Huyền thoại về Mẹ Sỉ
Tương truyền, cách đây 2600 năm, khi đất nước Lan Xang (Lào cổ) được dựng lên, Đức Vua đã lựa chọn địa điểm tại huyện Sỉ Xắc Ta Nạt để cắm mốc, khẳng định chủ quyền của đất nước. Đức Vua đã cho truyền lời kêu gọi thần dân tình nguyện hiến dâng sinh thể của mình làm “ cột mốc” thiêng cho Tổ quốc.
Vào một buổi sáng ngày lành tháng tốt, sau khi lập đàn cúng bái trời đất, người ta đã cho đào một hố sâu để “ chôn cột mốc”. Hố đào trúng mạch nước ngầm trong xanh, phun lên không dứt. Người hiến mình làm cột mốc là một người phụ nữ còn trẻ.
Sau khi lập đàn tế lễ , ý nguyện của nàng đã được thần linh chấp thuận. Nàng nhảy xuống giếng, cột nước vọt lên trời, hóa thành cầu vồng rực rỡ muôn màu sắc .
Phải đến 100 ngày, hố giếng không ai lấp tự liền lại và nhô lên khỏi mặt đất một cột mốc thiêng. Người ta lấy gạch (gạch xỉ) bao xung quanh giếng thành một ngọn đồi nhỏ (ước chừng cao 5m; dài 15 m và rộng 11 m) và từ đó gọi tên là Chau Me Sỉ Mương (Chau: làm chủ; Mương: tên huyện ; Me: mẹ ; Sỉ: tên riêng; Chau Me Sỉ Mương: Mẹ Sỉ làm chủ huyện, làm chủ đất nước).
Cách đây 600 năm, người ta cho xây chùa Sỉ Mương trên diện tích khoảng hơn 2 ha . Cấu trúc của chùa gồm một nhà chính thờ Phật và khu vực thờ Me Sỉ Mương. Chúng tôi đã có dịp đến Viêng Chăn và lần đầu tiên đặt chân đến ngôi chùa thiêng này. Cô Sẻng Chẳn Sỉ Sả- Hướng dẫn viên thông tuệ, nhiệt tình nhắc nhở mọi thành viên trong đoàn: “Vào chùa có thể cầu nguyện bất cứ điều gì, trừ tình yêu!”.
Chuyện về đôi chim hạc
Ông Bun Lop (70 tuổi, giữ chùa) đã hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với chùa Sỉ Mương đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đôi chim hạc bay về. “Tôi chỉ nhớ đó là buổi chiều mùa Đông bỗng bất ngờ có đôi chim bay về đậu trên nóc chùa. Sau đó cả hai xuống sân chùa đi lại không chút sợ hãi. Chẳng những thế, chúng còn lao vào lấy mỏ cắp vào quần, áo, cắn du khách, khiến cho du khách không thiện cảm. Có du khách đã đuổi, đánh, và con hạc mái bị gẫy chân. Nhà sư Khăm đẻn Phông ma ni vông- Trụ trì chùa Sỉ Mương đã mang hai con hạc đi chữa trị. Sau khi đưa cặp hạc trở lại chùa, con hạc trống bay mất, con lại con hạc mái …”
Được biết, từ đó, con hạc mái đã chọn Chau Me Sỉ Mương để sinh sống. "Suốt ngày, đêm; 24 / 24 (giờ), con hạc mái quanh quẩn trong không gian của phần mộ khoảng 165 m2. Dưới tán lá cây me rợp mát phủ lên khắp phần mộ, hạc mái xòe lông, rỉa cánh, đi lại khoan thai, không bao giờ xuống sân, gần du khách như trước đây. Đây là con hạc đa màu sắc. Mỏ xám trắng, ướm vàng, ngực trắng, lông cánh, lưng đen thẫm.
Thức ăn (cá), nước hàng ngày đã có nhà sư mang đến. Nó chỉ tắm nước trời những khi mưa xuống. Chúng tôi gọi con hạc là máy báo thời tiết. Khi nào nó kêu lên “Cạc! Cạc! ” là thời tiết thay đổi (đang nắng chuyển sang mưa, lạnh và ngược lại)." Ông Chẳn Chang (người giữ chùa) trao đổi.
“Từ khi xuất hiện con chim hạc, du khách đến thăm và cầu nguyện ở chùa đông hơn. Không một du khách nào là không dừng lại ở khu vực Chau Me Sỉ Mương để được tận mắt ngắm, nhìn chim hạc, để cầu nguyện, nhiều người (qua phiên dịch) còn muốn biết tường tận lai lịch, tỏ tường huyền thoại Me Sỉ cũng như chim hạc”. Ông Bun Lop bổ sung.
Từ khi chim hạc xuất hiện, du khách thêu dệt thêm nhiều huyền thoại. Có người cho rằng Đức Phật phái chim hạc bay về canh giữ cho Me Sỉ; lại có người cho rằng linh hồn của Me Sỉ nhập vào chim hạc mà về. Phải đất nước an lành, tươi đẹp, lòng người hài hòa chim hạc mới bay về đậu.
Toàn cảnh khu vực thờ Me Sỉ
Chim hạc canh giữ cho Me Sỉ hay hồn Me Sỉ nhập vào chim
Du khách đến từ Việt Nam