Phùng Anh Tuấn vẫn tự hào mình là một trong vài tay máy chụp nhiều nhất về toàn bộ quá trình xây Nhà Thái học (trên nền Quốc Tử Giám, đã bị phá hủy từ đầu thế kỷ XIX), về dàn trống hội Thăng Long và cả lễ đúc quả chuông Nhà Thái học nặng gần 2.000 kg tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trong số này, có những bức ảnh được coi là độc nhất vô nhị.
Như trời xui đất khiến
Đã 11 năm trôi qua nhưng các hướng dẫn viên Khu Di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn còn nhớ gã đàn ông dáng vẻ phong trần, vai đeo máy ảnh, một năm có 365 ngày thì đến 360 ngày hiện diện tại đây.
“Chẳng hiểu sao, cứ như trời xui đất khiến, ngày nào tôi cũng phải phóng xe ra Văn Miếu tỉ mỉ chụp ảnh” – anh thổ lộ. Tuấn chụp từ lúc Nhà Thái học động thổ, khởi công đến lễ cất nóc, cả ngày khánh thành với nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội.
Phùng Anh Tuấn chưa bao giờ vơi niềm đam mê nhiếp ảnh. Ảnh: YẾN ANH
Sau này, khi các nghệ nhân làng Đọi Tam ở Hà Nam sản xuất 300 chiếc trống của dàn trống hội Thăng Long, Tuấn cũng là người sở hữu nhiều bức ảnh độc đáo nhất. Anh cũng là tác giả của nhiều bức ảnh đẹp ghi lại thời khắc đặc biệt lúc các nghệ nhân đúc quả Hồng Chung được treo trang trọng tại Lầu Chuông trong khuôn viên khu Nhà Thái học bây giờ.
Tiền bạc không dư dả, không đủ tiền “đốt” phim màu, Tuấn phải dùng cả phim đen trắng để thỏa niềm đam mê chụp ảnh. Anh tâm sự: “Thuở ấy, tôi chỉ chụp sao cho rẻ, không ngờ đến lúc này, những bức ảnh đó lại trở thành tư liệu đẹp và độc”. Tuấn đang chọn trong số khoảng 4.000 tấm phim của mình ra chừng 45 bức ảnh đẹp nhất để chuẩn bị cho một triển lãm ngay sân Nhà Thái học tới đây, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Từ chụp ảnh để mưu sinh…
Xem ảnh Tuấn, người ta thấy thấm đẫm chất thiền của nhà Phật. Tuấn bảo đó là kết quả của những ngày tháng vất vả mưu sinh kiếm sống mà đôi khi anh cảm thấy bế tắc, không có lối thoát suốt hơn 10 năm. Phần lớn người cầm máy đến với nhiếp ảnh vì đam mê nhưng lý do đưa Tuấn đến lĩnh vực này lại rất “phi nghệ thuật” – chụp để kiếm sống.
Tuấn từng gia nhập lực lượng công an đi tiễu trừ Fulro ở Lâm Đồng. Bốn năm sau, anh lấy vợ và giải ngũ. Do mất hết giấy tờ, hồ sơ, anh không tìm được công việc làm để có thể nuôi nổi vợ và cô con gái mới chào đời ốm quặt quẹo.
Tuấn phải đi đào hố trồng cà phê thuê kiếm tiền đong gạo. Rồi nuôi tằm, nuôi heo…, anh đều đã trải qua nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa. “Có ngày nhà hết gạo, tôi phải cuốc bộ vài cây số vào buôn làng dân tộc xin vốc bắp đem về nghiền nhỏ nấu ăn. Vợ chồng trệu trạo nhai bát bắp mà nước mắt cứ chảy tràn” – Tuấn nhớ lại.
Cùng đường, Tuấn nhận đi đào giếng thuê. Giếng ở Tây Nguyên phải đào sâu khoảng 20 m mới có nước. Một đục, một chạm, chàng trai Hà Nội ngày ngày vào sâu dưới lòng đất.
Thỉnh thoảng, anh ngửa mặt nhìn trời tủi hổ. Tâm trạng ê chề ấy còn xuất hiện thêm nhiều lần nữa, như khi anh gom được “gia sản” để mua vài lít xăng ngồi bán lẻ ở một góc chợ tại Đức Trọng – Lâm Đồng. Có lần thấy đồng đội cũ đi qua, anh mặc cảm kéo mũ giấu mặt.
Một người quen không nỡ thấy Tuấn trượt sâu trong sự tuyệt vọng đã dạy anh cách chụp ảnh bằng cái máy cổ lỗ sĩ hiệu Zenit. Hằng tháng, Tuấn ôm máy ra chùa chụp ảnh cho khách đi lễ. Những lúc rảnh rỗi, anh vào chùa nghe tụng kinh giảng đạo. Cứ thế, Tuấn ngộ dần những triết lý sâu xa, nhân bản của nhà Phật và có lẽ đó là nền tảng những bức ảnh đầy chất thiền sau này của anh.
… Đến đốt tiền cho nghệ thuật…
35 năm lăn lộn mưu sinh kiếm sống, từ làm công việc chân tay đến sáng tác nghệ thuật, Tuấn nghiệm ra một điều là anh hoàn toàn vô duyên với công danh tiền bạc.
Rời Lâm Đồng ra Hà Nội năm 1995, Tuấn làm nhiều nghề mà vẫn nghèo kiết xác. Vậy nhưng, kiếm được đồng nào là anh lại “nướng” vào niềm đam mê chụp ảnh. Giới nhiếp ảnh có câu định nghĩa khá chua chát về nghề này: “Nhiếp ảnh là nghề phá sản chân chính”.
Không đến mức phải cầm cố cả nhà riêng để có tiền tiếp tục đầu tư cho nghề nhưng cứ nhìn thấy vợ con khốn khó là Tuấn lại hết sức áy náy.
Tác phẩm Mòn…
“Hai năm trời miệt mài chụp ảnh ở Văn Miếu, ít người biết có những ngày tôi phải nhịn ăn để lấy tiền mua phim, không đủ tiền mua phim màu thì dùng phim đen trắng” – Tuấn kể. Gia đình phản đối Tuấn “chỉ đốt tiền mà không kiếm ra tiền” nhưng dù có nói gì hơn nữa, anh vẫn giữ vẹn niềm đam mê nhiếp ảnh. “Bạn bè bảo ông trời không cho tôi tiền bạc, công danh nhưng dành cho tôi thiên hướng nghệ thuật. Thiên hướng ấy không phải ai cũng có nên không được phụ nó” – Tuấn nói.
Sau triển lãm Đất và thời gian với 50 bức ảnh đánh dấu 10 năm cầm máy gây ngạc nhiên cho người yêu nhiếp ảnh, triển lãm Lặng của anh hồi năm 2008 với phong cách thiền thêm một lần làm người xem bất ngờ.
…và Đầy của Phùng Anh Tuấn
Tuấn giải thích: “Sau quãng đời đầy sóng gió và khó khăn, tôi muốn có những khoảng lặng để nhìn lại cuộc đời mình, để thấy mình đã làm được gì và đã sống như thế nào”. Mỗi tác phẩm chỉ được đặt tên bằng một chữ, như: Lộc, Lặng, Mòn, Đầy…, bởi với Tuấn, nghệ thuật không cần phải giải trình nhiều, tên gọi chỉ là cái để phân biệt, còn ẩn ý đằng sau những bức ảnh thì phải có sự chiêm ngưỡng và trải nghiệm mới có thể hiểu được.
Hiểu người, hiểu mình, trân trọng những gì cuộc sống đã ban tặng nên thay vì chọn một chỗ làm có thể kiếm ra tiền, Tuấn nhận lời về phụ trách phần hình ảnh cho một tạp chí chuyên về Phật giáo.
Gần gũi, mong manh
Sinh ra ở làng gốm Bát Tràng nhưng tuổi thơ của Tuấn lại gắn liền với những góc phố, hàng cây trên đường Quán Thánh. Tuấn cho biết đã vài chục năm rồi nhưng anh vẫn còn nhớ như in những lần đi xếp hàng mua gạo, hay thức cả đêm để hứng một xô nước.
“Trong lòng tôi, nét cổ kính của Hà Nội rất đỗi gần gũi nhưng cũng rất đỗi mong manh” – Tuấn nhận xét. Thế nên, bất cứ khi nào rảnh rỗi, anh lại xách máy lang thang chụp những con sông cổ trong lòng Hà Nội. “Nếu không chụp, không ghi lại những hình ảnh này, tôi e chừng 10, 15 năm nữa, lớp trẻ Hà Nội sẽ không hình dung nổi thủ đô chúng ta từng có những dòng sông uốn khúc lượn quanh” – Tuấn ưu tư.
Yêu nét cổ kính của Hà Nội, yêu đến độ muốn níu giữ, muốn thời gian ngừng trôi nên sáng mùng một Tết năm nào Tuấn cũng xách chiếc xe máy cà tàng của mình dạo một vòng qua các phố cổ để lưu lại hình ảnh thủ đô trong cái lạnh của ngày xuân.
Sau triển lãm sắp tới tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phùng Anh Tuấn đang lên kế hoạch cho một triển lãm tiếp theo, mà theo anh tiết lộ là “ đầy chiều sâu về Hà Nội”.
Chụp những gì cảm được
Ảnh của Tuấn không giống ai. Nó luôn đem lại cho người xem sự ngạc nhiên bởi những gì anh chụp đều rất bình thường, giản dị, gần gũi mà nhiều người khác lại không nhìn thấy.
Tuấn tâm sự: “Tôi không chụp bằng những gì mình nhìn được mà chụp bằng cái cảm được, bằng sự nhọc nhằn mười mấy năm vật vã bươn chải với cuộc đời”.
Cũng vì thế mà ý tứ Tuấn muốn chuyển tải trong tác phẩm không nằm ở bề mặt mà hiện hữu đằng sau những bức ảnh. Những người theo đạo Phật rất thích bức Mòn của Tuấn.
Chỉ đơn giản là hai vòng bi được đặt làm bánh xe của chiếc cổng, với những vệt mòn để lại trên nền sân qua ánh nắng chiều, tác phẩm đã chuyển tải được nhiều thông điệp.
Một tác phẩm nữa, Đầy, với hình ảnh một gàu nước sóng sánh đang ở lưng chừng giếng, chiếc dây căng lên hết cỡ để hứng đỡ một sự ngọt lành căng tràn của tự nhiên… cũng đem lại cho người xem nhiều điều thích thú.
Tuấn tiết lộ: “Chữ Đầy được đặt tên cho tác phẩm là một thông điệp: Con người ta phải biết cách sống. Người muốn thành đạt phải khéo léo, không phải cứ thả gàu xuống là múc được đầy nước mà phải biết cách điều khiển sợi dây gàu”.