Trang chủ Tin tức Hà Nội: Chùa Báo Ân tổ chức Phật đản

Hà Nội: Chùa Báo Ân tổ chức Phật đản

119

Buổi lễ diễn ra với sự chứng minh của Đại Đức Thích Thanh Quy – Chánh ban đại diện Phật Giáo huyện Gia Lâm, Đại Đức Thích Thanh Phương – Viện chủ tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo, Trụ trì chùa Báo Ân, Đại Đức Thích Thanh Viễn và đông đảo Tăng, Ni và phật tử xa gần vân tập về dự lễ.

Sau nghi thức niệm hương lễ Phật là tuyên đọc thông điệp của đức Pháp Chủ GHPGVN nhân mùa Phật đản 2010 (Phật lịch 2554).

Chùa Báo Ân tên chữ là Sùng Phúc Tự, là một trong những quần thể di tích có giá trị lịch sử và văn hóa qua các triều đại Lý-Trần-Lê-Nguyễn.

Thời Lý thuộc hương Siêu loại, phủ Thuận An, lộ Bắc Giang hạ. Năm 1016 Thái Tổ Hoàng Đế-Lý Công Uẩn chuẩn tấu cho dân xây dựng chùa Thiên Quang và chùa Thiên Đức(Báo Ân).

Sau khi Lý Thánh Tông lên ngôi thường du ngoạn thắng cảnh Bắc Giang hạ, đến năm 40 tuổi nhà Vua vẫn chưa có con trai, Vua và Hoàng Hậu đã đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành.

Một sáng mùa xuân, Vua đến viếng thăm chùa Dâu thuộc tổng Dương Quang phủ Thuận Thành, dân làng đã mở hội nghênh đón xa giá, do linh duyên đức Vua nhìn thấy một cô gái người Thổ Lỗi, vẫn điềm nhiên vừa hái dâu vừa hát, Vua lấy làm lạ cho người gọi lại, thấy hỏi đâu nói đấy, đối đáp thông tuệ, nhà Vua bèn truyền lệnh tuyển nàng về cung phong làm Ỷ Lan phu nhân vì lấy hình ảnh nàng tựa gốc lan.

Về sau Ỷ Lan về chùa quê lễ Phật cầu sinh quý tử liền được linh ứng, sinh được Lý Nhân Tông nên mừng rỡ đổi tên chùa Thiên Đức là Sùng Phúc Tự.

Trong sách" Tam Tổ thực lục" và bia tháp Viện Thông ở Thanh Mai cũng nói rõ "Ngày mùng 1tháng Giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308) sư Pháp Loa vâng mệnh làm người tự pháp(kế thừa) trụ trì ở Cam Lộ đường chùa Siêu loại(Báo Ân). Điều Ngự Giác Hoàng sai đánh trống lớn tập hợp người lên pháp đường, bấy giờ Anh Tông (con trai Trần Nhân Tông) cũng ngự giá đến dự.

Điều Ngự lên thuyết pháp xong đi xuống dắt sư Pháp Loa lên đứng đối diện chắp tay thăm hỏi, sư Pháp Loa đáp lại. Điều Ngự liền trao pháp y cho sư mặc và tuyên bố cử sư Pháp Loa là người kế thừa thứ 2, xong Điều Ngự trở về ghế khúc lục ở một bên mà nghe Pháp Loa thuyết pháp…."

Lịch sử Phật giáo có đoạn viết "Năm 1329 sư Pháp Loa chủ trì xây 2 ngôi chùa là Báo Ân và Quỳnh Lâm, riêng chùa Báo Ân ngay từ năm 1314 đã cho xây dựng 33 cơ sở gồm điện Phật, gác chứa Kinh, Tăng đường, và các Am Hồ Thiên, Chân Lạc, Am Mã, Vĩnh Khê, Hạc Lai…

Xưa kia chùa vốn được xây dựng và quy hoạch trên quy mô vùng đất cao nhất ở đầu làng, hướng Tây Nam nhìn ra dòng sông Thiên Đức, nằm cách vườn bia đá là nhà thờ Tổ cùng đồng hướng kế bên tả chùa. Chùa có bố cục xây theo lối nội công, ngoại quốc với hàng chục tòa chính và hàng trăm gian thờ Phật-Mẫu-Tổ, phía trước chùa có"quán Vua gieo" là nơi hàng năm đức Vua đến để ban phúc cho dân, sau chùa có "vườn Quan" là nơi các quan lại trong triều nghỉ ngơi khi hộ giá đức Vua đến chùa Báo Ân lễ Phật, chùa có vườn bia đá, vườn tháp Tổ và hệ thống ruộng, đất do Vua, Quan các triều cấp cho nhà chùa…..

Năm 2005 các nhà khoa học, khảo cổ học đã tiến hành khảo cổ tại chùa và phát hiện nhiều tầng di chỉ cổ như đã tìm thấy trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Ngày nay, hiện trạng ngôi chùa chỉ còn nhà Tổ, ngôi nhà Mẫu đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng nhân dân vẫn còn giữ được pho tượng Điều Ngự Giác Hoàng-Trần Nhân Tông rất quý cùng các pho tượng trong Tam Bảo.

Các hiện vật như: hoành phi, câu đối, chuông đồng…nay cũng đưa hết vào trong ngôi nhà Tổ. Ngôi chùa còn lưu giữ bức ảnh chụp bức tượng Đức Điều Ngự Giác Hoàng với đôi mắt tỏa sáng, bức ảnh đó được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Đức Pháp Chủ GHPG Thích Phổ Tuệ và Đức Pháp Chủ đã hoan hỷ trao lại cho chùa Báo Ân để lưu giữ tại chùa.

Chùa Báo Ân là một di tích lịch sử và là nơi Hoằng pháp quan trọng của Phật giáo Việt Nam, mang tính Văn Hóa và giá trị truyền thừa đạo pháp của vị anh hùng dân tộc Hoàng đế Trần Nhân Tông, với vị trí Trúc Lâm Nhất Tổ pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian và những biến cố thăng trầm lịch sử đã làm chùa Báo Ân có nguy cơ trở thành phế tích hoàn toàn nếu không được hưng công tu tạo kịp thời.