Ðền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Ðạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi thờ Trần Quốc Tuấn- vị tướng trụ cột của nhà Trần đã ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông, có công cứu nước, giải phóng dân tộc được nhân dân tôn thành "Thánh". Lễ hội đền Kiếp Bạc kéo dài từ 15/8 đến 20/8 âm lịch.
Trảy hội Kiếp Bạc, tưởng nhớ Ðức Thánh Trần, từ nhiều thế kỷ qua, đã là tập quán của người Việt Nam. Ngày 20/8 âm lịch mới là ngày giỗ nhưng một vài ngày trước đó khách thập phương đã nô nức kéo về, thuyền đậu chật bến sông.
Sau lễ dâng hương là đại lễ với nghi thức tế uy nghiêm. Sau lễ tế là đến lễ rước. Bài vị Ðức Thánh Trần được rước trên Kiệu sơn son thiếp vàng, đi qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu được rước lên thuyền rồng. Cuộc rước kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ – đồng thời kết thúc ngày hội lớn.
Đền Kiếp Bạc – huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi mất của Hưng Đạo đại vương, cũng là đền thờ chính.
Bến sông Lục Đầu tấp nập thuyền của người dân đến từ các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng. Sông Lục Đầu là nơi ghi chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là nơi diễn ra hội đua thuyền trong dịp Lễ hội giỗ Cha.
Hàng trăm chiếc trống được đặt trên con đê sông Lục Đầu với màn biểu diễn trống trận để tìm lại hào khí Đông A thuở xưa
Lớp thanh niên trẻ thời đại Hồ Chí Minh luôn kế thừa xứng đáng truyền thống của cha ông
Khách thập phương đến dự lễ hội có thể theo đường bộ hoặc đường sông. Đi dự lễ hội bằng đướng sông, xem đua thuyền và cập bến Lục Đầu giang cũng là nét đặc thù của lễ hội Kiếp Bạc.
Đi dự Hội Kiếp Bạc tháng 8 hàng năm là một tập quán được truyền từ nhiều đời, là điều mong mỏi của những đứa con bất luận sang hèn để về với Cha.
Vào lễ Đức Thánh Trần
Lòng thành kính lạy đức Thánh Trần
Tượng thờ Đức Thánh Trần
Mẫu Nghi thiên hạ – Tượng thờ Phu nhân của Đức Thánh Trần
Biểu diễn Rối nước
Lần đầu tiên có Lên đồng và Hầu thánh tại Lễ hội Kiếp Bạc
1. Là một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc về dân gian có từ lâu đời, nghi lễ "Hầu Thánh lên đồng" có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức diễn xướng có nghi lễ và hát văn…. Tuy nhiên, có một thời gian dài do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, điều kiện kinh tế xã hội chưa cho phép, cho nên nó chưa trở thành một hoạt động bình thường trong đời sống lễ hội ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: "Năm nay là năm đầu thực hiện "Đề án Lễ hội" đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt nhằm nâng cấp lễ hội này thành lễ hội quốc gia. Do đó, việc tổ chức thử nghiệm festival Hầu Thánh nhằm khẳng định bản sắc độc đáo của Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc. Đồng thời, qua mẫu hình Hầu Thánh được tổ chức có bài bản, có hướng dẫn sẽ hạn chế những yếu tố mê tín dị đoan, những mặt tiêu cực của nghi lễ này. Phần liên hoan Hầu Thánh có sự phối hợp nghiên cứu chỉ đạo của Viện Văn hóa, Bộ VH-TT. Kịch bản và đạo diễn lễ hội do Viện Văn hóa đảm nhiệm".
Theo ông Minh, điều lo lắng nhất là Lễ hội mùa Thu và những nét mới như vậy chắc chắn sẽ thu hút nhiều người quan tâm, vì vậy, khách về hội có thể quá tải. Chính vì thế, tại Kiếp Bạc – Côn Sơn những ngày chính hội, công tác an ninh trật tự được chú ý tăng cường để bảo đảm lễ hội lành mạnh, trang nghiêm…
2. Đối với Hầu Thánh lên đồng , yếu tố chủ đạo là nghi thức nhập hồn của các vị thần linh vào ông đồng, bà đồng. Nhưng để thể hiện nghi thức ấy, cần có môi trường cho hoạt động diễn xướng. Ấy là không gian thờ cúng trang nghiêm, tại các đền, điện… Các bàn thờ phải được trang trí rực rỡ màu sắc, với những đồ thờ cúng sang trọng. Bên cạnh đó còn có âm nhạc, hát văn, múa đồng để làm nền cho lễ nghi tín ngưỡng.
Một giá đồng thực sự là một sân khấu dân gian đặc thù, một sân khấu tâm linh, một kiểu sân khấu còn ở dạng "nguyên hợp" giữa các yếu tố nghệ thuật và tín ngưỡng… âm nhạc, hát văn và múa thiêng không thể tách rời nghi lễ nhập hồn. Người trình diễn, và người xem như là nghệ sĩ và khán giả vậy. Sự hứng khởi của người xem tác động không nhỏ đến tâm lý người hầu bóng, tạo nên sự giao tiếp đồng cảm vừa tâm linh lại mang tính nghệ thuật.
Việc nhân thần hóa và lịch sử hóa các vị Thánh Tứ phủ dược phản ánh trong các bài văn chầu kể lai lịch, sự tích liên quan đến các huyền thoại truyền thuyết về cuộc đời, sự nghiệp của các vị tiên hiền… Lòng yêu nước thông qua việc tôn vinh các vị thần đã được tín ngưỡng hóa, linh thiêng hóa. Tín ngưỡng tứ phủ thông qua đó khẳng định vị thế của mình về phía dân tộc, nhân dân, một thứ chủ nghĩa yêu nước đi vào thế giới tâm linh của con người… Nhiều vị thánh cũng là các nhân vật lịch sử: Quan lớn Tuần Tranh là danh tướng thời An Dương Vương. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái. Ông Hoàng Mười là quan văn thời Lê trấn giữ vùng Nghệ An… Những vị thần tứ phủ có cả người các dân tộc vùng cao như Chầu Thác Bờ là phụ nữ Mường. Bà chúa Xứ là phụ nữ Chăm… Điều đó khẳng định định trong tín ngưỡng tứ phủ xa xưa người Việt Nam đã mang tinh thần đoàn kết, bình đẳng như một nhà, không hề có phân biệt đối xử hay kỳ thị…
Hát văn hầu bóng là sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ở đây yếu tố tín ngưỡng và văn hóa đan quyện vào nhau làm cho người dự cùng lúc đáp ứng được nhu cầu tâm linh và nhu cầu mỹ cảm thông qua hưởng thụ những giá trị văn hóa nghệ thuật của diễn xướng dân gian… Điều đó lý giải vì sao hầu thánh vẫn là sinh hoạt không thể bị loại bỏ khỏi đời sống hiện đại.
Diễn xướng dân gian Hầu Thánh vẫn tồn tại trong dân gian và sẽ sai lầm nếu không có sự quan tâm của cơ quan chức năng. Tổ chức liên hoan Hầu Thánh ở Kiếp Bạc lần này có thể nói là một festival độc đáo để bảo tồn một di sản phi vật thể, đồng thời "gạn đục khơi trong" làm cho sinh hoạt này lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội…
Theo TTVH
|