Phần 1: Không thân thiện kẻ ngu. Kết bạn với thiện tri thức. Tôn kính bậc đáng kính. Đây là những phúc báu lớn.
Hai phúc báu đầu tiên có liên hệ với nhau và nhấn mạnh về những người mà ta nên thân cận: những người mà trí tuệ của họ có thể đem lại lợi lạc cho ta.
Vì kế sinh nhai, không phải lúc nào ta cũng có thể lựa chọn những người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày. Do đó chúng ta phải cố hòa đồng với tất cả những người mà ta gặp.
Nhưng may mắn thay, ngày nay chúng ta có khá nhiều thì giờ rảnh để làm theo sở thích của mình.
Có những câu châm ngôn như: ‘Hãy nói cho tôi bạn của anh là ai, tôi sẽ biết anh là hạng người nào’ hoặc ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’ để nhắc chúng ta về quy luật này – điều mà đức Phật cũng nhấn mạnh trong nhiều bài thuyết giảng
– về phúc báu được làm bạn với các thiện tri thức và sự vô phúc phải chung đụng với những kẻ ngu và người ác. Nhưng làm sao ta biết được ai là những kẻ ngu?
Theo lời đức Phật dạy, đó là những người không chú trọng đến đời sống tâm linh và tin rằng họ có thể tìm thấy hạnh phúc qua của cải vật chất. Hầu hết mọi người đều đồng ý là ta không thể tìm được chân hạnh phúc trong của cải vật chất mà thôi.
Tất cả mọi tôn giáo đều nói đến chân lý ‘con người ta không chỉ sống bằng thức ăn.’
Kẻ ngu hoặc vô minh là kẻ tin là chỉ những điều mắt ta thấy, tai ta nghe, mũi ta ngửi, lưỡi ta nếm, thân thể ta xúc chạm, tâm ta nghĩ tưởng – là tất cả những thứ ở trên đời.
Cách nhìn này hết sức giới hạn tiềm năng của chúng ta. Tâm trí ta có khả năng nhìn sâu, thấy xa và trong tiềm thức chúng ta cũng biết đến điều này, nếu không ta chẳng bao giờ mơ tưởng đến việc nhọc công ngồi trên tọa cụ thiền tập để đạt đến những tâm sở cao cả hơn.
Thế nên, nếu ta lệ thuộc vào các giác quan của mình, hoặc nghĩ là mình chỉ có thể đạt được hạnh phúc trong thế giới vật chất bên ngoài, đức Phật gọi ta là kẻ ngu.
Để xác quyết mình không phải là kẻ ngu, ta phải tự hỏi là mình có nỗ lực kết bạn với các thiện tri thức không.
Thiện tri thức không phải là người học rộng hiểu nhiều mà là người sống trong một thế giới thiện mỹ mà họ tìm thấy ngay nơi nội tâm mình. Đó là những người ta cần thân cận bởi họ có thể giúp ta trên con đường tâm linh.
Phúc báu thứ ba là ‘tôn kính bậc đáng kính’. Điều này hơi khó làm ở xã hội Tây phương bởi lẽ ta khó biết được ai thật sự là bậc đáng kính.
Tại Á châu, chúng ta vẫn thấy nhiều bậc được kính trọng – phần lớn vì truyền thống. Ở Tây phương, người ta thường hay nghi kỵ. Hay nghi thì cũng tệ chẳng kém gì khi phạm lỗi ngược lại – sự cả tin.
Tuy nhiên, dù cả tin thiếu sự phê phán, nhưng ít nhất nó cũng giúp ta cảm nhận và bộc lộ điều gì đó từ trái tim mình. Lòng tôn kính và thương yêu đều đến từ một chỗ.
Ở những nơi mà tôn giáo và cuộc sống tâm linh được tôn vinh trong xã hội, người ta thường bày tỏ lòng tôn kính những bậc đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đạo pháp như các thầy tu, các vị nữ tu, các vị thiền sư hay lạt ma.
Thật sự họ có phải là các bậc đã đạt giác ngộ cao hay không, lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể nào biết; ta chỉ có thể nhận ra ở người khác những đức tính mà ta cũng có.
Nói cách khác, những gì ta thấy được ở người khác là sự phản chiếu của các đức tính bên trong ta.
Để gieo trồng những tình cảm tích cực, chúng ta không nên ngần ngại bày tỏ lòng tôn kính các bậc đáng tôn kính, dù ta không biết chắc rằng đối tượng có thực sự thuần khiết về tâm linh hay không.
Thói quen hay phân tích người khác dễ dàng làm tiêu tan bất cứ cảm giác tôn kính nào.
Thật vậy, đức Phật thường khuyên chúng ta là thay vì phân tích người khác, ta hãy tự phân tích bản thân, và Ngài đã chỉ bày cho ta nhiều phương cách khác nhau để làm việc này.
Một khi đã nhận đức Phật là bậc đạo sư của mình, chúng ta phải hết lòng tôn kính Ngài và bày tỏ lòng tôn kính ấy bằng cách lễ Phật. Ta còn phải tỏ lòng tôn kính bằng cách cố gắng ghi nhớ giáo lý để sự thanh khiết của Pháp được tỏa sáng trong ta.
Lòng tôn kính giúp ta cảm thấy gần gũi với lý tưởng cao đẹp nhất và nhờ vậy mà ta đạt được một sự an nhiên tự tại mà không một phần thưởng vật chất nào của thế tục có thể so sánh được.
Có thể có nhiều tên gọi khác nhau cho lý tưởng cao đẹp nhất này của sự Giác Ngộ, nhưng tinh hoa của giác ngộ, dù ta có đạt được cho mình hay không, là đức Phật.
Nếu ta có thể tỏ lòng tôn kính cho lý tưởng như thế, bằng cách tôn kính bậc đáng kính, đức Phật gọi đó là một phúc báu chân thực.