Bạn tôi kể: Có một giai đoạn, bị căng thẳng bởi chuyện công việc và gia đình, chị không thể làm được việc gì và cũng chẳng muốn gặp gỡ ai nên cả ngày chỉ ngồi đọc báo, tạp chí và lang thang qua các trang báo điện tử. Nhưng kỳ lạ, chị không hiểu sao, hình thức giải trí và “tìm kiếm kiến thức” đó không khiến chị thấy tâm hồn được xoa dịu, đầu óc được phong phú, lạc quan như mong mỏi, mà thay vào đó, sự mệt mỏi, chán nản và hoài nghi cuộc đời càng trầm trọng hơn.
Đến một lúc, thấy tâm trạng mình quá tệ, chị thử đi chùa. Đi chùa nhưng cũng mang theo rất nhiều nặng nề và ngần ngại về những cái xấu đang khoác áo từ bi hay những con người đang lợi dụng cửa Phật mà chị nghe nhan nhản quanh mình.
Chị đến chùa lúc chiều tối, vào giờ thiền tịnh của Phật tử. Chị cũng rón rén vào ngồi thiền và phát hiện bên cạnh mình là một thiếu niên rất khôi ngô. Cậu tĩnh toạ, nhắm mắt, thiền tịnh, nhưng vẫn toát lên vẻ gì đó đầy tự tin, mạnh mẽ và khát vọng của tuổi trẻ. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với định kiến trong đầu chị đang có: những thiếu niên đang chìm đắm trong game online, những thú vui thời thượng, là nỗi lo nơm nớp của cha mẹ và xã hội về một thế hệ “nổi loạn và khó kiểm soát”.
Ngoài thiếu niên ấy, chị thấy còn có rất nhiều người trẻ tuổi và trung niên, đủ dáng vẻ. Có người có vẻ ngoài phương phi, giàu có, cũng có những người lộ rõ sự vất vả trên gương mặt đang nhắm mắt thiền tịnh. Nhưng tất cả đều đang hướng tới sự an lành và từ tâm. Đây là một góc trong bức tranh cuộc sống mà chị chưa từng biết…
Sau buổi chiều tối ấy, chị ngộ ra rất nhiều điều, chị không chỉ siêng năng đi chùa, mà còn siêng năng dấn thân hơn thay vì ngồi chịu trận sự căng thẳng, buồn khổ của mình. Càng hoà mình, càng sống, chị càng thấy định kiến lâu nay của mình về người và đời có nhiều sự tiêu cực. Quay lại quá trình hình thành định kiến ấy, chị nhận ra mình đã rất sai lầm trong cách tiếp nhận thông tin từ báo chí. Lỗi trước hết là ở mình, nhưng cũng không thể không trách báo chí khi quá thiên về khai thác thông tin, góc độ xấu xí, tiêu cực của xã hội, của con người. Thậm chí, có nhiều cái xấu, cái ác, sự hoài nghi được báo chí vẽ lại đầy đủ góc độ và đẩy lên đến đỉnh điểm.
Chị tâm tình: “Mở báo ra, hầu như trên trang đầu, trang chủ hay những chuyên mục chính đều thấy nói về tiêu cực, vụ án. Mà những thông tin kiểu ấy bao giờ chẳng có sức hút cực mạnh với sự hiếu kỳ vốn dĩ rất mạnh mẽ trong mỗi con người. Ngay cả nhiều game show, chương trình trên báo chí, tivi, tưởng chừng vui nhộn và vô hại, nhưng vô tình khiến cho con người ta chấp nhận và thoả hiệp với sự dễ dãi, thực dụng, phù phiếm. Còn cố gắng tìm kiếm những thứ tích cực để đọc, để xem, thì quả thực, chúng đang lép vế hơn nhiều và đuối hơn nhu cầu thực tế rất nhiều. Vì vậy sau này, tôi tìm cách chọn lọc thông tin, bớt đọc báo, coi tivi mà chuyển sang đọc sách và giao tiếp với cuộc đời nhiều hơn”.
Câu chuyện trên đây, thực sự không hẳn là cá biệt. Báo chí, truyền thông có vai trò rất quan trọng với cuộc sống, có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân sinh quan của những người tiếp nhận nó. Vì vậy, khi báo chí không tỉnh táo với sứ mệnh của mình, vô tình hay hữu ý ngã theo dòng thông tin mặt trái của cuộc sống, dễ khiến cái xấu, cái ác vốn chỉ là thiểu số trong cuộc sống trở thành cái đa số, thành thực trạng hiển nhiên.
Vì vậy, rất cần một quan điểm làm báo biết ưu tiên cho hàm lượng văn hoá và nhân bản trong cách nhìn nhận, đưa tin và định hướng độc giả tới những giá trị sống tích cực. Nếu không, truyền thông đã, đang và sẽ góp phần “quảng bá”, làm trầm trọng thêm những vấn nạn xã hội.
“Tiếp thị tri thức” – một khái niệm rất hay của Sài Gòn Tiếp Thị. Xin hãy “tiếp thị” cho độc giả những góc độ, bài viết, thông tin, kiến thức để giúp họ làm giàu về tâm hồn và trái tim. Khi con người có một nền tảng tốt từ bên trong thì cái xấu, cái ác mới được đẩy lùi.