Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Pháp tu của người phật tử (Bài 1, Phần 1)

Pháp tu của người phật tử (Bài 1, Phần 1)

67

 TRI ÂN

Bần ni kính tri ân bố mẹ, những người đã đưa con vào đời. Dù đường đời nhiều chông gai, bố mẹ đã cho con những hành trang cần thiết trong cuộc sống để con biết khóc cười và nếm trải vị ngọt cũng như vị mặn trong đời. Bần ni kính tri ân chư thầy tổ, những người đã cho con cơ hội được sinh lại trong giáo pháp vi diệu của Đức Phật, những người đã giữ gìn ánh sáng Phật Pháp và chia sẻ đến chúng con, cho chúng con đời sống có ý nghĩa hơn. Bần ni kính tri ân chư đàn na tín thí khắp nơi đã thể hiện tinh thần vô ngã vị tha của người Phật tử, đã hổ trợ người tu sĩ Phật giáo sống đời sống thanh lương đầy đạo vị. Bần ni kính tri ân những sự hi sinh âm thầm của anh chị em trong gia đình và huynh đệ gần xa, họ đã tạo điều kiện cho tác giả được làm cánh chim tự do trong vườn pháp dưới bầu trời giải thoát.
 
Con kính tri ân Hòa Thượng Viên Minh, vị thầy đã dẫn dắt và chỉ bảo con suốt con đường tu học.
 
Đồng thời kính tri ân TT. Tịnh Đức cùng các Phật tử Tấn Căn, Liễu Vân, Phương Anh và các anh chị trong ban ấn tống kinh chùa Bửu Long đã tái bản cuốn sách này.
 
Melbourne, Victoria Mùa Phật Đản 2554, April 2010
Tỳ khưu ni Pháp Hỷ (Dhmmananda) 

LỜI NÓI ĐẦU 

Thật kỳ lạ, có nhiều người sống gần những di sản văn hóa thế giới nhưng không ý thức được vẻ đẹp kỳ diệu của những công trình nghệ thuật đó. Điều này có thể là do những gì quá gần gũi, quá dễ dàng bên cạnh chúng ta nên vẻ thần kỳ không được cảm nhận hay đánh gía đúng mức, thậm chí rất dễ bị coi thường (“gần chùa gọi Bụt bằng anh”). Điều này cũng đúng với những người sinh ra trong văn hóa hay truyền thống Phật giáo, chúng ta gọi đó là “Đạo của ông bà” mà không tìm hiểu xem triết lý sống nào ẩn tàng sau những tập tục đó.
 
Có những chân giá trị mà chúng ta bỏ qua, hiểu và sống một cách hời hợt và không thấy được giá trị thiết thực của một khoa học sống, hay một nghệ thuật đi vào những bí mật của đời sống. Là Phật tử, chúng ta cần trở lại với những gì vừa kỳ diệu, vừa gần gũi trong đời sống hàng ngày.
 
Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời thật đẹp, nhưng khi ánh sáng của chúng đến thế giới của chúng ta thì nhiều trong số đó đã hủy diệt rồi, nếu chúng ta mơ màng nhìn ngắm và gửi những ước mơ xa xôi mà không để ý đến con đường gập ghềnh mà ta đang đi thì có thể sẽ vấp ngã trầy xước chân mình.
 
Trở về với những gì quanh mình nhưng không đánh mất hay quên lãng trong những tầm thường vụn vặt của đời sống là một bí quyết sống mà Phật giáo đề ra. Và đây cũng chính là giá trị làm cho đạo Phật vẫn có sức hấp dẫn dù bí quyết này đã được giải bày hơn 2500 năm trước.
 
Khắp nơi trên thế giới người ta đã nghe về đạo Phật. Bạn cũng đã nghe về từ Bụt (Buddha) hay Phật rồi, hay có lẽ bạn cũng đã từng thăm viếng chùa chiền hay gặp gỡ những người tự nhận là Phật tử – nhưng bạn có thật sự biết đạo Phật là gì không?
 
Đạo Phật được dạy như một cách sống để có bình an và hạnh phúc cho tất cả mọi người và mọi loài, dùng chìa khóa “chánh kiến” mở ra một cách nhìn mới, một khám phá sâu sắc về bản chất của đời sống trong ta và quanh ta.
 
Với những khám phá này, chúng ta tìm ra những nguyên lý chi phối sự vận hành của cuộc đời và thế giới, từ những nhận thức đúng đắn về đời sống, chúng ta biết cách sống thuận theo những qui luật tự nhiên và qui luật tâm lý dẫn đến một sự phát triển hài hòa trong các mối liên hệ và duy trì một đời sống thăng bằng giữa những đổi thay của cuộc sống.
 
Đạo Phật cũng có thể được hiểu như một tôn giáo hay những gì cần phải tin tưởng hành trì như tôn chỉ của đời sống dựa trên những lời dạy của đức Phật – một người đã giác ngộ thấy rằng đời sống là vô thường, hay nói một cách khác bản chất của thế giới là không ngừng thay đổi. Mọi thứ trên thế gian này đều đổi thay dẫn đến khổ hay bất toại nguyện trong đời sống, nhưng vô thường cũng cho ta những niềm vui tạm bợ chóng tàn.
 
Nếu không hiểu điều này người ta sẽ tự làm khổ mình vì bám níu vào những gì đã qua. Thấy vô thường người ta tự điều chỉnh quan niệm sống, thay đổi cách ứng xử và những mong cầu trong đời để không bị chơi vơi và tuyệt vọng giữa những đổi thay bất như ý. Sống một cách có trí tuệ cho người ta tự do, an lạc và bình an của Niết Bàn, nơi mọi tham cầu đã được dập tắt.
 
Cuộc đời của đức Phật và giáo pháp của Ngài là một nguồn cảm hứng cho những ai thực hành giáo lý tự lực, trách nhiệm đạo đức, lòng khoan dung, từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Những phẩm chất tốt đẹp đó làm cho những người hiểu và thực hành lời Phật dạy sống một đời sống sâu sắc, hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Sự hiểu biết về những qui luật chi phối đời sống giúp chúng ta sống hài hòa với sự đổi thay của vạn vật trong vũ trũ, nó cũng cho phép chúng ta sống trọn vẹn với những gì đang là để không tiếc nuối khi chúng ta đi.
 
Đôi khi đạo Phật bị xem như một triết lý bi quan yếm thế về cuộc đời.Điều này có thể bởi vì đạo Phật nói nhiều về khổ và nguyên nhân của khổ.Tuy nhiên, đây chỉ là một nửa của vấn đề.Trong việc nhấn mạnh vào khía cạnh của khổ đau và bất toại nguyện trong đời sống cùng với nguyên nhân của chúng, đạo Phật quả thật đã tận tâm vào việc nhận ra và phát triển hạnh phúc thực sự.
 
Tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc nhiều khi khác xa nhau trong mỗi người và mỗi thời đại. Có rất nhiều loại hạnh phúc được nói đến trong đạo Phật. Hạnh phúc của sự biết đủ, của sự vui hưởng tự do, của sự thoát nợ và của lòng tốt. Tuy nhiên, đạo Phật cũng không lạc quan hứa hẹn một viễn cảnh thiên đường mãi mãi ở đâu đó.
 
Mục đích chính yếu của đạo Phật là giúp những ai học nó có một tầm nhìn rõ ràng để họ có thể thấy sự vật như chúng đang là. Với sự soi chiếu vào bản chất thực sự của sự vật và đời sống, triết lý Phật giáo cho người ta thấy rằng thật vô ích tìm cách thay đổi thế giới (và quả thật không cần thiết phải làm như vậy) nhưng mỗi người đều được tự quyền thay đổi chính mình, thay đổi thái độ trước cuộc sống, và như vậy góp phần vào sự phát triển chung của thế giới để đạt đến tuệ giác và chân hạnh phúc.
 
Như một con đường sống, đạo Phật nhắm đến việc giáo dục con người để họ trở nên chín chắn và hiểu biết hơn về chính họ và thế giới quanh họ. Nhiều công trình nghiên cứu Phật giáo nhấn mạnh trên phương diện nhập thế và làm thế nào để sống tốt mỗi ngày. Có rất nhiều pháp thoại đề cập đến hay hướng dẫn tín đồ sống một đời sống có tinh thần trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau, và làm cách nào để đối diện với những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của mỗi người.
 
Đạo Phật, đặc biệt là “sống thiền”, dạy một phương pháp phát triển tâm thức con người để họ có thể sống trong thực tại, buông xả và an nhiên tự tại trước những thăng trầm của đời sống. Sống thiền hay sống tỉnh giác cũng giúp chúng ta cải thiện các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội một cách tốt đẹp hơn.
 
Mặc dù Phật giáo đã có mặt trên thế gian này hơn 2500 năm, nhưng ngày nay những lời dạy của Phật vẫn còn đầy ý nghĩa và thiết thực trong đời sống hiện đại. Đạo Phật vẫn đang phát triển khắp nơi trên thế giới, đây không phải là một truyền thống của quá khứ, mà là một phần đang phát triển của các xu hướng hiện đại.Những bài viết trong cuốn sách nhỏ này (của một Ni sinh và cũng là một Hành giả) cho chúng ta một cách nhìn mới về đạo Phật và về cuộc sống quanh ta, cũ nhưng không sáo mòn, vì chân lý thì phi thời gian. 

Hà Nội mùa Phật đản 2552 – 05.2008 

Pháp Hỷ – Dhamananda Bhikkhuni 

Bài 1: Pháp Tu của Người Phật tử 

Vấn đề trong bài pháp này là “người Phật tử tu gì?” Để giải quyết câu hỏi này, chúng ta cần trả lời câu hỏi tại sao chúng ta trở thành Phật tử? 

Sau khi đã trở thành Phật tử, có Tam qui, Ngũ giới rồi, người Phật tử phải sống ra sao để có an lạc hạnh phúc? Việc giữ giới có khó hay không? Làm sao để giữ giới tốt mà không cảm thấy đó là những điều bắt buộc quá khó hay không thiết thực. Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta phải trở về với những điểm thiết thực nhất cần thảo luận để làm rõ vấn đề. Đó là mục đích tu Phật và động cơ tu hành.

 
Có phải mọi người tu Phật đều muốn trở thành Phật hay không? Phật là ai? Câu hỏi này kéo theo những câu hỏi khác… và cuối cùng chúng ta có rất nhiều câu hỏi để giải quyết, nhưng đây là một lựa chọn duy nhất để không còn nghi ngờ.
 
Nghi (vicikiccha) là một chướng ngại trên con đường tu hành vì khi còn nghi ngờ, chúng ta sẽ không còn quả quyết. Nghi là không tin Phật là Bậc giác ngộ, Bậc tối thắng giữa nhân – thiên và ma vương, Bậc thầy luôn sáng suốt dẫn dắt những ai tin theo phương pháp mà Ngài đã đề ra để có được giải thoát giác ngộ giữa cuộc đời này.
 
Giải thoát là gì? Và giác ngộ điều gì cũng là những câu hỏi cần thiết phải giải đáp để làm rõ vấn đề. Nghi cũng là không tin theo phương pháp mà Phật đã chỉ ra (Pháp) mà nếu thực hành theo một cách đúng đắn, chúng ta có được an lạc giải thoát khỏi những phiền não nghiệp chướng mà chúng ta đang vướng vào.
 
Nghi cũng có thể là không tin rằng có người tu hành chân chính (Tăng), có khả năng cởi trói cho mình, và có thể giúp người được cởi trói khỏi những ràng buộc của chấp thủ và thói quen cố hữu. Và điều nghi ngờ tai hại nhất chính là không tin vào khả năng có thể giác ngộ giải thoát của chính mình, do đó chúng sinh buông trôi theo vô minh, ái dục, vật vờ vô định theo dòng chảy của cuộc đời và thế cuộc.
 
Trở lại với vấn đề mục đích tu hành, chúng ta phải biết vì sao chúng ta muốn tu tập.Có nhiều động cơ khác nhau dẫn người ta đến đạo Phật, mỗi người có một hoàn cảnh, một duyên nghiệp khác nhau khiến chúng ta tìm đến đạo Phật. Đạo là gì? Là con đường hay cách sống để có được một đời sống tốt đẹp, an toàn và hạnh phúc hơn.
 
Như vậy rõ ràng là hầu hết chúng ta luôn có xu hướng tìm kiếm một cái gì khác hơn là cái đang là, điều này được gọi là sự không thỏa mãn (dukkha). Giác ngộ chính là thấy ra bản chất của cuộc sống vốn tiềm ẩn một cái gì đó không ổn định và không đem đến một sự thỏa mãn tuyệt đối.Sự không thỏa mãn này tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ thô đến tế.
 
Ở những nước kém phát triển, điều này rất dễ nhận thấy, nạn nhân mãn, thiếu hụt lương thực, đói, khát, nóng, lạnh, thiên tai, chết chóc, chiến tranh ở nhiều cấp độ khác nhau.Đó là những tồn tại dễ thấy nhất của khổ.
 
Ở những nước đang phát triển, nó là sự cạnh tranh khốc liệt, những đòi hỏi phải thay đổi, phải nâng cao trình độ nhận thức và nghiệp vụ không ngừng gây nên căng thẳng, chán nản, bực bội, thất vọng, nghi ngờ và ganh tỵ, thậm chí phẫn uất; chúng đều là những hình thức khác của khổ (dukkha) mà con người phải đối mặt hàng ngày.
 
Ở những nước đã phát triển, nơi điều kiện vật chất đã tương đối hoàn hảo, kinh tế đã đi đến chỗ bão hòa, chiến tranh, thiên tai cũng xảy ra đâu đó không phải kề cạnh họ, phải chăng khổ không còn?
 
Lúc này con người lại phải đối mặt với những vấn đề khác, khi cái khổ không còn là vấn đề bức bách bên ngoài, nó lại là bên trong, ngay trên thân thể chúng ta hay trong tâm hồn mỗi người, trong các mối quan hệ giữa những cá nhân trong gia đình và ngoài xã hội.
 
Hầu hết chúng ta đang ở trong điều kiện thứ ba mà tôi đã đề cập ở trên.Ở đây có điều kiện vật chất tốt đẹp hơn nhiều nơi khác trên thế giới, đó là một sự thật đáng lạc quan. Chúng ta cũng có một thể chế chính trị tương đối hoàn hảo, nơi có tự do, công bằng và văn minh thật sự trong xã hội, đây là một điều đáng tự hào vì chúng ta đang sống trong một xã hội như vậy.
 
Nhưng thỉnh thoảng con người vẫn phải đối đầu với sự thay đổi của thiên nhiên, nhất là khí hậu, môi trường mà chúng ta đang sống ngày càng nóng lên mà biểu hiện khủng khiếp nhất là vụ cháy vừa qua ở Victoria.
 
Điều này khiến chúng ta phải luôn đối diện với những phấp phỏng lo toan thường xuyên về hỏa hoạn, bão lụt, động đất hay sóng thần đột ngột cướp đi những gì mà chúng ta đang có.Ngoài ra vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta không thể đạt được vì giới hạn của con người.
         
Người ta sinh ra, già đi rồi chết.Không ai chọn được cha mẹ, quê hương, đất nước mà mình đã sinh ra, đây là một sự thật.Không ai chọn được chiều cao và dáng vẻ, đường nét trên thân thể và gương mặt mình.
 
Ai cũng muốn mình xinh đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, thông minh hơn, đáng yêu hơn, và khi đã có rồi, chúng ta muốn chúng tồn tại mãi mãi, nhưng có ai không phải trải qua già, bệnh và chết? Đây là một sự thật mà không ai tránh khỏi, cho dù người đó sống bất cứ đâu trên thế giới này.
 
Thêm nữa, gần gũi với người/vật không thương, xa lìa với người /vật /thứ mà ta thương, mong cầu mà không đạt được cũng gây nhiều rắc rối phiền não. Và không phải bao giờ người /vật ta thương cũng đáng yêu dễ thương và muốn ở gần ta, dưới sự điều khiển của ta.
 
Tình cảm của chúng ta luôn thay đổi, và tình cảm, nhận thức và những đòi hỏi của người cũng vậy, luôn thay đổi khiến ta phải phấp phỏng lo sợ không biết những gì mà chúng ta đang có sẽ đi về đâu.Khi mất đi những gì mà ta cho là ‘của ta’, chúng ta thất vọng, đau khổ, và thậm chí tuyệt vọng muốn quyên sinh.Tình cảm thay đổi còn nhanh hơn cả thời tiết.
 
Như vậy sự không thỏa mãn (dukkha) tồn tại ở khắp mọi nơi, dưới nhiều hình thức và cấp độ, tuy nhiên, chúng ta nhận ra nó hay không, và khi nhận ra nó rồi, chúng ta chấp nhận nó như một sự thật trong đời sống hay tìm cách trốn tránh, che đậy nó bằng nhiều thứ khác để có được cảm giác an toàn giả tạo.
Để giải quyết những vấn đề trên chúng ta cần phải biết nguyên nhân của chúng, điều giác ngộ cần thiết phải có để loại trừ nguyên nhân của khổ.
 
Có những vấn đề chúng ta có thể thay đổi được, hay tác động lên điều kiện khiến nó phải thay đổi.Nhưng cũng có những thứ chúng ta không thể thay đổi được, và điều tốt nhất là chính chúng ta phải thay đổi để phù hợp hơn với hoàn cảnh sống.
 
1300 năm trước, Santideva, một nhà sư ở Ấn Độ đã thốt lên: “Làm sao ta có thể có đủ thảm da để che trọn mặt đất. Nhưng chỉ với đôi dép này ta có thể bảo vệ chân mình khỏi trầy xước” (trên đường đời đầy chông gai).Đây chính là trí tuệ biết chấp nhận và hóa giải những khúc mắt trong cuộc sống.
         
Nhưng chúng ta phải làm sao khi không thể thay đổi đối tượng, không thể thay đổi chính mình? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải thay đổi thái độ nhìn nhận sự việc.Chính thái độ của chúng ta mới là yếu tố quyết định trong việc nhìn nhận, đánh gía sự kiện là tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực. Mà thái độ này lại tùy thuộc vào nhận thức, nhận thức lại tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, môi trường tuổi thơ, nền giáo dục mà chúng ta đã thọ nhận.
 
Như vậy, chúng ta là một chuỗi những liên hệ nhân – quả, tương duyên tương tức mà mỗi cá nhân là một mắc xích, mỗi lựa chọn, mỗi quyết định là một thành tố tạo nên chuỗi diễn tiến mà chúng ta gọi là cuộc đời này.
 
Theo cách này, chúng ta khó mà lần ra được đâu là điểm khởi đầu và đâu là điểm kết thúc. Chính vì vậy đức Phật nói sinh tử luân hồi là vô thủy vô chung. Khi tôi hỏi một đứa bé: “Con vịt sinh ra từ đâu?” Em bé trả lời: “từ quả trứng”. “Vậy quả trứng sinh ra từ đâu?” em bé nói: “từ con vịt”. Và như vậy không ai xác định được con vịt có trước hay cái trứng có trước, cái gì là nguyên nhân và cái gì là kết quả.
 
Để giải quyết vấn đề này, những tôn giáo tin vào Thượng Đế (TĐ) đưa ra một định đề khẳng định rằng TĐ là nguyên nhân đầu tiên và sáng tạo ra muôn loài, từ đó muôn loài liên kết với nhau để sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, sự nảy nở và phát triển này có nằm trong sự điều khiển của TĐ hay không lại là một vấn đề khác, và chúng gây ra rất nhiều giải thích, tranh cãi, luận bàn mà kết quả là ngày nay chúng ta có rất nhiều tôn giáo và học thuyết.
 
Nhiều tôn giáo và học thuyết không phải là chuyện xấu, nhưng điều tai hại là mỗi người hay nhóm người lại thủ chấp vào những điều mình đã được dạy, đã được huân tập, hay ý kiến của những người xung quanh cho rằng đó là chân lý duy nhất, và điều này dẫn đến xung đột, chia rẽ và hận thù, chiến tranh, hay tìm cách triệt tiêu lẫn nhau.
 
Khác với những tôn gíao tin vào TĐ, đức Phật nói rằng không có một nguyên nhân đầu tiên và duy nhất cho mọi hiện tượng. Mỗi cái dều là nhân cho một cái khác, và chính nó cũng chỉ là quả của một chuỗi các tiến trình nhân – duyên khác nhau. Như vậy nhân cũng là quả và quả cũng là nhân như câu chuyện về con vịt và cái trứng.
 
Sau đây là một đoạn trích dẫn trong Trường Bộ Kinh, câu hỏi của Thiên chủ Sakka liên quan đến vấn đề mà chúng ta đang thảo luận hôm nay. Cuộc đối thoại giữa đức Phật và vị Thiên chủ diễn ra như sau:
 
1.      Sau khi được phép, Thiên chủ Sakka hỏi Thế Tôn câu hỏi đầu tiên:
          Bạch Thế Tôn, do trói buộc gì (vì nguyên nhân nào), các loài Thiên, Nhân, Asura, Naga, Càn Thác Bà, và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: “Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù”. Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch,với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù?
 
Đó là hình thức câu hỏi thứ nhất, Thiên chủ Sakka hỏi Thế Tôn. Và Thế Tôn trả lời câu hỏi ấy như sau:
 
          Do tật đố (ganh tỵ) và xan tham (keo bẩn), các loài Thiên, Nhân, Asura, Naga, Càn Thác Bà, và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: “Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù”. Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch,với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù.
 
Đó là hình thức Thế Tôn trả lời cho câu hỏi Thiên chủ Sakka. Sung sướng, Thiên chủ Sakka hoan hỷ, tín thọ lời dạy Thế Tôn và nói:
 
          Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của con diệt tận, do dự của con tiêu tan. 
 
2.      Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ câu trả lời Thế Tôn, liền hỏi câu hỏi tiếp: 
 
          Bạch Thế Tôn, tật đố, xan tham, do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng sanh hiện hữu, cái gì có mặt thì tật đố, xan tham có mặt? Cái gì không có mặt thì tật đố, xan tham không có mặt? 
 
          Này Thiên chủ, tật đố và xan tham do ưa ghét làm nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng sanh khởi, ưa ghét khiến chúng sanh hiện hữu, ưa ghét có mặt thì tật đố, xan tham có mặt, ưa ghét không có mặt thì tật đố, xan tham không có mặt. 
 
          Bạch Thế Tôn, ưa ghét do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng sanh hiện hữu, cái gì có mặt thì tật đố, xan tham có mặt? Cái gì không có mặt thì tật đố, xan tham không có mặt? 
 
          Này Thiên chủ, ưa ghét do tham cầu làm nhân duyên, do tham cầu làm tập khởi, tham cầu khiến chúng sanh khởi, tham cầu khiến chúng sanh hiện hữu. Tham cầu có mặt thì ưa ghét có mặt,tham cầu không có mặt thì ưa ghét không có mặt. 
 
          Bạch Thế Tôn, nhưng tham cầu do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến tham cầu khởi, cái gì khiến tham cầu hiện hữu, cái gì có mặt thì tham cầu có mặt? Cái gì không có mặt thì tham cầu không có mặt? 
 
          Này Thiên chủ, tham cầu do suy nghĩ làm nhân duyên, do suy nghĩ làm tập khởi, suy nghĩ khiến tham cầu sanh khởi, suy nghĩ khiến tham cầu hiện hữu. Suy nghĩ có mặt thì tham cầu có mặt,suy nghĩ không có mặt thì tham cầu không có mặt. 
 
          Bạch Thế Tôn, suy nghĩ lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi? Cái gì khiến suy nghĩ sanh khởi, cái gì khiến suy nghĩ hiện hữu, cái gì có mặt thì suy nghĩ có mặt? Cái gì không có mặt suy nghĩ không có mặt? 
 
          Này Thiên chủ, suy nghĩ lấy các loại vọng tưởng hý luận làm nhân duyên, lấy các loại vọng tưởng hý luận làm lý luận làm tập khởi. Các loại vọng tưởng hý luận khiến suy nghĩ sanh khởi, các loại vọng tưởng hý luận làm khiến suy nghĩ hiện hữu. Do các loại vọng tưởng hý luận có mặt thì suy nghĩ có mặt. các loại vọng tưởng hý luận không có mặt thì suy nghĩ không có mặt”. (DN.21)
 
Cuộc đối thoại này cho thấy Thiên chủ là một vị trời rất có trí tuệ, luôn muốn tìm hiểu vấn đề một cách rốt ráo. Vì như một vị lãnh đạo các chư thiên (năng lực thiện chủ đạo trong mỗi người hay trong vũ trụ), vị thiên chủ này muốn giải quyết vấn đề một cách có ý thức và có hệ thống, đúng phương pháp dựa trên sự hiểu biết đúng đắn về bản chất của vấn đề và các mối liên hệ tương quan tương tức.
 
Đây là một phương pháp trực diện để giải quyết vấn đề rất Phật giáo: quan tâm một cách sáng suốt và khách quan nhìn nhận để giải quyết sự việc. Tuy nhiên, sự quan tâm đúng đắn này phải có nền tảng từ tình yêu thương, không phân biệt và không thiên vị. Điều này là điểm khác biệt giữa sự tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm thuộc về tâm linh và tôn giáo với khoa học và kỹ thuật thuộc về chủ nghĩa vật chất.   
 
Đoạn kinh trên cũng cho thấy khái niệm về Thiên thần và Thiên chủ (không phải là Thượng Đế như quan niệm của người Thiên chúa hay người Hồi giáo, Hindu giáo) trong đạo Phật rất khác với các tôn giáo khác.
 
Câu hỏi của Thiên chủ Sakka phản ánh một vấn đề rất thực tế trong thế giới này: tại sao mọi người muốn hòa bình, yên ổn và hạnh phúc nhưng họ lại tự làm khổ mình và làm khổ người bằng cách gây bất đồng, bất ổn và chiến tranh?
 
Câu trả lời của đức Phật chỉ ra nguyên nhân là các phiền não nghiệp chướng của chúng sinh bắt đầu từ sự ích kỷ và thủ chấp. Chúng ta hãy trở lại với chuỗi nhân duyên tạo ra cái thế giới bất ồn này, nó như sau: ganh tỵ – ích kỷ có nguyên nhân trong ưa – ghét, cái này là bắt nguồn từ tham cầu, và tham cầu lại đến từ suy nghĩ có nền tảng là vọng tưởng hý luận.
 
Vọng tưởng hý luận chính là nhận thức sai lầm; khi các dữ liệu là không chính xác, suy nghĩ dựa trên các dữ liệu đó là tà tư duy (miccha sankappa = vitakka)và các tà tư duy đó dẫn đến ưa – ghét dựa trên sự suy xét cảm tính chủ quan của cá nhân, và nó tạo ra đố kỵ và ích kỷ điều dẫn đến hiềm thù, xung đột và chiến tranh.
 
Khi tham cầu được thỏa mãn, con người sanh tham (ưa thích), và từ tham này khiến họ ích kỷ muốn những gì vừa đạt được chỉ thuộc về mình, không muốn chia sẻ; khi tham cầu bị từ chối, người ta nổi sân hận (ghét), và ganh tỵ với những ai đang có cái mà mình mong muốn.
 
Và như vậy, trong vô minh, chúng sinh mong cầu hạnh phúc và an ổn nhưng lại tự tạo ra đau khổ và bất ổn trong xã hội do chúng thiếu hiểu biết về chính mình và không biết rằng những gì đang diễn ra là mang tính nhân quả, không có một TĐ hay Sa tăng nào sau đó.
 
Câu trả lời của đức Phật đưa chúng ta về với sự thật đang diễn ra xung quanh chúng ta, về bản chất của con người nói riêng và về các hiện tượng của đời sống nói chung trong mối tương quan nhân quả.
 
Trong đời sống hàng ngày cũng vậy, mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân và tạo duyên cho một hay nhiều sự việc khác.Sinh ra ở đâu và như thế nào cũng có nguyên nhân và duyên nghiệp của nó. Xinh đẹp hay xấu xí, khỏe mạnh hay yếu đuối, thông minh hay tầm thường, thành đạt hay không thành đạt, vv… tất cả đều có những nguyên nhân sâu xa mà Phật giáo gọi là Nghiệp (kamma) và quả của nghiệp (kamma-vipaka).
 
Vậy, nghiệp là gì?Theo nghĩa đen, nghiệp chính là hành động. Hành động biểu hiện qua 3 cửa là: thân, khẩu và ý. Về phương diện đạo đức, nghiệp lại được chia ra 3 loại: thiện, bất thiện và trung tính, nghĩa là không thiện cũng không ác. Về phương diện triết học, nghiệp chính là ý chí (cetana) hay động lực (sancetana) sau mỗi hành động.
 
Trong mối quan hệ tương tục nhân quả trong thời gian, nghiệp lại được đề cập đến như hiện nghiệp, quá khứ và quả báo trong tương lai. Nghiệp cũng được nói đến dưới một số thuật ngữ khác như cận tử nghiệp, thường nghiệp, đoạn nghiệp, chướng nghiệp, vv…
 
Đây là một vấn đề khá rộng lớn, mà bài viết này không đi sâu vào giải thích tất cả các khía cạnh mang tính triết lý của chữ nghiệp. Tuy nhiên, theo sự phân tích tâm lý ở đoạn kinh trên, chúng ta cũng đã có được một cái nhìn khá thực tế về vấn đề nghiệp quả.
 
Trở lại với vấn đề căn bản nhất liên quan đến khái niệm về nghiệp và quả của nghiệp, đó chính là hành động và kết quả của nó. Hành động như thế nào thì được gọi là thiện, và hành động như thế nào thì được gọi là ác, điều này liên quan đến quan niệm thiện – ác vốn được hình thành và tồn tại của xã hội loài người.
 
Quan niệm thiện – ác có thay đổi theo thời gian và cũng có những điểm dị biệt tùy theo xã hội, cộng đồng hay tôn giáo. Trong đạo Phật, thực hành 5 giới cấm là tránh làm ác, tu Thập thiện là làm lành, vun bồi phước đức, như bố thí, giữ giới, tu thiền, vv…
 
Theo: Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế  

Tác giả: Dhammananda Bikkhuni (Tỳ khưu ni Pháp Hỷ) 

Đánh máy: Thái Dũng Trung 

Mời bạn đọc  xem tiếp Bài 1, Phần 2 hai: Pháp tu của người phật tử