Trang chủ Diễn đàn Bốn chữ “Pháp trung lương kiệt” trong tang lễ của Trưởng lão...

Bốn chữ “Pháp trung lương kiệt” trong tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thực sự là những chữ gì?

7302

Thư viện Hoa Sen có đăng bài viết của Thích Phước Nguyên, tiêu đề: “Thượng nhân Tăng thống Quảng Độ: Từ THÍ VÔ ÚY GIẢ đến PHÁP TRUNG LƯƠNG KIỆT”, với rất nhiều nội dung khiến nhiều người hoài nghi, người tham dự thì không nói, vì đã quá biết về con người này.

Không cần nói nhiều, để người đọc tự cảm nhận “chất” qua văn phong thể hiện, tất cả không đáng bàn. Tuy nhiên, có một thông tin liên quan tới 4 chữ được cho là của “một bậc Đại Trưởng lão đồng hàng đồng kiến”…, và qua mô tả bên dưới, thì ai cũng biết đó chính là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang.

Hãy đọc đoạn mà Thích Phước Nguyên đã viết:

“Về băng rôn số 7, treo 4 chữ Nho: “Pháp trung lương kiệt 法中樑傑”, do một bậc Đại Trưởng lão đồng hàng đồng kiến với đức Tăng thống, một thời quý Ngài chung tay dựng cơ đồ Phật giáo Đại Việt, bái chúc cho đức Tăng thống, trước khi ngài dự tri thời chí. Bốn chữ này ngày đầu tiên trong Giác linh đường không có treo. Thành thật mà nói, do tôi không còn đủ tâm trí để nhớ. Nhưng có lẽ quý ngài sáng lạng tịch nhiên chiếu soi cho tôi, nên làm tôi nhớ lại có sự tồn tại của bốn chữ này. Trước khi đức Trưởng lão viên tịch không lâu, trong một lần ngồi bên cửa sổ trong cơn mưa phùn của đất cố đô, ngài gọi thị giả lấy giấy bút để lại bốn chữ này, rồi dặn dò môn đồ khi nào đứcTăng thống viên tịch thì phóng to thủ bút có bốn chữ này và đóng khung đem đến lễ tang để bày tỏ tấm lòng của Trưởng lão với ngài Tăng thống. Nhưng vì lý do gì đó tôi không được biết và cũng không được thấy thủ bút của đức Trưởng lão hiện hữu nơi tang lễ. Bốn chữ này theo giải thích của đức Trưởng lão có nghĩa là: “BẬC ĐỐNG LƯƠNG KIỆT XUẤT TRONG CHÁNH PHÁP – bậc thượng thủ lãnh đạo, chèo chống ngôi nhà Phật giáo anh tài, trước sau thủy chung như nhất với lý tưởng, dù trải qua bao thăng trầm vẫn không đổi dời”. Tối ngày thứ hai của lễ tang, cũng vì nhiều lý do mà tôi mới treo được mấy chữ này lên ngay trên chỗ thiết trí bàn Phật. Tôi thưa với quý thầy bằng mọi cách phải treo lên cho được để toát cái phong cách uy dũng của đức Tăng thống. Và cũng để không uổng mất mấy chữ vàng của một bậc Đại trưởng lão. Nhưng kì thực chỉ in ấn như đã thấy, lòng tôi vẫn chưa thỏa, nhưng với khả năng của tôi, tôi không làm được gì khác hơn”.

Không bàn về sự gian xảo, đánh lừa những người đọc không hiểu chuyện của Thích Phước Nguyên.

Trước hết, ở đây nói về 4 chữ Nho mà Thích Phước Nguyên sính chữ viết ra, và ỡm ờ tự nhận mình như là chứng nhân, người thân cận với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang: “Trước khi đức Trưởng lão viên tịch không lâu, trong một lần ngồi bên cửa sổ trong cơn mưa phùn của đất cố đô, ngài gọi thị giả lấy giấy bút để lại bốn chữ này, rồi dặn dò môn đồ khi nào đức Tăng thống viên tịch thì phóng to thủ bút có bốn chữ này và đóng khung đem đến lễ tang để bày tỏ tấm lòng của Trưởng lão với ngài Tăng thống”.

4 chữ mà Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang tặng Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là gồm những chữ gì? Đó là “法忠良傑”.

Bản tặng chính còn có lạc khoản, chữ được nhã tặng đến và Phật lịch cùng người tặng, theo phong cách của Ngài.

Nhưng với chỉ 4 chữ, mà Phước Nguyên đã sai tới… 2 chữ! Có lẽ do nghe lóm lỏm bỏm âm Hán – Việt và dùng “google dịch” nên đã như thế. Theo đó, diễn nghĩa cũng… nhầm to! Và cứ thế mà suy luận theo kiểu vu khoát.

Chỉ với trình độ sơ đẳng, ai cũng biết chữ “trung” có đồng âm nhưng hoàn toàn khác nghĩa ( #中),chữ “lương”( # 樑)cũng vậy, vậy mà…

Bối cảnh về nguồn gốc những chữ này, hoàn toàn không phải như Thích Phước Nguyên tự huyễn để lòe và lừa người. Việc đó đã được Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, một bậc với tính cẩn trọng rất mực, thực hiện đã lâu trước đó, như Ngài thường làm đối với các vị pháp hữu, tặng chữ khi chư vị còn tại thế.

Với việc này cũng vậy, Ngài đã cẩn thận dặn dò, tự viết chữ, sau đó cho (Hòa thượng Hải Ấn) đánh máy lại, tự kiểm tra nội dung, mẫu chữ và trang trí từ thiết kế cho tới thành phẩm rồi đã chỉ định người thân cận chuyển trao trực tiếp đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ lúc ngài còn lưu trú tại Thanh Minh thiền viện ở quận Phú Nhuận.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, trú trì chùa Từ Đàm, vị pháp tử được giao phó ký thông báo về tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang cho biết, lúc Trưởng lão Hòa thượng trở lại chùa Từ Đàm, đã gọi và giao Hòa thượng thực hiện nội dung chữ tặng Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hòa thượng Hải Ấn đã cho đánh máy, chọn font chữ phù hợp, sau đó cho làm bằng sơn mài. Tất cả những việc đó đều nhất mực phải trình lại Ngài xem và duyệt mỗi khâu.

Sau khi thực hiện thành bức sơn mài, Hòa thượng Hải Ấn đã trình Ngài xem và duyệt lần cuối cho đến khi Ngài gật đầu mới thôi. Hòa thượng Hải Ấn đích thân gửi vào chùa Già Lam ở quận Gò Vấp, để quý Hòa thượng ở đây chuyển đến Thanh Minh thiền viện trao trực tiếp Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ theo lời dặn dò.

Sự việc này được làm trong năm 2013, lúc mà cậu bé Nguyễn Thành Long (nay tự xưng là Thích Phước Nguyên) chưa xin vào chùa Phước Duyên xin ở.

Sự thật là thế, quý Hòa thượng Thích Hải Ấn – trú trì chùa Từ Đàm, Thích Nguyên Giác – trú trì chùa Già Lam, các vị trách nhiệm vận chuyển, vẫn còn đó, nhưng với Thích Phước Nguyên, tuổi thì còn quá nhỏ, không học hành, một tay múa thêu dệt thành câu chuyện với tình tiết “kỳ ảo”, thì thật là… ảo diệu!

Thử tìm hiểu về “Thích Phước Nguyên” là ai, càng giật mình!

Thông tin giới thiệu “gương mặt” này có sức lan tỏa rộng, rất nhanh qua một người nhạy với việc tận dụng các phương tiện thông tin mạng xã hội một cách hiệu quả, mọi lúc mọi nơi, đó là Thượng tọa Thích Nhật Từ, người đang đảm nhiệm rất nhiều chức vụ quan trọng khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay (mời nghe video tại đây: https://youtu.be/DltunC4r28I, ).

Dư luận trên mạng xã hội cho biết Thượng tọa Nhật Từ đã phong thánh cho Thích Phước Nguyên, ca ngợi hết lời, xem đây là nhân tài đã “viết” những công trình nghiên cứu Phật học… đẳng cấp thế giới khi mới chừng 20 tuổi, đứng lớp tại Học viện Phật giáo, đưa sách vào tùng thư của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, và xem là “tấm gương” cho Tăng Ni trẻ noi theo.

Nhưng gần đây, con người này đã lộ nguyên hình, một số người biết chuyện đã không còn kiên nhẫn lơ đi nữa, vì nhiều việc vu khoát quá trớn, trắng trợn.

Ảnh: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang đích thân viết 4 chữ 法忠良傑 , tư liệu của thị giả Cố, Thầy Q.L.

Cậu này, trong hình thức của một vị tăng sĩ trẻ, đã rất nhạy, tranh thủ “check-in” nơi lễ tang Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, sau đó đăng lên facebook của mình; rồi tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, mặc nhiên nhận là pháp tử được phó chúc (trong 12 pháp tử của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang), cũng vì… đồng âm Phước Nguyên; kỳ thực, Phước Nguyên mà Ngài đã phó chúc là một người khác, chính là thầy Quảng Tuấn, hiện đang tu học tại chùa Già Lam, quận Gò Vấp, tuổi thì đã gấp đôi cậu bé Long này.

Câu chuyện đó, thôi để mọi người tiếp xúc trực tiếp biết qua mạng xã hội, với các trang cá nhân của những vị cộng sự, học trò đảm trách việc ấn hành sách của Hòa thượng Tuệ Sỹ, nếu muốn.

Ở đây, chỉ với 4 chữ Nho của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, chỉ với 4 chữ thôi, mà Thích Phước Nguyên thể hiện như trong bài viết đăng trên Thư viện Hoa Sen, sai tới 2 chữ, khi viết ra và dẫn lại! Đó là chưa kể những phát âm sai căn bản về Phạn ngữ, trong các video ghi hình lại để quảng bá là giảng sư đứng lớp dạy triết học cho cấp đại học Phật giáo, được giới thiệu là chuyên gia về cổ ngữ Sanskrit.

Nói về nhân vật này, còn nhiều chuyện nữa, nhìn cách vận động hùn phước in ấn kinh sách với tài khoản ngân hàng tên Nguyễn Thành Long, cách nói ỡm ờ, tìm cách “sánh bước với mặt trời” trong khi chính mình là bóng tối, không chịu tu và học mà muốn một bước làm thầy, thì có ngày bị tan đi giữa ánh sáng của mặt trời cũng như các tinh tú khác chiếu vào.

Nếu không vì bài viết huênh hoang liên quan tới 4 chữ Nho treo ngay chính Giác Linh đường trong tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chùa Từ Hiếu quận 8, có thể mọi người cho rằng nguyên nhân từ sự bất cẩn của người phụ trách trần thiết.

Người hiểu chuyện thì không chấp, cho là điều vặt. Nhưng nay, sự việc không còn vậy, vì chưa thấy ai nói lại cho đúng, theo đó cũng tạo hiểu lầm trong dư luận. Sự im lặng của mọi người là cơ hội cho kẻ gian xảo tạo chứng cứ giả về chư vị Tôn túc Trưởng thượng, nên chúng tôi đành viết ra như vầy.

Mong Thư viện Hoa Sen cũng có tiếng nói để nhiều người khác tránh ngộ nhận, nhầm lẫn tai hại. Đây cũng có thể là một tấm gương cho người trẻ, chớ có tà tâm gian xảo, vì có thể lừa nhiều người nhưng không thể dối tất cả mọi người.

Nguyên Dũng (TVHS)

Đọc thêm bài viết liên quan đến “Thích Phước Nguyên”:

Một “tu sĩ trẻ” bị “tố” đạo văn HT. Tuệ Sỹ, giảng dạy ở Học viện Phật giáo