Chỉ duy, cùng với nỗi giật mình sững sờ, câu thơ của thi sĩ Huyền Không (2) bỗng hiện rõ như những tia điện lóe sáng trước mắt, vang động trong tâm và trong một thoáng, tôi nghĩ, tôi nhìn thấy, cảm nghiệm trực tiếp được đồng thời vị Thầy, nhà thơ mà tôi chỉ được gặp hai lần trong đời, nhưng câu thơ từ đó được mang theo:
Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ
Nghe tiếng hoa khai, bỗng giật mình! (3)
Mọi khởi đầu của sáng tạo – cũng như xuân đến, hoa bừng nở – đến từ sự rung động thể lý ban sơ của trái tim, nơi ”cái giật mình“ của nhà thơ là sự bước ra khỏi tĩnh lặng quán tưởng để nhập cuộc, vào đời.
Khác với nỗi giật mình hoảng hốt của tôi, mà cũng khác với Trần Tế Xương ”giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò“ (4) trong khoảnh xa lìa giữa mộng và thực, cũng khác với nàng Kiều ”giật mình, mình lại thương mình xót xa“ (5) trong tủi nhục ê chề giữa hèn mọn phận mình và tàn nhẫn tay người, cái ”giật mình“ của thi sĩ Huyền Không đưa ta vào một chiều kích hiện sinh trong vũ trụ, được cảm nghiệm như ”vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh“.
Trong chiều kích hiện sinh MỚI mẻ này, thế giới được tạo lập bằng sự hòa nhịp của nhạy cảm thể xác, bằng rung động thể lý trong tiếp xúc với ngoại vật thiên nhiên, tựa như sự va chạm của hai dòng điện thần kinh nối mạch, từ đó tất cả những giây thần kinh của cơ thể con người, của thế giới loài người và những tầng trời vũ trụ chuyển cùng một điệu hòa đồng. Mọi đối đãi, phân li, chia cắt, nghịch lý gây khổ đau giữa ta và người, ta và vũ trụ đều được hàn gắn, vượt qua. Ở đây không còn sau trước giữa ”tiếng hoa khai“ và niềm rung động thấy hoa, nghe hoa; cũng không trước sau giữa ngạc nhiên choàng tỉnh và mùa xuân đã đến tự bao giờ, mà tất cả đều như xảy ra cùng một lúc trong cái ”giật mình“ đầy hạnh ngộ ấy. Cơn sốc nhẹ như cánh hoa hé nở chính là tiếng nói không lời, bước đi không tiếng hay ”âm vang vô thanh“ của tiếng “vỗ của một bàn tay“ đánh động sự xôn xao trỗi dậy một thế giới đầy sáng tạo.
”Bỗng giật mình“ diễn tả một biến động thần kinh phi trọng lượng của thể xác hòa nhập vào vũ trụ, đột biến như ngôn ngữ vô ngôn mà nhà thơ Mãn Giác đã dùng làm bè để chuyển đến cho chúng ta kinh nghiệm liễu ngộ của Thiền sư Mãn Giác về đạo Phật từ thuở sơ sinh và cũng ngay tại đây, bây giờ:
Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh.
Cái đạt của bốn câu thơ – chừng đó cũng đủ cho ”ông thầy tu đáng được gọi là thi sĩ“, như Ðại lão tỳ kheo Thích Trí Quang có lần hóm hỉnh nhận xét (theo lời kể của chính tác giả) – nằm ngay ở tầng số nhạy cảm của trái tim nhà thơ truyền đến cho người thế tục để người ấy có thể trực diện khám phá và giác ngộ thể tính ”vạn pháp bình đẳng“ hay tính ”nhất thể của chân như“ trong chính giờ phút ”ô hay xuân đến“ mà nhà sư Mãn Giác suốt cả 58 năm thể nghiệm và thuyết giảng.
Ðồng thời chính cái TÂM nhạy cảm ấy tạo nên yếu tính đồng nhất (Identité) hay bản lai diện mục của nhà sư hay Hoà thượng Mãn Giác, hay, khi tất cả nhãn hiệu rơi xuống, hiển hiện con người, một thực thể (sattva) được ngộ (bodhi) “Mãn Giác“ trong thệ nguyện chúng sinh đều độ khắp: “Tâm và Vật – nếu có thể nói như vậy – đối với đạo Phật vốn là những gì bất tương ly, bất khả ly phân. Và từ đó, nói đến con người là nói đến toàn diện của nó. Chữ Tâm nằm trong ý nghĩa toàn diện đó“ (6) .
Trong mọi thể nghiệm, nhà sư biết rõ hơn ai, thật không dễ để nói về “chân như“ mà không đánh mất chính “chân như“ và trở nên vọng ngữ. Dù cho kinh Hoa Nghiêm có ghi lời Ðức Phật: “Chân như vô thỉ, vô chung, vô minh vô thỉ hữu chung“ (7) thì đó cũng chỉ là những ý niệm trừu tượng và nếu ngược lại với lời dạy Ðức Phật, nếu chúng ta không khởi hành, lên đường, đi…cho hết mọi nẻo, đến cùng đường “ngôn ngữ đoạn đạo, tâm hành xứ diệt“, qua khỏi mọi bắt đầu và kết cuộc, vượt trên mê mờ và tỉnh thức đối nghịch, để thấy…bầu trời thật xanh:
Qua Thiền Môn thấy trời xanh
Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện cảnh mơ màng
Không gian là chiếc y vàng quấn thân…(8)
Với nhà sư Mãn Giác, mỗi cuộc đi là một cuộc trở về, trở về bắt kịp giờ phút ”hoa nở“ bằng nhịp đập “tỉnh hồn ngàn xưa“ (9). Và ngay trong khoảnh khắc ấy, ở đây, bây giờ, trái tim của Thiền sinh Mãn Giác “giật mình“ ngộ lý triết học bát nhã “Ðêm qua sân trước một cành mai“ của Ðại thiền sư Mãn Giác đời Lý, cách 10 thế kỷ. Một người chỉ cho thấy cành mai nở, có kẻ giật mình khi hoa khai, hay chẳng có người nào cả, chỉ có hoa nở và có sự giật mình. Tính bình đẳng nhất thể xảy ra trong phút chốc.
Ðó là cảm nghiệm mà tôi nhận được, và cám ơn người gửi điện thư báo tin, kẻ đã nhầm nhà sư Mãn Giác “đời nay“ (10) với Mãn Giác Thiền sư đời Lý (11) khi viết thêm cho chúng tôi hai câu của bài thơ “Cáo tật thị chúng“ truyền tụng cổ kim:
Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua sân trước một cành mai
Chính sự nhầm lẫn này lại không lầm, ngược lại nó chỉ cho tôi điều mà nhà sư Mãn Giác thọ nhận, thể nghiệm và truyền đạt từ gia tài văn học Phật giáo Việt Nam, cái “hồn ngàn xưa“ ấy, rốt cuộc cũng chỉ nằm ở trái tim, ở chữ Tâm, chẳng có một danh hiệu hay duy ngã nào cả trong giòng chảy trí huệ bát nhã ấy.
Triển khai chữ Tâm trong dòng đời, nhập cuộc, hành trì tu chứng, đánh thức, “kêu lên một tiếng, tỉnh hồn ngàn xưa“ (12) chính là nỗ lực văn hoá mà nhà sư Mãn Giác đã mang trách nhiệm: “Nếu đời đã là bể khổ như Phật giáo quan niệm, và đất chỉ sanh chông gai, trái đắng như Thánh kinh nói thì hiện hữu hẳn là một nỗ lực tiên quyết để thoát khổ, để canh tác cho đất ươm mầm sống, cho thêm màu mỡ. Nỗ lực ấy chính là văn hoá và tất cả những thành quả của nỗ lực ấy cũng chính là văn hóa vậy“.
Văn hóa dân tộc là dòng chảy liên tục trong khoảnh khắc hiện tại, mỗi khoảnh khắc nỗ lực sáng tạo là một tiếp nối TÂM dân tộc trong tỉnh thức, cho nên: “Nhắc lại kinh nghiệm Lý, Trần… không có nghĩa là đẩy Việt Nam lùi lại…“ mà “chỉ là để suy nghiệm lại bài học lịch sử, và từ đó rút ra những ưu điểm thường hằng…có tác dụng dẫn khởi cho việc tựu thành một giải pháp hữu hiệu khả dĩ đưa dân tộc ra khỏi những quay cuồng sân hận, oán thù, ly tán… Một đường hướng văn hoá hóa giải. Một đường hướng khả dĩ giúp mọi người Việt
Lời nói đã 32 năm qua, mà ước vọng thì vẫn trẻ như mới vừa sinh ra. Và cũng trẻ như nụ cười của nhà sư Mãn Giác khi thuyết giảng về văn hoá. Văn hóa là hiện tượng đơm bông kết trái trên mảnh đất chung của một dân tộc, của cả loài người cho nên nó phải luôn luôn mới và trẻ. “Mới và trẻ“ trong mỗi giây mỗi phút của sáng tạo bằng tâm vô quái ngại, không nề hà mà Lục tổ thiền sư Huệ Năng gọi là “vô niệm“, vị “Tổ“ mà chúng ta tưởng là già, nhưng lại trẻ măng. Ðó là điều mà nhà sư Mãn Giác khám phá và nhấn mạnh:
”… mỗi khi ta nhắc đến ngài Huệ Năng thì lập tức chúng ta hình dung rằng ngài có hình dáng một cụ Hòa thượng già nua… Chúng ta thường hình dung nét mặt của ngài Huệ Năng là nét mặt hiền hậu của một cụ già, nhưng chúng ta đã quên rằng Huệ Năng đã từng rất trẻ, và chính tuổi trẻ của Huệ Năng quyết định hết tất cả sự nghiệp tâm linh vĩ đại của Huệ Năng…“ (14) “Ngay ở Việt Nam ngày nay, cũng không thấy một thanh niên trẻ măng mới đến chùa xin đi tu mà dám cả gan đối đáp như vậy với một vị Hòa thượng nổi tiếng (như Hoằng Nhẫn), huống chi đây là một thanh niên ngoại quốc ở vùng nhược tiểu “man rợ” mà dám đối đáp với Đại lão Hòa thượng đại cường quốc thống trị Trung Hoa thịnh Đường như vậy; Hoằng Nhẫn giả vờ hỏi một câu chê trách về nguồn gốc Việt Nam của Huệ Năng thì Huệ Năng trả đũa ngay lập tức như một kẻ đã chứng ngộ rồi mới dám khẳng định rằng: “Con người tuy có Tàu có Việt, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh trong Hòa thượng và trong tôi chẳng có gì là sai biệt”.(15)
Trong tinh thần “làm trẻ Huệ Năng“, mỗi cuộc trở về với gia tài văn hóa Phật giáo đối với nhà sư Mãn Giác là một cuộc làm trẻ lại mảnh đất trí tuệ trong tinh thần “Phật tánh không sai biệt“, đốn ngộ của Huệ Năng.
Nhưng trong “vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh“ ấy, vẫn ẩn hiện một quê hương cho ngũ uẩn “Mãn Giác“:
Thân ta là giải đất bằng
Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông
Tình ta là đóa hoa hồng
Ý ta là cả cánh đồng tâm linh…
Bởi vì ngũ uẩn cũng chính là quê hương cho những ai đã lên đường, đi tìm hay đi xa, truy tầm hay chạy trốn, cho những ai đã từng trải qua bão táp, sóng dồn nơi tha hương, cho những ai lênh đênh phương trời, không còn đạp chân trên mảnh đất mình sinh ra:
”Dù bất cứ chúng ta lưu lạc ở phương trời nào, mỗi khi chúng ta không quên được tiếng nói của quê hương, tiếng nói suối nguồn trong khiết của đạo lý, thì “chính thân thể mình là quê hương” như ngài Huệ Năng đã nói, và dù có ai đã đem vô minh đen tối đến cho quê hương và đạo pháp, nhưng chơn lý vẫn luôn luôn chiến thắng như ngài Huệ Năng đã nhắn lại với chúng ta: “Cũng như một ngọn đèn có thể trừ được một ngàn năm bóng tối thì một ánh sáng của trí tuệ cũng có thể diệt được một vạn năm ngu si đen tối”.(16)
Tôi đã được chứng kiến hiện trạng “thân thế mình là quê hương“ ấy ở chùa Việt Nam tại Cali khi gặp Thầy lần đầu. Nụ cười trẻ trên gương mặt lão bệnh nhưng tỏa sáng trí tuệ, bình an tự tại trong mọi tất bật mà một vị sư có thể nhẫn nại cho mình: không chỉ là vị tu sĩ, thầy giảng, thiền sư (Zenmaster như Phật tử người Mỹ gọi), mà còn là cha, mẹ, anh, em, bằng hữu và… Bồ tát hay là Phật nữa. Trong căn phòng đơn sơ của mái chùa Việt
Ấy cũng bởi nhà sư đã nắm được yếu quyết đi vào Nhất Tâm: ”Ðúng ra, toàn diện con người cũng chính là toàn diện của vạn pháp“ hay “Vạn pháp duy Nhất tâm“. Ðiểm đạt đạo thơ của thi sĩ Huyền Không, hay quả tu chứng đạt đạo của nhà sư Mãn Giác nằm trong thực chứng “Nhất Tâm“ khi tổng hợp được trái tim Việt Nam với trái tim vô ngã của Ðức Phật trong khoảnh khắc “hoa nở“. Cành mai mà (Ðại sư) Mãn Giác trao lại cho (Thiền sư) Mãn Giác chính là cành sen mà Ðức Phật Gotama đã giữ trong tay với nụ cười yên lặng, khoảnh khắc duy nhất của Vô Sanh:
Hoa nở thấy Phật chứng vô sanh
Bồ tát La hán là bạn hữu
Có lẽ trong cõi bất sanh bất diệt ấy, nếu thiền sư Mãn Giác đạt đạo vô ngôn:
Còn đâu nữa Kim cang kinh
Thiền môn biến mất mà mình vô ngôn
Thì nhà thơ Huyền Không sẽ lên tiếng, vẽ trên bầu trời xanh một bóng người:
Ta từ sinh tử về chơi
Ngồi trên đỉnh núi mỉm cười với trăng
Và cả hai “bỗng giật mình“ NHƯ THẬT!
[1]Huyền Không, Thơ: Ðạt đạo.
[2]Huyền Không: biệt hiệu thi sĩ của Hoà Thượng Thích Mãn Giác
[3]Thích Mãn Giác, thơ: “Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình“, được chính tác giả đọc cho nghe.
[4]Trần Tế Xương, thơ:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
[5]Nguyễn Du, Ðoạn trường tân thanh, thơ:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
[6]Thích Mãn Giác, “Ý niệm về chân như“, tập san Tư tưởng 2&3, Viện Ðại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1968
[7]như trên 4
[8]Huyền Không, thơ.
[9]Huyền Không, thơ
[10]Chữ của Trần Kiêm Ðoàn
[11]Mãn Giác Thiền sư, đời Lý, thế kỷ 12.
[12]Huyền Không, thơ: „kêu lên một tiếng, tĩnh hồn ngàn xưa“
[13]Thượng tọa Thích Mãn Giác, Diễn văn khai mạc của Thượng tọa tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hoá , đọc ngày 22. 12. 1974, in lại trong Hải Triều Âm, tam nguyệt san, số đặc biệt 9&10, chủ nhiệm kiêm chủ bút: T.T. Thích Mãn Giác.
[14]Pháp Bảo Ðàn kinh, Ðôn hoàng bản, Lục tổ Huệ Năng, Hoà Thượng Thích Mãn Giác dịch Việt , lời đầu sách.
[15]Ðã dẫn
[16]Thích Mãn Giác, Pháp Bảo Ðàn kinh, đã dẫn.
[17]Thích Mãn Giác, “Ý niệm về chân như“, tập san Tư tưởng– Viện Ðại học Vạn Hạnh. 2&3, Sài Gòn 1968, (trích Ðại thừa khởi tín luận, Thích Trí Quang dịch, trang 108, 110, 111)