Trang chủ PGVN Cửa thiền Sang chùa…

Sang chùa…

72

Dưới bóng Phật từ bi chỉ có tấm lòng, tư tưởng quảng ái hay còn phần đời không hề kém phần sôi nổi và thế tục, không rõ. Bấy nhiêu câu hỏi vần vũ trong tâm tưởng kẻ vừa tò mò vừa đa sự là tôi lâu nay chưa có lời giải đáp. Thế rồi một phần những "cắc cớ" ấy hiện ra khi tôi theo người bạn sang chùa Bồ Đề bên kia sông Hồng, sau rằm…

Tôi chỉ là người sùng kính, không mấy am hiểu, nên vào một ngôi chùa thường chỉ thấy và tạm gọi, hai phần, là đạo và đời. Bên đạo thờ Phật có tượng, chuông, mõ, bát hương, đĩa hoa… thập phương lặng lẽ khấn, bỏ tiền vào hòm công đức. Phần đời là nơi sư ở, thấp thoáng sau dây phơi chắc phải có bể nước, bếp núc, chỗ rèm vải cho vãi nghỉ lưng. Bên Bồ Đề còn có một phần đời ầm ã, không thật là tịch mịch như nơi khác. Đấy là căn nhà hai tầng xây phía sau nơi thờ Đức thánh Trần Triều và Tam tòa Thánh mẫu, tá túc một thế giới thu nhỏ đủ cả: ái ố hỉ nộ. Lý do có phần khác biệt này là những đứa trẻ bị bỏ quanh chùa, mẹ là những Thị Màu tân thời, kẻ khó không bồng con được. Có Màu thời có tiểu Kính, tất nhiên cũng là của thời hiện đại, làm việc nuôi dạy trẻ hoang với rất nhiều cơn cớ. Bước vào chốn này là tôi "thăng" đến những tích xưa ý xưa ấy, thỉnh thoảng đập nhẹ tay lên trán để nhắc mình đang ở thời a còng…

Nhà xây sau chùa có lan can cao, nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng khoảng 10m2 kê ba chiếc giường cho bảy đứa trẻ và ba mẹ chăm sóc, tức mỗi người sinh sống trên một mét vuông. Chật, tất nhiên, nhưng dung thân được, lại dưới bóng Phật. Hiện tại chùa có 47 cháu mồ côi, thầy trụ trì Đàm Lan bảo từ Tết Canh Dần đến giờ, 10 sinh linh mới ra đời bị đem bỏ cổng chùa, mở cửa nghe tiếng khóc thì các thầy ra đón vào nuôi. Lại có đứa nằm mãi bên bờ sông, đi quét lá thì nhặt về, tức phải con mẹ đẻ quạ mổ nó lười hay xấu hổ không dám đến cửa chùa mà đặt con. Đặt xa xa, nó có tưởng ra con bị kiến lửa bâu?… Ở chùa Bồ Đề có một "chức danh" đặc biệt, hình như nơi khác không có: Mẹ. Nghe thì nặng trĩu nhưng khoác vào cởi ra có thể nhẹ bồng. Hai mươi lăm người mẹ bây giờ là hai mươi lăm cảnh ngộ, nỗi niềm, đều ăn chay và nuôi trẻ. Mẹ nào không yêu trẻ, sợ dãi dớt, cứt su cứt nát, được dăm bữa nửa tháng cắp nón ra sớm. "Tiện" nhất là những cô sinh viên nghèo, vào chùa xin trông trẻ nửa ngày, nửa ngày đi học, tối về ngủ với trẻ. Tức là không mất tiền thuê nhà và có cảm giác làm việc thiện. Không hiếm cô có cách chọn lựa thông minh này. Khi ra trường, họ chào thầy Đàm Lan như người đi đò qua sông.

Lại những mẹ khác, có cảnh ngộ éo le thật sự, tự nguyện trông nom trẻ, thầy Đàm Lan đưa tiền cho. Mẹ Nguyễn Thị Phước ở miền núi cao Anh Sơn – Nghệ An, nhà đông anh em, nghèo khổ quá, người em gái xuất gia tu ở gần chùa Bà Đanh, mạn Nam Hà. Rồi đến lượt mình, đọc báo, Phước tìm đến chùa Bồ Đề – Hà Nội. Mẹ trẻ này khéo tay, đang bế đứa bé mắt tròn đen láy, mũi tẹt. Trên giường có một bé trai tàn tật ăn dầm nằm dề, một bé gái đón tay độ mười ngày tuổi. "Vì đón nó vừa rụng cuống rốn, nhờ rụng cuống rốn mà đoán ngày tuổi của trẻ thôi", Phước bảo, hít hà đứa bé, pha sữa, nựng nịu nó là "con".

Thầy Đàm Lan dạy cho những bà mẹ trẻ cách tập cho trẻ tự ôm bình sữa bú từ khi mới năm tháng tuổi. Khi bú no, bình tự lăn ra, nó cũng ngủ thôi. Hình như Phật độ cho trẻ mồ côi một bản năng sinh tồn mạnh hơn những đứa trẻ có cha mẹ chăm sóc đầy đủ. Chúng khôn ngoan và tự giác từ hai, ba tuổi. "Có nhiều trẻ mồ côi lớn lên ở đây, học xong Đại học Phật Giáo trở lại giúp nhà chùa nhiều việc lắm", thầy Đàm Lan chậm rãi kể. Thầy đặt cho con gái họ Kiều, con trai họ Cù, bảo thế là họ nhà Phật, như Cù Đàm Di, Kiều Đàm Di. Họ thế, tên đặt xong ra phường làm thủ tục giấy tờ, hoàn thành một "tư cách pháp nhân" ở đời. Những cái tên nghe cũng lạ, như Cù Duy Phương, còn gọi là Cù Nâu, được định một tương lai là nuôi dạy xong cho đi học, sau sẽ ở chùa này.

"Con ăn đi rồi ngủ nhé", mẹ Phước bông bênh con bé mắt đen mũi tẹt, phô: "Cháu ở đây hơn hai năm rồi, quấn quýt, khéo mà ở lại với sông Hồng, không về sông Lam nữa". Rồi quay sang cu Duy tàn tật: "Kêu mẹ đi con. Hai tuổi mới gọi mẹ đó". Phước ngoài ba mươi, sự khốn khó còn in trên nét mặt, bàn tay gầy, khẳng khiu. Đến bữa Phước ăn bằng bát "ô tô", có rau và cá khô, đặt bát xuống hàng chục lần, dở bữa vì con bé mắt đen đái dầm, cu Duy đòi nước.

Cứ thế ba mươi ngày trôi đi. Là một tháng. Rồi ba trăm sáu lăm ngày trôi đi, năm qua. Chuông chùa làm bữa, học hạ làm mùa…

Mẹ Lê Phúc, quê ở Thọ Xuân – Thanh Hóa, nhà gần ngôi chùa cổ có phố thờ vua Lê Lợi, cụ Nguyễn Trãi. Cha mẹ mất sớm, Phúc ở với người bác, bác mất nốt thì ra Hà Nội ở chùa. Quê không còn ai để về, tức là không được ăn lộc vua Lê với cụ Nguyễn. Không thể nói có lúc ru "con" Phúc không khóc, nhất là mỗi dịp lễ tết, nước mắt rơi ra như hạt đỗ trắng. Ngoài hai mươi tuổi xuân mà Phúc ốm o, thoáng trông đủ biết tuổi thơ vừa đói khát, vừa thiếu thốn tình mẹ cha. "Con" của Phúc là Cù Tuệ Anh, còn gọi "cái Khuỳnh". Ả Thị Màu hiện đại nào đó thấy hai bàn chân con quắp vào nhau, đem bỏ cửa chùa. Thầy Đàm Lan đưa Phúc tiền xe ôm, tiền thuốc, đưa "Khuỳnh" vào Bệnh viện Việt – Đức bó bột lại đôi chân, sáng sáng sang phục hồi chức năng. Rồi nó lớn lên, bắt chặt vào Phúc. Người mẹ trẻ lo mọi nhẽ cho nó, mỗi bận ầu ơ lại chằm bặp vỗ về: "Gọi mẹ nào, gọi mẹ đi con, Khuỳnh yêu của mẹ".

Sân sau chùa là sự sống của gần một trăm con người đơn côi, tất nhiên không kể mấy cô sinh viên. Ở lâu nhất là chị Thu ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn, đã sáu năm. Mấy đứa đỏ hỏn chị trông đã đi học, Tết đến chúng cứ đòi về "quê mẹ". "Mai ta về quê mẹ Thu nhé". Hôm nay đã đến ngày mai chưa? Mới đầu người ta gọi "cô trông trẻ", rồi quấn quýt mãi bấy nhiêu "cô" hóa thành "mẹ" cả, mẹ mẹ con con chân thành đắm đuối, tự nhiên như "quy luật" cây cau nở ra hoa cau, hoa chín đậu thành quả, thành buồng trĩu trịt quấn quýt quanh thân cây thôi. Nhưng mà ai trẩy, để đặt trên mâm trên quả lễ ăn hỏi…

Có chị Nam Thanh ở Thanh Hóa, chồng bỏ, không nuôi được con ra ở chùa. Chị ta hay đánh trẻ con, bị thầy quở trách nhiều lần, thầy bảo: Nếu còn quá tay sẽ mời chị ta ra khỏi chùa.

Thu Ca xinh tươi, mới hai lăm tuổi nhưng sống khá khép mình. "Cháu bạc phận lắm cô ạ. Kiếp trước chắc cháu vụng tu, giờ phải khổ. Mẹ cháu mất sớm, bố lấy vợ. Không ở được với bố và mẹ kế, cháu ra đây. Cháu đã yêu hai lần rồi, đều phải đứa dối trá, bội tình. Cháu không còn tin vào đàn ông nữa. Giờ cháu tìm vào chùa nuôi trẻ, ru à ơi, và đi học Cao đẳng Dược. Nghề thuốc cho cháu sau này biết cách điều trị bệnh cho trẻ, không để chúng bị bỏ rơi như cháu hồi bé. Và có thế mới tiêu cái thời gian buồn đi cô ạ". Thu Ca ở chùa đã hơn hai năm, chỉ trông một bé trai ba tháng kháu khỉnh, nửa ngày đi học. Tôi lại đem cái "triết luận" bên trên kia ra nhủ: "Chùa Bồ Đề trồng nhiều cau, hoa cau thì đơm bông, đậu quả, cháu cứ tin mình rồi sẽ gặp được người đàn ông tử tế". Như là vui chuyện hơn, cô sinh viên Dược xinh xắn dãi chuyện: "Có khách quốc tế từ châu Phi, Bắc Âu, Tây Âu đến đây, ai cũng giúp đỡ, yêu trẻ con rất vô tư. Thế mà ở chùa có mẹ trẻ cứ chấm đứa xinh, đứa thông minh mới nuôi. Thế thì những tàn tật với xấu xí thì ai chăm? Ích kỷ thế, để lại ngao ngán vất vả cho các sư nữ và mẹ khác, không tốt. May là lộc chùa không thiếu, nhiều người phát tâm công đức sữa và thức ăn cho trẻ…".

Bình Tuất quê ở Gia Viễn, Ninh Bình, giữ vẻ khép kín, không muốn hở chuyện. Mấy mẹ cùng phòng bảo Tuất không sung sướng gì, đâu như một thời chèo đò chở khách du lịch qua Tam Cốc, vướng phải yêu đương, bị phụ tình, hay tình phụ gì đó. Em nói nỗi khổ của em không kể được, xin gói vào mo cau làm quạt, gửi đau khổ theo gió vậy. Dù còn trẻ nhưng Tuất hằng năm chỉ về nhà một lần, làng quê nghèo và buồn lắm. Ai gặng chuyện, cứ cúi xuống lặng thinh cho nước mắt chảy vào lòng.

Người đến cửa chùa không hẳn muốn tu, chưa hẳn được Phật pháp giáo dưỡng. Cứ biết là được độ cái đã. Đấy là lẽ thường. Nhưng Bồ Đề, nằm trên đất Thủ đô, cũng như cái thành thị này, bỗng nhiên ra đông đúc chật chội, vì đỗi nông thôn mênh mông xung quanh không còn giữ được người.

Phần đời sân sau chùa Bồ Đề còn thuộc về những người mẹ trẻ chưa một lần làm mẹ hay đã làm mà không giữ được con, về những người vợ bị chồng ruồng bỏ. Lắm anh đi lao động xuất khẩu, vỡ nợ, bị xiết, bị làm luật hay có con nào trẻ hơn, da ít xạm hơn, để con lại, rồi đến một lúc nó lại bỏ nhà đi. Chả thế mà tiểu Kính Tâm là đàn bà. Đàn bà đã sinh nở mà phải vào chùa có khi còn khổ hơn tiểu Kính Tâm.

Còn nữa