Trang chủ Bài nổi bật 35 năm thành lập HVPGVN TPHCM: Nhớ lời dạy cố HT.Thích Minh...

35 năm thành lập HVPGVN TPHCM: Nhớ lời dạy cố HT.Thích Minh Châu

1725

Hướng đến đến 35 năm thành lập HVPGVN tại TP.HCM (1984-2019), PTVN xin trích đăng lại lời dạy cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu – nguyên Viên Trưởng HVPGVN TP.HCM phát biểu trong dịp lễ cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học khóa V tổ chức tại 750 Nguyễn Kiệm, phường 4. quận Phú Nhuận, TPHCM (ngày 28/8/2005).

Các Tăng Ni sinh thân mến!

Hôm nay là ngày vui của Tăng Ni sinh. Thầy có đôi lời chúc mừng và mong muốn nhắn lời tâm sự nhỏ với các Tăng Ni sinh về một lời dạy của đức Phật mà tất cả Tăng Ni sinh đã có dịp học qua. Đó là: “Chớ có tự bằng lòng thỏa mãn với thành quả đạt được của mình. Khi còn nhiều việc đáng phải nỗ lực hơn nữa” (Đại kinh xóm ngựa).

Cố Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012)

Hôm nay Tăng Ni sinh nhận văn bằng tốt nghiệp cũng có thể xem là một thành quả đạt được sau bốn năm nỗ lực học tập. Một niềm vui có thể đến khi nhận văn bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học. Tăng Ni sinh có quyền vui mừng về thành quả nỗ lực của mình nhưng không nên tự bằng lòng thỏa mãn với kết quả đó. Hôm nay nhận văn bằng Cử nhân cũng thế, sau này có học thêm nhận văn bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ cũng thế. Văn bằng chỉ đánh dấu một chặng đường nỗ lực hoàn thiện tự thân, chứ không phải mục đích của việc học tập, càng không phải mục đích của người xuất gia tu Phật. Học tốt học giỏi thì có được văn bằng, nhưng văn bằng không phải là mục đích của việc học. Học là để sống tốt, sống thiện, sống hạnh phúc an lạc, lợi mình lợi người. Mục đích của người học Phật là để thực nghiệm an lạc Niết bàn và chia sẻ niềm an lạc ấy với mọi người.

Xưa kia, Tôn giả Sàriputta hỏi Tôn giả Punna Manatàniputta:

– Hiền giả Punna, mục đích sống phạm hạnh có phải để được giới thanh tịnh?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, mục đích sống phạm hạnh có phải để được tâm thanh tịnh?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, mục đích sống Phạm hạnh có phải để được kiến thanh tịnh không?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, mục đích sống Phạm hạnh có phải để được đoạn nghi thanh tịnh?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, mục đích sống Phạm hạnh có phải để được đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, mục đích sống Phạm hạnh có phải để được đạo tri kiến thanh tịnh?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, mục đích sống Phạm hạnh có phải để được tri kiến thanh tịnh?

– Không phải, thưa Hiền giả Sàriputta.

– Hiền giả Punna, vậy mục đích sống Phạm hạnh là gì?

– Thưa Hiền giả Sàriputta, giới thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được kiến thanh tịnh, kiến thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được đoạn nghi thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh có mục đích thực nghiệm vô thủ trước Niết-bàn. Thưa Hiền giả Sàriputta, mục đích sống phạm hạnh là để đạt cho được vô thủ trước Niết-bàn.

Lễ cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học khóa V tổ chức tại 750 Nguyễn Kiệm, phường 4. quận Phú Nhuận, TPHCM (ngày 28/8/2005)

Thầy nói lại đoạn kinh trên để khuyên nhắc Tăng Ni sinh rằng người con Phật đã có đường hướng để đi và mục tiêu để theo đuổi, và cần theo đuổi cho tới cùng. Việc tu học ra trường của Tăng Ni sinh hôm nay chỉ đánh dấu một chặng đường nỗ lực rất khiêm tốn cho mục tiêu đó. Chỉ khi nào Tăng Ni sinh ý thức được tinh thần này thì việc học tập, tốt nghiệp ra trường của Tăng Ni sinh mới thật có ý nghĩa, mới chắp cánh cho Tăng Ni sinh tiếp tục bay cao bay xa hơn trên con đường hoàn thiện tự thân hay giải thoát giác ngộ. Và chỉ khi nào Tăng Ni sinh vận dụng được tinh thần này thì dù bất cứ ở đâu hay làm gì cũng không thấy có chướng ngại.

Thầy rất mong tất cả Tăng Ni sinh sẽ luôn luôn sống với tinh thần ấy để trong một tương lai không xa nữa, khi Học viện hội đủ điều kiện tổ chức các cấp học cao hơn, Thầy lại trông thấy Tăng Ni sinh tiếp tục việc học tập của mình tại Học viện.

Cố HT.Thích Minh Châu cùng quý thầy thị giả tại hành lang HVPGVN TP.HCM, cở sở I, Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận (Ảnh: Minh Thuận)

(theo Lưu Đấu Một thời – NXB TG)