700 năm sau ngày Sơ tổ Trúc Lâm nhập niết bàn, dòng thiền ấy đang thăng hoa trở lại một cách mạnh mẽ bởi cách tu tập và triết lý vẫn mang đậm tính thời đại: Tu thiền chính là trở lại với tâm mình, đem tâm mình trở về từng giờ từng phút, sống với nội tâm thanh tịnh.
Lấy tâm của dân làm tâm của mình
TS triết học Nguyễn Văn Vịnh phân tích Trúc Lâm Yên Tử là một phái Phật giáo nhập thế, gắn bó mật thiết tới đời sống chính trị, xã hội của dân tộc. Là vị hoàng đế xuất gia, là tổ thứ sáu của thiền phái Yên Tử và là sơ tổ dòng thiền Trúc Lâm, ngài chủ trương thống nhất các thiền phái Phật giáo tại Việt Nam mang nét đặc thù Việt Nam, tích cực dấn thân vào xã hội, xây dựng hưng vượng xứ sở bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo.
Đó là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo; lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và lợi ích chúng sinh làm điểm căn cốt trong quá trình tu tập của mỗi cá nhân.
Tại tọa đàm “Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, đại đức Thích Tâm Thuần (trụ trì Thiền viện Sùng Phúc, Hà Nội) trích dẫn điển tích: “Nhị Tổ Pháp Loa hỏi: “Tôn giả tuổi già yếu từ Yên Tử lên Ngọa Vân Am nhỡ có mệnh hệ gì, Phật pháp biết trông cậy vào ai”; sơ tổ nói: “Ta vì kế lâu dài”.
Thiền tông là chỗ nhắm của sơ tổ. Kế lâu dài của sơ tổ là mong mọi người tìm lại, khám phá mình là gì. Để mất mình cũng không sợ, huống chi là ngai vàng điện ngọc.
Hòa thượng Trúc Lâm đã viết bài Mộng. Nếu giác ngộ được cuộc đời này là mộng, là vô thường thì sẽ học được như Sơ tổ Trúc Lâm, một vị vua coi ngai vàng như dép rách. Tư tưởng “công thành, thân thoái” của Đức Trúc Lâm Đầu Đà tưởng đơn giản, đơn giản như đánh xong giặc Ân, đức Thánh Gióng bay thẳng về trời nhưng cũng thật khó thực hiện.
Thượng tọa Thích Thông Phương khẳng định yếu chỉ của Thiền tông, Thiền phái Trúc Lâm Yên tử rất đơn giản: Phật tức tâm, ai có tâm đều có Phật, không phân biệt màu da, chủng tộc, nam nữ, trẻ già, người trong đạo hay ngoài đạo, là chân lý bình đẳng với tất cả, có tâm thì đều có Phật.
Thành Phật chính là thành Phật nơi tâm con người, chứ không phải trên non cao hay nơi cõi nào xa lạ, đó cũng là ý nghĩa thiết thực gần gũi với con người, lấy con người làm gốc, nâng cao giá trị của con người, nâng cao sức mạnh cho lòng tự tin của dân tộc.
Sáng được tâm là đạt yếu chỉ thiền. Ngoài ra không còn pháp nào khác, vì vậy người tu thiền cốt phải sáng được bản tâm của chính mình.
Chính thái độ sống rất trí tuệ Phật giáo của Trần Nhân Tông vừa giải quyết vấn đề giải thoát của nhân sinh vừa giải quyết các vấn đề của quốc gia, xã hội.
Không câu nệ vào nghi thức
Mỗi lần lên Yên Tử, trên nẻo đường hành hương đọc 4 câu kệ, thốt nhiên lòng nhẹ nhõm, bao mệt nhọc, buồn phiền tiêu tan: Ở đời vui đạo tùy duyên/ Hễ đói thì ăn mệt nghỉ liền/ Trong nhà có ngọc thôi tìm kiếm/ Đối cảnh tâm không chớ hỏi thiền.
Đây chính là 4 câu kệ huyền diệu, mang lý tưởng cốt lõi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – TS Nguyễn Văn Vịnh nói. Đó là việc tu hành không quá câu nệ vào các nghi thức quá rườm rà của việc hành đạo, không trọng lối tu luyện pháp thuật, trừ tà ma… mà coi trọng việc tu tâm, truyền “tâm ấn”, chú trọng xem xét việc làm bổn phận của riêng mình, không theo người khác, hướng sự hợp nhất con người với thiên nhiên.
Con đường sống của Điều Ngự Giác Hoàng – Trần Nhân Tông quả là con đường triết lý siêu đẳng, con đường trở về chính mình để thể nghiệm ở tâm thức mình sự thật và hạnh phúc.
Ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm. Hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng, hai lần đánh thắng Nguyên Mông làm vẻ vang dân tộc. Xuất gia cũng nhanh chóng đạt cảnh giới.
Tuy nhiên, con đường tu của Điều Ngự hết sức gần gũi, dung dị: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương/ Di-đà là tính sáng soi, mưa phải nhọc tìm về cực lạc” (Cư trần lạc đạo phú).
Đó là sự trở về với “dừng tham ái”, “lắng thị phi” và để tâm an nhàn, tịnh lạc. Đó là sự trở về an trú vào giác tỉnh Tính Không, chứng ngộ thực tướng để không còn vướng bận, không còn ngại tránh các thanh sắc trần thế, để “sống đời vui đạo”, tùy duyên mà xử sự: “Hỏi phép chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc/ Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ, Tây Đông/ Chứng thực tướng, ngộ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã tổng kết: Bí quyết của Trúc Lâm là làm cho tâm hồn không vướng bận. Lòng không vướng bận nghĩa là không bị ràng buộc bởi thành bại đắc thất và bởi sự dồn nén kiến thức. Cõi cực lạc không nên đi tìm tận phương Tây, cũng không cần đi tìm học kinh điển các tông phái mà chỉ cần tìm ở ngay sự gạn lọc tự tâm.
Sự thăng hoa mới
Trải qua 50 năm thăng hoa, sau Trúc Lâm tam tổ (Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang), dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử không còn hưng thịnh. Nhưng đến ngày nay, dòng thiền này lại tuôn chảy đến khắp miền đất nước.
Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục đã thành một hệ thống với 27 thiền viện trên toàn quốc. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu có 5 thiền viện: Chân Không, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu, Tịch Chiếu, Chân Chiếu.
Đến Đồng Nai hình thành 11 thiền viện, trong đó Trí Đức là thiền viện mới nhất vừa làm lễ đặt đá. Dòng thiền lại tiếp tục tuôn chảy đến Đà Lạt hình thành Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, đến Vĩnh Long hình thành Thiền viện Sơn Thắng, đến TPHCM hình thành Thiền viện Tuệ Quang, đến Bình Dương thành Thiền viện Phúc Trường, đến Huế là Thiền viện Bạch Mã.
Thiền viện Hàm Rồng ở Thanh Hóa chuẩn bị làm lễ đặt đá. Miền Bắc có 5 thiền viện: Trúc Lâm Yên Tử và Giác Tâm (Quảng Ninh), Sùng Phúc (Hà Nội), Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Tây Thiên Ni (Tam Đảo – Vĩnh Phúc).
“Điều đó chứng tỏ dòng Thiền Trúc Lâm đã đi vào lòng người, mang lại sự an lạc hạnh phúc cho con người nên mọi người đã trở về nguồn cội, trở về hạnh phúc nơi nội tâm” – đại đức Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, nói.
Theo đại đức Thích Kiến Nguyệt, dòng thiền đó hôm nay vẫn thích hợp với dân tộc Việt Nam đang mở cửa hội nhập trong thời đại công nghệ thông tin, vì tu thiền chính là xoay trở lại mình, buông bỏ những tâm tham sân si phiền não gọi là thất tình lục dục để tâm mình thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh mà biết rõ thì đó là Phật.
Người tu theo đạo Phật chính là người đem tâm mình trở về từng giờ từng phút, sống với nội tâm thanh tịnh để trở thành Phật. Khi tâm thanh tịnh thì trí sáng, khi tâm vọng động thì chúng ta sẽ si mê.