Trang chủ Văn hóa Nghi lễ Festival Huế 2010:Tái diễn múa “Lục cúng hoa đăng”

Festival Huế 2010:Tái diễn múa “Lục cúng hoa đăng”

102

Phát xuất của điệu múa cổ xưa

Múa Lục cúng hoa đăng là một điệu múa cổ xưa của Phật giáo do các vị sư Ấn Độ truyền vào Việt Nam. Sau khi du nhập vào xứ Đàng Trong tại Thuận Hóa – Phú Xuân, được các vị Tổ sư trong chốn thiền môn xứ Huế tiếp thu và phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật, điệu múa Lục cúng hoa đăng từ đó trở thành là một loại hình âm nhạc đặc thù của Phật giáo xứ Huế.

Điệu múa Lục cúng là điệu múa theo sáu lần dâng cúng. Tương ứng với mỗi lần cúng là một lễ vật cúng dường gồm: hoa, hương, đèn, trà, quả, nhạc để cúng dường lên đức Phật. Vì vậy môi trường diễn xướng của điệu múa này luôn được trình diễn trong những hoàn cảnh đặc biệt như lễ an vị Phật, lễ lạc thành chùa hay lễ hội, vía Phật. Điệu múa này cũng được thể hiện với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên… trong các trai đàn chẩn tế, giải oan…

Lục cúng hoa đăng

Điệu múa Lục cúng hoa đăng kết hợp nhịp nhàng giữa rất nhiều điệu múa, các vũ sinh  kết hợp theo hình hoa sen, rồi xếp hình theo chữ Hán và theo hình chiếc bình nhiều tầng. Trong điệu múa “Lục cúng” có nhiều bài tán theo nhiều điệu tán cổ xưa trong kho tàng âm nhạc Phật giáo như tán trạo, tán rơi, tán sấp và có cả Thài – một điệu tán rất cổ xưa – để dâng cúng trong nghi lễ cúng Phật cúng chư Tổ.

Theo đó, điệu múa Lục cúng hoa đăng tồn tại với thời gian theo sự phát triển của văn hóa Phật giáo giáo Việt Nam. Đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), Lục cúng hoa đăng đã được tiếp thu và cải biên thành một loại hình âm nhạc cung đình, trở thành một điệu múa đặc sắc được lưu giữ cho đến ngày nay.

Lần đầu tiên trình diễn trong Festival Huế

Trong Festival Huế 2010, lần đầu tiên múa Lục cúng hoa đăng được dàn dựng theo nguyên bản để phục vụ công chúng. Trên nền cổ nhạc Phật giáo,  điệu múa được phân bố thành 3 phần chính, phần 1: triệu thỉnh Tiên đồng bái Phật; phần 2: hành đàn Song lục và chồng bình dâng phẩm cúng;  phần 3: kết chữ “thiên hạ thái bình” và tự quy hồi đàn. Giữa các màn biểu diễn Ban tổ chức đã linh động cử một vị Tăng đọc lời giới thiệu, thuyết minh điệu múa.

Lục cúng hoa đăng

Điệu múa được 30 tăng sinh thể hiện. Theo từng điệu tán ngân nga, du dương, trầm tĩnh, tiếng kèn tiếng trống, tiếng não bạt  đánh liên hồi, các vũ sinh là các vị tăng sinh được hóa trang thành các vị tiên, đầu đội mũ Trang kim, mình mặc áo Mã tiên, chân đeo xà phù xuất hiện kèm theo tiếng hô, ứng rất uy dũng.

Các điệu múa hành đàn bái Phật, vấn liên đăng (các vũ sinh kết với nhau theo hình hoa sen), vấn kết  thằng (vũ sinh kết với nhau theo hình sợi giây), vấn Tứ Châu (kết với nhau tại 4 góc đàn) xen kẽ có rất nhiều điệu múa phức tạp phối hợp nhịp nhàng giữa cổ tay, cổ chân, thân mình trong cùng một điệu múa như “Hội Phật tiền”, “Nhạn giới”, “Hoa khai hoa hạp”…

Việc tổ chức điệu Lục cúng hoa đăng tại chùa Từ Đàm sau một thời gian dài “vắng bóng” để giới thiệu đã thu hút đông đảo người xem, đồng thời đã đưa điệu múa này về đúng “môi trường diễn xướng” của nó.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, điệu múa Lục cúng hoa đăng trong cung đình, được sử dụng trong các ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ… của triều đình nhà Nguyễn. Ca từ được viết bằng chữ Hán – Nôm.

Hiện nay, điệu múa này vẫn đang được biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) để phục vụ khách du lịch, nhưng các bài múa và một số trình thức đã bị thay đổi, các bài tán được rút ngắn, âm nhạc nhanh hơn khiến cho “tán” “tụng” mất dần chất thiền… Với mục đích phục dựng bảo tồn nguyên bản Lục cúng hoa đăng của nó, nhóm nghiên cứu  của Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã điền dã, thu thập tài liệu, phỏng vấn nghệ nhân, nghệ sĩ đã từng biểu diễn điệu múa này trước thập niên 60, đồng thời phỏng vấn các nhà sư ở các chùa có am hiểu về điệu múa, ký âm tất cả các bài bản của điệu múa, mời một số chuyên gia cùng nghiên cứu và cung cấp thông tin…, từ đó chọn ra bài bản đầy đủ và chính xác nhất. 

Tháng 2-2009, điệu múa Lục cúng hoa đăng đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lập hồ sơ khoa học và báo cáo nghiệm thu để phục hồi theo nguyên bản.