Vì “thực hành” tự do khỏi những hệ thống quy luật, người học có phạm vi lớn hơn và có thể được hưởng và hiểu rõ giá trị của cả nền học vấn nổi và việc “thực hành” trong đời sống hàng ngày. Một người chỉ bị lôi kéo một cách cách mê mờ theo con đường học vấn nổi hay sách vở đánh mất một nửa còn lại. Kết quả là sự học của người đó chỉ hoàn tất năm mươi phần trăm.
Có nhiều bài viết và sách về Phật giáo được xuất bản trong những năm gần đây, nhưng những bài đề cập đến quan điểm giáo dục của Phật giáo thì đúng là hiếm hoi. Trong bài nầy, tôi muốn trình bày về cái thấy của Thiền đối với nền giáo dục hiện đại. Giáo dục Phật giáo có một lịch sử dài lâu và nhiều phức tạp.
Trong những thế kỷ đầu (400 trước Tây lịch – 800 sau Tây lịch), các tu viện Phật giáo ở Ấn độ và Trung hoa họat động như những trung tâm giáo dục ở đó giới luật, kinh điển và những môn khác được giảng dạy. Nhiều người, nam cũng như nữ, đã được Tăng già cung cấp sự giáo dục, đời sống an toàn và phẩm giá. Tâm linh và đời sống mô phạm luôn luôn được kết hợp trong nền giáo dục Phật giáo.
Nền giáo dục hiện đại đã trở thành một chương trình dạy nghề để nâng cao lợi ích về tài chánh. Chủ nghĩa tư bản, khoa học và kỹ thuật đã tạo ra một cái nhìn mới về thế giới; huấn luyện nghề nghiệp trở thành chủ yếu cho cuộc sống của một người hơn là việc rèn luyện tinh thần.
Ngày nay, hầu hết sinh viên đều quan tâm đến việc tìm kiếm sự ổn định tài chánh và thu hoạch vật chất. Ngược lại với khuynh hướng nầy, giáo dục Thiền khuyến khích người học tìm kiếm sự ổn định tinh thần. Vì Phật tánh là khuynh hướng tự nhiên của con người, giáo dục Thiền hướng dẫn người học hiểu được những khúc khuỷu của cuộc sống, đưa họ trở về với con người biết lắng nghe, có tâm từ bi, thông cảm và sống một đời sống quân bình.
I. Giáo Dục Trong Tu Viện
Lịch sử giáo dục đã có từ lâu và phức tạp. Chẳng hạn ở các nước Ai cập và Ấn độ cổ, giáo dục chính yếu nhấn mạnh vào đạo đức, thiên văn và kiến thức về tôn giáo. Giáo dục thời đó chỉ giới hạn cho vua chúa, những người cầm quyền, chiến sĩ và tu sĩ. Trong thực tế, chỉ những người trong giới thống trị mới được tham dự vào nền giáo dục.
Dần dần việc giáo dục thay đổi ở châu Á và châu Âu khi nhiều người hơn, gồm cả những thường dân, được tham tham dự vào nền giáo dục. Ở Ấn độ, ngay cả những người không được chạm đến (tiện dân – giai cấp thấp nhất sống ngoài lề xã hội) và nữ giới cũng được cho phép gia nhập Tăng đoàn Phật giáo và đuợc cho cơ hội học tập, và nhiều người trong giai cấp bị áp bức tìm thấy sự an toàn trong Tăng đoàn.
Lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ tư trước Tây lịch, người Phật tử thách thức hệ thống giai cấp cứng nhắc của xã hội Ấn độ khi các tu viện mọc lên nhiều nơi trên đất nước nầy. Tu viện cung ứng một đời sống cộng đồng trong đó tăng và ni học hỏi về giới luật, và được dạy kinh điển truyền miệng từ các vị thầy được gọi là acarya.
Khi Phật giáo trở nên phổ cập và được chấp nhận, số lượng tu viện cũng tăng lên. Những trường đại học Phật giáo nỗi tiếng nhất là Nalanda và Valabhi ở miền Đông và miền Tây Ấn độ. Các trường đại học nầy và những tu viện khác được hộ trì bởi những thương gia giàu có và sự trợ cấp của hoàng gia. Nalanda lên đến tột đỉnh huy hoàng vào thế kỷ thứ bảy. Ngài Huyền Tráng viếng Ấn độ từ năm 626 đến năm 646 và học tại Nalanada ghi lại rằng ở đại học Nalanda, số giảng sư là 1,500 vị và số học viên là 10,000.
Một vị tăng nổi danh khác của Trung hoa là ngài Pháp Hiển viếng Ấn độ từ năm 671 đến năm 695 ghi lại rằng trong các tu viện, ngoài việc học kinh điển, các môn như văn phạm tiếng Phạn, luận lý học Ấn độ, và siêu hình học cũng được giảng dạy.
Ngoài ra, nghệ thuật Phật giáo và y học cũng là những môn học chủ yếu trong chương trình giáo dục Phật giáo. Đến thế kỷ thứ bảy, đời sống trong tu viện của chư tăng và ni biến đổi trở nên phức tạp đòi hỏi họ phải phấn đấu một cách có sư phạm hơn. Có thể cho rằng “chủ nghĩa kinh viện” Phật giáo bắt đầu ở thời kỳ nầy.
Các tu viện Phật giáo ở Trung hoa bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất khi Phật giáo được chấp nhận. Trung tâm Phật giáo nổi danh là Lạc Dương được hình thành vào phần tư cuối thế kỷ thứ nhất. Vị tăng được biết đến và được tôn kính nhiều nhất ở Lạc Dương là An Thế Cao. Ngài là người Partian (một phần của Iran ngày nay) thuộc giòng dõi vương giả. An Thế Cao đến Lạc Dương vào khoảng năm 148. Ngài dịch kinh, phần lớn là về Thiền như định tâm, thiền quán, phương pháp điều khiển hơi thở sang Hán văn. Trong số những người ngoại quốc cộng sự với An Thế Cao có ngài Chi Lâu Ca Sấm, một người gốc Seythian, đến lạc Dương vào khoảng năm 167 và cũng là một nhân vật quan trọng. Khác với An Thế Cao, ngài Chi Lâu Ca Sấm chuyên dịch các kinh về Bát nhã.
Giữa thế kỷ thứ nhất và thế kỷ thứ năm, ở Trung hoa có một số tăng sĩ chủ yếu là dịch kinh. Thêm vào đó, tăng sĩ Trung hoa có cơ hội học về Phệ đà, Thiên văn học Ấn độ, Toán học, và những khoa học huyền bí từ những vị tăng ngoại quốc sống ở Trung hoa. Ngài Cưu Ma La Thập (413) cũng đã đưa văn học Ấn độ vào Trung hoa.
Các tu viện tự điều hành như những viện đại học. Khi gia nhập Tăng đoàn, tăng và ni được nhận một nền giáo dục ở nhiều mức độ từ thấp đến cao, song song đó, họ thoát khỏi những bất công của xã hội và được xã hội kính trọng. Tuy nhiên, giáo dục ở tu viện có mục đích cao cả hơn, đó là hướng dẫn sự chứng nghiệm sâu nhất về ý nghĩa hiện hữu của con người. Mục đích chính của giáo dục và thực hành Phật pháp là làm cho sự chứng ngộ trở thành hiện thật.
II. Cái Nhìn Của Thiền Về Nền Giáo Dục Hiện Đại
i) Ý nghĩa của giáo dục trong Thiền
Một cách tổng quát, giáo dục có hai hình thức: giáo dục nổi được dạy trong các trường và giáo dục ngầm. Giáo dục ngầm có nhiều hình thức. Đọc thơ trong một quán sách, tự học một ngôn ngữ, hội nghị chuyên đề trong sở làm là một số ví dụ về nền giáo dục ngầm, được thực hiện để đáp ứng sở thích và nhu cầu cá nhân. Cái đẹp của nền học vấn ngầm là nó chảy cùng đời sống của một người.
Điều kiện của hệ thống giáo dục hiện đại đặc biệt khác với những thế kỷ trước. Giáo dục nổi trong thời hiện đại là một kỹ nghệ tỷ đô. Sách, học phí, và nhiều loại kiểm tra, tất cả đều tốn tiền. Ngày nay, sinh viên vào học ở đại học chủ yếu là tìm cái lợi về tài chánh và địa vị xã hội mà việc học đem lại. Quan điểm đó của người học được chấp nhận như là một việc tự nhiên khi mà chủ nghĩa tư bản, khoa học, và kỹ thuật bắt đầu tạo nên một trật tự mới của thế giới; có nghĩa là sự huấn luyện nghề nghiệp trở thành thiết yếu cho đời sống của một người hơn là nhu cầu về tinh thần. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ xảy ra vào thế kỷ thứ mười chín đã thay đổi mục đích của giáo dục trên toàn thế giới.
Vì cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ tạo ra nhiều lãnh vực nghề nghiệp, số người cần huấn luyện về nghề nghiệp nhiều hơn. Mục đích việc giáo dục ở trường vì vậy buộc phải sửa đổi để phù hợp với nhu cầu. Trước khi có cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ, quan tâm của giáo dục là học về nhân văn, nhưng sau cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ, những viện đào tạo về khoa học trở thành nữ hoàng của giáo dục. Kết quả là hệ thống giáo dục hiện đại bị ảnh hưởng lớn lao bởi những tác nhân kinh tế và kỹ thuật, gây khó khăn cho những người tập trung vào mặt nhân văn của nền giáo dục.
Không nghi ngờ rằng nền giáo dục nổi đã trở thành phương tiện để bảo đảm điều kiện tài chánh. Nếu sự ổn định tài chánh không được bảo đảm, con người hiện đại bị buộc phải sống trong giai tầng thấp của xã hội. Vì vậy, để bảo đảm một đời sống vật chất, người ta phải phấn đấu ở nhà trường và nơi làm việc.
Người ta phải làm việc siêng năng hơn và nhiều giờ hơn, buộc phải dấng thân vào những xảo thuật để giữ được việc làm. Tuy nhiên, con người càng phấn đấu cho của cải vật chất, thì càng có ít thì giờ cho bản thân; và kết quả là con người đánh mất cơ hội phát triển nội tâm, nền tảng của đức từ bi, sự hiểu biết và lòng thương yêu.
Dưới con mắt Thiền, người sinh viên ngày nay là chuyên viên trong việc tìm thấy lỗi lầm của người khác và của xã hội, nhưng thất bại trong việc soi rọi chính mình. Hệ thống giáo dục hiện đại thất bại trong việc giáo dục sinh viên trở nên những con người có cảm xúc, biết chia sẻ, và điềm đạm. Kết quả là nền giáo dục hiện đại đã chỉ trở thành một tiến trình, thay vì là sự chuyển hóa tính nhân bản của một con người.
Ngài Lâm Tế (viên tịch năm 866), một trong những Thiền sư nổi bậc vào thời Đường có lời khuyên về một sự giáo dục lý tưởng như sau. Ngài nói: “Người học không để ý đến lỗi làm của kẻ khác; người đó tha thiết tìm cầu kiến giải bên trong. Khi hoàn toàn rõ ràng về kiến giải chân thật, thế là xong việc.”
Điều ngài Lâm Tế dạy là người học phải không chỉ trích những điều kiện ngoài đời, cũng không phê bình những khuyết điểm của người khác. Ngài Lâm Tế miêu tả một cách rõ ràng tư thế của Thiền trong việc giáo dục. Rèn luyện có nghĩa là tìm kiếm cái thấy chân thật không phân biệt giữa thất bại và thành công, giàu và nghèo, đúng và sai. Do đó trong Thiền, chữ giáo dục nên được hiểu là tìm kiếm Tâm không phân biệt.
Tìm kiếm Tâm không phân biệt là một hình thức giáo dục Thiền. Trong Thiền, công án có thể được dùng để dạy người học tìm thấy Tâm. Tuy nhiên, công án không phải là phương pháp giáo dục thông thường. Công án là một dụng cụ để khơi dậy cái thấy không dựa trên lý lẽ, ý niệm và ngôn ngữ.
Từ Bồ Đề Đạt Ma về sau, môn đồ nhà Thiền được rèn luyện không dựa vào ngôn ngữ và văn tự. Do đó, trong việc học Thiền, người học được dạy bằng phương pháp không-dạy. Nói cách khác, đọc và suy nghĩ không được coi là hình thức tốt nhất trong phương pháp giáo dục.
Dĩ nhiên điều đó không thực tế đối với hầu hết các người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, có một kích thước khác trong cách giáo dục của Thiền, đó là từ mức độ không-dạy đưa đến phương pháp dạy bằng thân giáo. Một ngày nọ, đức Phật ngồi xuống trước đại chúng, ngài không nói một lời, chỉ đưa lên một đóa hoa.
Cử chỉ bí mật đó đại chúng hoàn toàn không hiểu. Chỉ có một người là ngài Ma Ha Ca Diếp hiểu được ý của đức Phật, ngài không nói một lời mà chỉ mỉm cười. Giáo lý vi tế và sâu xa của đức Phật không được bày tỏ bằng ý niệm, cũng không được dạy bằng lời. Đó đơn giản chỉ là Đức Phật đã thực hiện phương pháp không-dạy và dạy bằng thân giáo.
Điều đức Phật thực hiện không phải là một phương pháp giáo dục không bình thường. Mọi người đều hiểu ý nghĩa câu “phải thực hành điều giảng dạy,” hoặc “phải thực hành điều học được.” Phương pháp dạy đó là phương pháp rất tự nhiên trong Thiền.
ii) Thiền có thể giúp gì cho nền giáo dục hiện đại?
Các sử gia đồng ý rằng đời sống hiện đại có nhịp độ nhanh hơn những thế kỷ trước. Mọi sự đều đòi hỏi chuyển động nhanh; sự việc phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất. Hầu hết không có người nào chạy xe trên xa lộ hay đường phố theo dõi giới hạn vận tốc; mọi người đều muốn chạy nhanh hơn. Có một hệ thống giao hàng trong đêm, và có một hệ thống ngân hàng cấp thời phục vụ 24 giờ một ngày. Một điện thư có thể gởi đi trong một cái nháy mắt.
Những điều nầy rõ ràng là tiện nghi. Tuy nhiên, sự tiện nghi không luôn luôn cung cấp cho con người hiện đại một đời sống thỏa mãn về trí tuệ và tinh thần. Trong cuộc sống bận rộn, con người chạy theo hết sự việc nầy đến sự việc khác, và thường xao lãng những mối tương quan con người. Đối với đời sống chuyển động nhanh chóng hiện đại, Thiền khuyên chúng ta tập trung nhiều hơn vào yếu tố con người của đời sống. Nói cách khác, con người nên tìm về với nội tâm, thay vì cứ chạy đua theo các sự kiện và của cải vật chất.
Trong một ý nghĩa, tìm về với tâm có nghĩa là tìm nhiều thời gian hơn cho chính mình, thay vì dấng thân vào một lối sống bận rộn và tàn phá. Bằng cách cho phép mình có nhiều thời gian hơn, con người có thể có được tâm thức yên tĩnh và an bình. Tâm thức an bình không giống như trạng thái lười biếng hay bất quyết; tâm thức nầy không bị quấy rầy bởi môi trường bên ngoài thường làm cho con người không chịu nỗi tính chất hổn độn và hung hăng của đời sống hiện đại. Người có tâm thức an bình làm chủ được tinh thần của mình. Người đó thấy được những bịnh hoạn của xã hội, không bị lôi kéo vào những vấn đề của xã hội.
Nhiều vấn đề hiện nay cách nầy hay cách khác có nguyên nhân từ việc có quá nhiều người tham gia vào quá nhiều hoạt động. Khi tính kiêu căng và bản ngã được hòa trộn với nhiều hoạt động, một tình trạng không thể điều khiển sẽ xảy ra. Hai mươi ba quốc gia nhúng tay vào cuộc thế chiến thứ hai để giải quyết vấn đề bằng việc tiêu diệt lẫn nhau, và kết quả là trên 53 triệu người bị giết chết. Thiền Phật giáo đưa ra một giải pháp cho sự điên rồ của thời hiện đại.
Giải pháp đó là trở nên quan tâm và có chọn lựa trong những sinh hoạt hàng ngày. Bằng cách nầy, con người có thể tìm thấy nhiều thời gian hơn cho việc tự vấn và suy nghiệm. Thiền Phật giáo biết rằng bằng cách hiểu thấu những khúc khuỷu của cuộc sống không đoán trước được, con người sẽ có cơ hội tìm thấy Tâm của chính mình, cũng là Tâm Phật.
Tâm, hay Tâm Phật, không phải là cái tâm đặc biệt, nhưng nó có ảnh hưởng đặc biệt làm cho một người nhận ra sự quan trọng của mỗi sự vật hiện hữu và mối tương quan của chúng. Ý thức về sự tương liên giúp con người hóa giải sự ganh ghét, bất công, kiêu căng, thất vọng, lo âu và niềm vui vào một trạng thái cân bằng, đưa con người nhận ra và sống trong cảnh giới hoàn toàn hòa điệu của cuộc sống. Bàng Uẩn (740-808) trình bày rõ ràng cốt tủy của giáo dục Thiền trong bài kệ sau đây:
Việc ngày không gì khác
Tự nhiên hòa hợp cùng
Không có gì lấy, bỏ
Chốn chốn mặc thong dong
Chẳng kêu ca tím đỏ
Gò núi mảy bụi không
Bửa củi và gánh nước
Diệu dụng với thần thông.
(Nhật dụng sự vô biệt
Duy ngô tự ngẫu hài
Đầu đầu phi thủ xả
Xứ xứ một trương quai
Chu tử thùy vi hiệu
Khâu san tuyệt điểm ai
Thần thông tịnh diệu dụng
Vận thủy dữ bàn sài.)
Cư sĩ Bàng Uẩn sống trong đời sống thế tục giống như tất cả mọi người, nhưng về những năm cuối đời, một ngày nọ ông chất tất cả tiền nong của cải lên một chiếc ghe và đem đổ xuông sông, làm như vậy để giải thoát ông ra khỏi của cải vật chất. Bàng Uẩn không chỉ tống khứ của cải vật chất, ông còn dửng dưng đối với việc người đời xét đoán về ông.
Cái ngã bên trong hấp thu một cách thành tựu cái hiện hữu bên ngoài. Tuy nhiên, Bàng Uẩn không từ bỏ đời sống. Cuộc sống của ông đơn giản hơn, và ông thực hiện những công việc căn bản cho cuộc sống con người, đồng lúc ông sống một đời sống giới luật, đẹp và cao cả.
Sự không bám víu vào của cải vật chất của Bàng Uẩn đối với con người hiện đại có vẻ cực đoan, và cách sống đời sống tâm linh của ông có thể không thực tiễn đối với người thời nay. Giải pháp là tìm một “con đường trung đạo” giữa đời sống vật chất quá đáng và loại đời sống đầy cảm hứng của Bàng Uẩn.
Cuộc sống của ông không nên được hiểu lầm là một đời sống không sản xuất; ông nói: “Những sinh hoạt hàng ngày của tôi không có gì khác thường.” Thật tế đời sống của ông không có gì khác với đời sống của những người khác. Điều Bàng Uẩn làm và điều những người khác làm nền tảng giống nhau, chỉ trừ việc Bàng Uẩn thì không bám víu, không cắt đứt sự kết nối với sự vật xung quanh, trong khi những người khác thì bám víu vào sự vật và kết nối một cách cạn cợt.
III. Kết Luận
Thiền Phật Giáo nhận thấy sự cần thiết của một nền giáo dục nổi. Chúng ta không nên quên rằng trong những thế kỷ trước, tăng sĩ dịch và học hỏi kinh điển, chư tăng và ni tiếp nhận nền giáo dục tôn giáo đề ra một cách nghiêm khắc theo giới luật. Kết quả của việc đào luyện tôn giáo đó không tránh tạo ra một loại địa vị trong xã hội, cũng như hầu hết sinh viên ngày nay muốn có sự ổn định tài chánh và địa vị xã hội bằng việc học.
Nhưng Thiền Phật Giáo không cảm thấy e thẹn khi chỉ ra kết quả bịnh hoạn mà hệ thống giáo dục hiện đại tạo ra. Giáo dục đã trở thành cuộc đua tranh quá mức, và giáo dục làm cho người học trở thành những con người lấy mình làm trung tâm và tranh công, những người thất bại trong việc hiểu được thực chất của con người.
Những thế kỷ trước, những tu viện ở Ấn độ và Trung hoa cung cấp cho người học sự hướng dẫn tâm linh được coi là nền tảng của việc giáo dục; trái lại, những đại học ngày nay đặt trọng tâm vào việc huấn luyện nghề nghiệp hơn là giáo dục về tinh thần. Vì vậy, người hiện đại có khuynh hướng nhìn vấn đề tinh thần qua con mắt vật chất, ví dụ khi người ta hỏi “biên lai đóng góp từ thiện của tôi có được trừ vào tiền thuế hay không?” v.v..
Thật dễ hiểu lý do vì sao rất nhiều người ngày nay phàn nàn về mọi chuyện và đánh mất sợi dây liên lạc với thế giới tinh thần. Mục tiêu của giáo dục Thiền Phật giáo là kết nối con người trong toàn thế giới. Con đường để làm hòa điệu mọi người với thế giới là khuyến khích mọi chúng sanh tìm thấy Tâm mình. Người học được khuyến khích học về ý niệm không-hai của Phật giáo; giàu và nghèo, có học và thất học, vui và buồn, thành công và thất bại là những mặt khác nhau của chỉ một đồng xu. Hiểu thấu tinh thần không-hai, con người có thế tiến bước trên con đường tâm linh không điểm cuối. Do đó, học Thiền là làm một sự chuyển hóa cho cả một đời người.
Kết quả của việc học Thiền là một người có học biểu lộ tâm từ bi ra khỏi giới hạn bình thường; một người có học là một người có tâm hồn rộng mở không giới hạn, và sự nhún nhường không gì sánh. Những đức tính nầy sẽ đến bất ngờ khi một người tìm thấy Tâm của mình, hay Tâm Phật. Như vậy, rõ ràng trong giáo dục Thiền, tiếp nhận nhiều dữ kiện hơn hay chỉ học theo qui ước không được coi là một lối giáo dục tốt. Giáo dục xấu đưa đến hậu quả là sản sinh ra một con người coi trọng bản thân, có cái nhìn cứng nhắc đối với người khác. Đọc, viết và kiến thức qui ước là cần thiết, nhưng “gánh nước và bửa củi” như Bàng Uẩn cũng tốt. Nói cách khác, đời sống của một học giả và đời sống của một người tài xế xe búyt đều có ý nghĩa và thiết yếu ngang nhau cho tất cả chúng sanh.
Nền giáo dục nổi có tính chất cứng nhắc, trong khi nền giáo dục ngầm không có đường lối cố định. Với Thiền Phật giáo, nền giáo dục ngầm hay “thực hành,” không phải là thấp kém hơn nền giáo dục nổi. Vì “thực hành” tự do khỏi những hệ thống quy luật, người học có phạm vi lớn hơn và có thể được hưởng và hiểu rõ giá trị của cả nền học vấn nổi và việc “thực hành” trong đời sống hàng ngày.
Một người chỉ bị lôi kéo một cách cách mê mờ theo con đường học vấn nổi hay sách vở đánh mất một nửa còn lại. Kết quả là sự học của người đó chỉ hoàn tất năm mươi phần trăm. Xin đừng coi những gợi ý nầy là những lời phê phán; hãy coi đó là một sự khuyến khích việc thực hành và biết tôn vinh những sự việc thông thường hàng ngày để hoàn tất năm mươi phần trăm bị khiếm khuyết. Và như vậy, viêc học sẽ trở nên hoàn hảo hơn.
Thị Giới dịch (Zen Buddhist Perspectives on Modern Education.)