Động Hương Tích nơi đây được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” – chúa Trịnh Sâm viết khi đến đây vào năm 1770. Theo đó, nhân dân tin tưởng rằng, ở chùa Hương có ứng tích của Đức Quán Thế Âm được truyền thuyết kể lại.
Cụ thể, sách Dư địa chí của Phan Huy Chú chép: “… Núi Hương Tích ở phía Tây núi Tuyết Sơn theo khe suối đi ngược lên, leo nhiều tầng núi mới vào động. Cảnh thiên nhiên như quỷ thần tạc rất lạ và khéo, là động đẹp nhất miền Nam Hải… Tương truyền, Quan Âm Bồ-tát cầm tích trượng sang phương Nam trụ trì ở đây… Mỗi năm, ngày xuân về, thiện nam tín nữ ở muôn phương đến động dâng hương…”
Ngày trước, khi điều kiện cơ sở vật chất đều chưa có, Phật tử ngoài lòng thành kính đối với ngôi Tam Bảo ra thì còn nghèo, chẳng có điều kiện như bây giờ, đường xá về chùa Hương còn gập ghềnh, chẳng có cáp treo, chỉ có những con suối với cung đường gồ ghề sỏi đá, ấy vậy mà Hòa thượng đã không ngại gian khó, hướng dẫn Phật tử vượt qua núi non, sông nước để về chùa Hương lễ Bồ Tát Quán Thế Âm, lễ Tổ và đặc biệt là duy trì khóa lễ Ngũ Bách Danh tại động Hương Tích.
Ngày nay, mặc dù bận nhiều công việc Phật sự, nhưng Hòa thượng vẫn duy trì hạnh nguyện ấy.
Đúng 14h00 chiều, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức và đông đảo Phật tử đã lễ Phật, lễ Tổ, đặc biệt lễ Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Chân (Tổ thứ 10 trụ trì chùa Thiên Trù) nhân ngày lễ húy kỵ của Ngài (12 tháng Giêng).
Sau đó, đúng 16h30’ Hòa thượng đã đi vào động Hương Tích, trong tiếng vỗ tay vang dội hòa vào tiếng niệm “Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm” của gần 10 nghìn người có mặt trong động.
Vì đang là mùa lễ hội chùa Hương, nên những Phật tử phát tâm tham dự lễ ngũ bách danh cùng Hòa thượng sẽ phải đi từ rất sớm để vào ngồi trong động Hương Tích niệm Phật, chờ tham dự khóa lễ.
Trước khi tiến buổi hành buổi lễ, Nghệ sĩ Phật tử Saxophone Anh Tuấn đã dâng lên cúng dường Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cùng chư tôn đức và gửi tặng đại chúng tiết mục Saxophone ca khúc “Mẹ từ bi” để tán thán hạnh nguyện của người mẹ hiền Quán Thế Âm.
Tiếp đó, buổi lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Trong không gian đầy trang nghiêm, thanh tịnh, Hòa thượng đã xướng lễ, lạy 500 danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm và hội chúng họa theo câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Sau gần ba giờ đồng hồ trang nghiêm lễ lạy, khóa lễ đã thành tựu trong tinh thần nhất tâm tín kính của toàn thể chúng hội.
Trên nét mặt mỗi người tham dự buổi lễ đều tỏ rõ nét an lạc khi được cùng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thực hiện viên mãn tâm nguyện lễ Ngũ Bách Danh của mình.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được: