Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả 4 khuyến nghị về phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN Việt...

4 khuyến nghị về phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội đoàn nữ Phật giáo

127

Theo Tiến sĩ Thích Đàm Thành, Phó trưởng phân ban Ni giới TƯ: “Với những điểm tương đồng liên quan đến mục tiêu vì sự phát triển đời sống tinh thần của phụ nữ, bồi đắp các giá trị nhân văn, bình đẳng giới… tổ chức Hội Phụ nữ có thể ưu tiên đẩy mạnh một số phương thức phối hợp với các Hội đoàn nữ Phật giáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ có đạo”.


Tính đa dạng và tinh thần “nhập thế” của Hội đoàn nữ Phật giáo

Trong Phật giáo, Hội đoàn thường được hiểu là các đạo tràng. Về bản chất, đây là một hình thức sinh hoạt tu học của một tập thể tín đồ phật tử có cùng một ý hướng chuyên tu, theo một pháp môn tu hành nào đó đã được lựa chọn, hoặc do một vị sư hướng đạo, trong muôn vàn pháp môn của Phật chỉ dạy.

Tổ chức Hội đoàn Phật giáo dành cho cả giới nam và nữ, được hình thành từ thời Đức Phật còn tại thế. Tại Việt Nam, qua thực tế trong khoảng 10 năm qua, Hội đoàn tập hợp các phật tử khá đa dạng về loại hình với số lượng lớn. Theo Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018) tổng số Đạo tràng sinh hoạt là 3.201; tổng số phật tử sinh hoạt tu học là 42.588… Hiện chưa có thống kê nào phân chia theo giới đối với thành viên của các đạo tràng Phật giáo; tuy nhiên qua quan sát có thể thấy các đạo tràng tập hợp phần lớn là các nữ phật tử. Đạo tràng Dược Sư của phật giáo ở thành thị cũng như nông thôn tại vùng đồng bằng Bắc bộ có thành viên hầu hết là nữ phật tử.

Đạo tràng nữ Phật giáo và tổ chức Hội LHPN Việt Nam có những khác biệt nhau về bản chất, tôn chỉ, mục đích thành lập và hoạt động. Mặc dù vậy, giữa đạo tràng nữ Phật giáo và Hội LHPN Việt Nam có những điểm tương đồng với nhau.

Sự tương đồng hiển nhiên và nổi bật nhất chính là cả hai loại hình tổ chức này đều tập hợp các thành viên là phụ nữ. Trong khi phần lớn thành phần tham gia vào các đạo tràng của Phật giáo là phụ nữ tuổi trung niên và cao tuổi, đây cũng là hội viên của Hội phụ nữ các cấp. Sự tương đồng thứ hai là cả hai đều hướng tới phát triển đời sống tinh thần của người phụ nữ, bồi đắp các giá trị nhân văn, bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc cho người phụ nữ. Chính vì đặc điểm chung như vậy nên sự phối hợp giữa các đạo tràng nữ Phật giáo với Hội LHPN các cấp được thuận lợi hơn.

4 khuyến nghị về phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN Việt Nam và Hội đoàn nữ Phật giáo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khuyến nghị những giải pháp phối hợp

Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ có đạo, Hội LHPN Việt Nam và các đạo tràng nữ phật tử có thể xem xét đến một số phương thức phối hợp cụ thể:

Một là, Hội LHPN Việt Nam các cấp nên tích cực, chủ động có các sáng kiến để phối hợp với ni giới, các chùa Phật giáo và các đạo tràng nữ Phật giáo tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề để phổ biến các đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với nữ giới Phật giáo. Đồng thời, kết hợp với các đạo tràng nữ Phật giáo tích cực đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn minh, lan truyền sâu rộng các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp để góp phần xây dựng gia đình và bồi dưỡng cá nhân của người phụ nữ, đặc biệt là với những gia đình phụ nữ có tín tâm với Phật giáo, thông qua các chương trình, phong trào cụ thể, trong những dịp quan trọng như kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Gia đình Việt Nam.

Hai là, cần có sự hợp tác trong tham gia vận động thực hiện các phong trào từ thiện xã hội. Hằng năm, các nữ phật tử thuộc về các đạo tràng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực tham gia ủng hộ hàng tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện do các cơ quan ban ngành và tổ chức phát động. Hội LHPN các cấp nên có các đề xuất, chương trình phối hợp vận động nguồn lực này của các đạo tràng nữ Phật giáo một cách chi tiết hơn. Chẳng hạn như mỗi năm cần kết hợp với đạo tràng nữ Phật giáo để huy động nguồn lực giúp đỡ một vài trường hợp cá nhân và gia đình phụ nữ gặp khó khăn một cách cụ thể. Sau khi thực hiện được các mô hình điểm như vậy sẽ nhân rộng dần ra…

Ba là, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân ban Ni giới và Hội LHPN Việt Nam cần tăng cường kết nối hơn nữa để thực hiện các tập san hoặc tài liệu cũng như sách in ấn phổ biến kiến thức về văn hóa, xã hội cho phụ nữ. Đồng thời hai bên cần thúc đẩy nghiên cứu tìm ra các nét tương đồng giữa nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Việt Nam với nét đẹp văn hóa của người phụ nữ Phật giáo, những yêu cầu chung trong quá trình đổi mới cho cả người phụ nữ theo Phật giáo và không theo Phật giáo.

Bốn là, Hội LHPN Việt Nam cần chỉ đạo đến Hội phụ nữ các cấp cần đưa những nhân tố tích cực trong các Ban trị sự quận – huyện tham gia vào Ban chấp hành Hội đủ 4 cấp, từ đó xây dựng đội ngũ nhân lực để dễ vận động quần chúng và thu hút hội viên là các nữ phật tử. Quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền gặp gỡ, gần gũi, giao lưu với các đạo tràng nữ phật tử để phổ biến chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như tuyên truyền các công tác, phong trào của Hội LHPN, từ đó sẽ tạo ra sự gắn kết tích cực và thu hút nhiều hội viên đến với Hội hơn…


Theo Báo Mới