Trường hợp khán giả Phật tử được đề cập ở đây là một cô giáo cũ của người viết thời phổ thông trung học. Cô dạy văn, là một Phật tử thuần thành, rất thích đi chùa. Tại nhà, cô tu học theo sự chỉ dẫn từ sách vở của Thiền sư Nhất Hạnh, Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Thiện Siêu… Cô đã ngoài 60, có đông con cháu và vẫn thường ước mong có được những buổi đi chùa với cả gia đình đoàn tụ cùng đi.
Tuy nhiên, hầu như không bao giờ cô thực hiện được ước mơ đó. Khi người này rảnh, thì người khác lại bận. Vả lại, con cháu của cô thuộc về thế hệ khác, không có cùng suy nghĩ với cô, dù tất cả đều quy y. Họa hoằn lắm mới có được một vài người cùng với cô đến chùa lễ Phật, nghe pháp.
Điều đáng tiếc hơn là những năm gần đây, mắt và chân cô yếu hẳn đi nhiều. Mỗi ngày, cô chỉ đọc được vài trang sách Phật là phải gấp sách lại. Những hàng chữ trở nên nhỏ và rất khó đọc dưới mắt cô. Sức khỏe cũng không cho phép cô tới chùa thường xuyên được nữa. Xa chùa, xa những trang sách Phật, cô rất buồn, điều làm cô buồn nhất là việc chưa bao giờ đoàn tụ con cháu đến chùa, dù là vào những ngày tết. Cô thường tâm sự, không đi chùa, không đọc được sách Phật thường xuyên, ngày tháng trở nên dài quá…
Được hỏi là tại sao không nghe băng và xem đĩa thuyết pháp, cô nói là vì trước nay không thích sự máy động của màn ảnh TV. Còn nghe băng thì vẫn thỉnh thoảng, nhưng mỗi lần nghe thì cô lại không vui vì tiếc là mình đã không còn tiếp thu được những nội dung tương tự một cách nhanh chóng từ sách báo Phật giáo được nữa.
Một hôm, cách nay đã ba năm, khi đến thăm cô, tôi được cô cho xem một tấm ảnh của thầy Nhất Hạnh. Cô nói mỗi lần đọc sách và nghe băng thầy thuyết pháp, cô đều nhìn ảnh thầy và mong ước được một lần được đến Làng Mai, được tận mắt nhìn thầy thuyết pháp. Nghe cô nói vậy, tôi chợt nảy ra ý định tặng cô bộ đĩa ghi hình một buổi thuyết pháp của Thiền sư Nhất Hạnh tại tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ. Khi mang đĩa đến, cô từ chối và nói cô không biết dùng máy đĩa vì nó… hiện đại quá, và nghe băng cũng được rồi. Tôi phải nói “khích” cô là máy đĩa không đòi hỏi trình độ như máy vi tính, vì về Trà Vinh tôi vẫn thấy nhiều bà già ngay cả dân tộc Khmer vẫn dùng thành thạo loại thiết bị này. Thấy cô ngần ngừ, tôi ấn vào tay cô chiếc đĩa và nói thêm, cô cứ bảo các em chiếu cho cô xem thử, nếu không thích thì em sẽ đem về.
Mấy hôm sau, gọi điện đến, cô vẫn chưa xem. Tôi nói thêm, đại ý rằng xem đĩa là như đã rước được thầy Nhất Hạnh về nhà vậy. Qua ngày sau, cô điện thoại đến cho tôi, báo đã xem đĩa, cảm ơn tôi rất nhiều và… đã lên chùa thỉnh thêm khoảng một chục đĩa nữa! Tôi hình dung ra tất cả sự vui sướng của cô qua lời cô nói: “ Thầy phúc hậu, khả ái và thuyết pháp hay quá. Đúng là rước thầy về nhà, thật là thỏa lòng mong ước, như tận mắt thấy thầy vậy”.
Cô cho biết thêm cô đã gọi cả nhà đến cùng xem. Không ít người trong nhà tò mò đến xem vì muốn biết thầy Nhất Hạnh, tác giả của cả tủ sách đặt giữa nhà đó là người ra sao. Cũng có người đến xem vì nể bà, nể mẹ. Cả nhà quây quần quanh cái TV cho đến hết buổi thuyết pháp. “Thầy đã đến nhà thật”, cô cứ lặp lại câu nói đó.
Tuần sau, cô lại tổ chức một buổi chiếu “truyền hình Phật giáo” như vậy nữa, trong bữa cơm thân mật cuối tuần gia đình đoàn tụ. Nhưng lần này, không phải bữa cơm thịt cá thịnh soạn như mọi khi, mà là một bữa cơm chay, y như… đi chùa. Cô giải thích để đùi gà, đầu vịt trước mặt thầy… coi sao được?
Mọi người vui vẻ với ý kiến của cô. Lần này, chương trình truyền hình không chỉ có một buổi thuyết pháp, mà còn có “phóng sự” Hòa thượng Thanh Từ đi xây chùa ở miền Bắc. Cô nói “tìm thêm một chương trình ca nhạc nữa để làm phong phú hơn buổi ‘phát hình’ cho cả nhà cùng xem, nhưng tiếc là không có”, nhưng toàn bộ chương trình kéo dài hơn 3 tiếng cũng vừa đủ cho bữa cơm “Phật hóa” gia đình. Cô nói thêm, trong bữa cơm, cô có kể lại một số kỷ niệm trong những lần được gặp Thiền sư Nhất Hạnh, Hoà thượng Thích Thanh Từ hồi cô còn là một nữ sinh, một đoàn sinh gia đình Phật tử vào những năm 60. Cả nhà vừa xem vừa nói chuyện chùa chiền và chia sẻ cho nhau ý kiến về buổi thuyết pháp Phật pháp. Cô giáo cho rằng đọc sách thì chỉ cảm nhận và tâm đắc riêng mình, còn xem thuyết pháp trên TV thì mọi người trong nhà có thể chia sẻ với nhau. Từ đó về sau, mỗi cuối tuần, cô đều tổ chức “phát hình” “chương trình truyền hình Phật giáo”.
Chương trình có sự hấp dẫn khác nhau nhưng đều thu hút “khán giả” thành những cuộc đi chùa tại nhà. Nhiều người trong nhà từ việc xem thuyết pháp, đã tìm đọc thêm sách của các thầy, điều mà trước đây không có được. Mỗi tuần “phát hình” một lần, cô lo lắng không đủ chương trình video cho sinh hoạt Phật hóa gia đình này. Cô dặn tôi có dĩa hình thuyết pháp hay sinh hoạt Phật giáo nào thì báo cho cô biết hoặc “thỉnh” giúp cô. Trong chuyến về thăm quê hương của Thiền sư Nhất Hạnh, cô lại là người chỉ dẫn tôi đi “thỉnh” dĩa hình thuyết pháp của thầy theo lộ trình hoằng pháp. Còn nhớ cô nói “hôm nay, gia đình cô đã theo thầy tới Huế rồi nghen!”.
Ghi lại câu chuyện trên, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc về một kinh nghiệm khai thác công nghệ truyền hình phục vụ hoạt động hoằng pháp. Trong trường hợp này, đối tượng hoằng pháp là cả gia đình cô giáo cũ của tôi. Với những chương trình Phật giáo, gia đình này đã tiến thêm một bước trên con đường Phật hóa, biến việc xem các chương trình Phật giáo thành một sinh hoạt thường kỳ của gia đình, tạo hạnh phúc, an lạc cho tất cả mọi người trong nhà. Thuê một chiếc xe lớn để gia đình mười mấy người đến chùa nghe thuyết pháp định kỳ là điều không phải dễ làm, nhưng những bữa cơm chay được xem thầy thuyết pháp tại nhà là điều trong tầm tay mọi gia đình Phật tử thuần thành.
Khi chương trình truyền hình Phật giáo được chiếu lên trên màn ảnh nhỏ, thì trong gia đình những giờ phút sinh hoạt đời phải nhường chỗ cho sinh hoạt đạo. Chương trình “truyền hình Phật giáo” có công năng biến mái nhà thành mái chùa trong lúc nó có mặt trên TV. Năng lực của khoa học công nghệ đang tạo những duyên lành mới để đưa Phật giáo đến với mọi người trong thời hiện đại. Như lời thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát phát biểu Tổng kết Hội thảo quốc tế Phật giáo trong thời đại mới: cơ hội và thách thức: “Thành tựu công nghệ hiện đại không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh thổ, tạo mối tương giao giữa các nền văn hóa và văn minh trên thế giới, tạo nhiều cơ hội học hỏi hiểu biết trao đổi những tinh hoa đặc thù giữa các liên quốc gia, tôn giáo với nhau mà còn giúp cho Phật giáo phát huy rõ tiềm năng ảnh hưởng của mình cả bề rộng lẫn bề sâu”.
Công nghệ truyền hình là một trong những công nghệ hiện đại, với nhiều khả năng, mà việc ứng dụng như trên chỉ là một trong những biểu hiện cụ thể. Cô giáo, người được đề cập trong câu chuyện kể trên, vẫn tiếc là cô đã biết đến cách khai thác những chương trình truyền hình Phật giáo chậm quá. Còn tôi, cũng tiếc là sao không nghĩ ra được việc chỉ dẫn cô giáo của mình sử dụng các chương trình Phật giáo sớm hơn. Nhưng chúng tôi đều nghĩ rằng câu chuyện được ghi lại ở trên sẽ là một kinh nghiệm giúp ích cho nhiều gia đình trong tương lai.
Cũng câu chuyện trên, đối với những vị có trách nhiệm trong hoạt động hoằng pháp, mong rằng sẽ là một gợi ý. Công nghệ truyền hình đã có thể làm được những việc mà những phương tiện truyền thông cổ điển như sách vở, báo chí… chưa làm được, là chia sẻ pháp hỷ cho những thành viên gia đình, trong phạm vi hẹp. Nếu quan tâm khai thác triệt để, tăng số lượng, chất lượng chương trình, đa dạng hóa hình thức thể hiện, tăng tính hấp dẫn, thu hút được sự chú ý số đông khán giả Phật tử, thì chắc chắn kết quả có được trong hoạt động hoằng pháp sẽ rất lớn lao. Công nghệ truyền hình sẽ là một thuận duyên cho đạo Phật khi mà những người con Phật biết cách nắm và sử dụng nó một cách hiệu quả. Nói theo cách nói hiện nay, đó là một cơ hội. Còn nếu không, thì chính cơ hội đó sẽ trở thành một “thách thức”!