Trang chủ Văn học Đống Cao hạnh ngộ

Đống Cao hạnh ngộ

128

NHÂN DUYÊN HẠNH NGỘ

Tôi đi bỏ lại sau mình
Ngàn sương thơ thẩn vô tình phủ lên
Tôi đi bỏ lại lãng quên
Bao đời thổn thức lặng tênh kiếp người
Tôi đi kết nối cuộc chơi
Đôi bờ hư thực cất lời Thiên thu

(Độc Hành – Hoàng Đức)

Tôi quyết định Bắc hành vào tiết Mạnh Đông năm Mậu Tý – 2008 sau khi đã được sự đồng thuận của Hòa thượng Bổn sư và đại chúng Tổ đình Vạn Phước Q. 11, Sài Gòn.

Vì phải phục vụ văn hóa phẩm Phật Giáo cho Khu du lịch Văn hóa Tâm linh Tràng An – Bái Đính thông qua VIETBOOKS nên tôi quyết định tiếp nhận một cơ sở thờ tự ở Vụ Bản – Nam Định, vừa phục vụ công tác văn hóa vừa làm cơ sở tu tập hành đạo.

Trong các chuyến công tác trước, tôi có duyên giao lưu, gặp gỡ một số anh em đồng đạo đang trụ trì ở đất Bắc. Trong số đó phải kể đến là cuộc sơ giao thú vị với Đại đức Trụ trì tại tỉnh Hải Dương.

Chân như tiềm ẩn giai kinh sử
Hội ngộ nhất thời ấn viễn trình

Trong một cuộc điện đàm tình cờ, Thầy hỏi tôi đã quyết định “Ngồi Hạ” đâu chưa? Và có nhã ý mời tôi về An cư ở Hải Dương.

Tôi trả lời với Thầy là để về con suy nghĩ đã. Qua tìm hiểu về dư địa chí, tôi được biết Hải Dương vốn dĩ là vùng “địa linh nhân kiệt”, thấm nhuần Phật đạo. Các chốn Tổ hưng thịnh từ xưa, nay đã trở thành danh lam, thắng tích nổi tiếng cả nước lưu dấu các bậc thạc đức, danh nhân.

Phải kể đến là vùng đắc địa Côn Sơn – Kiếp Bạc, Thanh Mai, .. là nơi có các vị Thánh Tăng từng chấn tích hành đạo, hưng long Phật pháp.

Thịnh nhất là vào thời Lý, Trần với Trúc Lâm Thiền phái nổi tiếng.

Chùa Thanh Mai hiện vẫn còn di tích hành trạng Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Côn Sơn vẫn còn dấu tích hành trạng Đệ Tam Tổ Huyền Quang. Nơi nào cũng có Tháp tổ, bi ký và nhà tôn trí nơi thờ tự các Ngài. Trúc Lâm Tam Tổ có 3 vị thì tại Hải Dương có 2 di tích quan trọng của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Đúng là “ Duyên hội ngộ, đức cù lao” tôi hứa sẽ về An cư ở đó, xem sao?

ĐỐI CẢNH

Thường tình, khi ta quyết định thay đổi hoàn cảnh sống bao giờ trong thâm tâm cũng nuôi một hoài vọng về tương lai.

Với tư thế của người hành đạo thì có nếp suy nghĩ hơi khác, chuẩn bị cho mình một thái độ sống, thật hòa nhã để tiếp nhận cái mới. Không nên có vọng tưởng về ngày mai.

Nhờ phúc ấm tổ tiên (trời xui đất khiến hay nghiệp duyên?), chúng tôi, cả ba Thầy trò may mắn hạnh ngộ với cảnh trí và con người Hải Dương.

Đó là được về An cư kết Hạ tại Tổ Đình Đống Cao, Cơ sở II của Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Hải Dương.

Trước đó, tôi có cuộc diện kiến “hữu duyên tao ngộ” với Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội PG Hải Dương. Nguyên do là tôi nhận lời mời của anh Trường An, Tổng Giám Đốc Tập đoàn VIETBOOKS, tham dự Lễ Cung Nghinh Xá Lợi Phật về tôn trí tại chùa Quán Sứ và Bái Đính, tôi đến Quán Sứ, tình cờ bên nhau cùng chiêm ngưỡng Xá lợi Phật vừa cùng tham dự khóa lễ, hỏi ra mới biết được Thượng tọa Thích Thanh Vân cùng đứng cận kề nhau như một hạnh duyên kỳ ngộ.

Thượng tọa vẻ ngoài điềm đạm, hiền nhu, dễ gần nhưng tinh tường, dứt khoát. Tôi đến gần và vái chào, trình bày sự việc, Thượng tọa nhìn tôi giây lát và buông một câu ngắn ngủi:

– Cũng đơn giản thôi, thầy muốn về Hạ Hải Dương chỉ cần Giấy giới thiệu Ban trị sự tỉnh thành nơi thày trụ trì là được. Thế nhé!

Gặp gỡ vậy thôi, nhưng đã để lại trong tôi một dòng cảm xúc đầm ấm, thân thiện.

Một tuần sau, thầy trò chúng tôi từ Vụ Bản, Nam Định về tập trung tại Tổ đình Đống Cao để lễ tác pháp An cư.

TỔ ĐÌNH ĐỐNG CAO

Chùa tọa lạc giữa cánh đồng lúa xanh khoáng đạt. Tuy vẫn còn xây dở các công trình phụ, nhưng cảnh trí tổng quan trông thanh nhã, các công trình chính của chùa: La Thành, Minh Đường, Hồ Quan Âm, Khu Tháp Tổ, Chính Điện, Tổ Đường, Giảng Đường, Tăng Xá với tổng diện tích là 1,4 ha …tạo thành một quần thể khá hài hòa, không lớn lắm nhưng gọn gàng, uy nghi đủ để khai đạo và sinh hoạt cho một trường Hạ vài trăm người.

Từ đường nhựa qua lối dẫn vào chùa dài độ 200m, Cổng chính làm theo lối cổ lâu và tường thành có bố trí liên đăng và hàng câu đối miêu tả nhiều đề tài, lĩnh vực tu đạo. Trong đó, có điều khuyên răn, nhắc nhở mọi người là khi vào chốn trang nghiêm, thanh tịnh phải đi chậm, nói khẻ, phải cẩn trọng mọi hành vi, lời nói cho đúng phép tắc, uy nghi vào chùa.

Các công trình kiến trúc chùa khá hài hòa nhờ vào cấu trúc và vật liệu xây dựng truyền thống. Chùa miền Bắc khi vào ta có cảm giác linh thiêng, thanh nhã đó là nhờ vào chất liệu: hồn của đá, hồn của gỗ; các mái đao, cổ lâu, hồ nước, vườn cây, không gian rộng rãi, khoáng đạt mang đặc thù riêng của ngôi chùa cổ Việt Nam.

Kiến trúc Tổ đình Đống Cao cũng mang những đặc thù đó, hài hòa với thiên nhiên và sinh hoạt của con người.

Minh Đường, nơi đặt Bi ký và Đại hồng chung được dựng bằng gỗ lim cổ lâu, nền lát đá xanh Thanh Hóa, cuốn mái đao và mái lợp ngói âm dương, vuông vức, thoáng rộng, bề thế và uy nghi. 

Sau Minh Đường là hồ nước lớn xây kè đá và bờ thành có cây xanh bao bọc bốn phía. Giữa hồ là tôn tượng Quán Thế Âm bằng ngọc thạch trụ trên tòa sen.

Vào nữa là tấm sân rộng lát đá, các tòa tháp Tổ được an trí hai bên. Trước tiền sãnh Chính Điện là bàn Án bằng đá có tháp thạch đăng chầu đăng đối.

Bậc cấp vào Chính điện được dẫn qua tả hữu, giữa là nghi bình chiếu thạch bằng đá chạm khắc rồng cuốn mây.

Chính Điện xây theo lối cổ chữ Đinh, có tiền sảnh và hậu cung. Cung cách tôn trí và thờ cúng vẫn giữ theo truyền thống trên cả ngàn năm nay. Phật tượng được bài trí nhiều tầng, nhiều lớp. Có đủ cả Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thiện Thần, Vi Đà Thiên Tướng.

Tất cả đều được sắp xếp quy củ, trấn đúng vị trí từ cao đến thấp, tả hữu, trên dưới thứ lớp, tuần tự. Tầng cao nhất Phật điện là bệ thờ Tam Thế Phật (Pháp thân, Báo thân và Ứng (Hóa) thân hoặc Quá khứ, Hiện Tại, Vị lai).

Bệ thứ nhì là Tây Phương Tam Thánh hoặc còn có tên gọi khác là Di Đà Tam Tôn, an Đức Phật A Di Đà chính giữa, hai bên là Quan Âm, Thế Chí.

Bệ thứ ba là Hoa Nghiêm Tam Thánh (hoặc Như Lai Phật Tổ), tôn Đức Thích Ca Mâu Ni chính giữa, hai bên là Văn Thù, Phổ Hiền.

Bệ thứ tư thờ đức Phật Mẫu Đại Chuẩn Đề Vương (Thiên Thủ Thiên Nhãn), hai bên là tượng Tuyết Sơn, Di Lặc.

Bệ cuối cùng là Tòa Cửu Long chầu Đức Phật Sơ Sinh. Kế đến là Án thờ tôn trí Lư Hương (bộ tam sự hoặc ngũ sự và hương đăng trà quả).

Nội Án là bệ dành cho Trụ trì và Tăng chúng. Ngoại Án là nơi dành cho tín đồ Phật tử. Tiền Sảnh được bài trí hai bên đắp tượng lớn Vi Đà Thiên Tướng, Hộ Pháp Long Thần. Cửa chính Chính Điện chỉ dành cho vị Trụ trì và Tăng chúng đi vào, nhưng khi đi ra phải đi cửa bên, đó là oai nghi nhà Phật.

Tuy cách bài trí thờ tự phức tạp, rườm rà so với cách bài trí tôn tượng ở miền Trung và miền Nam nhưng khi ta tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy cung cách thờ tự này là kiến thức căn bản rất cần thiết cho người sơ cơ nhập đạo.

Sau hậu cung Chính Điện, tả hữu là Nhà Thờ Tổ và Nhà Thờ Mẫu xây theo kiến trúc cổ. Nhà Tổ được sử dụng làm Phương trượng để cung tiếp khách Tăng. Một bên là dãy Nhà Khách hai tầng để đón tiếp khách thập phương và là nơi tiếp lễ.

Tổ Đường mới được xây dựng quy mô, bố trí hai tầng. Tầng trên thờ chư Tổ, tầng dưới là Giảng Đường, nơi Khai Đạo và Tập Chúng.

Sát vách Tổ đường là Tăng Xá cũng được kiến trúc hai tầng. Tầng trên là chỗ ở của chư Tăng, tầng dưới là chỗ ở của chư Ni. Mặc dù chưa bố trí kịp các tiện nghi, nhưng nhìn chung sinh hoạt thuận lợi tối thiểu cho việc tu trì, học tập.

Trên đây là đôi nét về kiến trúc Tổ đình Đống Cao. Theo lời Thượng tọa Viện chủ, dự án của Ủy Ban Tỉnh Hải Dương sẽ mở rộng thành Trung Tâm Văn Hóa Du Lịch Tâm Linh Và Lễ Hội, ngoài ra còn các công trình lợi ích khác.

SINH HOẠT HẠ TRƯỜNG

Chúng tôi chính thức mùa An cư vào vào ngày Rằm tháng 5. Vì hậu An cư, y luật chế định thì đến Rằm Trung Thu mới giải Hạ là đủ 90 ngày (Tam Nguyệt Hạ An Cư).

Đặc biệt, Ban Trị Tỉnh Hội Phật Giáo Hải Dương toàn là Tăng tài trẻ. Các bậc Long Tượng Trưởng Lão đã quảy dép về Tây hầu hết, để lại cho hàng hậu bối trọng trách Phật sự quá lớn phải đảm đương.

Thượng tọa Thanh Vân trở thành cây thạch trụ chính của Phật giáo Hải Dương. Ngoài ra, tôi cũng được tiếp xúc với chư vị khác trong Ban Trị Sự như: TT. Thanh Dũng, TT. Thanh Thắng, TT. Thanh Cường, .. mỗi người mỗi trọng trách cùng chia sẻ, cùng cộng tác làm Phật sự, hoạt động nhiều lĩnh vực, thành quả đạt được thật khả quan nhờ tinh thần làm việc gắn bó và hòa hợp, năng động và tài đức.

Tại Cơ sở II Hạ trường Tổ đình Đống Cao, ngoài việc chăm lo nơi ăn chốn ở kịp thời cho Tăng Ni, Ban lãnh đạo Hạ trường còn phải sắp xếp tổ chức nhân sự, thời khóa hợp lý để đi vào ổn định sinh hoạt và công phu tu tập.

Việc ứng phó đạo tràng, phục vụ Lễ nghi tín ngưỡng cũng chẳng nhẹ nhàng chút nào. Vả lại năm nay, phải bố trí nhân sự Kiến đàn Chẩn tế, Cầu siêu tiến vong tại các Đài Liệt sĩ vào ngày lễ thường niên 27.7.

An cư tập trung là một nỗ lực lớn của Tỉnh Hội Phật Giáo Hải Dương nói riêng và toàn miền Bắc nói chung. Tại miền Trung và miền Nam cũng có tổ chức nhưng không đủ đáp ứng vì số lượng Tăng Ni quá đông. Các cơ sở không thể đảm đương vì thiếu phương tiện để thực hiện duy trì.

Ban Trị Sự tỉnh chỉ đạo giao trọng trách cho các đơn vị quận huyện và thường chỉ tổ chức đối thú an cư, Bố tát tụng giới tập trung dưới hình thức tòng Hạ. Hành giả an cư trở về chùa viện trú xứ tùy nghi theo thời khóa từng cơ sở đề ra, làm tốt các Phật sự tại bổn tự.

Theo luật An cư Kết Hạ đức Phật chế định thì Phật giáo tại miền Bắc thực hiện gần hơn nhờ y luật, y pháp theo nề nếp các chốn Tổ xa xưa còn truyền lại.

Lại nữa, số lượng Tăng Ni khiêm tốn nên việc tổ chức An cư tập trung dễ dàng hơn. Nhưng tôi nghĩ, phần lớn cũng nhờ vào sự nỗ lực hết mình của các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội công tâm. Cũng không ít khó khăn trong việc tổ chức An cư tập trung.

Mật độ chùa chiền thì rất dày, tổng số chùa trên toàn tỉnh thống kê hơn 900 ngôi, mỗi làng một chùa, có làng hai chùa, số lượng Tăng Ni thì khiêm tốn ít ỏi có trên 300 vị nên khối lượng Phật sự và nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ chồng chất, vắt cạn kiệt thời gian và sức lực của các Thầy.

Vì vậy việc quản lý Tăng Ni ở Hạ trường rất khó khăn vì mãi cuốn theo trọng trách Trụ trì và Phật sự dồn dập quá sức.

Với những khó khăn đó mà Giáo hội tổ chức thành công An cư tập trung thì phải khéo vận dụng khế lý, khế cơ và đầy đủ kinh nghiệm mới kham nổi.

Tại Hạ trường Tổ đình Đống Cao, ngoài thời khóa công phu truyền thống phải kể đến là việc học tập kinh luật. Gọi là đọc sách giảng kinh bằng nguyên bổn, tuần tự thứ lớp còn giữ được cung cách truyền thống.

Đại chúng y theo thứ lớp quy định như sau:  trùng tuyên (tụng âm), dịch nghĩa, khai thị giảng giải cả kinh lẫn luật. Tìm thấy một cơ sở An cư duy trì được cách thức học tập truyền thống đó rất khó thấy. Âm hưởng tuyên tụng đi vào lòng người rất nhanh, giúp Tăng Ni trẻ thuộc mặt chữ Hán rất dễ dàng.

Phần dịch nghĩa tuy khó khăn nhưng các Thầy vẫn khắc phục và thực hiện tốt. Phần khai thị giảng giải mặc dù không có đủ thời gian chuyên sâu nhưng cũng đã khai mở phần nào và liên hệ pháp hành áp dụng vào thực tế hằng ngày.

“Tu bắc học Nam” là câu ngạn ngữ mà khi ta tiếp xúc và sâu sát chia sẻ thật sự mới thấy được. Các nghi thức trì tụng hằng ngày cũng vậy, rất chi tiết và đầy đủ thứ lớp giúp cho người sơ học hiểu rõ nghi tiết căn bản cho bước đầu học đạo.

Riêng ở Hải Dương, Tăng Ni rất thiện chí và cởi mở. Tôi đã từng đến nhiều nơi và vùng đất khác nhau, các Thầy ở đây chung sống hòa đồng và thân thiện, đó là yếu tố căn bản để xây dựng Tăng đoàn vững mạnh.

Tiện nghi tại các chùa rất đầy đủ, nhưng tại sao Tăng Ni có vẻ thích thú đến Hạ trường mặc dù kham khó, ràng buộc đủ điều. tôi hỏi một Thầy trẻ thì được trả lời: “Đến đây chúng con được học hỏi và tiếp xúc các vị lớn thấy lợi ích, tuy nhọc nhằn nhưng lợi lạc”.

Phần lớn các Thầy đều nghĩ như vậy. Tôi cho rằng đó là thành công của Ban Lãnh đạo Hạ trường. Các bậc tôn túc đã vận dụng tốt y luật, y pháp đáp ứng nhu cầu chính yếu của Tăng Ni. Riêng ở Hạ trường Tổ đình Đống Cao sự có mặt của các vị Trưởng lão Ni và sự tận tâm từng giờ của chư Thượng tọa là sự động viên sách tấn cho Hạ trường rất lớn.

Tôi gần gũi các Thượng tọa và chư vị cho biết: "Mình phải phát tâm thực hành trước bằng thân giáo, cố gắng tổ chức tạo môi trường thuận lợi để Tăng Ni trẻ có chỗ nương tựa. Người có tâm tu thì lợi lạc, người còn vướng mắc trần cảnh thì tìm cách uốn nắn động viên, con một nhà cả”.

Chính nhờ An cư tập trung nên tình đồng đạo gắn bó keo sơn, nhờ vậy dễ dàng nối kết được mối dây thân ái, cùng sẻ chia và nương tựa nhau để vững tiến.

Mặc dù chỉ 90 ngày ngắn ngủi nhưng tình cảm giao hảo rất lớn. Trong quá trình giao lưu gặp gỡ tôi có sáng tác một số bài thơ và câu đối về các Tổ đình, tự viện thuộc phạm vi tỉnh Hải Dương trong sự hạnh ngộ kỳ duyên, thân thiết và quý báu.

Có lẽ đó là những bông hoa chớm nở trong vườn tâm thức vừa được tưới tẩm bằng chất liệu của tình yêu thương đằm thắm và sự mến mộ ân tình đạo vị.

Trong một tương lai gần, những tình cảm thiêng liêng đó sẽ còn phát huy đẹp đẽ trên đoạn đường ngày mai tiếp nối.

Tôi đi trọn một nụ cười
Cho đêm rạng rỡ, ngày thôi dãi dầu
Nắng mưa bắt một nhịp cầu
Bao dung nối lại hát câu ân tình
Tôi đi, đi với bóng mình
Giữa sông núi rộng bình minh rạng ngời

(Độc Hành – Hoàng Đức)

Tổ đình Đống Cao, Mùa An cư PL. 2553 – 2009