, ở một nước nọ, sau thời gian dài tranh cãi, cuối cùng họ đã chọn được quốc hoa.
Vậy là có một vấn đề gọi là "quốc hoa". Nên chăng chúng ta cũng cần đặt ra vấn đề quốc hoa của Việt Nam?
Con người vốn sinh ra từ thiên nhiên. Thiên nhiên là nguồn sống, là điều kiện sống của con người, trong đó, thế giới thực vật chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Hoa và trái (quả) là kết quả sinh trưởng của hầu hết các loại thực vật. Nó cũng là hình ảnh thành quả lao động của con người sau quá trình lao động (trong thành ngữ "đơm hoa kết trái", "hoa thơm trái ngọt").
Hoa cũng là những gì đẹp nhất của thế giới thực vật. Đẹp cả về hình khối, màu sắc và mùi vị. (Tất nhiên không phải hoa nào cũng có vị ngọt ở nhụy. Nhiều hoa không có hương thơm, thậm chí hoa bản hạ còn có mùi hôi thối cực kỳ khó chịu).
Từ ngàn đời nay, hoa đã là bạn bè của con người, tô điểm cho cuộc sống như một yếu tố thẩm mỹ khách quan. Con người còn dựa vào những đặc tính sinh học và mối quan hệ của hoa với mình mà gửi gắm những suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống. Hoa được nhân hóa như một tính cách, một số phận, thành một yếu tố đạo đức khách quan tác động trở lại cuộc sống của mình.
Loài hoa nào đó được suy tôn làm quốc hoa thì những "đức tính" của nó hẳn sẽ rất có ý nghĩa, có tác dụng giáo dục nhân cách cho mọi thành viên trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Người Việt Nam, nhất là những người ở nước ngoài, sẽ có thêm một hình ảnh về quê hương, đất nước, Tổ quốc để mà gắn bó, mà hướng về cội nguồn.
Một loài hoa được công nhận là quốc hoa theo tôi phải đáp ứng những yêu cầu sau:
– Trồng được ở mọi miền đất nước.
– Đẹp về sắc, thơm về hương và phải có tính độc đáo, khác các loài hoa khác.
Và điều quan trọng nhất là nó tồn tại trong cuộc sống hàng ngày và đời sống văn hóa của dân tộc như một thực thể thẩm mỹ và đạo đức truyền thống từ ngàn đời nay.
Tôi xin tiến cử hoa sen.
Tôi đồ rằng, cùng với cây lúa, cây sen đã có mặt trong mảnh đất canh tác của người Việt cổ từ xa xưa. Bằng cớ là chúng ta bắt gặp hoa sen trong các hoa văn chạm trổ trang trí trên tường và cả ở thớt đá kê chân cột đình chùa cổ. Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cũng chẳng ngự trên tòa sen đó sao? Ở đâu có bùn và nước là cây sen có thể sống được.
Sen là thứ cây mà cả gốc (đúng ra là thân củ-ngó sen, nằm sâu dưới bùn), cuống lá, lá và hạt (đúng ra là quả) đều độc đáo, không giống bất kỳ một thứ gốc, cuống lá, lá, hoa và hạt nào. Cái đẹp của sen là cái đẹp toàn diện, đẹp cả hình thức lẫn nội dung, cả hình khối và màu sắc. Đó là cái đẹp từ ngoài vào trong: "Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng". Là cái đẹp từ trong ra ngoài: "Nhị vàng, bông trắng, lá xanh".
Sen còn quý về hương. Không phải chỉ nhị hoa, cánh hoa thơm mà đến cả lá cũng có mùi thơm đặc hiệu. (Chẳng thế mà cốm làng Vòng phải gói bằng lá sen mới… ra cốm). Đó là vẻ đẹp tinh thần, đẹp về cốt cách, là tinh túy.
Cũng không loài hoa nào ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân ta như sen. Bao nhiêu thơ văn, cả bác học lẫn bình dân đã ngợi ca hoa sen. Bao nhiêu vùng quê, bao nhiêu cơ sở, bao nhiêu vật phẩm, bao nhiêu người lấy hoa sen làm tên. Đồng bào Nam Bộ có một so sánh tuyệt vời: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Có lẽ cũng không có thứ cây nào gần gụi người nông dân như cây sen. Đình, chùa ở đồng bằng phải ở trên một nền cao phòng úng lụt. Khu đất vật lên làm nền sẽ trở thành hồ, lấy nước rửa ráy, phòng hỏa hoạn, làm cho không khí dịu mát, cho đình chùa soi gương làm duyên.
Những hồ ấy thường cũng được thả sen. Ao, hồ đầm làng ở đồng bằng Bắc Bộ thường được thả sen. Lá sen được mẹ ta, chị ta khum hai tay đựng một gáo nước mưa mang cho nhau giữa trưa hè. Và Những buổi học về không có nón, đội đầu chung một lá sen tơ (Nguyễn Bính).
Ở đây, tôi không nói về cây sen với tư cách thực phẩm cao cấp trong nghệ thuật ẩm thực (ăn uống) và là dược phẩm trong y học cổ truyền. Có lẽ không mấy thứ hoa nào vừa hữu ích (mang lại vẻ đẹp thiêng liêng khi thờ cúng, sang trọng khi trang trí) lại vừa hữu dụng (ướp trà, để già thành hạt với công dụng làm thực phẩm và dược phẩm). Không mấy thứ cây nào mà cả thân (ngó sen), lá, hoa, quả đều hữu dụng như cây sen.
Ở đây không cần nói về cái hữu dụng, nhưng cần nói thêm về cái hữu ích. Bởi theo Victor Hugo thì cái hữu ích cũng cần và nhiều khi còn cần hơn cái hữu dụng. Đến chơi nhà ai ở thành phố, gặp một chậu sen như gặp lại một mảnh hồn quê.
Trong các tranh, áp phích, pa nô, cuốn thư hay sách báo, các họa sĩ đã cách điệu hoa sen để trang trí nhiều rồi. Nhưng lần đầu tiên, những chậu sen được dùng trang trí trong Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự đã gây được ấn tượng mạnh cho khách nước ngoài và cả người Việt Nam. Rất mong các nhà văn hóa quan tâm đến đề xuất này.