Trang chủ Diễn đàn 30/4/1975 và Phật giáo Việt Nam

30/4/1975 và Phật giáo Việt Nam

401

MINH THẠNH: Bạn đọc có gửi đường dẫn để tôi vào xem bài “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại”, tác giả Thích Tâm Hòa, thuyết trình trong Ngày về nguồn 2008 tại chùa Bát Nhã, Calif, Hoa Kỳ đăng trên trang Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Thông tin Truyền thông và đề nghị tôi bình luận (http://phatgiao.org.vn/tham-luan-sach/201804/Nguoi-tang-si-Phat-giao-Viet-Nam-tai-Hai-ngoai-27194/).

Đây là một bài viết rất đáng quan tâm. Hiếm hoi một tăng sĩ Phật giáo đề cập đến vấn đề cải đạo. Nhưng tiếc rằng, tác giả chỉ nói đến Phật giáo Hàn Quốc, mà không đề cập đến thực tế Phật giáo Việt Nam. Dù vậy, trước tiên, cũng xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong nhiều khía cạnh mà bài viết đề cập, có những vấn đề lịch sử, nổi bật là quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam với sự kiện 30/4/1975. Vấn đề lịch sử này rất nhạy cảm, và việc trang Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Thông tin Truyền thông đăng bài viết này có đoạn liên hệ đến ngày 30/4/1975 là việc cần đánh giá trân trọng, bên cạnh một sự  bất ngờ nào đó.

Vì vậy, dưới đây sẽ là cuộc thảo luận về nội dung đáng quan tâm nói trên. Từ bài “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại”, xin đặt câu hỏi.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh vẫn thường cho rằng giới Phật giáo thường né trành và ít có khả năng xem xét những vấn đề chính trị hiện nay, nhưng bây giờ, Minh Thạnh lại có ý kiến ngược lại? Đọc bài “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại”, chúng ta thấy tác giả Thích Tâm Hòa không né tránh chút nào về sự kiện 30/4/1975: “Nhưng, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã đảo ngược toàn bộ nền tảng của xã hội, trong đó có PGVN. Những hệ lụy đau thương đi theo với biến cố ấy thì nhiều vô số kể, trong số các hệ lụy kia, có sự bỏ nước ra đi của hàng triệu người, tập thể tăng sĩ PGVN cũng có mặt trong đó và đang tiếp tục có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Nhìn về mặt nhân quả và lý tương sinh, sự có mặt của tập thể tăng sĩ PGVN tại hải ngoại vừa là hệ quả của một xã hội Việt Nam khủng hoảng thời đó, nhưng cũng vừa là nhân duyên cho một tiếp cận mới của lịch sử. Đó là cuộc tiếp cận sâu xa nhất của người tăng sĩ PGVN với xã hội văn minh khoa học và vật chất phương tây mà trước đây chưa bao giờ xảy ra, hoặc rất ít. Cuộc tiếp cận này là cơ hội hay thách thức cũng còn tùy thuộc vào nội lực của tập thể tăng sĩ PGVN”.

MINH THẠNH: Đối với sự kiện 30/4/1975, người Phật giáo có ý kiến rất khác nhau. Đã có ý kiến, thì đã là không né tránh. Nhưng những ý kiến đó thường không xét sự kiện này trong mối quan hệ với Phật giáo Việt Nam, mà chỉ lặp lại những quan điểm của các bên tham gia cuộc chiến. Thường thì Phật giáo hải ngoại Tây Âu, Bắc Mỹ và một bộ phận nhỏ Phật giáo trong nước với danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất nhắc lại ý kiến của bên miền Nam Việt Nam trước đây. Ý kiến ngược lại là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Phật tử ở Đông Âu. Sự khác biệt về ý kiến như thế phản ánh một vết cắt xẻ ngang Phật giáo Việt Nam. Nó không có lợi cho Phật giáo Việt Nam vì thường không xét đến quan hệ đối với Phật giáo Việt Nam và không đứng từ điểm nhìn nền tảng lợi ích của Phật giáo Việt Nam mà xét.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tác giả Thích Tâm Hòa viết rất rõ: “Nhưng, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã đảo ngược toàn bộ nền tảng của xã hội, trong đó có PGVN. Những hệ lụy đau thương đi theo với biến cố ấy thì nhiều vô số kể, trong số các hệ lụy kia, có sự bỏ nước ra đi của hàng triệu người, tập thể tăng sĩ PGVN”.

Như vậy, rõ ràng là tìm hiểu sự kiện 30/4/1975 trong mối liên hệ với Phật giáo Việt Nam. Sao Minh Thạnh lại có thể nói rằng không từ điểm nhìn lợi ích của Phật giáo Việt Nam, không xét đến quan hệ với Phật giáo Việt Nam? 

MINH THẠNH: Đúng là bài viết “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại” đã có xét đến mối liên hệ của sự kiện 30/4/1975 với Phật giáo Việt Nam, chỉ ra tác động của sự kiện này đối với Phật giáo Việt Nam. Đây là đóng góp có giá trị nhất định của bài viết “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại”. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam được nói ở đây chỉ là một phần của Phật giáo Việt Nam.

Chúng ta nên quan niệm một cách trọn vẹn Phật giáo Việt Nam là Phật giáo của hai miền Nam Bắc, Phật giáo của nước Việt Nam từ Nam Quan đến Cà Mau.

Trong khi đó, nền tảng xã hội, trong đó có Phật giáo Việt Nam, mà tác giả Thích Tâm Hòa cho là bị sự kiện 30/4/1975 đảo ngược, rõ ràng chỉ là Phật giáo trong các thành thị miền Nam.

Đúng là có hiện tượng như tác giả Thích Tâm Hòa nêu ra, nhưng hiểu Phật giáo Việt Nam như thế là phiến diện và chắc chắn sẽ không phản ánh chính xác lợi ích của Phật giáo Việt Nam.

Sự kiện 30/4/1975 có tác động mạnh mẽ sâu sắc đến xã hội miền Nam, nhất là ở thành thị, trong đó Phật giáo cũng chịu những hệ lụy. Nhưng việc thống nhất đất nước mở ra hoàn cảnh mới, mà từ đó, Phật giáo miền Nam có những tác động tích cực đến Phật giáo miền Bắc. Điều đó, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng trong hơn 40 năm qua.

Chúng ta cần tìm hiểu quan hệ giữa sự kiện 30/4/1975 đối với Phật giáo Việt Nam tâm quan điểm nhân duyên và toàn vẹn.  Như thế Phật giáo Việt Nam không chỉ là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo ở miền Nam, mà là Phật cả nước, gồm cả phần từ Quảng Bình trở ra phía Bắc.

Một số tác giả Phật giáo Hải ngoại chỉ hiểu Phật giáo Việt Nam như Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nghĩa là Phật giáo từ Quảng Trị trở vào, do đó, vẫn cắt lìa phân nửa Phật giáo Việt Nam, nghĩa là không có lợi cho Phật giáo Việt Nam.

Đây là điều đáng tiếc cho Phật giáo, vì ngay cả Ca tô La Mã, coi như họ đã từ bỏ miền Bắc từ năm 1954: “Chúa đã vào Nam”, nhưng không bao giờ họ coi Công giáo Việt Nam chỉ là phân nửa Việt Nam ở phía dưới vĩ tuyến 17 và khi xem xét những vấn đề chung của Công giáo, thì họ không bao giờ chấp nhận một giới hạn nào đó làm hạn chế lợi ích của họ.

Như vậy, không lẽ lợi ích của Phật giáo Việt Nam chỉ là lợi ích của tăng ni Phật tử trong xã hội của chỉ Việt Nam Cộng hòa, cho tới cái mốc 30/4/1975.

Tôi thấy, do tác giả Thích Tâm Hòa là người có tầm nhìn, cho nên cần trao đổi với ông về quan điểm nhân duyên, về một Phật giáo Việt Nam toàn vẹn.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tác giả Thích Tâm Hòa nói về đề tài “người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại”, cho nên vì vậy, tác giả chỉ nói đến Phật giáo Việt Nam ở miền Nam. Vậy thì cũng hợp lý?

MINH THẠNH: Tôi cho là không hợp lý, vì từ cái gốc xem xét sự kiện 30/4/1975 với Phật giáo Việt Nam phiến diện, không hoàn chỉnh, không toàn vẹn, cho nên sau đó, trong cả phần tiếp theo của bài viết, Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại được xem xét trong sự cắt rời với Phật giáo Việt Nam trong nước. Điều không có lợi cho Phật giáo Việt Nam là ở chỗ này và điều đó cũng không phù hợp với quan điểm nhân duyên của đạo Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh cho rằng việc đánh giá về sự kiện 30/4/1975 trong mối quan hệ với Phật giáo Việt Nam quan trọng như thế sao?

MINH THẠNH: Tôi không cho rằng nó quan trọng đến mức quyết định, nhưng 30/4/1975 là một cột mốc lịch sử có ý nghĩa đánh dấu và tạo ngả rẽ. Nếu việc nhìn nhận sự kiện đánh dấu và tạo bước ngoặt có hạn chế, thì nó kéo theo những hạn chế tiếp theo nữa.

Theo tôi, hạn chế khi xác định thế nào là Phật giáo Việt Nam trong mối quan hệ Phật giáo Việt Nam với sự kiện 30/4/1975 là quan trọng, nhưng bên cạnh đó cần nhìn thấy mối quan hệ đó trong cục diện tôn giáo, mà ở đây là cục diện tôn giáo của người Việt Nam ở hải ngoại.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tác giả Thích Tâm Hòa đã nêu được sự hiện diện của Phật giáo Việt Nam trong dòng người ra đi từ sự kiện 30/4/1975?

MINH THẠNH: Nếu chúng ta rẽ theo hướng di tản ra hải ngoại từ cái mốc được tác giả Thích Tâm Hòa xác định là 30/4/1975, thì theo tôi, từ thời điểm này, Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cần nhìn thấy 30/4/1975 là thời điểm bắt đầu tiến trình cải đạo mới, với cường độ mới lên cao đối với Phật giáo Việt Nam, nhắm vào số tín đồ Phật giáo Việt Nam vượt biên. Tiến trình cải đạo này không kết thúc khi các trại tập trung ở những nước tạm cư ban đầu đóng cửa, mà nó vẫn đang tiếp tục ở Mỹ, một quốc gia đạo Tin Lành phát triển mạnh.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đâu phải hễ vượt biên là cải đạo?

MINH THẠNH: Dòng người chạy ra nước ngoài sau 30/4/1975 dẫn đến việc hình thành các trại tập trung với mục tiêu cuối cùng là tái định cư ở Bắc Mỹ, Tây Âu. Các tôn giáo phương Tây tiến hành cải đạo đã triệt để khai thác cơ hội thu phục tín đồ này. Việc giúp đỡ người vượt biên khi cư trú ở trại tập trung và đưa đến quốc gia mong muốn định cư đã được đánh đổi bằng việc cải đạo. Điều này hỏi những ai đã từng vượt biên thì đều rõ.

Thế nhưng, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại hầu như không biết đến điều này. Bài “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại” thì đã quên đi một vấn đề lớn của Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại đó là cải đạo.

Nhiều Phật tử đã cải đạo, đặc biệt sang Tin Lành, để được hưởng sự giúp đỡ vật chất trong thời gian ở trại tập trung và sau đó được giúp đỡ về thủ tục để định cư ở Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam không biết đến điều này, huống nữa là đánh giá, thống kê, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, định lượng thiệt hại.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong việc này có một số tín đồ Phật giáo cải đạo giả, đến khi định cư ở Mỹ họ lại trở về với đạo Phật. Như vậy có sao đâu.

MINH THẠNH: Nhưng vẫn có nhiều người cải đạo thật từ chiến dịch khởi đầu sau 30/4/1975 này, nhưng Phật giáo Việt Nam không muốn nói đến, mà chỉ muốn quên đi, không hay, không biết. Số lượng người đó là bao nhiêu, Ca tô La Mã hay Tin Lành đều có thống kê, nhưng đối với tăng sĩ Phật giáo Việt Nam thì ngơ ngác. Cải đạo đâu phải là trò chơi gạt lẫn nhau?

Nên kể từ 30/4/1975, nếu chỉ xét đến việc đi ra nước ngoài, thì đâu chỉ như những gì mà bài “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại” đề cập.

Đối với các thế lực cải đạo nhắm đối tượng là tín đồ Phật giáo Việt Nam, 30/4/1975 trong tay họ là cơ hội bằng vàng, khi những tổ chức mang danh thiện nguyện nhưng xác định mục tiêu đổi chác tôn giáo rõ ràng mở rộng vòng tay đón những người vượt biên, như những con sói đón đàn cừu lũ lượt kéo đến.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh nói vậy thì hóa ra 30/4/1975 là cơ hội để cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam sang tôn giáo khác?

MINH THẠNH: Đó là một thực tế hiển nhiên với đối tượng những người vượt biên. Nó tạo ra một vết thương lớn cho Phật giáo Việt Nam, nhưng các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam không nhìn thấy.

Các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cũng không nhìn thấy nốt thuận lợi mở ra cho Phật giáo Việt Nam từ sau 30/4/1975.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ông nói sao? Từ 30/4/1975, Phật giáo Việt Nam có gì để mà nói rằng thuận lợi?

MINH THẠNH: Chúng ta sẽ  thấy điều mà có thể gọi là thuận lợi khi xét quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và sự kiện 30/4/1975 trong cục diện tôn giáo.

Sau 30/4/1975, áp lực cải đạo lên Phật giáo Việt Nam trong nước giảm mạnh, do điều mà tác giả Thích Tâm Hòa gọi là “đảo ngược toàn bộ nền tảng của xã hội”. Trong sự đảo ngược đó, Ca tô La Mã mất đi hệ thống giáo dục xã hội, vốn là công cụ cải đạo hàng đầu Tin Lành mất đi sự hậu thuận trực tiếp từ người Mỹ. Các tôn giáo có mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo đều có những vướng mắc với chính quyền do lịch sử để lại.

Nhưng vấn đề này không thuộc hướng tìm hiểu của bài viết mà chúng ta đang bàn luận “Người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội”, cho nên sẽ có một dịp khác chúng ta trao đổi.