Trang chủ Diễn đàn Lễ hội Phật giáo: Có quá nhiều chăng?

Lễ hội Phật giáo: Có quá nhiều chăng?

95

Vấn  đề có liên hệ ít nhiều đến Phật giáo, vì nhiều lễ hội hiện nay là hội chùa. Một số bài báo, tuy không nói thẳng đến Phật giáo, nhưng dùng một cụm từ chung chung là “thần phật”, khiến nói đến lễ hội có “thần phật” là người đọc liên tưởng ngay đến Phật giáo. Do vậy, bài viết thấy cần thiết đưa ra mục tiêu là chứng minh lễ hội Phật giáo hiện nay không phải là nhiều, và nếu có thể, thì vẫn nên phát triển them nữa lễ hội Phật giáo.

Về lễ, thì Phật giáo, so với các tôn giáo khác, có ít lễ hơn nhiều. Do đó, thời gian, công sức, tiền bạc dành cho lễ hội cũng ít.

Một số  tôn giáo bắt buộc, tín đồ đi lễ ít nhất 1lần/tuần. Phật giáo không có yêu cầu Phật tử  tại gia phải đi lễ chùa hàng tuần, hàng tháng. Vì vậy, số Phật tử làm lễ ở chùa (tức đơn vị cơ sở tôn giáo) thường ít hơn so với các tôn giáo khác. Chánh điện chùa Phật có diện tích phổ biến là không lớn, chỗ ngồi thường không đến số trăm.

Trong đạo Phật, thường chỉ có khóa công phu chiều, thường trong khoảng từ 6 hay 7 giờ, là có Phật tử  tham gia. Như vậy, cũng là ít nếu so với một số  tôn giáo, mà từ 4 giờ, cơ sở tôn giáo  đã tổ chức lễ có tín đồ tham dự, và trong ngày có thể có nhiều lễ nữa.

Nếu thống kê, chúng ta thấy so với thời gian mỗi Phật tử dành cho lễ ở chùa ít hơn nhiều so với một số tôn giáo khác. Ngày rằm mồng một, ngày tết, tháng giêng…, khách lễ chùa đông. Nhưng phần lớn người đến lễ chỉ thắp hương, lạy 3 lạy rồi trở ra, thời gian tối đa chỉ khoảng 10 phút/lượt.

Đó là về lễ. Còn về hội, thì Phật giáo càng ít hơn nữa. Mỗi chùa hàng năm chỉ có 1, 2 ngày hội, thu hút đông người tham dự, tập trung nhiều vào tháng giêng. Hội chùa này kết thúc thì chùa khác khai hội. Báo chí thường đưa tin hội chùa, nên dễ có cảm tưởng có rất nhiều ngày lễ hội Phật giáo. Thực ra, đó chỉ là một số nhiều “biểu kiến”, không phải là một số nhiều thật. Hội chùa thu hút Phật tử ở địa phương và một số ít hơn nhiều Phật tử từ nơi khác đến. Nhưng số Phật tử đi hội chùa liên tục cũng tập trung vào một số ít người, thường là lớn tuổi, xem đó là thú vui, cơ hội để gặp bạn già.

Một số  lễ tập trung tín đồ của Phật giáo Việt Nam có tính chất hội như lễ Phật thường trung bình chỉ 5000 người. Ở TPHCM, năm nhiều người nhất đến dự Lễ Phật đản chỉ 20.000 người, ít hơn nhiều so với các tôn giáo khác, chẳng hạn, lễ vía Đức Chí Tôn của chi phái Tòa thánh Tây Ninh, đạo Cao Đài, có đến 100.000 người tham dự (số liệu được báo chí chính thức công bố)

Như vậy, so với tôn giáo khác, đại lễ và ngày hội trong đạo Phật, ít hơn về cả số lượng lẫn số tín đồ tham gia. Trong những năm gần đây, một số chùa có hướng đến xây dựng một số  lễ hội mới, như ngày Vía Phật A Di Đà (17 tháng 11 Âm lịch), ngày lễ Phật Thành Đạo (8 tháng 12 Âm lịch)…, nhưng số người tham dự cao điểm chỉ giới hạn ở mức khoảng 5000 người (vừa kín một sân chùa rộng).

Tại Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất, có đông tín đồ hơn cả. Tình hình tổ chức lễ hội Phật giáo như trên, so với các tôn giáo khác là hoàn toàn không tương xứng.

Trong Phật giáo, lễ hội có tổ chức là một khái niệm mới có gần đây. Trong thực tế nhiều hội chùa hình thành tự phát theo nguyện vọng của Phật tử, đông người dần lên, không hề có kế hoạch tổ chức, quảng bá. Trong hình thái kết thành lễ hội như vậy, phí tổn tất nhiên sẽ không cao. Lễ hội như thế hình thành và phát triển do sự hiến cúng tự nguyện  của Phật tử. Bằng sự có mặt và cúng dường, Phật tử làm nên ngày hội chùa. Đó là nguyện vọng và đóng góp  của hàng bao nhiêu con người, không phải do tổ chức của vài cá nhân mà thành.

Chính vì  là chọn lựa của số đông, xuất phát từ  nhu cầu số đông, nên các ngày hội chùa không hề  phát sinh vấn đề “quá nhiều” và  “tốn kém”..

Hội chùa, đó là điều mà số đông Phật tử yêu cầu. Nếu vượt quá yêu cầu thực tế, tạo thành gánh nặng tài chính và thời gian, tự số đông đó sẽ điều tiết bằng cách không tham gia. Lễ hội Phật giáo có giá trị điều tiết tự thân, cho nên liên hệ vấn đề lễ hội quá nhiều và phí tổn cao đối với lễ hội Phật giáo là hoàn toàn không thích hợp.