Một ngày đẹp
dưới gốc cây ửng nắng
có muôn cánh chim mảnh khảnh hát mừng
cơn mưa nhẹ, lất phất
như tơ trời hoan ca
gieo mầm sống tươi xinh tràn lan vũ trụ
gọi giấc mơ đã bao đời yên ngủ
có mộng tưởng, có trụ xứ
ươm lại cánh sen hồng
gọi chân trời rực sáng
ngày mới, mang bình minh, có nắng nhạt, hanh hanh
hương trầm ngào ngạt
đêm bồng bế, nâng niu từng hạt dáng thơ
mở cửa vọng tâm
để hạnh phúc toả lòng ra vô lượng cõi
cho đôi mắt trần gian rọi sáng trái tim
chung nhịp đập của muôn loài
từng ngôn ngữ rơi thành vạn hoa tinh khiết
chở mộng đẹp vào đời
đoá hoa Vô Ưu vừa chợt nở
chấp đôi tay lại dâng đoá hoa lòng
giữa đất trời thức tỉnh
em tinh khôi chững chạc
mắt mở rộng đại dương
tiếng sóng rì rào ngàn xưa vẫn động
gom âm thanh đem vào vùng thanh tịnh
lòng ướp thơm, tâm ngời sáng
chở nụ cười ngọt ngát hương thơm
rải những tâm hoa
chiếc bóng nghiêng mình trong nắng
lung linh rực màu giới định tuệ
tô điểm trên từng cánh sen
xin dâng lên
một vị Phật vừa thị hiện trong tâm…
Một vị Phật vừa thị hiện trong tâm … Đã bao lần trong cuộc đời, khi bị phiền muộn làm bất an, lo lắng, chán chường, bi quan … tôi thường cảm nhận được, có vị Phật thị hiện trong tâm, nhưng rồi theo thời gian, lại nhạt nhoà, biến mất. Mỗi lần Người có mặt, như một ánh chớp loé sáng vào đêm tối, như một suy tư vừa chợt ngẩng đầu, quán chiếu lại. Tôi lại bàng hoàng, mở rộng tâm ra, một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đem giấc mơ êm dịu, bình dị mang sắc màu an lạc, nhẹ nhàng thanh khiết chở hương thơm của từng cánh hồng non vừa có mặt, trong giây phút vén lòng, yên lặng nầy.
Hình ảnh đẹp, sống động quá, hiện rõ như một thực thể của tỉnh thức.
Ta mở trời tâm
nâng lời thơ mộng đẹp
gió có ngỡ ngàng
ngày tháng khúc hoang vu
chắc phải son hồng
tô núi ngàn vắng lặng
hay cánh chim về
mang lời nói trăng xưa..
Đó không phải là bức tranh lập thể tô vẽ cuộc đời, với nhiều màu sắc vì tự cuộc đời đã là đa màu đa sắc. Đó không phải là tiếng đàn dõi theo cung bậc để nói đến vùng sâu của cõi lòng, vì trong tâm tưởng cũng dung chứa đủ những cung bậc thăng trầm, vi diệu. Đó không phải là lời thơ, tiếng nhạc hay thanh âm bay nhảy, khơi nguồn, ca hát cho cuộc nhân sinh, thân phận con người… vì chưng, trong tâm cũng đã đầy đủ, trọn vẹn các âm bậc, lời thơ ý nhạc… có chăng là chúng ta nhiều khi quên đi sự “tối thắng của con người, sự có mặt của chính mình, một hữu tình”, vì từ con người- đó là bước khởi đầu để đi đến tất cả mọi phương trời, từ các cõi từ phàm đến Thánh.
Ai bắt mộng để làm nên cung bậc
tiếng đàn êm chở vạn cánh hoa lòng
một buổi sáng, dưới bước chân non dại
cỏ im lìm, đón hơi thở truyền trao
ta có mặt từ suối nguồn muôn thuở
kết đôi tay, cho vạn ấn tạo hình
có từ bi khơi dòng nước thanh lương
nằm trên gối, sưởi bên tâm đèn tuệ ..
Phải chăng cuộc đời là cuộc đuổi bắt, chạy theo những thú vui- dù là sắc là thanh là hương hay các pháp của vị xúc .. nhưng trong tôi, con đường vẫn hoài hoang tưởng, chưa từng bao giờ nắm bắt được trọn vẹn.
Sao ta mãi là kẻ đi hoang trên cuộc đời, tìm những giá trị thực hữu cho đời người, có những ước mơ thành hình trong tâm tưởng, có những bâng khuâng nhìn bóng dáng của dòng sinh hoá lưu chuyển, có những hụt hẫng như bay trên vùng trời xa lạ nào đó, thấy trăng sao, thấy hoang vu và tâm trải dài qua những khoảng vắng của sa mạc mênh mông.
Cuộc đời quả thật có nhiều biến chuyển, như vũ trụ chuyển mình, như thời gian vẫn hằng trôi qua vùng sáng tối, với những vô thường nhảy múa. Có những đoạn đường đi qua, sao lại cảm thấy hoang vu, yên lặng trong khi chung quanh, những nhộn nhịp, ồn ào, rầm rộ, huyên thuyên, náo động vẫn diễn biến cười vui, trò chuyện. Con đường của đi tìm, con đường của sự im lặng, như nổi cô đơn xuất hiện, đan xéo trong tâm.
Có những lúc lặng yên nhìn trời trăng mây nước, hình như cảnh vật mang dáng vẻ, diễn hoạt bình thường, vẫn thay áo mới, nhuộm màu trong từng sát na, dù qua bao thời gian, những ngọn cỏ là đà trong gió, những con bướm tung tăng lượn bay trên những hàng cây, trong sương gió, bàn tay vẫn còn đầy đủ niềm đam mê, tâm vẫn còn rộn ràng suy tư, ảo hoá trong từng niệm và những dằn vặt vẫn còn lan man trong mọi góc cạnh của tâm…
Tôi cũng cảm thấy sức nóng của lửa có mặt ở mọi nơi, như bãi chiến trường gặm nhắm đến mọi thân phận con người, trong sự sinh tử, trong những tham vọng điên cuồng, những bám víu, lôi kéo, bấn loạn, mời gọi, hân hoan, giằng co, dày xéo … và trong tôi, những bâng khuâng vẫn thầm dày vò, xáo trộn.. mọi tế bào như chực vỡ tung và trong tận chiều sâu của tâm, vẫn hằng hữu sức sống lôi cuốn kỳ diệu của Chân tâm.
Lửa cũng bắt nguồn từ lòng sân hận, oán thù, cũng đã từng rực sáng ở trời Đông thiêu đốt thân của vị Thánh nhân bình dị- Bồ tát Thích Quảng Đức, đối diện trước những bất công, và vô minh kiêu hãnh có mặt. Lửa của nội tâm không màng, lửa của phiền não không chi phối, đánh gục… thì xá gì lửa trần gian đốt cháy thân xác, khi tấm lòng mang tâm bồ đề, tâm vô nhiễm của bậc Đại sĩ nguyện hy hiến thân mình đánh thức thiện tâm trong con người và vì con người.
Bất động giữa vô minh
cho lửa dữ hờn ghen nhảy múa
yêu thương đến cuộc đời
thân xác mộng, có là chi
Người đến đi
Trái tim hồng còn để lại
chảy mềm tham sân si, tàn bạo
để còn lại trên cõi đời
tình người mãi mãi nở hoa tươi ….
Tất cả các cõi đều bất an, vô thường, ảo hoá … Con người, chính mỗi người phải tự quán chiếu, suy tư, nhận thức được chiều sâu, thể tính của các pháp duyên sinh duyên hợp thành hình .. mới nhận thức được bản tính chân thực cũa vạn hữu, mới thoát ra khỏi những bất an, bất toàn, bất hạnh do nghiệp lực chi phối, tỉnh thức và cảm nhận được ý nghĩa đích thực của tiếng “viên âm” vẫn réo gọi, do tấm lòng thương yêu của đức Phật.
Có phải mây trời đang nhóm lửa
Hay lòng vừa thắp ngọn kiêu sa
Nghe trong cơn gió, muôn lời nói
lặng ở nhân gian, một góc đời
ta đi trên lối mòn năm cũ
cứ ngỡ vườn hoa có nụ cười
bóng cây năm trước còn e thẹn
một cánh chim trời đang vẩn vơ
quê hương vẫn ngọt như hơi thở
nhịp đập từ tim réo gọi tình
một hạt sương đời còn tươm mộng
bài thơ dang dỡ, tỉnh hay say …
Cuộc tỉnh say của cuộc đời, ngông cuồng, vụn dại, nhiều khi không ai suy lường biết được, vì nghiệp lực chi phối, vẫn dấn thân đi tới, để nói lên sự trưởng thành cho một nhân cách con người, đối diện với cốt lỏi của vấn đề sinh tử.. Không tiếp cận, nhìn rõ mặt mũi, sẽ không cách nào giải quyết được tận gốc rễ.
đếm ta là nhật nguyệt
một thoáng trong cuộc đời
tìm nhau trời lận đận
ngôn từ thả lời thơ
áo em ngàn xưa bạc
em thay bao cõi tình
vi vu theo cảnh nhạc
nốt nào cỡi chân tâm …
Trong Kinh có nói rằng: “Không có một pháp nào chẳng từ tâm mà lưu xuất, và cũng không có một pháp nào chẳng trở về tâm nầy” (Vô bất tùng thử pháp giới lưu, mạc bất hoàn qui thử pháp giới).
Biết tâm là căn nguyên bao trùm khắp, từ pháp thế gian lẫn xuất thế gian, từ tâm mà luân chuyển trong 6 đường và cũng từ tâm nầy mà trở thành Bồ tát hay Phật, nhưng làm sao để chuyển hoá, làm sao để đạt được thực tính của Không…
Trong suốt cuộc đời của đức Phật, với những bước chân trần trên thế gian nầy, và đi từ muôn vạn dậm qua các cõi, lời của Ngài vẫn chỉ “nhất âm diễn xướng” để chỉ rõ Tri kiến Phật hay Tính Phật trong mỗi một con người, nhưng chúng ta, những người vẫn tự xưng là người theo bước chân Ngài để mở rộng không gian cho bước chân nhập thể, từng tắm mình trong đại dương của Tính không, dù là chỉ có được một khoảng thời gian nào đó và mong đem nước cam lồ di dời, chia sẻ, nhập thế … nhưng sao ta vẫn lận đận bên cõi đời, làm thơ, viết nhạc, sáng tác đủ mọi hình thức để biểu lộ cho cõi tâm, dù là bức tranh thật đẹp rộng sâu của từ thiện, của chiêm bái, của mọi phương trời … như người hoạ sĩ cầm cây cọ vẽ vũ trụ muôn màu, nhưng hồn bức tranh của cuộc đời vẫn là những mông lung, không thực…vẫn hoài đi trong mộng tưởng điên đảo, để khi một cơn gió thoảng qua trong cuộc đời, ta thấy thơ bay, thơ biến, để rơi những phiền não như sóng tràn bờ..
Ngày xưa, ta vẽ tình thơ
Em mang đi cất bây chừ hoang vu
Bao giờ, em để thơ bay
Ngàn hoa dạo khúc tình thơ vào đời …
Bao năm qua trong cuộc đời, tôi đã cất thơ trong tủ áo, để lại ngăn nắp, chôn vùi trong vô thức để tưởng như mình là cánh mây trời bay rộng, vững vàng trước sóng gió, hàm tàng nội lực, cho hương thơm thấm nhẹ, vẽ mộng vẽ hoa vẽ cảnh vẽ tình vẽ danh lợi, vẽ tham sân si .. dồn lại, chất chứa trong thơ để thơ vươn lên nhiều màu sắc … nhưng đâu là lời thơ chân thật, đâu là tâm Chân như giữa dòng sinh diệt của tâm..
Những thắc mắc, suy tư, bâng khuâng trong cuộc đời của mỗi chúng ta, đều là những ẩn tàng của từ tâm biểu hiện, biến hoá .. là một câu hỏi, một công án tử sinh để cho mỗi người đi tìm, tiếp cận đến- một con đường yên lặng trong tâm, trên bước đường đi và cửa tới là hơi thở trở về.
thấy ta một bóng vạn hình
từ hoa vạn kiếng, một mình có ta
ta tìm trong bóng ngàn xa
giữa cơn mưa gió, tình ta là đà
hỏi người, người ở phương nao
hỏi ta, ta ở trên đầu gió phong
lời em buổi sáng vừa trao
giật mình, từng cánh tịnh tâm quay về…
Từ thế giới của năm uẩn, tôi lặng mình tìm lại bóng dáng xưa trong vỡ vụn, trong có không, trong buông bỏ, rơi xuống những mảnh linh hồn của triền cái, ôm chấp và thấy vạn hoa như cánh diều tung bay trong gió, để lại một khoảng không vô tận …
Khoảng đó không đến không đi, vì lặng yên trong cõi sống, vọc vào tâm, nghe hơi thở vựt dậy hương trầm năm cũ, bờ vai vươn rộng, cảm được tiếng thở của không thời gian của tiếng gần xa trong tâm, vì đó là tâm và nghe lại tiếng của tâm.
Đọc lại Tỳ ni nhật dụng, chợt nhớ đến lời xưa rằng: “Nhờ đến bạn tốt khi đi xa để luôn luôn lọc sạch tai mắt, nơi trú ở thì cần chọn bạn hiền để thường thường nghe điều chưa nghe” ( Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn) .
Bồ tát Quán thế Âm đã có mặt trong giây phút hiện tại, vì từ tâm của Ngài và tấm lòng của chính tôi, tự là dòng suối thanh lương mát rượi. “Phản văn văn tự tính”. Quay tính nghe vào bên trong, để lắng nghe, nhập vào dòng chiếu diệu của tự tính, vắng lặng, ngoài sinh diệt, bỏ ngoài sáu căn, rơi rụng bụi trần … “nhập lưu vong sở” ….
Có cần gì phải cầu kỳ chạy trốn, có cần phải cao sang để đánh mất mình trên mộng đời viễn tưởng, hoặc bỏ đi đất của nội kết phiền nhiễu nầy để đánh đổi lấy những tác oai của sóng nghiệp lực khác. Sóng là nước hay nước là sóng, lời êm diệu đó vẫn vằng vặc như ánh trong non huyền ảo trong tâm..
Ra đi từ thưở hồng hoang
nâng chân tỉnh thức
tìm em chốn nào
dáng xưa, tiếng sóng rì rào
vào trăm năm mộng
còn chăng lối về….
Cảm nhận được sự thị hiện của đức Phật trong tự tâm, nhận thức được chất liệu tình thương của Bồ tát Quán Thế Âm, giữa cuộc nhân sinh đầy tục lụy… Chúng ta đang bước chân trên đường về, vì những nhân tố hoàn thiện con người tự sẵn có trong tâm, nơi xác thân bốn đại, phàm tục mà nhiều người vội vàng chối bỏ cho là dơ bẩn, là hôi thúi hoặc có người lại ôm ấp, nâng niu, tô điểm mong được trường tồn danh sắc…
Nhưng, người con Phật được dạy rằng: “Thật là hy hữu khi có được thân người” (nhân thân nan đắc), vì đó là phương tiện tối thắng để đi đến, đạt được mọi cứu cánh hoàn thiện Nhân bản, của Chân Thiện Mỹ.
Đường trở về không phải là rời xa trần gian, tìm nơi hẻo lánh để ẩn mình, trốn tránh … khi tâm vẫn còn đầy vẩn đục, say mê theo hỉ nộ ái ố và khi cuộc đời là cuộc đi chung của một người, mỗi người và đi với nhiều người, vì tự đó, ẩn tàng lý tưởng Bồ tát, tâm bồ đề, cần chia sẻ.
Cuộc hiện sinh vẫn hiện hữu giữa và trong cuộc đời với tâm từ bỏ, giảm thiểu hận thù, đố kỵ, tham lam, ngờ vực, cố chấp, và mở lòng để tạo tình thông cảm, sẻ chia. Vì nếu thường nói cao xa, rong ruổi qua bao nhiêu là biên địa hữu thể, nhưng nội giới của tâm vẫn hẹp hòi thì cũng chẳng ích gì.
Dùng văn chương, chữ nghĩa trừu tượng, cao siêu, triết thuyết hình nhi thượng học .. nhưng trong cuộc đời vẫn nối dài là những tị hiềm, ganh ghét, mưu cầu danh lợi …thì sẽ là vô nghĩa. Bay bổng trên những tầng mây với tâm đầy vọng niệm, dục vọng, dù là được trang bị đầy đủ bởi kiến thức, tri thức, trí thức, tiền tài, sắc đẹp, chức vụ … nhưng không hiểu được tâm mình, thì có thoát ra khỏi khổ đau chăng?
Thưa bạn ! Nhìn thấy mưa rơi, đi tìm đến nguồn cội, biết được nước biển đại dương bốc hơi, thành mây, gặp khí lạnh và tạo thành những cơn mưa, mưa lớn hay mưa nhỏ như là cuộc đời xoay vần, biến hoá, còn đầy rẫy phiền trược. Biết, hiểu để nhận thức đúng, nhìn với trực tâm và tìm về, có thông cảm, có bao dung, chia sẻ… vì tất cả các pháp hữu hoặc vô vi, đều đến từ biển tâm bao la, đại lượng, rì rào sóng nước.
Dù tự biết mình là “người thua cuộc” trong cuộc đời, nhưng khi quán chiếu lại lòng mình, lắng nghe tiếng nói của sóng tâm, cảm nhận được tình tự chung thân phận con người và có những điều cần ghi lại, chia sẻ.
Mỗi lời nói, mỗi tâm tư, mỗi lời văn v.v.. cũng chỉ là những gợi ý. Có thể vì những bất toàn của chính mình, nên chưa thực hiện được hoặc cũng có tinh tấn áp dụng vào đời, chỉ là chớp nhoáng, vẫn chưa đi đến đâu, vì đường vẫn còn xa.
Dù biết rằng chấp vào con đường thì cũng như đang còn đứng ở tại vị trí, lẩn quẩn, chưa rời xả vọng tâm. Nhưng, vì nhìn thấy và bước đi trên con đường, như người Cùng tử trở về, hoặc một người bệnh với nhiều nội kết, vẫn bước đi… và vì đó là con đường, là tiếng nói của sóng tâm.
Trong thân phận con người dù còn mang nhiều nghiệp lực, trên vai vẫn oằn nặng gánh thị phi, tâm vẫn mang đầy phiền não, nhưng vì đạo Phật dạy rằng “người con Phật không bao giờ bi quan, chạy trốn cuộc đời”, dù có bao nhiêu khổ đau, bất hạnh, phiền não … nhưng, vẫn đi vào cuộc đời với tâm bình dị, không cầu kỳ, sống dễ dàng để tâm được dễ dàng, thong dong.
Suy tư, hành động chân chất để con đường đi không gồ ghề, lồi lõm, dễ cảm thông. Vẫn biết đời mỗi người đều mang biệt nghiệp, và ai cũng mong ước được hạnh phúc chân thực trước bao sóng gió của cuộc đời, của xã hội, của môi trường và của những liên hệ…
Nhưng, tiếng nói của sóng tâm vẫn là khởi nguồn của mọi sinh tồn, sống kỳ diệu…của cuộc nhân sinh, của mỗi con người trên hành tinh thân yêu nầy
Sóng biển rì rào, tràn lan vào bờ cát, lôi cuốn đi những dơ bẩn, bụi bậm, rác rưới, uế trược đem ra biển cả, nhập vào đại dương, để còn lại là nước thanh lương.
Tiếng nói của sóng tâm là năng lực của chuyển hoá, đem lại cho tâm sự an lạc, tự tại, vui sống giữa cuộc đời… vì tất cả pháp đều luân chuyển, sinh diệt, hợp tan…
Xin hãy để tâm mình là đóa sen lòng tươi mát, có những chiếc lá sen thật nhu mì, đẹp, thanh nhã, hoan hỷ, được vươn lên từ bùn nhơ … để cho dù có bao nhiêu nước khổ đau, bất hạnh đến đi, vẫn không bao giờ lưu giữ, mà tuôn chảy, rơi xuống… và đó phải chăng là Chân Hạnh phúc mà mọi, mỗi con người đều mong đạt được do Tâm Xả, vì đã tập, thực hành theo lời dạy rất đơn giản, hữu dụng, thiết thực của đức Phật, áp dụng vào đời…
“Không làm các việc ác
hãy làm các việc lành
giữ tâm ý thanh tịnh
đó là lời chư Phật dạy”
”Chư ác mạc tác,
chúng thiện phụng hành,
tự tịnh kỳ ý,
thị chư Phật giáo”
Cầu xin cho Hạnh phúc chân thật nầy có mặt trong tâm của tất cả mọi người…
Viết xong lúc 12 giờ 12 phút sáng ngày 17.06.2010