Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Đại Niệm Xứ (Phần 16b)

Đại Niệm Xứ (Phần 16b)

58

 

Quán sát Pháp trong Pháp (tiếp theo)
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là chân lý cao thượng về con đường dẫn đến nơi dứt khổ? Ðó là Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh.
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là Chánh Kiến? Biết về sự khổ, biết nguyên nhân của sự khổ, biết về sự chấm dứt khổ, biết về con đường dẫn đến nơi chấm dứt sự khổ, này các thầy tỳ khưu, như thế gọi là Chánh kiến.
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là Chánh Tư Duy? Ly dục tưởng, ly sân tưởng, ly hại tưởng. Này các thầy tỳ khưu, đó là Chánh Tư Duy.
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là Chánh Ngữ? Không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời nói dữ, không nói lời vô ích. Này các thầy tỳ khưu, đó là Chánh Ngữ.
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là Chánh Nghiệp? Không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh. Này các thầy tỳ khưu, đó là Chánh Nghiệp.
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là Chánh Mạng? ở đây, này các thầy tỳ khưu, một vị thánh đệ tử loại bỏ tà mạng, sống Chánh Mạng. Này các thầy tỳ khưu, đó là Chánh Mạng.
 
Và này các thầy tỳ khưu, thế nào là Chánh Tinh Tấn? ở đây, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu với nhiệt tâm, thành khẫn, nỗ lực, tinh tấn, cố gắng ngăn ngừa (không cho phát sinh) những điều ác, những bất thiện pháp chưa phát sinh; với nhiệt tâm, thành khẫn, nỗ lực, tinh tấn cố gắng diệt trừ những điều ác, những bất thiện pháp đã phát sinh; với nhiệt tâm, thành khẫn, nỗ lực, tinh tấn cố gắng làm phát sinh những điều lành, những thiện pháp chưa phát sinh; với nhiệt tâm, thành khẫn, nỗ lực, tinh tấn cố gắng củng cố, kiện toàn, gia tăng, phát triển, làm cho sung mãn, làm cho hoàn hảo những điều lành, những thiện pháp đã phát sinh (Ngăn ngừa điều ác chưa có; đoạn trừ điều ác đã có; làm điều lành chưa có; tăng trưởng điều lành đã có).
 
Này các thầy Tỳ khưu, thế nào là Chánh Niệm? 
 
Này các thầy Tỳ khưu, ở đây, tỳ khưu quán sát thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại bỏ mọi tham ái và (ưu phiền) sân hận trên đời. Thầy tỳ khưu quán sát thọ trong thọ, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và (ưu phiền) sân hận trong cõi đời. Thầy tỳ khưu quán sát tâm trong tâm, tinh cần tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và (ưu phiền) sân hận trong cõi đời. Thầy tỳ khưu quán sát pháp trong pháp, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để loại trừ mọi tham ái và (ưu phiền) sân hận trong cõi đời. Này các thầy tỳ khưu, như vậy là Chánh Niệm.
 
Này các thầy Tỳ khưu, thế nào là Chánh Ðịnh? 
 
Ở đây, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu hoàn toàn ly dục, hoàn toàn ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú trong thiền thứ nhất, kèm với Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc phát sinh từ sự ẩn cư. Loại bỏ Tầm, Tứ, tỳ khưu chứng đạt và an trú trong thiền thứ hai, với nội tỉnh nhất tâm, không tầm, không tứ và với Hỉ, Lạc phát sinh từ định tâm. Loại bỏ Hỉ, tỳ khưu trú trong Xả, với chánh niệm và giác tĩnh, thân tâm cảm nhận hạnh phúc, tỳ khưu chứng đạt và an trú trong thiền thứ ba đúng như các bậc thánh đã tuyên bố:"tỳ kheo trú hạnh phúc trong xả và niệm" (xả niệm lạc trú). Loại bỏ Lạc và khổ, và với sự biến mất của Hỉ và ưu trước đây tỳ khưu trú trong thiền thứ tư, không khổ không lạc với chánh niệm thanh tịnh tạo nên bởi xả thọ (xả niệm thanh tịnh). Này các thầy tỳ khưu, như vậy gọi là Chánh Ðịnh.
 
Nầy các thầy tỳ khưu, như vậy là chân lý cao thượng về con đường dẫn đến nơi dứt khổ.
 
Như vậy, tỳ khưu quán sát pháp trong nội pháp hay tỳ khưu quán sát pháp trong ngoại pháp hay tỳ khưu quán sát pháp trong nội pháp và ngoại pháp.
 
Tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi (sự sinh khởi) của pháp hay tỳ khưu quán sát yếu tố diệt tận (sự diệt tận) của pháp, hoặc tỳ khưu quán sát yếu tố sinh khởi và diệt tận (sự sinh khởi và sự diệt tận) của pháp.
 
Hoặc Tỳ khưu chánh niệm rằng "chỉ có pháp mà thôi" (nghĩa là chỉ thuần chánh niệm trên pháp mà thôi)
 
Và chánh niệm này cần được thiết lập để giúp cho sự phát triển trí tuệ và chánh niệm về sau.
 
Tỳ khưu không tham ái và tà kiến mà lệ thuộc hay dính mắc vào bất cứ điều gì. 
 
Tỳ khưu không dính mắc vào bất cứ đìều gì trên thế gian do ngũ uẩn hợp thành này.
 
Như vậy, này các thầy Tỳ khưu, Tỳ khưu quán sát pháp trong pháp qua Tứ Thánh Ðế.
 
Này các thầy tỳ khưu, như vậy là chân lý cao thượng về con đường dẫn đến nơi dứt khổ.
 
Bảo đảm thành đạo
 
Này các thầy tỳ khưu, thật vậy, người nào thực hành Tứ Niệm Xứ trong bảy năm có thể đạt được một trong hai kết quả: trí tuệ cao nhất (Alahán) ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn một ít ái dục thì đạt quả bất lai (Anahàm).
 
Không cần phải bảy năm, này các thầy tỳ khưu, người nào thực hành Tứ Niệm Xứ theo cách này trong sáu năm năm… bốn năm… ba năm…hai năm… một năm, thì có thể đạt được một trong hai kết quả: trí tuệ cao nhất (Alahán) ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn một ít ái dục thì đạt quả bất lai (Anahàm).
 
Không cần phải một năm, này các thầy tỳ khưu, người nào thực hành Tứ Niệm Xứ theo cách này trong bảy tháng…sáu tháng…năm tháng… bốn tháng… ba tháng…hai tháng… một tháng, nửa tháng thì có thể đạt được một trong hai kết quả: trí tuệ cao nhất (Alahán) ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn một ít ái dục thì đạt quả bất lai (Anahàm).
 
Không cần phải nửa tháng, này các thầy tỳ khưu, người nào thực hành Tứ Niệm Xứ theo cách này trong bảy ngày thì có thể đạt được một trong hai kết quả: trí tuệ cao nhất (Anahàm) ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn một ít ái dục thì đạt quả bất lai (Anahàm).
 
Bởi thế mới nói rằng: "Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Ðạo và Giác ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm Xứ.
 
Ðức Thế Tôn đã thuyết như vậy. Các thầy tỳ khưu hoan hỉ tín thọ những lời dạy của Ðức Thế Tôn.
 
 
Theo: Đại Niệm Xứ
Tác giả: Thiền sư U Silananda
Nguồn: Thư viện Hoa sen
 
Mời bạn đọc đón xem: Đại Niệm Xứ (Phần 17): Hướng dẫn hành thiền