Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương rồi rẽ phải, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy một dải ven đê trù phú dọc sông Hồng – con sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ . Đang mải mê nhìn ngắm phong cảnh hai bên đường , du khách bỗng ngạc nhiên thích thú khi nhìn thấy một ngôi Thiền viện uy nghi . Đó chính là Thiền viện Sùng Phúc – bông hoa sen giữa lòng Hà Nội như báo chí đã từng ca ngợi !
Nhớ lại 5 năm trước , ngày 4 tháng 12 năm 2005, Thiền viện Sùng Phúc đã được cắt băng khánh thành trong niềm hân hoan của hàng ngàn Tăng, Ni và Phật tử Thủ đô. Thế là một Thiền viện theo dòng Trúc Lâm của Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà Hòa Thượng Thích Thanh Từ là người khơi mở đã hiện hữu ngay giữa Thủ đô.
Năm năm qua , Đại Đức Thích Tâm Thuần – Trụ trì cùng các chư Tăng của Thiền viện Sùng Phúc đã làm được nhiều việc trong các hoạt động hoằng pháp và hóa độ chúng sinh .
Hãy nhìn lại đôi chút theo dòng lịch sử. Sau hai lần đánh bại đội quân xâm lược Nguyên – Mông mang lại thái bình cho trăm họ “ bốn biển đã quang trần đã lặng” để đất nước thoát khỏi họa xâm lăng từ phương Bắc “ non sông nghìn thuở vững âu vàng “ , vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử để đi tu và trở thành vị Tổ thứ 6 của Phái Yên Tử và Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm.
Trước đó ở nước ta có hai dòng thiền. Đó là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi của Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ VI. Thiền phái Vô Ngôn Thông của Trung Hoa vào nước ta thế kỷ thứ IX . Hệ tư tưởng của hai thiền phái này đều không thỏa mãn được nhu cầu xây dựng và phát triển của một một quốc gia độc lập và tự chủ .
Trước nhu cầu phải có một hệ tư tưởng độc lập của Đại Việt , Vương triều nhà Lý đã sáng lập nên một thiền phái mới – thiền phái Thảo Đường trong đó dung nạp cả hai yếu tố Nho giáo và Phật giáo.
Sau khi lên Yên Tử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã dung hợp cả ba thiền phái trên đây thành một dòng thiền duy nhất, thẫm dẫm tinh thần dân tộc của quốc gia Đại Việt . Đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử .
Dòng thiền ấy hiện đang thăng hoa trở lại rực rở trên đất nước ta với 27 thiền viện trải dài từ Nam ra Bắc.
Triết lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thật giản dị : Phật tại tâm ! Ai có tâm đều có Phật ! Thành Phật chính là ở nơi tâm mình , chứ không phải là ở trên non cao vời vợi hay ở một cõi trời nào xa lắc !
Ý nghĩa thiết thực của việc tu thiền – trở lại với tâm mình , chính là ở chỗ lấy con người làm trung tâm và qua đó góp phần nâng cao sức mạnh của lòng tự tôn dân tộc !
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lang ( tức Thiền Sư Thích Nhất Hạnh ) trong tác phẩm “ Việt Nam Phật giáo sử luận ” đã tổng kết : bí quyết của thiền phái Trúc Lâm là làm cho tâm hồn không vướng bận. Cõi cực lạc không nên đi tìm tận phương Tây, cũng không cần đi tìm học kinh điển các tông phái mà chỉ cần tìm ở ngay sự gạn lọc tự tâm !
Nương theo tinh thần đó của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền viện Sùng Phúc trong năm năm qua đã làm được rất nhiều việc có ích cho Đạo cho Đời !
Tháng 10 năm 2008 hướng tới kỷ niệm 700 năm ngày mất của Sơ Tổ Trúc Lâm, Thiền viện Sùng Phúc đã tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Phật hoàng Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”. Tham dự buổi giao lưu – toạ đàm có các Thượng toạ , Đại Đức , Tăng , Ni , Phật tử cùng các vị khách mời của Ban Tôn giáo Chính phủ , các nhà nghiên cứu văn hóa. Buổi giáo lưu – tọa đàm đã ghi hình và phát trên kênh VTV2 của Đài truyền hình Việt Nam . Chương trình đã mang lại niềm cảm hứng thiêng liêng cho hàng ngàn Phật tử và gây được tiếng vang trong xã hội.
Đối với một Thiền viện thì các chương trình tu tập Phật pháp là điều cốt yếu. Thiền viện Sùng Phúc có hai chương trình tu tập thường xuyên và định kỳ. Một chương trình giành cho các Phật tử của Đạo tràng và một chương trình giành cho thanh thiếu niên Phật tử Thủ đô
Chương trình tu tập cho Đạo tràng diễn ra vào chiều thứ 7 hàng tuần gồm hai phần chính là tọa thiền và thuyết pháp. Riêng ngày thứ 7 cuối tháng Âm lịch thì Đạo tràng tu tập cả ngày ở Thiền viện với số lượng Phật tử lên đến hơn 700 người.
Chương trình tu tập cho thanh thiếu niên tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần. Ngày chủ nhật cuối tháng Âm lịch thì tu tập cả ngày. Các nội dung tu tập giành cho thanh thiếu niên rất phong phú : hướng dẫn tọa thiền, tu học Phật pháp, giải đáp những thắc mắc liên quan đến Phật pháp, tham gia các sinh hoạt thanh niên , văn nghệ vui tươi lành mạnh.
Đúng như Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ đã nói “tuổi trẻ là tương lai của Phật pháp và của Giáo hội”, một hoạt động mà các chư Tăng của Thiền viện Sùng Phúc đã bỏ ra nhiều công sức là thành lập và hướng dẫn hoạt động cho Đoàn thanh thiếu niên Phật Tử Trần Thái Tông. Ra đời ngày 28 tháng 7 năm 2007 , Đoàn thanh thiếu niên Phật tử Trần Thái Tông đã qui tụ được hàng trăm hội viên và thường xuyên tổ chức những hoạt động bổ ích cho các bạn trẻ .
Năm 2008 Đoàn thanh niên Phật tử Thiền viện Sùng Phúc tham gia Hội trại thanh thiếu niên Phật tử Thủ đô có tên là Thiện sinh lần thứ nhất do Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức tại chùa Phật tích tỉnh Bắc Ninh. Từ đó đến nay các kỳ hội trại Thiện sinh đều có sự tham gia của Đoàn thanh niên Phật tử Trần Thái Tông .
Nhân ngày Phật Đản năm nay, Đoàn thanh thiếu niên Phật tử Sùng Phúc đã tổ chức cho hơn 100 bạn trẻ về đỉnh lễ Đức Đệ tam Pháp chủ Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ tại chùa Ráng – Viên minh tại Phú Xuyên Hà Nội .
Thiền viện Sùng Phúc cũng có những hoạt động rất thiết thực đáp ứng được sự quan tâm của tuổi trẻ thủ đô. Trong các năm 2009 và 2010 , Thiền viện đã tổ chức thành công “Lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi” cho các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học . Hàng trăm bạn trẻ đã tham gia hoạt động bổ ích này. Sự có mặt của các bậc tôn túc giáo phẩm , các giảng viên một số trường Đại học đã mang đến một bầu không khí sinh động thiết thực bổ ích cho các bạn trẻ .
Cùng với các hoạt động tu tập và hoằng pháp, Thiền viện Sùng Phúc còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các nạn nhân chất độc da cam.
Tháng 2 năm 2010 các chư Tăng của Thiền viện Sùng Phúc đã cùng với đại diện Hội Chữ Thập Đỏ quận Long Biên đến thăm 9 gia đình có con cháu là nạn nhân chất độc da cam và bị bệnh hiểm nghèo và tặng quà trị giá gần chục triệu đồng . Đây là việc làm thường xuyên của Thiền viện trong nhiều năm qua.
Hưởng ứng cuộc vận động cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung, Thiền viện Sùng Phúc đã kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử các đạo tràng đóng góp làm từ thiện. Với tấm lòng tương thân tương ái đối với đồng bào bị thiên tai, chỉ trong mười ngày ngắn ngủi, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã quyên góp được một số quần áo mới trị giá hơn 100 triệu đồng và 61 triệu đồng tiền mặt gửi giúp đỡ cho đồng bào bị nạn tại tỉnh Phú Yên.
Trên đây chỉ là một số hoạt động tiêu biểu trong số rất nhiều công việc mang lại lợi ích cho Đạo cho Đời mà các chư Tăng của Thiền viện đã làm cho Phật giáo Thủ đô.
Năm năm rồi kể từ ngày hoàn thành dự án đại trùng tu ( 2005-2010) Thiền viện Sùng Phúc – bông hoa sen giữa lòng Hà Nội, ngày càng tỏa ngát hương thơm khi Thủ đô sắp bước vào một ngàn năm tuổi !