Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Theo dáng Rồng bay

Theo dáng Rồng bay

92

Phú Thị xưa nổi tiếng là làng khoa bảng, làng văn chương; quê hương của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, của "Thánh văn" Cao Bá Quát. Tên chữ của làng là Thổ Lỗi, tên nôm là  Sủi. Trang Thổ Lỗi xưa thuộc  trấn Kinh Bắc, nay là vùng đất ngoại thành Hà Nội.

Trụ trì chùa Sủi là Ðại đức Thích  Thanh Phương. Ðại đức còn trẻ, có hai bằng đại học (Phật giáo và ngoại ngữ – tiếng Trung Quốc), am tường đông tây kim cổ. Hơn hai chục năm trước, năm 1989, cụm di tích chùa – đình – đền Sủi đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. – Ðại đức vào chuyện. – Chùa Sủi là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở nước ta, được xây dựng từ đầu công nguyên. Chùa có tên cổ là Ðại dương Sùng Phúc Tự. Vì sao tiền nhân lại chọn trang Thổ Lỗi làm nơi xây chùa? Vì rằng, nơi này là làng cổ, nằm trong địa bàn cư trú từ rất sớm của người Việt cổ thời Hùng Vương. Tương truyền thời Lý – Trần, các vua thường qua đây ngủ đêm để ngóng mộng, chờ thông điệp của thần linh.

Nhưng thưa Ðại đức, vì sao tiền nhân lại xây liền kề chùa với đình, đền? – một nhà báo hỏi. –  Chùa và đền gắn liền với tên tuổi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Còn ngôi đình, thờ Tướng quân Ðào Hoa Liên.  Tướng quân là người đã theo Ðinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Phú Thị là nơi lập đại bản doanh của Ðào Hoa Liên. Về sau ông được coi là Thành hoàng làng. Nhưng trước hết phải nói đến chùa Sủi. Chùa được Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1115. Trước Tam bảo còn đôi câu đối cổ, viết theo kiểu chữ Triện, ca ngợi việc Hoàng Thái hậu tu bổ, xây dựng chùa. Ỷ Lan quê gốc làng Sủi. Vua Lý Thánh Tông  trong một lần về chùa Dâu để cầu tự đã gặp người con gái quê xinh đẹp ở cầu Giàng. Nàng đứng tựa gốc lan hát rất hay. Thuận ý thuận tình vua đưa bà về cung làm nguyên phi. Ít lâu sau Ỷ Lan về chùa Sủi quê mình để cầu tự và đã sinh Thái tử Càn Ðức, tức vua Lý Nhân Tông sau này. Về thắng cảnh chùa Sủi, theo lời ghi trên bia niên hiệu Ðức Long (1633): "Ðây là thắng cảnh vào loại bậc nhất nước Nam thời đó, khách vãng lai không ai là không biết đến". Chùa được xây theo kiểu chữ Ðinh, gồm bảy gian tiền đường, ba gian hậu cung và hai dãy hành lang. Ðầu hai hành lang giáp tiền đường là hai lầu tám mái, trong lầu treo chuông đồng và khánh đá. Khánh đá có từ thời Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725). Còn chuông đồng mang niên hiệu Cảnh Thịnh bát niên (1800), thời Tây Sơn.  Trong Chùa có 73 pho tượng cổ, tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc  Việt Nam thời Lê, Nguyễn.

Nói về Ðền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, Ðại đức Thích Thanh Phương trầm ngâm: Ỷ Lan đã để lại cho đời nhiều công tích, nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng bao dung, nhân ái của một người phụ nữ, nhận biết sự vô thường, nhận biết cả những nỗi đau của người khác, lo cho nỗi đau của người khác. Bà đã hai lần nhiếp chính trông coi việc nước thay chồng và con. Người đời suy tôn bà là Quan âm, là Cô Tấm Kinh Bắc. Trong Ðền thờ còn  bức hoành phi cổ ghi bốn chữ lớn "Mẫu nghi thiên hạ". Bức tượng Hoàng Thái hậu trên vương miện có Tượng Phật bà Quan âm. Ðặc biệt, trong Ðền có hai mũ Hoàng đế bằng đồng là kỷ vật rất quý.

Từ lâu cụm di tích chùa – đình – đền Sủi không chỉ nổi tiếng ở thắng cảnh đẹp, mà còn bởi Lễ hội dân gian làng Sủi. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày từ mồng 1 đến mồng 3-3 âm lịch, trong đó ngày 3-3 là chính hội. Buổi sáng là lễ rước Hoàng Thái hậu. Buổi chiều là lễ giải oan cho Nguyễn Bông, vì vậy còn có tên gọi là lễ hội Bông Sòng. Nguyễn Bông là ai và vì sao phải giải oan? Ðó là một câu chuyện dài. Xin tóm lược trong đôi câu:  Nguyễn Bông đã bị chém đầu ở chợ Sủi vì ông đã có mặt ở khu vực Ỷ Lan xách nước từ giếng  tắm lên, khi bà về cầu tự ở chùa. Sự thực thì – theo Thần phả ở Ðền đức Lý Thái hậu – Trụ trì Chùa Ðại dương thời đó là Thiền sư Ðại Ðiên, một vị cao tăng nổi tiếng thời Lý, khi biết Ỷ Lan về cầu tự đã làm pháp thuật để Nguyễn Bông được đầu thai vào bà Ỷ Lan, sinh ra Càn Ðức.

Như đã nói ở phần trên, làng Sủi không chỉ nổi tiếng bởi cụm di tích độc đáo, mà nơi đây còn có nhiều danh nhân tiếng thơm khắp chốn cùng nơi. Làng có mười tiến sĩ nho học qua các đời, bốn vị là Thượng thư, một vị là thầy học của quan đại thần Nguyễn Nghiễm (thân phụ đại thi hào Nguyễn Du). Thật là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Tôi bỗng nhớ đôi câu đối nổi tiếng của Thánh Quát: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai" (Mười năm giao thiệp tìm gươm báu/Một đời chỉ cúi trước hoa mai). Là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, là  nhà thơ lớn của dân tộc, Cao Bá Quát đã để lại 1.353 bài thơ, 21 bài văn xuôi và nhiều câu đối.

Về làng Sủi hôm nay, trước chốn thâm nghiêm chùa – đình – đền Sủi, khi Ðại lễ một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đang đến gần, tôi như thấy một dòng sông đang bay lên theo dáng Rồng bay.  Dòng sông Thiên Ðức liền sát lũy tre làng, khi xưa Cao Bá Quát gửi tấm lòng vào mây nước, viết rằng: Sông dài như lưỡi kiếm dựng giữa trời xanh.