Trang chủ Quốc tế Đạt lai Lạt ma

Đạt lai Lạt ma

158

Nơi ta ít ngờ gặp được đức Tenzin Gyatso nhất, tức đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 14 của Tây Tạng, nhà lãnh đạo tôn giáo và thế tục của nhân dân Tây Tạng, người đoạt giải Nobel hoà bình năm 1989, nguời cổ động chính của thế giới cho sự thay đổi chính trị bất bạo động, là tại một khu nghỉ mát chơi gôn sang trọng tên Sheraton El Conquistador ở thành phố Tucson, tiểu bang Arizona.

Tuy nhiên vào một sáng mùa thu gần đây ông có mặt ở nơi này, vẫn mặc áo cà sa màu nâu đỏ sẫm truyền thống, quanh ông là các nhà sư phật giáo cùng các người bảo vệ không phải phật tử. Các du khách kinh ngạc khi thấy ông bước vội qua quầy rượu.

Đức Đạt lai Lạt ma đã đến nơi xa xăm không ngờ này để đọc và giảng đạo luận Nhập Bồ Tát Hạnh của tác giả Tịch Thiên, một vị bồ tát thế kỷ thứ tám. Trong năm ngày trời, 1,500 người theo dự khoá tu học phật pháp đã liều bị đau lưng, tê tay để ngồi hàng giờ ghi xuống lời giảng về tánh nhẫn.

Đối với họ, những người tham gia trong phong trào phật giáo ngày càng phát triển ở thế giới Phương Tây, đây là cơ hội hiếm có để tu học với bậc đứng đầu tôn giáo, tựa như theo học những lớp dạy về Thánh Kinh với đức Giáo Hoàng.

Hơn nữa, trong số những người khao khát theo học này có nhiều người thế tục hơn, họ là những người tranh đấu kỳ cựu của thập niên 1960 nên xem đức Đạt lai Lạt ma là mục sư Martin Luther King, thánh Ghandhi của phong trào chính trị này.

Đây còn là một sinh hoạt đức Đạt lai Lạt ma rõ ràng thích thú, một khoảng thời gian tạm ngưng cần thiết khỏi công việc thường lệ với cương vị người đứng đầu chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ. Ông thường nói về mình, “Tôi là một nhà sư Phật giáo bình thường–không hơn không kém.” Qua những lần giảng đạo pháp, ông luôn biểu lộ sự khiêm nhường ấy.

Song đời ông hoàn toàn không bình thường. Ông sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân ở miền đông bắc Tây Tạng. Năm lên hai tuổi, sau khi đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 13 qua đời, ông được xác nhận là đức Đạt lai Lạt ma đời thứ 14 tái sanh của Đức Phật Từ Bi.

Sự xác nhận ấy tạo ra tên mới cho ông: Lhamo Dhondup giờ đổi thành Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso (Thánh Đức, Hào Quang Êm Diệu, Hộ Pháp Hùng Biện, Từ bi, Thông thái của Đức Tin, Biển của Trí Tuệ). Được đưa lên Lạp Tát học, ông lớn lên trong một hoàng cung 1,000 phòng. Ông được các nhà sư cận kề, thương yêu và dạy ông các môn học như triết học, y học và siêu hình học. Họ đã cho ông tuổi thơ đầy thần tiên.

Những tháng ngày thần tiên ấy chấm dứt khi ông được yêu cầu gánh vác trách nhiệm người đứng đầu nhà nước khi ông 15 tuổi. Sự kiện này lại diễn ra vào chính thời điểm Quân đội Giải phóng Nhân dân đang xâm lăng Tây Tạng. Trong chín năm trời kế tiếp, nhà lãnh đạo trẻ đã cố gắng thương lượng với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, tức những kẻ rắp tâm muốn sát nhập Tây Tạng vào Trung Quốc.

Rồi đến năm 1959, sau khi Trung Quốc “dẹp tan” cuộc nổi dậy của người dân thường Tây Tạng nhằm chống lại ách cai trị của Trung Quốc, đức Đạt lai Lạt ma đào thoát sang Ấn Độ; từ đấy khoảng độ 100,000 người Tây Tạng đã vuợt qua dãy Himalaya để theo ông.

Ở Ấn Độ ông được phép lập ra chính phủ lưu vong trong một làng nhỏ tên Dharamsala cách New Delhi một ngày đường lái xe. “Đức ngài đã xây dựng nên một cộng đồng Tây Tạng tồn tại được ở Ấn Độ, qua đó bảo tồn được văn hoá Tây Tạng,” người bạn thân thiết của ông, Robert Thurman, giáo sư chuyên ngành về  Ấn Độ – Tây Tạng ở đại học Columbia, nhận xét.

“Ông đã đoàn kết nhân dân Tây Tạng lại trong hoàn cảnh lưu vong và truyền cho họ niềm hy vọng trong suốt cuộc trấn áp rất khốc liệt, thậm chí gần như diệt chủng trên quê hương họ. Ông cũng là nhà lãnh đạo Tây Tạng đầu tiên trở thành nhà lãnh đạo thế giới, ngay cả khi ông không có cơ sở chính trị– mà chỉ dựa trên sức mạnh đạo lý của mình.”

Ở Tucson, một ngày sau khi khoá tu học kết thúc, đức Đạt lai Lạt ma tiếp người phỏng vấn này tại phòng của ông. Đúng như ta nghĩ trước khi gặp một người mà từ thuở lên 2 đã được xem là thánh, ông chào đón người lạ với vẻ trang trọng dễ chịu, mà chẳng mấy chốc tan biến đi khi ông đắm chìm trong các ý nghĩ và trong cuộc trò chuyện.

Một tiếng rưỡi thành ba tiếng; vẻ trang trọng hoá thành tiếng cười. Ta có cảm giác là ông hơi chán trước cảnh sùng kính thái quá ông gặp phải hàng ngày.

Ấn tượng nổi bật nhất về đức Đạt lai Lạt ma là niềm vui chan chứa ở ông qua nụ cười nở rộng, qua cảnh ông thích thú trước những sự mâu thuẫn và khiếm khuyết của bản thân.

Nhà báo William Shirer có lần nói đến những cuộc phỏng vấn Gandhi dành cho ông trong thập niên 1930 như sau: “Ta cảm thấy ta tưởng chừng như là người duy nhất ở trong phòng, tưởng như ông dành trọn vẹn thời gian trên đời này của ông cho ta.” Lời nhận xét này cũng đúng với đức Tenzin Gyatso.

Hỏi: Thưa đức ngài, ông có vẻ là người rất hạnh phúc. Trong đời mình có những lúc nào đó khi lòng tin của ông vào cái thiện của con người bị thử thách?

Đạt lai Lạt ma: Không.

Hỏi: Từ trước đến nay ông không bao giờ cảm thấy mình gần trở nên hoài nghi?

Đạt lai Lạt ma: Không. Tất nhiên, khi tôi nói rằng bản tính con người là hiền dịu, không hẳn 100 phần trăm như vậy. Phàm con người ai cũng có bản tính đó, nhưng có nhiều người hành động ngược với bản tính của họ, tức là sai. Chắc chắn tôi có nhiều lúc buồn. Những lần Trung Quốc đàn áp tại Lạp Tát năm 1987, 1988, những lúc ấy lại buồn. Có quá nhiều người bị giết. Đôi lúc tôi buồn khi tôi nghe những câu chuyện cá nhân của những người tỵ nạn Tây Tạng bị tra tấn hay đánh đập. Trong lòng chợt cảm thấy khó chịu, cảm thấy giận. Nhưng cảm giác ấy chẳng bao giờ kéo dài lâu. Tôi luôn luôn cố gắng suy nghĩ ở mức độ sâu sắc hơn, cố tìm cách an ủi.

Hỏi: Tôi hiểu rằng ông đã giận lắm trong cuộc chiến tranh vùng vịnh năm 1990, ông chưa bao giờ từng giận đến như thế.

Đạt lai Lạt ma: Giận ư? Không. Nhưng có một điều,là khi người ta bắt đầu đổ lỗi Saddam Hussein, tôi thấy cảm thông với ông ấy.

Hỏi: Với Saddam Hussein?

Đạt lai Lạt ma: Vâng. Vì người ta trút hết lỗi lầm lên ông, như thế không công bằng. Ông ấy có thể xấu, nhưng nếu không có quân đội dưới quyền, ông ta không thể nào hành động hiếu chiến như thế được. Còn quân đội của ông, nếu không có vũ khí thì cũng chẳng làm được điều gì. Mà vũ khí lại không sản xuất tại chính Iraq. Ai cung cấp vũ khí cho họ? Chính các nước Phương Tây! Rồi đến ngày xảy ra chuyện, họ lại đổ hết lỗi tại ông, mà không thừa nhận họ cũng có phần lỗi. Như thế là sai. Cuộc khủng hoảng vùng vịnh cũng chứng minh rõ ràng những hậu quả nghiêm trọng của việc buôn bán vũ khí. Chiến tranh, nếu không có quân đội, cao lắm chỉ giết vài người, còn có thể chấp nhận được. Nhưng chiến dịch quân sự gây ra đau khổ cho rất nhiều người, thì thật đáng buồn.

Hỏi: Ông đã nói giết người đôi lúc có thể chấp nhận được?

Đạt lai Lạt ma: Tương đối thôi. Trong xã hội con người, người ta bị giết vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, khi ta có quân đội lâu đời, và các nước có các quân đội như vậy đánh nhau, tổn thất thật là ghê gớm. Chẳng phải một hay hai người chết, mà cả hàng ngàn người. Còn với vũ khí hạt nhân thì đến hàng triệu người chết, quả thật cả hàng triệu người. Vì lý do đó, việc buôn bán vũ khí thật là vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm! Phi quân sự hoá toàn cầu là cực kỳ quan trọng và cần thiết.

Hỏi: Tại Tây Tạng, từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, ông có người anh tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Trung Quốc. Thực ra, các kháng chiến quân này được CIA ủng hộ. Ông cảm thấy sao về điều này?

Đạt lai Lạt ma: Tôi luôn luôn chống lại bạo lực. Nhưng các kháng chiến quân Tây Tạng thời ấy là những người rất tận tâm. Họ sẵn sàng hy sinh đời mình cho quốc gia Tây Tạng. Và họ đã tìm được cách để nhận sự giúp đỡ từ CIA. Bấy giờ, động cơ giúp đỡ của CIA thuần tuý là chính trị. Họ giúp đỡ không phải vì cảm thông thật sự, không phải vì sự ủng hộ cho sự nghiệp chân chính. Sự giúp đỡ ấy không được lành mạnh cho lắm.

Ngày nay, sự giúp đỡ và ủng hộ chúng tôi nhận được từ Hoa Kỳ thật sự xuất phát từ sự cảm thông và lòng trắc ẩn con người. Cho dù họ mong muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, quốc hội Hoa Kỳ ít nhất vẫn ủng hộ nhân quyền Tây Tạng. Vì thế đây là điều thật sự rất đáng quý và thật lòng.

Hỏi: Để thay đổi chủ đề, giống như một vài nhà lãnh đạo tôn giáo đã phát biểu, ông có nói về nguy cơ bùng nổ dân số toàn cầu.

Đạt lai Lạt ma: À, vấn đề dân số là một thực tế đáng ngại. Tại Ấn Độ, do truyền thống tôn giáo nên nhiều người miễn cưỡng chấp nhận ngừa thai. Do vậy, theo quan điểm Phật giáo, tôi nghĩ về vấn đề này ta có thể mềm dẻo. Tôi nghĩ nói thẳng ra có lẽ tốt hơn, rồi sau cùng tạo ra không gian cởi mở hơn cho các nhà lãnh đạo các truyền thống tôn giáo khác thảo luận vấn đề.

Hỏi: Vậy, ông cảm thấy thế nào về việc đức Giáo Hoàng John Paul II tiếp tục phản đối ngừa thai?

Đạt lai Lạt ma: Đấy là nguyên tắc tôn giáo của ông. Ông đang hành xử dựa trên nguyên tắc nào đấy, đặc biệt khi ông nói về nhu cầu tôn trọng quyền của các bào thai. Quả thật, tôi cảm thấy rất xúc động là đức Giáo Hoàng có lập trường rõ ràng về vấn đề đó.

Hỏi: Ông cũng có thể hiểu nhu cầu của phụ nữ, người có thể không thể nuôi con?

Đạt lai Lạt ma: Cách đây vài năm tôi qua Lithuania, tôi đến thăm một nhà trẻ, ở đấy người ta bảo tôi, “Tất cả những cháu bé này đều vô thừa nhận.” Như thế tôi nghĩ rằng tốt hơn là hoàn cảnh nên được ngăn chặn ngay từ ban đầu, tức ngừa thai. Tất nhiên, theo quan điểm Phật giáo, phá thai, nói chung, là hành động giết người và tiêu cực. Nhưng nó phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu cháu bé chưa ra đời bị thiểu năng về trí tuệ hay khi ra đời sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho cha mẹ cháu, thì đây là những trường hợp có thể ngoại lệ. Tôi nghĩ phá thai nên được tán thành hay không đưọc tán thành tuỳ theo từng hoàn cảnh.

Hỏi: Tôi hiểu ông đã trải qua một sự thay đổi lớn trong nhận thức của ông về vai trò của phụ nữ trên thế giới.

Đạt lai Lạt ma: Không hẳn là thay đổi. Tôi đã đạt đến ý thức về sự nhạy cảm trong các vấn đề của phụ nữ; ngay hồi những thập niên 1960 và 1970, tôi không có kiến thức nhiều về vấn đề này. Quan diểm cơ bản của Phật giáo về bình đẳng nam nữ đã có từ lâu đời rồi. Ở các bậc Phật giáo mật tông cao nhất (tantric levels), ở bậc tối thượng mật tông (esoteric level), ta phải tôn trọng phụ nữ: tất cả phụ nữ. Trong xã hội Tây Tạng, từ trưóc đến nay vẫn có những sự kỳ thị vô cảm. Tuy nhiên vẫn có những phụ nữ xuất chúng, tức những đại lạt ma, những người được tôn kính trên khắp Tây Tạng.

Hỏi: Trong số báo gần đây của tạp chí phật giáo Tricycle, diễn viên Spalding Gray hỏi ông về các giấc mơ của ông, ông có nhắc rằng đôi lúc ông mơ thấy những phụ nữ đánh nhau.

Đạt lai Lạt ma: Phụ nữ đánh nhau? Không phải, không phải… Điều tôi muốn nói là rằng, trong các giấc mơ của tôi, thỉnh thoảng nhiều phụ nữ đến gần tôi và tôi ngay lập tức nhận thức, “Mình là bhikshu, mình là nhà sư.” Nói vậy chắc chị hiểu, đây là từa tựa như tình dục…

Hỏi: Trong các giấc mơ của ông, ông nhận thức điều này và ông “chống lại” cảm giác ấy?

Đạt lai Lạt ma: Vâng. Tương tự như vậy, tôi nhiều lúc mơ thấy có người đánh tôi và tôi muốn phản ứng lại. Rồi ngay lập tức tôi nhớ, “Mình là nhà sư mình không nên giết người.”

Hỏi: Ông có từng trải nghiệm sự giận dữ? Ngay cả Chúa Jesus cũng từng có những lúc giận dữ.

Đạt lai Lạt ma: Hãy đừng so sánh tôi với Chúa Jesus. Ông là bậc thầy vĩ đại, bậc thầy vĩ đại… Còn về câu hỏi của chị, lúc tôi còn trẻ hơn, tôi thật sự có cáu giận. Nhưng trong 30 năm qua thì không. Một điều là, sự căm ghét, oán hận, gần như không còn nữa.

Hỏi: Vậy những khuyết điểm và nhược điểm của ông là gì?

Đạt lai Lạt ma: Lười biếng.

Hỏi: Người ta nói ông thường thức dậy lúc 4 giờ sáng. Vậy làm sao ông có thể lười biếng được?

Đạt lai Lạt ma: Không phải lười biếng chuyện ấy. Chẳng hạn, do hay đến các nước Tây Phương, tôi dần dần bắt đầu rất thích trau giồi thêm tiếng Anh của mình. Nhưng khi tôi thật sự cố gắng học, thì sau một vài ngày, tự nhiên tôi thấy không còn hứng thú nữa. (Cười.) Đấy mới là lười biếng. Còn các nhược điểm khác, tôi nghĩ, là giận và quyến luyến. Tôi quyến luyến với chiếc đồng hồ đeo tay và với chuỗi hạt tụng kinh của mình. Rồi, tất nhiên, đôi lúc với những phụ nữ đẹp… Nhưng nhiều nhà sư cũng có những trải nghiệm tương tự. Một phần là do tò mò: nếu ta dùng cái này, không biết cảm giác sẽ như thế nào? (Chỉ vào háng của ông.)

Và, dĩ nhiên, ta có cảm giác rằng cái gì mà tình dục ắt hẳn là cái gì đấy rất hạnh phúc, một sự trải nghiệm kỳ diệu. Khi cảm giác này nảy nở, tôi luôn luôn nhìn đến khía cạnh tiêu cực của nó. Đức Bồ Tát Long Thọ, một trong những vị thầy Ấn Độ, đã có lời dạy như sau: “Nếu ta ngứa, gãi được chỗ ngứa thì thấy thích. Nhưng tốt hơn là  đừng có ngứa gì hết.” Tình dục cũng giống như thế. Nếu ta có thể sống mà không có cảm giác ấy, thì có nhiều bình an hơn. (Mỉm cười.) Và nếu không có chuyện giao hợp, ta chẳng phải lo ngại phá thai, bao cao su, đại loại những thứ như thế.

Hỏi: Thưa ông, tiếng cười của ông nổi danh toàn thế giới – Điều gì khiến ông cười?

Đạt lai Lạt ma: Do trong gia đình có điểm chung… thường hay thích cười. Một người anh của tôi, Gyalo Thondup, chẳng mấy khi cười. Còn người anh khác, Lobsang Samten, lại rất thích kể chuyện cười tục. Đến người anh thứ ba, Taktser Rinpoche, cũng hay cười. Nói chung tất cả người Tây Tạng rất hiền hoà vui vẻ. Thuở nhỏ, tôi có người trợ lý về tôn giáo, người này luôn luôn nói với tôi, “Nếu thầy có thể cười thật thoải mái thì rất có lợi cho sức khỏe của thầy.”

Hỏi: Ông thường làm gì để giải trí, để thư giãn?

Đạt lai Lạt ma: Mỗi buổi sáng trước khi thức dậy tôi thích để cho các ý tưởng nhập vào mình. Tôi thiền vài tiếng đồng hồ cho người được mạnh khoẻ và tươi tỉnh trở lại. Sau đó, công việc xử thế hàng ngày của tôi thường xuất phát từ mục đích giúp đỡ, hay tạo ra bầu không khí tích cực cho những người khác. Ngoài ra tôi làm vườn… làm vườn là một trong những thú tiêu khiển của tôi. Tôi cũng đọc bộ bách khoa có hình. (Cười.) Tôi là người của hoà bình, nhưng tôi thích xem những sách có hình về chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tôi có vài cuốn sách như thế, tôi nghĩ do hai tờ TimeLife hợp tác ấn hành. Tôi vừa đặt mua một bộ mới. Ba mươi cuốn.

Hỏi: Thật sao? Tại sao Tái Sanh của Từ Bi lại thích thú như thế về một trong những sự kiện khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại?

Đạt lai Lạt ma: Có lẽ vì những câu chuyện chiến tranh ấy rất tiêu cực và ghê rợn, chúng củng cố niềm tin của tôi vào bất bạo động. (Mỉm cười.) Tuy nhiên tôi thấy những máy móc bạo lực ấy lại rất hấp dẫn. Nào xe tăng, nào máy bay, đặc biệt các hàng không mẫu hạm. Rồi đến các tàu lặn của Đức (U-Boat), các tàu ngầm…

Hỏi: Có lần tôi đọc trong sách rằng khi còn bé ở Lạp Tát, ông đã thích các đồ chơi chiến tranh.

Đạt lai Lạt ma: Vâng, thích lắm. Tôi cũng đã có khẩu súng hơi ở Lạp Tát. Còn tôi hiện đang có một khẩu ở Ấn Độ. Tôi thường cho các con chim nhỏ ăn, nhưng khi chim bay tụ lại, các con diều hâu thấy chúng liền bay đến bắt — trông rất đau lòng. Vì thế để bảo vệ bầy chim nhỏ này, tôi giữ súng hơi.

Hỏi: Vậy đây là súng phật giáo?

Đạt lai Lạt ma: (Cười) Súng từ bi!

Hỏi: Cho phép tôi hỏi ông một câu hỏi khó về điều ông vừa nhắc đến. Ông là người không thể nào thiếu được đối với phong trào của ông. Ông có từng bao giờ sợ rằng ông sẽ chịu cùng số phận như Mahatma Gandhi và Martin Luther King Jr.?

Đạt lai Lạt ma: Đôi lúc tôi cũng chợt nghĩ đến điều này. Riêng chuyện “không thể nào thiếu được”, người ta vẫn tiếp tục phong trào nếu không có tôi.

Hỏi: Các học giả Châu Á khẳng định rằng quốc gia Tây Tạng sẽ không thể nào tồn tại nổi sau năm 1959 nếu ông không phải là nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi đến như thế. Nếu điều đó đúng, ông có lo ngại rằng Trung Quốc có thể kết liễu phong trào độc lập Tây Tạng bằng cách giết ông?

Đạt lai Lạt ma: Một số người Trung Quốc cũng nói thực với người Tây Tạng rằng: “Các anh chỉ có một người. Nếu chúng tôi xử lý chuyện này, vấn đề coi như được giải quyết xong.”

Hỏi: Ông có chuẩn bị sẵn cho khả năng đó không?

Đạt lai Lạt ma: Không hẳn lắm, mặc dù nói chung, là phật tử, nhập thiền hằng ngày của tôi cũng chuẩn bị sẵn cho cái chết. Chết vì lão bệnh tự nhiên, tôi hoàn toàn sẵn sàng. Còn chết bất ngờ, đấy thực sự là bi kịch — nếu xét theo quan điểm của những người thực hành tôn giáo.

Hỏi: Vào tháng Chín, những người Palestine đã chấp nhận thoả hiệp để đạt đến sự tự trị trong khu vực. Nếu người Trung Quốc đưa ra mặc cả như thế, ông có chấp nhận hay không?

Đạt lai Lạt ma: Thật sự, trong 14 năm qua, lập trường cơ bản của tôi rất tương tự. Có một sự khác biệt: trong trường hợp Palestine, hầu như tất cả các chính quyền đều xem vùng đất ấy bị chiếm đóng nên biểu lộ sự quan ngại. Trong trường hợp Tây Tạng, chỉ có quốc hội Mỹ và vài chuyên gia pháp lý xem Tây Tạng là nước có quyền tự quyết nhưng bị chiếm đóng.

Hỏi: Cảm giác của ông thế nào khi ông theo dõi việc ký kết hiệp định hoà bình Trung Đông gần đây?

Đạt lai Lạt ma: Đấy là thành tựu lớn. Vấn đề này chỉ hơn vấn đề Tây Tạng một năm. Vấn đề của chúng tôi bắt đầu vào năm 1949, vấn đề của họ bắt đầu vào năm 1948. Trong những năm đó, biết bao nhiêu hận thù dựng lên. Hãy tưởng tượng: từ thuở nhỏ, người  Palestine đã được dạy căm thù. Điều đó được xem như có lợi cho quyền lợi dân tộc. Thực ra, điều đó rất tiêu cực; phát sinh ra biết bao bạo lực. Giờ đây, hai bên đạt đến hiệp định trong tinh thần hoà giải, trong tinh thần bất bạo động. Điều này quả là kỳ diệu.

Hỏi: Có bất kỳ các dấu hiệu nào Trung Quốc biết đâu có thể chấp nhận thoả hiệp?

Đạt lai Lạt ma: (Nói nhanh) Không.

Hỏi: Ông có lần viết Trung Quốc muốn cai trị thế giới. Ông vẫn còn nghĩ như thế?

Đạt lai Lạt ma: Ý của tôi không phải như vậy. Lời nhận xét ấy có quan hệ nhiều đến ý định về thế giới quan Marxist, hơn là về chủ nghĩa bành trướng lịch sử dân tộc Trung Quốc.

Hỏi: Ông nghĩ điều đó vẫn còn đúng?

Đạt lai Lạt ma: Tôi nghĩ, điều ấy đã được thay đổi. Tinh thần ấy… có lẽ vào thập niên 1960 cùng với cuộc Cách mạng Văn hoá, nó hiện diện vào lúc đó. Về bên phía Xô Viết, vào khoảng năm 1956, Khrushchev nhận thức rằng mục tiêu ấy không thực tế. Vào cuối cuộc Cách mạng Văn hoá, vào thập niên 1970, người Trung Quốc nhận thức rằng mục tiêu ấy là không tưởng. Hiện giờ tôi nghĩ vấn đề là chủ nghĩa Sô vanh dân tộc Trung Quốc. Đối với họ, tất cả các dân tộc khác đều man di mọi rợ.

Hỏi: Bao gồm cả ông?

Đạt lai Lạt ma: À, Chắc chắn rồi! Tất nhiên rồi! Họ là nước kiêu ngạo. Sau khi chủ nghĩa Marx không còn nữa, chiến lược của họ là vươn đến mức độ phát triển kinh tế của các nước Tây Phương. Họ xem mình là người bênh vực cho thế giới thứ ba, đặc biệt sau khi Liên Xô sụp đổ. Giờ họ coi Nga là một phần của Tây Phương. Vì vậy những gì ta có là quốc gia đông dân nhất thế giới, chế độ toàn trị thuộc loại tệ hại nhất, cai trị bằng khủng bố – kèm với vũ khí hạt nhân và với ý thức hệ cho rằng sức mạnh là nguồn quyền lực tối hậu. Trưóc đây kinh tế của họ yếu kém, nhung hiện giờ đang cải thiện — nhưng những điều khác vẫn không thay đổi. Tạp chí Time đã gọi họ “siêu cường của thế kỷ tới.”

Hỏi: Điều đó có làm ông sợ?

Đạt lai Lạt ma: Dù sao chúng tôi cũng đã mất nước rồi. Nhưng tôi lo ngại cho thế giới! Cộng đồng thế giới có trách nhiệm đạo đức để cố gắng giúp dân chủ ở Trung Quốc. Vấn đề bây giờ, là làm sao tạo ra dân chủ? Các trí thức và sinh viên Trung Quốc, họ vốn là lực lượng chính trị mạnh, và rất quan trọng. Cộng đồng thế giới phải dành mọi khích lệ cho lực lượng này. Chúng ta không nên buông thả theo bất kỳ hành động nào làm nản lòng họ.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng vào thời điểm của cuộc phản kháng ở Quảng trường Thiên An Môn, phong trào dân chủ sẽ thành công?

Đạt lai Lạt ma: Vâng. Thật sự, biến cố ngày 4 tháng Sáu khiến tôi sửng sốt. Tôi không ngờ họ bắn vào chính dân của họ.

Hỏi: Nhưng nếu những người cộng sản Trung Quốc đã tàn bạo với những người Tây Tạng như ông tố cáo, thì tại sao họ lại không tàn bạo với những người biểu tình ủng hộ dân chủ?

Đạt lai Lạt ma: Vì đó chính là dân của họ! Sao họ có thể đành bắn vào dân họ? Trong Cách mạng Văn hoá thì điều này còn dễ hiểu. Quảng trường Thiên An Môn  đã chứng minh rằng một chế độ không do dự khi bắn vào nhân dân của họ, một chế độ như thế… Từ đấy ta không nên còn hoài nghi về thái độ của họ đối với những người nước khác.

Hỏi: Từ sự đánh giá không-lạc-quan lắm này, ông thấy tình huống nào có thể diễn ra cho Trung Quốc và Tây Tạng?

Đạt lai Lạt ma: Cơ bản là chế độ cộng sản Trung Quốc: chế độ nhất định thay đổi, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Trên khắp thế giới ngày nay, có sự phát triển về tự do và dân chủ. Hơn nữa phong trào dân chủ, bên trong và bên ngoài Trung Quốc, vẫn hoạt động rất tích cực. Một khi người Trung Quốc muốn lắng nghe các vấn đề của những người  khác, thì những người Tây Tạng sẽ không chống lại quốc gia Trung Quốc. Đường hướng của chúng tôi là theo tinh thần hoà giải. Chắc chắn chúng ta có thể có sự đồng thuận.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế phải ủng hộ Tây Tạng và tạo áp lực đối với Trung Quốc. Nếu không có điều này, đường hướng của chúng tôi, theo 14 năm kinh nghiệm vừa qua, không có hy vọng phản hồi.

Hỏi: Để kết thúc, tôi có đọc đâu đó ông tiên đoán rằng, khác với thế kỷ 20, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của hoà bình và công bằng. Tại sao?

Đạt lai Lạt ma: Vì tôi tin trong thế kỷ 20, con người đã học được từ rất nhiều, rất nhiều kinh nghiệm. Một phần tích cực, đa phần tiêu cực. Bao nhiêu đau thương, bao nhiêu đổ nát! Quá nhiều người bị giết trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ này. Nhưng bản chất con người là  bản chất cao quý ở chỗ khi ta đối diện với một hoàn cảnh rất nghiêm trọng, tâm hồn con người liền tỉnh thức để tìm hướng đi khác. Đấy là khả năng của con người.

Trần Quốc Việt (dịch)