Khi tâm trí được an tĩnh chúng ta tiếp xúc với đời sống một cách tự nhiên, vui vẻ, đầy tràn sinh lực. Khi cân bằng như vậy, phẩm tính tốt sẽ hiển lộ và chúng ta dễ dàng chấp nhận, thông cảm tất cả những gì ở xung quanh mình.
Đôi lúc vì mất cân bằng, không an tĩnh, tâm thức gợn lên những làn sóng vọng niệm. Thay vì có tâm trạng hạnh phúc trong an tĩnh, chúng ta lại lo lắng không hài lòng với bất cứ việc gì mà mình đang làm.
Một khi thân bệnh, lời khuyên tốt nhất là ta nên ở yên một chỗ, tránh vận động nhiều. Cũng vậy, khi gặp rắc rối chúng ta nên giữ cho tâm trí không xao động, để có thể tìm ra cách giải quyết tốt nhất, nên bình tĩnh quán sát mọi mặt của vấn đề, kể cả nguyên nhân phát sinh phản ứng cảm xúc của mình.
Có như thế mới đối phó được vấn đề dễ dàng hơn và rút ra được bài học có giá trị cho tương lai.
Bằng chưa tìm hiểu thói quen cảm xúc của mình thì chúng ta khó thể nhận ra trạng thái cảm xúc khi nó mới xuất hiện, và trước khi nó kích thích chúng ta phản ứng với trình trạng. Vì vậy, nên lúc đầu ta có thể nhận biết cảm xúc của mình bằng hệ quả mà chúng gây ra, như trạng thái của sân hận hay một sự ham muốn nào đó.
Còn khi đã chấp nhận những thói quen của cảm xúc, chúng ta sẽ sớm nhận ra dấu hiệu của trạng thái phản ứng của cảm xúc, như cảm giác phấn khích ở bụng, lan dần tới ngực, gây ra cảm giác dầy đặt ở trong tim, hay có khi ở cổ họng. Nếu không bắt giữ được lực cảm xúc trong giai đoạn này, nó sẽ gây ra một phản ứng cảm xúc trong chúng ta.
Nếu biết buông lỏng tâm trí trước khi cảm giác biến thành cảm xúc thì sự căng thẳng trong tim cũng dần được nới lỏng. Một phương pháp giữ an tĩnh là có ý thức trọn vẹn về khoảnh khắc hiện tại, không lo nghĩ tới tương lai hay bận tâm tới quá khứ.
Chúng ta có thể làm như vậy trong bất cứ tình trạng nào, để yên cho các sự hiện diễn ra, và giữ vai trò quan sát, nhưng không mong đợi và phê phán một điều gì, và không nên để cảm xúc không phát sinh nắm quyền điều khiển những hành động của mình.
Khi một cảm xúc xuất hiện, người bình thường ta có phản ứng là quy trách nhiệm cho một người nào hay một sự vật nào gây ra cảm xúc đó. Lối phản ứng này chỉ củng cố và gia tăng những cảm giác xấu.
Cách phản ứng hiểu biết là đi thẳng vào cảm xúc, hòa nhập vào nó, khám phá nó, cảm giác nó một cách trọn vẹn, và yên lặng quan sát bản chất của nó. Thay vì đặt câu hỏi “tại sao” mà chúng ta hãy tìm hiểu xem cảm xúc đó đã xuât hiện “như thế nào”.
Thay vì cố sức xua đuổi cảm xúc, hãy nên làm bạn với nó. Nếu quan sát kỹ mà không tham dự, bạn sẽ thấy cảm xúc này biểu lộ trong thân thể cũng như tâm trí và rồi tan biến thành tinh lực.
Muốn đạt được đỉnh đinh của tâm thì chúng ta chỉ cần ngồi yên lặng quan sát trạng thái cảm xúc của mình, và không nên vướng mắc vào một điều nào cả và cũng không cần phải có sự hướng dẫn nào khác. Những cảm giác dao động trong tâm trí cũng giống như nước trong ao nổi sóng; nếu được để cho yên tĩnh thì nước ao sẽ trong trẻo trở lại. Khi phản ứng cảm xúc lắng xuống thì thân và tâm sẽ nên cân bằng và tĩnh lặng.
Nếu không thực hành thiền định thì chúng ta sẽ thấy mình đang duy trì trạng thái cảm xúc của thân thể, trong hơi thở và tâm trí. Khi quan sát kỹ sự căng thẳng về cảm xúc này. Chúng ta sẽ thấy một điều mâu thuẫn là khi không muốn phiền não, vọng động thì chính mình lại không thể trừ bỏ phiền não. Chúng ta không thể chuyển hóa hoặc không có ý định chuyển hóa.
Khi gặp những sự việc nào đó, tâm trí sẽ phản ứng, nổi lên những cảm xúc, và chúng ta lại bám vào những phản ứng cảm xúc đó, kể cả những cảm xúc bất thiện. Đó là vì năng lực cảm xúc rất mạnh, chúng đã trở thành một phần bản năng của chúng ta. Việc từ bỏ cảm xúc có thể là một điều khó giải quyết đối với bản thân, vì không có những cảm giác quen thuộc đó thì chúng ta không biết chắc mình sẽ ra sao.
Đối trị cảm xúc của phiền não là một khó khăn, vì cảm xúc là phiền não nên chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng có một cõi nào khác không có phiền muộn và khổ đau. Thế giới mà chúng ta đang sống có nhiều cơ hội tốt nhất để hành giả tu tập nên đừng chần chờ. Nếu để cho tinh lực hao tổn vì những cảm xúc và ảo tưởng thì chúng ta sẽ lìa đời mà không biết tới những phương diện sâu xa của đời sống.
Vậy, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với tất cả năng lực của thân thể, trí lực, hay tri thức, chúng ta hãy luôn tận dụng chúng ngay bây giờ, thay vì lãng phí thời gian vào những cảm xúc phiền não tham, sân, si, ganh tị, kiêu ngạo.
Chúng ta nên nhận biết và sớm đối trị đúng cách với tất cả những cảm xúc phiền não của chính mình ở bất kỳ lúc nào và trong bất cứ trường hợp nào; như vậy chúng ta sẽ cảm thấy được thanh thản và lành mạnh hơn. Đôi lúc cảm xúc vẫn xuất hiện nhưng không lâu bền, vì chúng ta sẽ nhận biết và đối trị chúng gần như tức khắc trong từng giây phút.