Trang chủ Văn hóa Chuyện về sen

Chuyện về sen

73

1– Ngày bé, cạnh khu đồng xóm tôi mãi tận rừng sâu núi thẳm Thái Nguyên có một vùng đất lầy rộng vài hécta chỉ toàn cỏ ống, cỏ bắp bợ, cỏ tróc. Trâu thèm ngọn cỏ cũng không dám ngoi ra vì sẽ bị hút xuống vựa bùn khổng lồ dưới làn nước mỏng rồi không ngoi lên được. Mùa đông, mặt bùn rắn lại, chúng tôi có thể chạy chơi trên mặt đất lùng nhùng, nhưng dưới lớp đất đó là bùn óc chó. Vùng đất có tên Đầm Sen. Lúc ấy tôi không có khái niệm gì về một loài cây, một loài hoa có tên là sen. Chỉ nghĩ nó là tên đất thế thôi.

Sau này biết về sen chợt nghĩ ra, có lẽ vùng này trước đây từng là một đầm sen khổng lồ.

2– Bắt đầu bay nhảy, rồi có dịp đi khắp đất nước vì công việc, tôi mới biết nhiều về loài hoa đẹp tuyệt này.

Sen có mặt ở khắp nơi Bắc Trung Nam.

Sen dễ sống, sức chịu đựng bền bỉ.

Sen là loài hoa trọng chữ tín. Sau mùa sen tàn, mặt nuớc phẳng, nhưng khi những cơn gió nồm nam thổi vào đầu tháng ba thì đến hẹn lại lên, những búp lá màu xanh cốm chồi từ lòng bùn tỏa hương ngào ngạt. Khoảng trung tuần tháng năm, búp hoa bắt đầu trổ. Mùa sen kéo dài ba tháng, kết thúc cuối tháng tám. Sen tàn, lại trở về với hư không.

3– Hoa sen đẹp kiêu sa mà gần gũi. Sen quì cho hạt ăn bổ và mát. Sen bách cánh hồ Tây cho nhị để ướp ra trà sen nổi tiếng Hà thành. Đó là một giá trị văn hóa của Thăng Long có nguồn gốc từ sen mà ít người để ý.

4– Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán có bài thơ vịnh hoa sen. Sau khi ca ngợi tuyệt phẩm sen của thiên nhiên, ông nhắc lại câu ca dao nổi tiếng và khẳng định câu đó không phải của dân gian, mà là sự đánh tráo. Tất cả ở chữ gần- Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Theo Phùng Quán, sen từ bùn kết thành, nhưng trong câu thơ kia, khi trở thành bông hoa rực rỡ thì chỉ nhận là gần thôi.

5– Mấy hôm nghe tin có cuộc hội thảo chọn quốc hoa cho Việt Nam khá sôi nổi. Nghe nói có đến bốn chục phần trăm chọn hoa sen, dưới sen có người chọn đào, chọn mai. Cá biệt có người chọn cây tre(!).Có ý kiến ngập ngừng: Liệu có cần thiết phải có quốc hoa? Có ý kiến bảo sen nở có vụ, chẳng có quanh năm…

Người chọn sen thì nói sen đã đi vào văn hóa Việt lâu đời, vào hoa văn họa tiết chùa chiền, mà đất nước ta đạo Phật đã có thời thành Quốc giáo.

Người ngại chọn hoa sen thì lấy cớ Sri Lanca, Ấn Độ đã dùng sen làm biểu tượng quốc gia mất rồi.

Theo tôi, có quốc hoa càng hay. Nói đến Bulgari người ta nhớ hoa hồng, nhắc hoa tuy líp người ta biết đến Hà Lan.

Riêng tôi ủng hộ hoa sen vì mấy lẽ:

-Sen có mặt ở khắp miền tổ quốc, không như đào, mai trắng chỉ có ở Bắc; mai vàng chỉ có ở Nam.

-Dân ta là dân lúa nước. Sen giống lúa, kết hoa từ bùn đen. Lúa cho cái ăn, sen cho sắc thái văn hóa. Sen cao sang mà lại bình dị, gần gũi. Sen đã vào văn hóa Việt trong các trang trí, không bị lẫn với bất cứ loại hoa nào.

– Cũng không lo trùng lặp, mà phải nhìn ở tính phổ biến của loài sen trên đất mình, ăn vào tâm thức dân Việt mình.

Vài lời bàn ngang, mong chữ đại xá.