Đây là một dạng trò chơi giải trí lành mạnh, hiện nay được phổ biến rộng rãi đến với mọi tầng lớp, từ già cho tới trẻ, từ trí thức cho tới nông dân chân chất.
Game Show mang lại và cung ứng cho người tham gia cũng như khán giả truyền hình khắp nơi một khối lượng lớn về kiến thức toàn cầu và cũng mang đến cho mọi người một niềm vui không tả về tinh thần, khi thưởng thức các chương trình ấy.
Đứng trước những điều lợi ích trên, tại sao Phật Giáo và ngành Hoằng Pháp của chúng ta không vận dụng chương trình Game Show Truyền Hình đó, trong công việc phổ biến kiến thức Đạo Phật, cũng như những vấn đề trong cuộc sống có liên quan với Phật Giáo đến Tăng Ni Trẻ, Phật tử và đặc biệt là đối tượng Thanh Thiếu Niên !
Chúng ta có thể copy những hình thức game show trên các kênh truyền hình rồi vận dụng sàn lọc thiết kế cho mình một mô hình game show riêng biệt, đặc thù với Phật Giáo, với từng đối tượng tham gia.
Còn về nội dung thì chúng ta đặt những câu hỏi có liên quan đến Đức Phật, Giáo Lý cũng như tư tưởng của Đạo Phật.
Hình Thức Tổ chức
– Ban tổ chức nên có quy định chung là 1 tháng 1 lần hay bao nhiêu là tùy ý
Ban tổ chức nên mời Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử các nơi về tham gia về tham gia và cổ vũ.
– Mời đài thuyền hình của Tỉnh, Thành Phố đến ghi hình, đưa tin và phát sóng (nếu có thể)
Mỗi một kỳ nên quy định từ 3 đến 4 đội tham gia. Mỗi đội có thể từ 2 đến 3 người.
– Một game show trải qua 3 hay 4 vòng thi là tùy ý, mỗi vòng bao nhiêu câu hỏi, mỗi câu hỏi trả lời đúng được bao nhiêu điểm, sai trừ bao nhiêu là tùy ban tổ chức ấn định.
– Những câu hỏi này được quý Tôn Đức cung cấp cho ban tổ chức. Câu hỏi của chương trình nên thiết kế dưới dạng nghe nhìn trên phần mềm powerpoint trong máy tính và chúng ta sẽ trình chiếu trên một màn hình lớn, để cho khán giả cũng như các đội chơi nhìn thấy được.
– Sau mỗi vòng sẽ có thời gian nghỉ giải lao với chương trình văn nghệ và có những câu hỏi dành riêng cho khán giả.
Nội Dung Chương Trình
– Ban tổ chức nên hình thành một ban nội dung, ban biên tập và ban thiết kế kỹ thuật
– Câu hỏi đặt ra phải ứng với chủ đề của các vòng thi mà ban tổ chức đã thông báo trước đó.
– Chủ đề phải thích hợp với người tham gia. Ví dụ: lịch sử Đức Phật, ăn chay niệm phật, tụng kinh lễ Phật, trách nhiệm của người phật tử, vu lan báo hiếu….
Các câu hỏi sẽ được trả lời dưới dạng trắc nghiệm hoặc có thể chọn đúng – sai…
Trên đây là ý tưởng, hình thức và nội dung để tổ chức một Game Show Vui Học Phật Pháp dành cho Tăng Ni Sinh, Phật tử và đặc biệt là bộ phận Thanh Thiếu Niên mà Ban Hoằng Pháp Ninh Thuận đã tổ chức qua mấy kỳ trong năm 2009 của chương trình Khóa Tu Một Ngày Pháp Lạc rất thành công, đặc biệt thu hút một bộ phận rất đông trong giới trẻ.
Khi nghe có tổ chức game show, các em về chùa nhiều hơn, siêng năng học hỏi giáo lý hơn. Các em còn thỉnh nguyện quý thầy cô trụ trì mở lớp dạy giáo lý, để các em đầy đủ kiến thức Phật Học đi tham gia Game Show Vui Học Phật Pháp.
Việc tổ chức này đã tạo nên một sự đột biến, các em về chùa càng lúc càng đông hơn.
Chương trình Game Show Vui Học Phật Pháp này, không những đi vào lòng của bộ phận Thanh Thiếu Niên, mà còn đem lại một kết quả học hỏi giáo lý rất hiệu quả cho mọi giới phật tử.
Đây là một sân chơi rất bổ ích, là một hình thức Hoằng Pháp rất hiệu quả và thiết thực, dễ đi vào lòng người. Vừa được học hỏi giáo lý nhiều, lại vừa được giao lưu học hỏi thoải mái.
Đây là một cách Hoằng Pháp trong xu thế thời đại mà lâu nay chưa được quan tâm đến. Nếu không muốn cho phật tử và bộ phận Thanh Thiếu Niên hiểu Đạo Phật một cách lệch lạc và cũng để cùng với nhà nước bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan đang có xu hướng phục hồi rất mạnh.
Trích Tham luận của Đại đức Thích Chúc Tiếp – Ban Hoằng pháp THPG Ninh Thuận tại Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc – Kiên Giang 2010