Đầy hứng khởi, nhà sư trẻ bắt đầu bảy ngày của mình. Nhưng chỉ trong vòng mười phút sau thầy đã bị phóng tâm. Thầy bắt đầu bảy ngày trở lại, lần này cũng bị thất niệm vì suy nghĩ — có lẽ là suy nghĩ đến chuyện phải làm gì sau khi đắc đạo! Thầy lại tiếp tục bắt đầu bảy ngày khác, nhưng chánh niệm lại bị gián đoạn nữa. Một tuần sau, mặc dầu chưa đắc đạo nhưng thầy đã có một mức tỉnh giác rất cao, đã chế ngự được phần nào con tâm quái dị có khuynh hướng hay phóng đi nơi khác này. Đây là một phương cách hiệu nghiệm để khởi đầu việc huấn luyện tâm mình trên đường đi đến giác ngộ.
Đừng kỳ vọng phải đạt được kết quả thật nhanh. Thiền sinh với đức tin rắn chắc phải có ý chí cương quyết và lòng kiên trì cũng như người bán hàng phải luôn miệng rao hàng mà không làm biếng!
Học tụng kinh
Chủ yếu trong việc dạy thiền của Ajahn Chah là giúp thiền sinh làm mọi việc cần thiết để duy trì sự quân bình tâm trí hầu thoát khỏi mọi dính mắc. Một nhà tâm lý Tây phương, xuất gia làm một nhà sư đã học được bài học này. Nhà tâm lý học xin ở lại Wat Pah Pong trong ba tháng hạ với kỳ vọng được ở gần thiền sư đủ khả năng giúp mình hành thiền chóng đạt kết quả tốt. Vài hôm sau, Ajahn Chah thông báo cho tất cả chư tăng biết chương trình tụng kinh hàng ngày là từ 3 giờ 30 đến 4 giờ 40 sáng, và từ 5 giờ đến 6 giờ chiều.
Đó là chương trình mà thiền sinh phải tuân theo trong kỳ hạ này. Nhà sư mới xuất gia giơ tay xin phát biểu ý kiến và bắt đầu tranh luận lớn tiếng rằng ông ta đến đây là để hành thiền, không phải để phí thì giờ tụng kinh. Việc tranh cãi với thầy giữa đám đông theo lối Tây phương này làm nhiều người bất bình. Ajahn Chah từ tốn giải thích rằng hành thiền thực sự là phải giác tỉnh trong mọi hoạt động của mình chớ không phải chỉ tìm sự bình an tĩnh lặng trong lúc ngồi tại sơn am. Ajahn Chah đi đến chỗ khẳng định nhà tâm lý học phải chấp hành đúng đắn tụng kinh hàng ngày nếu ông ta muốn ở lại Wat Pah Pong. Nhà tâm lý học đã ở lại và học tụng kinh tốt đẹp, đàng hoàng.
Quên thời gian đi
Chúng ta thường có khuynh hướng làm cho việc hành thiền trở nên phức tạp và rối rắm. Chẳng hạn, khi ngồi xuống chúng ta quyết định, "Lần này phải thành công mới được." Đó không phải là một việc làm đúng, vì không gì có thể hoàn tất một cách vội vã được. Đó là một dính mắc mà các thiền sinh mới thường gặp phải.
Nhiều đêm khi bắt đầu ngồi thiền ta thường có ý nghĩ, "Tối nay nhất định không ngủ trước một giờ sáng." Nhưng chẳng bao lâu sau đó, tâm ta bắt đầu phản kháng và dấy loạn cho đến lúc ta có cảm tưởng rằng mình sắp chết đến nơi.
Khi ngồi thiền đúng thì không cần đo lường hay thúc buộc gì cả. Không có đích, không có mục tiêu để đạt tới. Dầu bạn có ngồi từ sáng sớm đến bảy tám giờ tối cũng không thành vấn đề. Chỉ cần ngồi mà không để ý đến thời gian. Đừng tự thúc bách mình. Đừng ép buộc mình. Đừng đòi hỏi tâm mình phải làm một điều gì có tính cách chắc chắn cố định. Hãy để tâm thoải mái, để hơi thở tự nhiên bình thường, đừng ép hơi thở dài hay ngắn theo ý mình. Hãy để cơ thể thoải mái. Thực tập đều đặn liên tục, lòng tham muốn sẽ hỏi bạn, "Ta sẽ ngồi đến lúc nào đây? Ta sẽ ngồi bao lâu đây?" Hãy quát lại nó (thầm thôi nhé!), "Này, đừng quấy rầy ta!" Phải đàn áp nó vì nó là phiền não đến quấy rầy bạn. Hãy nói, "Ta muốn ngồi bao lâu thì ta ngồi; ta muốn ngưng ngồi thiền lúc nào thì ngưng, chẳng có gì sai lầm cả. Nếu ta ngồi suốt đêm, ta làm hại ai đây? Tại sao ngươi đến quấy rầy ta?" Hãy cắt đứt lòng ham muốn và tiếp tục ngồi theo ý bạn. Để tâm thoải mái tự nhiên bạn sẽ đạt được bình an tĩnh lặng, thoát khỏi sức mạnh của tham ái.
Có một thiền sinh ngồi trước lư hương và nguyện đến lúc cây nhang tàn mới đứng dậy. Thế là anh ta cứ nhấp nhỏm theo dõi xem hương đã tàn đến đâu. "Tàn hết chưa? Mới có nửa cây à?" anh ta nghĩ. Có khi anh ta nguyện sẽ ngồi cho đến lúc hương tàn dầu có chết cũng không đứng dậy. Anh ta sẽ cảm thấy tội lỗi khủng khiếp nếu phải đứng dậy khi chưa hết giờ qui định. Ngồi thiền như thế là đã bị tham ái kiểm soát.
Đừng để ý đến thời gian. Hãy duy trì việc thực hành của mình một cách đều đặn và để sự tiến bộ đến dần với bạn. Khỏi cần phải nguyện hay thề gì cả, chỉ cần kiên trì cố gắng thực hành, để tâm tự nó bình an tĩnh lặng lấy. Cuối cùng bạn sẽ thấy mình có thể ngồi lâu một cách thoải mái, đó là bạn đã hành thiền đúng cách. Lúc đau nơi chân, bạn chỉ cần quan sát và biết sự đau. Bạn sẽ thấy cơn đau tự biến mất mà không cần đến sự giúp đỡ của bạn.
Thực hành theo cách này, bạn sẽ thấy có nhiều thay đổi diễn ra trong bạn. Khi đi ngủ bạn có thể tập cho tâm mình tĩnh lặng trước khi ngủ. Nếu trước đây bạn hay ngáy, hay mơ, nghiến răng, trăn trở, v. v., một khi tâm được huấn luyện thì mọi tật xấu trên sẽ biến mất. Dầu cho bạn có ngủ say đến đâu, lúc thức giấc bạn cũng tỉnh táo, không bần thần uể oải. Cơ thể an nghỉ nhưng tâm tỉnh thức suốt ngày đêm, đó là Phật, là kẻ hiểu biết, tỉnh thức, hạnh phúc sáng suốt. Phật không bao giờ ngủ, nhưng không bao giờ cảm thấy uể oải, thẫn thờ. Nếu bạn làm cho tâm trí mình kiên định như thế trong lúc hành thiền, bạn có thể thức liền hai ba hôm, và khi buồn ngủ vẫn có thể nhập định trong vòng năm mười phút là tỉnh dậy một cách tươi tắn như người đã ngủ trọn đêm. Ở mức độ này, bạn không cần phải nghĩ đến thân thể mình nữa, mặc dầu với tình thương và sự hiểu biết, bạn vẫn còn thấy thân thể này cần thiết.
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana