87% người được khảo sát khẳng định cần
Đáp lời bà Minh Lý (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch – VHTTDL), ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam với tư cách nhà ngoại giao văn hóa khẳng định, rất cần quốc hoa như biểu tượng để quảng bá văn hóa: “Trong khi chúng ta đang triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao văn hóa thì quốc hoa, quốc phục là rất cần thiết”.
Cũng theo ông, để chọn một loài hoa tiêu biểu, đặc trưng thì nhất thiết cơ quan soạn thảo đề án về quốc hoa phải thận trọng, lắng nghe dư luận.
TS Đặng Văn Đông (Trưởng Bộ môn hoa – cây cảnh, Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, người Việt chắc sẽ lúng túng trước câu hỏi “Quốc hoa của nước bạn là gì?” nếu không sớm có một công nhận chính thức về quốc hoa.
TS Phạm Thanh Hải (Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam) khẳng định, quốc hoa sẽ là thành phần quan trọng trong hệ thống các biểu tượng của Việt Nam, cùng với các biểu tượng khác như cây tre, áo dài, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long… tạo thành tổng thể thống nhất, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
TS Hải nêu khảo sát từ 1895 sinh viên, giảng viên với câu hỏi: “Việt Nam có cần quốc hoa không?”. Kết quả: 78% số người được khảo sát khẳng định cần thiết, 10% trả lời không và 12% không có ý kiến gì.
Sen nhận được nhiều đề cử
TS Ngô Phương Lan (Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL) cho hay, hiện có hai nước đã lấy hoa sen làm biểu tượng là Ấn Độ, Sri Lanka.
Nhiều website nêu đề cử hoa sen, hoa mai, hoa đào, cây tre… Sau hơn 2 tháng có 135.097 ý kiến bầu chọn. Kết quả: Hoa sen 40,3 %; hoa mai 33,6% ; hoa đào 8,2% ; cây tre 9,5%. TS Đặng Văn Đông |
Ông Phạm Sanh Châu nói, nếu đề cử, cá nhân ông cũng thích hoa sen, bởi từ lâu loài hoa này trở thành biểu tượng mang tâm hồn, cốt cách Việt Nam.
Họa sĩ Trần Khánh Chương hào hứng phân tích ưu điểm của sen: “Màu sắc, hương thơm dịu nhẹ, tạo hình rất đẹp. Hoa sen còn như một biểu tượng của nhân cách Việt Nam- dẫu khó khăn gian khổ vẫn dào dạt sức sống và không ngừng vươn lên”. Theo ông, đề cử phải nói rõ loại sen nào. Cá nhân ông đề xuất sen hồng.
Một lý do khác khiến sen được nhiều đề cử, đó là khả năng gợi liên tưởng hình ảnh Bác Hồ, từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa.
TS Đông cũng phân tích sen có nhược điểm không nở quanh năm, sống dưới nước và ưa khí hậu nóng nên miền Bắc chỉ trồng được vào mùa hè. Mặt khác, vì diện tích ao hồ ngày càng thu hẹp và hiệu quả việc trồng sen không cao nên loài hoa này ít có khả năng mở rộng, phát triển trong tương lai.
Kiên trì bỏ phiếu cho hoa sen, họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh, không chỉ có sen mà không loài hoa nào nở được quanh năm. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu được công nhận là quốc hoa thì chuyện mở rộng và phát triển sen chỉ là… chuyện nhỏ.