Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Những bi kịch

Những bi kịch

72

Ta khó có thể lý luận hạnh phúc của tuổi trẻ là gì, khi tuổi thơ của nó đã bị biến mất? Cha mẹ nhìn những trẻ thơ bằng những cách nhìn của người lớn, khiến cho những trẻ thơ trở thành nạn nhân của người lớn. Tại sao ta không có hai con mắt để nhìn trẻ thơ?

Trước hết, ta phải nhìn trẻ thơ bằng chính con mắt của nó, để thấy nó đúng như là những gì nhu cầu của chính nó. Và thứ hai, ta phải nhìn trẻ thơ trong đôi mắt người lớn, để định hướng cho nó vươn tới theo những điều kiện mà nó có thể.

Hai con mắt nầy là cần thiết cho những người làm cha mẹ đối với con cái và những vị thầy đối với học trò. Thiếu một trong hai cách nhìn ấy, cha mẹ trở thành nạn nhân của con cái, vì con cái có cảm giác rằng, mình đang bị áp lực học hành bởi cha mẹ và vì cha mẹ mà học, chứ không phải học hành để có khả năng tạo dựng sự hiểu biết cho chính mình. Học bị áp lực, con người càng học càng trở nên ngu muội và oán thù đối với việc học và người dạy.

Và thiếu một trong hai cách nhìn ấy, thầy giáo là độc hại và tàn nhẫn đối với học trò. Học trò thù ghét thầy giáo hơn là biết ơn thầy giáo.

Nếu thiếu một trong hai cách nhìn ấy, bậc làm cha mẹ sẽ thất bại trong việc giáo dục đối với con cái và nếu làm thầy giáo, thì sẽ thất bại đối với việc giáo dục học trò. Đối với mặt xã hội cũng vậy. Nếu ta làm nhà lãnh đạo đất nước, trước hết là ta phải có cách nhìn của quần chúng như chính quần chúng đã nhìn chính họ và nhìn nhà lãnh đạo. Và tiếp theo là ta phải có cách nhìn của nhà lãnh đạo đúng như là những nhà lãnh đạo đối với quần chúng.

Nếu thiếu một trong hai cách nhìn, tư cách của nhà lãnh đạo tự nó biến mất trong lòng của quần chúng và họ sẽ bị quần chúng thù hận và nguyền rủa.

Cha mẹ đối với con cái, tình thương không còn là lý thuyết, ngôn thuyết hay lý luận mà chính là cuộc sống. Thầy đối với học trò, đạo đức không còn là lý thuyết, ngôn ngữ hay lý luận mà chính là cuộc sống. Và người lãnh đạo đối với nhân viên hay quần chúng, hiến pháp, luật pháp, nội quy không còn là lý thuyết, ngôn thuyết hay là những lý luận triết học hoặc khoa học mà chính là cuộc sống.

Mọi giá trị của lời nói phải đi từ cuộc sống mà không phải đi từ những lý luận sắc bén. Mọi lý luận sắc bén có thể chinh phục được đối phương tức thì, nhưng nó sẽ bị đối phương nguyền rủa và tránh xa, khi bị phát hiện lý luận chỉ là những sản phẩm của lý trí mà không phải chính nó là cuộc sống.

Ta nên nhớ rằng, thấy thì không cần phải lý luận mà càng lý luận là càng không thấy. Những bi kịch của gia đình và xã hội ngày nay, là do người ta phần nhiều làm theo thói quen hay lý luận mà không làm và nói theo cái thấy.