Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN 40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Bài 2 – Trách...

40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Bài 2 – Trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc

122

Không chỉ kế thừa trọn vẹn truyền thống mấy nghìn năm của Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn thúc đẩy hơn nữa sự ảnh hưởng tích cực và trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, với dân tộc, đặc biệt là việc đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Những đại biểu và phóng viên trong nước, quốc tế tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2014 hẳn chưa quên được “sức nóng” những ngày Đại lễ, không chỉ bởi cái nắng mùa hè chang chang giữa những ngày tháng Năm nơi vùng đất núi đá vôi Ninh Bình, mà bởi thời gian này, tinh thần yêu nước đang dâng trào trên khắp cả nước, trong các tầng lớp nhân dân, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Và, sức nóng ấy đã lan tỏa tới khuôn khổ nội dung, chương trình Đại lễ.

Từ rất sớm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những hành động quyết liệt, khẳng định chân lý chủ quyền của Việt Nam đối với vùng Biển Đông của cha ông ta từ lâu đời trong lịch sử. Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong thời gian tham dự Đại lễ (07-11/5/2014) tại chùa Bái Đính, thông qua các diễn đàn, hội thảo, Giáo hội đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Thủ tướng Sri Lanka và đại biểu quốc tế là Lãnh tụ Phật giáo các nước, tăng ni, các giáo sư, học giả đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam, Ủy ban tổ chức Quốc tế (IOC) Vesak Liên hợp quốc cũng đồng thuận đưa vào Tuyên bố Ninh Bình 2014 điều khoản yêu cầu các nước trên thế giới phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Điều 3 Tuyên bố Ninh Bình 2014 nhấn mạnh, thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên. Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên thế giới.

Đại lễ Vesak 2014 đã thông qua Tuyên bố Ninh Bình chiều 10/5 với nhiều nội dung quan trọng; được gửi tới Liên hợp quốc và Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, bao gồm cả Trung Quốc.

Tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 13/5, Hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra Thông điệp về hòa bình tại Biển Đông gửi lãnh đạo, tăng ni, phật tử Phật giáo trên thế giới và Hòa thượng Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.

Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, tăng ni, phật tử Phật giáo trên thế giới, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế, bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam.

Thắng lợi ngoại giao đó của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được ghi nhận trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII với những đánh giá tổng kết và ca ngợi tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc.

Tổ chức tôn giáo nhập thế

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, những mái chùa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như chùa Đảo Trường Sa Lớn, chùa Đảo Song Tử Tây, chùa Đảo Nam Yết, chùa Đảo Sơn Ca, chùa Đảo Phan Vinh, chùa Đảo Sinh Tồn, chùa Đảo Đá Tây A, chùa Đảo Trường Sa Đông, chùa Đảo Sinh Tồn Đông, hay nơi biên ải như chùa tại Bản Giốc, chùa cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), Tân Thanh (Lạng Sơn), Bắc Luân (Quảng Ninh) không chỉ là điểm tựa tâm linh cho người dân, mà còn là những cột mốc tâm linh chủ quyền quốc gia, góp phần bảo vệ đất nước.


Chùa Song Tử Tây đón cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân ra thăm đảo. Sự hiện diện của những ngôi chùa trên các đảo nhằm khẳng định chủ quyền lâu đời của dân tộc Việt Nam và là nơi thờ các Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngược dòng lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con Phật đã rời bỏ thiền môn, tòng quân cứu nước. Bao lớp nhà sư đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Nhiều vị sư, cư sĩ, phật tử đã trở thành cốt cán của các tổ chức kháng chiến trên khắp mọi miền đất nước, không tiếc thân mình để đấu tranh bảo vệ độc lập của dân tộc. Sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam đã được lịch sử ghi nhận.

Có thể kể đến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” được thành lập đã quy tụ, vận động nhiều tăng ni, phật tử hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, cứu nước. Ngày 27/02/1947, tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, 27 nhà sư phát nguyện “cởi áo cà sa ra trận”, trở thành những chiến sĩ Vệ quốc đoàn kiên trung, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành những căn cứ che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, như: chùa Quảng Bá, chùa Linh Quang, chùa Ngọc Hồi, chùa Tự Khánh, chùa Thanh Trì, chùa Sùng Giáo ở Hà Nội; chùa Trại Sơn, chùa Trúc Động, chùa Vũ Lao ở Hải Phòng; chùa Ninh Cường, chùa Cổ Lễ, chùa Vọng Cung ở Nam Định; chùa Hoa Sơn, chùa Bích Động ở Ninh Bình…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, Hội Phật giáo đã cho phá hủy nhà in Đuốc Tuệ và nhiều cơ sở vật chất khác của Phật giáo để ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Những năm 1954 – 1975 ở miền Nam, nhất là ở các đô thị lớn, luôn có phong trào đấu tranh sôi động của Phật giáo chống đế quốc Mỹ xâm lược với các khẩu hiệu “Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình”… Vào đầu những năm 1960, phong trào đấu tranh sôi nổi, quyết liệt của Phật giáo đã góp phần quan trọng vào sự sụp đổ của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Thời kỳ này đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của các tăng ni, phật tử dũng cảm tự thiêu để đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bảo vệ “Đạo pháp và Dân tộc”, điển hình là tấm gương của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Đại đức Thích Nguyên Hương, Ni cô Thích Nữ Diệu Quang, Phật tử Quách Thị Trang, phật tử Nhất Chi Mai…

Đánh giá về công lao của Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã nói trong buổi tiếp các đại biểu của Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 08/11/1981: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo mà từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình đã biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc”.

Đạo Phật với tinh thần “Từ, Bi, Hỷ, Xả” đã giáo dục con người biết sống vị tha, hòa hợp, loại bỏ oán thù, coi trọng bình đẳng và tiến bộ xã hội. Ra đời vào thời kỳ đất nước xảy ra cuộc chiến tranh biên giới và sự cấm vận của Mỹ cùng các nước phương Tây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái về đời sống tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch; tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo thế giới trong đấu tranh ngoại giao bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo nhập thế và thể hiện trách nhiệm xã hội. Giáo hội đã giới thiệu các chức sắc tiêu biểu ứng cử, tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

40 năm qua, từ chỗ không chủ động trong các mối quan hệ bang giao Phật giáo quốc tế, Giáo hội đã tích cực thể hiện sự chủ động và khẳng định vai trò của mình trong hội nhập quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập và đóng góp tích cực trong các diễn đàn Phật giáo thế giới, như: Liên minh Phật giáo toàn cầu (IBC), Hội nghị châu Á Phật giáo vì hòa bình (ABCP), Hội liên hữu Phật giáo thế giới (WFB), đặc biệt là đã ba lần tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008, 2014 và 2019 tại Việt Nam với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia, chức sắc Phật giáo các nước.

Trong hoạt động của Đại lễ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đề cao tinh thần dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động của Đại lễ đã thể hiện và khẳng định một cách minh bạch nhất để các quốc gia, các tổ chức quốc tế và bạn bè thế giới hiểu mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Đại lễ thành công là sự thể hiện sinh động về chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, góp phần đấu tranh có hiệu quả tích cực với các tổ chức quốc tế, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí vu cáo Nhà nước vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhận định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành sợi dây liên kết, là cầu nối, tập hợp, đoàn kết kiều bào ta ở nước ngoài hướng về trong nước, chung tay xây dựng và phát triển đất nước. Các hoạt động Phật sự đối ngoại của Giáo hội đã giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chính sách ngoại giao nhân dân của Đảng, nhà nước Việt Nam.

Bài cuối: Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần hộ quốc, an dân

Chu Thanh Vân (TTXVN)