Chúng tôi có ý định viết một loạt bài về tổ chức sự kiện Phật giáo, nhân một số vấn đề liên hệ đến việc tổ chức lễ Phật đản năm dương lịch 2010 tại TPHCM.
Mục tiêu của loạt bài viết trước hết là góp phần sao cho lễ Phật đản năm sau được tổ chức lớn hơn, kết quả hơn, hoan hỷ hơn năm trước.
Đồng thời, cũng góp đôi chút tư liệu về lý luận, để quý tăng ni Phật tử có thể xem xét vận dụng phần nào trong việc tổ chức các sự kiện Phật giáo, đại lễ Phật giáo.
Loạt bài viết này có một số hạn chế, là phần lý luận được tham khảo chủ yếu từ các tài liệu Liên Xô và Nga, các tài liệu mà chúng tôi sưu tầm trong thời gian học đại học, do đó, có thể tính cập nhật và tầm đa dạng, bao quát của tài liệu chưa cao.
Bên cạnh đó, một số dẫn chứng dựa vào trí nhớ, nên có thể chưa tuyệt đối chính xác. Nếu có sai sót, mong bạn đọc đóng góp để điều chỉnh kịp thời.
Bài này đề cập đến vấn đề địa điểm tổ chức sự kiện đại lễ, có liên hệ đến vấn đề vì sao chúng tôi có ý kiến cho rằng việc tổ chức Đại lễ Phật đản tại sân chùa Phổ Quang là điều không hay.
ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC SỰ KIỆN & SỰ KIỆN ĐẠI LỄ
Chọn địa điểm tổ chức là khâu quan trọng trong thiết kế sự kiện.
Điều có thể bàn luận trước tiên, là không phải sự kiện được tổ chức ở đâu cũng được và lúc nào cũng được.
Đối với sự kiện đại lễ, vấn đề càng trở nên gai góc hơn. Việc chọn địa điểm có thể quyết định thành công của sự kiện hay phá hủy sự kiện.
Địa điểm không xứng tầm sự kiện hoặc vượt quá tầm sự kiện đều làm sự kiện trở nên “khó coi”.
Theo một số tài liệu của các học giả Liên Xô, đối với đại lễ quốc gia, chỉ nên được tổ chức tại một địa điểm đặc biệt tương ứng và không được phép tổ chức ở một nơi nào khác. Đối với Liên Xô chẳng hạn, chỉ đại lễ quốc gia mới được tổ chức tại Quảng trường Đỏ. Một số nước cũng có những quảng trường danh dự đặc biệt dành cho đại lễ quốc gia.
Đây thực ra không phải điều gì mới, vì tại Việt Nam chẳng hạn, trong thế kỷ XIX, quảng trường Kỳ đài Ngọ Môn (Huế) là nơi được xây dựng dành riêng cho sự kiện đại lễ quốc gia.
Tại Liên Bang Nga, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, Lễ Chiến thắng 9/5 tổ chức như Quốc lễ, thay cho Quốc khánh, tức ngày Xô viết Tối cao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga ra tuyên bố về chủ quyền nước Nga, ít được chú ý, bất ngờ được dời ra ngoại ô Moskva, thì lập tức báo chí Nga dấy lên làn sóng phê bình, cho rằng đó là một lựa chọn thiếu thông minh và kỳ cục.
Những năm sau, lễ Chiến thắng được dời trở về Quảng Trường Đỏ và đại diện Văn phòng Tổng thống Nga phải lên Đài Truyền hình Nga Perviy Kanal phân trần, xoa dịu nỗi bất bình của các cựu chiến binh cách mạng lão thành về thiếu sót của phủ Tổng thống.
Xu hướng chung là các sự kiện tập hợp quần chúng đều hướng về các địa điểm trung tâm như các quảng trường, sân vận động, đại lộ chính, công viên lớn ở khu vực hành chính, trung tâm thành phố, càng xa thành phố càng bất lợi, càng hạ thấp vị thế cuộc lễ.
Từ khi Lễ Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười (7/11 Dương lịch) được chuyển thành Ngày Đoàn kết Quốc gia Liên Bang Nga, không tổ chức trên Quảng Trường Đỏ nữa, thì người ta cũng tìm cách nào đó đưa các hoạt động Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vào quảng trường trung tâm này dưới các hình thức mới, như các đoàn diễn hành quần chúng đi ngang qua, các hoạt cảnh lịch sử với quân phục Hồng Quân đầu thế kỷ XX lấy Quảng trường Đỏ làm bối cảnh…
Trong các tài liệu về tổ chức sự kiện, còn có các hướng dẫn về huy động số người tham dự tương ứng với diện tích của nơi cử hành sự kiện. Chọn địa điểm khiến cho phải hạn chế số người, hay ngược lại, số người tham dự lọt thỏm ở nơi tổ chức sự kiện cũng đều không nên.
Việc chọn địa điểm tổ chức sự kiện được tính toán theo theo nhiều yêu cầu khác như mỹ quan, cây xanh, nét sang trọng, vệ sinh, hậu cần, bảo vệ an ninh, thoát hiểm, phục vụ phát thanh truyền hình trực tiếp, phù hợp địa vị xã hội của quan khách, đặc biệt là khách danh dự, tương quan với các công trình lân cận (cũng vì vậy nên Lễ Giỗ Quốc Tổ ở Sài Gòn không còn được tổ chức trong đền trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong Sở thú và ngay cạnh… chuồng khỉ, như báo chí, ngay từ trước 1975, đã bình luận)
Sự kiện nghi lễ không phải là chuyện đùa, ngay cả những nghi lễ thường xuyên. Ở Liên Xô, giữa thập niên 1980, để dời lễ đón Quốc khách từ Phi trường Vnukovo về Đại sảnh Ghêoocghi, Điện Kremli, đã phải có một tiểu ban nghiên cứu đề án trong nhiều năm.
LIÊN HỆ ĐẾN TRƯỜNG HỢP TỔ CHỨC LỄ PHẬT ĐẢN Ở SÀI GÒN – TPHCM
Trước tiên, cần lưu ý là Lễ Phật đản tại Đài Loan năm Dương lịch 2010 được tổ chức tại Quảng trường Phủ Tổng thống ở Đài Bắc. Địa điểm trang trọng, danh dự hàng đầu như thế mới phù hợp với Phật giáo.
Tuy nhiên, một địa điểm như Quảng trường Cung Hữu Nghị, Hà Nội, với đặc điểm quảng trường lớn, nằm ở trung tâm, nơi thường diễn ra sự kiện công cộng cấp thành phố, sang trọng, có không gian cây xanh thích hợp… cũng tương đối xứng tầm với Đại lễ Phật đản. Tối thiểu, một cuộc tập hợp quần chúng trang trọng trong nghi lễ tôn nghiêm cần đến một vị trí như vậy.
Tại Sài Gòn – TPHCM từ khi tổ chức lễ Phật đản dưới hình thức mít tinh quần chúng cho đến nay, thì yêu cầu về địa điểm trung tâm và công cộng đều được thỏa mãn, ngay cả trong một vài năm có khó khăn.
Năm 1964, lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức tại Quảng trường Mê Linh, Trung tâm Sài Gòn, và lần đầu tiên có trình diễn xe hoa.
Những năm nửa sau thập niên 1960, nửa đầu thập niên 1970, Lễ Phật đản được tổ chức tại chùa Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Sân Việt Nam Quốc Tự, và sau này là sân chùa Vĩnh Nghiêm, dù là sân chùa, nhưng vẫn là không gian công cộng, liên thông với đường phố chính, vẫn ở khu trung tâm thành phố, khu dân cư có nhiều người theo đạo Phật.
Tại chùa Ấn Quang, lễ đài được dựng trên lề đường Sư Vạn Hạnh, mặt tiền chùa. Khi hành lễ, đường Sư Vạn Hạnh được cô lập. Đường không lớn, nhưng cách Việt Nam Quốc tự chưa tới 1km và vẫn là không gian công cộng.
Việc không còn tổ chức Lễ Phật đản trên quảng trường trung tâm thành phố, mà dời về đường Sư Vạn Hạnh và sân Việt Nam Quốc Tự là một bước lùi, xét từ lý luận tổ chức sự kiện. Nhưng dù sao hai nơi này vẫn là địa điểm trụ sở trung ương của các Giáo hội Phật giáo bấy giờ.
Một số ý kiến cho rằng, sau 1975, Lễ Phật đản xuống cấp quy mô tổ chức. Theo ý kiến riêng của chúng tôi, thì không hẳn như thế.
Lễ Phật đản năm 1975 tổ chức ngay sau ngày chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, nên được tổ chức với niềm hân hoan cực độ.
Một số tăng ni kể lại rằng lễ tổ chức tại Ngã Bảy, là khu vực giao lộ gần chùa Ấn Quang, số người tham dự đông đảo, có tiết mục đốt đuốc và dường như vẫn còn xe hoa.
Thời gian sau, tuy Lễ Phật đản không còn xe hoa, nhưng lễ đài trên đường Sư Vạn Hạnh vẫn còn duy trì trong vài năm (vẫn trên lề đường ngoài mặt tiền chùa). Số tăng ni Phật tử tham dự khóa lễ đông kín đường Sư Vạn Hạnh đoạn từ đường Ngô Gia Tự đến đường Bà Hạt, ước khoảng 5000 người.
Cũng trong thời gian này, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TPHCM cũng tổ chức Lễ Phật đản dưới hình thức mít tinh tại sân chùa Vĩnh Nghiêm. Tăng ni Phật tử các chùa đến dự kín sân chùa như lễ Phật đản tổ chức trong những năm gần đây, khoảng 5000 người.
Trong bối cảnh dân số TPHCM lúc bấy giờ khoảng 3 triệu người, có chiều hướng giảm (hồi hương, đi vùng kinh tế mới…) đời sống kinh tế khó khăn, số người tham dự Lễ Phật đản như thế là đông. Tính cả hai cuộc lễ, tổng số người tham dự có thể lên đến 10.000 người
Nghi thức khóa lễ ở chùa Ấn Quang và chùa Vĩnh Nghiêm giống hệt như nhau, đều có cả nghi thức Bắc tông và Nam Tông. Cái khác nhau chỉ ở chỗ nội dung thông điệp và diễn văn của chư tôn đức lãnh đạo.
Đến khoảng năm 1979 – 1980 lễ đài trên lề đường được thay thế bằng lễ đài đặt trên ban công mặt tiền lầu chánh điện chùa Ấn Quang. Chư tăng ni hành lễ trên chánh điện, nhưng số Phật tử tham dự vẫn đông kín sân chùa và đoạn đường Sư Vạn Hạnh trước cổng chùa, vẫn là không gian hành lễ công cộng.
Xét từ lý luận tổ chức sự kiện, tính chất một địa điểm công cộng của sự kiện Lễ Phật đản tại chùa Ấn Quang vẫn được duy trì, dù rằng lễ đài dời vào bên trong chùa cách khoảng 10 mét so với lễ đài cũ hàng năm.
Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, Lễ Phật đản được tổ chức tại đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan, trước chùa Xá Lợi, trụ sở Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam những năm đầu mới thành lập. Số người tham dự đông đảo, đứng cả đến gần cổng Lãnh sự quán Liên Xô. Khu này là khu vực ngoại giao đoàn, nằm ở quận 3, trung tâm thành phố, nên về mặt địa điểm tổ chức, tốt hơn so với đường Sư Vạn Hạnh.
Cho đến nay, Lễ Phật đản được tổ chức liên tục ở sân chùa Vĩnh Nghiêm quận 3 và sân vận động quân khu 7, số người tham dự tăng lên hàng năm, đặc biệt khi tổ chức ở sân vận động có sức chứa 20.000 người.
Tìm hiểu lý luận tổ chức sự kiện và điểm qua quá trình như thế, chúng ta thấy rằng tổ chức Lễ Phật đản tại chùa Phổ Quang vào năm 2010 là một bước lựa chọn đưa đến hệ quả là đưa quy mô tổ chức Lễ Phật đản tại Sài Gòn – TPHCM xuống cấp đến mức chưa từng thấy trong nửa thế kỷ lịch sử tổ chức Lễ Phật đản dưới hình thức tập hợp quần chúng rộng rãi ở thành phố này.
Chùa Phổ Quang là một ngôi chùa trong hẻm cụt trên một con đường nhỏ và tương đối ngắn, không gian chùa biệt lập hẳn với đường Phổ Quang, do vậy, tính chất công cộng của địa điểm tổ chức không còn.
Do nằm trong hẻm cụt, nên nhiều yếu tố khác cần thiết cho việc tổ chức sự kiện cũng không thể đáp ứng (1).
Điều đáng nói, là bạn đọc, qua những những bức ảnh chụp, có thể nhìn thấy vách một số ngôi nhà cao tầng lân cận sân chùa Phổ Quang vây lấy không gian bên trên lễ đài. Việc mất trang nghiêm cho lễ đài và cả đối với chư tôn giáo phẩm khi hành lễ có thể trầm trọng hơn nữa nếu ai đó cắc cớ mở cửa sổ từ các nhà lân cận nhìn xuống với y phục ở nhà (không rõ nhà đó của ai).
Sân chùa Phổ Quang không lớn và trong đường hẻm, do vậy, rất giới hạn số người tham dự (không thể mở rộng không gian lễ khi đông người ra ngoài đường phố, như trong trường hợp những năm tổ chức Lễ Phật đản tại chùa Ấn Quang).
Với những điều trình bày trên đây, hy vọng rằng địa điểm tổ chức Lễ Phật đản tại TPHCM sẽ được chọn lựa, cân nhắc thận trọng hơn, và chỉ địa điểm tương tự quảng trường 1/5 ở Hà Nội mới là địa điểm phù hợp với Lễ Phật đản ở thành phố TPHCM, thành phố lớn nhất nước, có truyền thống tổ chức Lễ Phật đản tập hợp đông đảo tín đồ đã gần nửa thế kỷ.
MT
(1) Chẳng hạn, tài liệu chỉ dẫn nghi lễ đón quan khách đều lưu ý tránh trường hợp xe đưa khách dự lễ vào đường cụt, phải gắt quay đầu xe. Các dinh thự lớn đều có mái đón giữa hai cổng vào sân hoặc có vòng xoay để xe đưa khách đến dự lễ sau khi xuống khách chạy thẳng tiếp để ra ngoài.