Nằm cách thành cổ Lạc Dương 12 km về phía nam tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Long Môn thạch động là một trong ba địa điểm điêu khắc cổ đại kỳ vĩ nhất với hàng trăm pho tượng lớn nhỏ đủ kích cỡ, vô cùng tinh xảo, cao từ 2,5 cm đến 17 m. |
Các hang động này chủ yếu mô tả các chủ đề Phật giáo, được chạm khắc rải rác dọc theo hai núi Xiangshan (về phía đông) và Long Môn (về phía tây). |
Trải dài 1 km dọc hai bờ sông Y Hà, những hang động này được coi là biểu tượng của nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa. |
Công trình nghệ thuật này được bắt đầu từ năm 493. Thời đó, Phật giáo đang lan rộng từ phía đông vào Trung quốc, và được triều đình sùng bái. |
Các Phật tử đã chọn việc tạo tác những đền thờ chạm khắc trên đá để dâng lên Đức Phật. Việc xây dựng được tiếp tục trong suốt 6 triều đại sau đó, bao gồm cả nhà Đường và nhà Tống, trong khoảng thời gian hơn 400 năm. |
Long Môn thạch động trải qua nhiều lần bị tàn phá, bắt đầu bằng phong trào chống Phật giáo hồi thế kỷ thứ 9. Tiếp đó là sự xâm hại của phương tây ở thế kỷ 19 – 20 khiến nhiều bức tượng bị mang đi. |
Một số bức tượng hiện có thể tìm thấy ở viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York, hay bảo tàng Atkinson ở Kansas, Mỹ, và bảo tàng quốc gia Tokyo. |
Năm 2000, Long Môn thạch động được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. |