Mặc dù cơ quan đang quá nhiều việc, nhưng tôi quyết dứt ra để đi Trường Sa chuyến này vì biết sẽ được thăm 9 đảo, 6 chùa đã tôn tạo, khôi phục hơn 10 năm trước và khánh thành việc tôn tạo, phục dựng 3 chùa khác trên các đảo. Đặc biệt, cùng đi trong đoàn đông đến gần 200 người có đến 40 nhà sư, trong đó có những yếu nhân của Giáo hội.
Người không chứng kiến thì khó mà tưởng tượng được cảnh 40 nhà sư áo cà sa vàng rực cùng khoảng chừng ấy nữa cư sĩ, thiện nam, tín nữ ngồi kiết già dưới ánh hoàng hôn đầy màu sắc giữa biển Trường Sa trên boong khá rộng của con tàu Hải quân nhưng được thiết kế dùng để chở người HQ 571. Họ đồng thanh tụng kinh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, biển đảo an bình, người người an lạc, hương hồn các liệt sĩ Gạc Ma siêu thoát…
Tôi đã chụp cảnh đó tới mấy chục bức ảnh ở các góc độ khác nhau, quay cả clip và ngay tối đó đã làm bài thơ “Những nhà sư ra biển”, trong đó có những câu: “Vào chùa mà chẳng lánh đời/ Các thầy đau đáu biển khơi nước mình/ Trong từng tiếng mõ, câu kinh/ Lặng nghe da diết bao tình Trường Sa”.
40 nhà sư ra biển lần này không chỉ để hoằng dương Phật pháp nơi chân trời, góc biển. Họ đi là để thể hiện quyết tâm và cũng là hành động thực tế để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.
Đích thân Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, trụ trì các chùa Bái Đính và Tam Chúc dẫn đầu đoàn các nhà sư. Cùng đi còn nhiều vị đạo cao vọng trọng khác như Hoà thượng Thích Thanh Điện – Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự kiêm Chánh văn phòng Văn phòng 1 Giáo hội, Trưởng ban trị sự Phật Giáo tỉnh Lào Cai; Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa T.Ư Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An; Thượng toạ Thích Minh Quang – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Chánh Văn phòng 1 Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, phó trụ trì thường trực các chùa Bái Đính và Tam Chúc…
Phát biểu tại các đảo trước cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đều dẫn các nguồn sử liệu lâu đời và đáng tin cậy để chứng minh sự chiếm hữu và thực thi chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của cha ông chúng ta từ nhiều trăm năm trước. Ông cũng khẳng định việc Giáo hội khôi phục, tôn tạo các ngôi chùa trên các đảo Trường Sa với sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, sự phát tâm và triển khai công việc thực tế của Doanh nghiệp Xuân Trường là để khôi phục văn hóa dân tộc, đời sống tâm linh, cũng là thực hiện chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước trên quần đảo Trường Sa. Ông nhấn mạnh đặc tính nhập thế, hộ quốc, an dân của Phật Giáo Việt Nam đồng thời khẳng định các chùa trên quần đảo Trường Sa là các cột mốc chủ quyền về mặt tâm linh rất vững chắc của đất nước Việt Nam.
Gần nửa tháng trên con tàu HQ 571 là sự hoà nhập tuyệt vời giữa đạo và đời, khi các nhà sư và các đại biểu khác trên tàu tuy chế độ ăn uống có khác nhau nhưng hòa nhập hoàn toàn về tinh thần, về văn hóa, về hành động. Họ cùng nhau chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển đảo quê hương, nhất là các buổi bình minh và hoàng hôn; cùng đấu cờ và biểu diễn văn nghệ; cùng thăm hỏi hoặc pha trò động viên nhau vượt qua cơn mỏi mệt hoặc say sóng; cùng đỡ nhau xuống xuồng đang duềnh lên dập xuống để lên các đảo; cùng thăm hỏi, giao lưu với các cán bộ chiến sĩ, các lực lượng và nhân dân trên các đảo; cùng thực hiện Phật sự và các nghi lễ trong các chùa; cùng hành lễ khánh thành tôn tạo các ngôi chùa…
Tôi nhớ như in vẻ đạo mạo, uy nghi của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu. Cái dáng nhỏ bé, nhưng rất nhanh nhẹn, đang ngồi ở nhóm này, thoắt cái đã sang nhóm khác của vị hoà thượng vui tính, quảng giao Thích Thanh Điện. Tôi cũng thích vẻ khoan thai, ung dung, tự tại luôn toát ra sự yên bình tự bên trong của thượng tọa Thích Thọ Lạc cũng như sự nhẹ nhõm, khoan hòa, rất thông thái trong trò chuyện của thượng tọa Thích Nguyên Đạt – Phó Giám đốc Học viện Phật Giáo Huế (đặc biệt nhớ chén trà ông mời tôi trên cầu tàu đảo Sinh Tồn Đông khi đợi xuồng từ tàu ra đón về).
Tôi nhớ thượng tọa Thích Minh Quang, người chăm lo chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị rồi dẫn chương trình các buổi lễ, đồng thời là giọng tụng kinh chính tuyệt hay và khi thầy cất tiếng hát bài “Gần lắm Trường Sa” thì một nữ ca sĩ trong Đoàn Văn công Quân chủng Hải Quân thú thật là “thầy hát rồi thì em không dám hát bài này nữa”. Cuối chuyến đi, bình chọn về những kỷ lục, những cái nhất của đoàn công tác, chúng tôi đã trao cho thầy Quang giải “Người truyền nhiều cảm hứng nhất”. Cũng đoạt giải nhưng là giải giọng hát hay nhất là thầy Thích Thanh Phú, người ca vọng cổ hay hát chèo đều đỉnh. Hay sư cô Đàm Oanh bé nhỏ, gầy yếu nhưng hay hát, và là nhân vật chính trong bức ảnh “Sư cô Đàm Oanh hát cho lính đảo nghe” đoạt một trong các giải của cuộc thi ảnh trên tàu. Tôi chắc cũng không bao giờ quên gương mặt luôn luôn tươi cười của thầy Thích Quảng Tiếp, người đã thi triển những thế võ rất đẹp trên boong tàu HQ 571. Và còn biết bao gương mặt đã trở nên thân quý khác của các sư thầy, sư cô, các cư sĩ, các thiện nam tín nữ mà tôi kịp hoặc chưa kịp biết tên.
Bài thơ “Các nhà sư ra biển” kể trên thoạt đầu tôi làm rất ngắn, chỉ có 6 câu. Nhưng sau khi lên các đảo trong quần đảo Trường Sa, thăm các chùa, trò chuyện, phỏng vấn nhiều nhà sư trụ trì, tôi thấy bài thơ không dừng ở đó được nên viết thêm vào đó 8 câu nữa và đổi tên thành “Áo nâu ra đảo”. Trong số các câu viết thêm có “Từ nay nhận đảo là nhà/ Vắng bồ đề lấy phong ba mát chùa”.
Một trong những nhà sư “nhận đảo là nhà” ấy là thầy Thích Tâm Trí trụ trì chùa ở đảo Nam Yết. Tôi lại gần khi thầy đang cúi đầu cung kính nghe hòa thượng Thích Thanh Nhiễu căn dặn: “Đây là vinh dự lớn lao của thầy, là sự hãnh diện của người tu sĩ ra cùng cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ chủ quyền trên biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi lập đoàn ra thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và thầy. Mong thầy tuổi còn trẻ sẽ nhiệt tâm, nỗ lực phụng sự Giáo hội và quốc gia, dân tộc. Giáo hội sẽ ghi công đức của thầy. Mong rằng thầy chấp hành tốt các quy định của đơn vị đóng trên đảo, cùng cán bộ chiến sĩ trên đảo giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Nam Yết và quần đảo Trường Sa”.
Tôi đã xin số điện thoại của thầy Tâm Trí, cũng như trước đó đã xin số điện thoại của thầy Thích Định Thông ở chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca. Tôi nhớ với đôi chút day dứt lời thầy Định Thông sau khi đọc cho tôi và vài bạn nữa ghi số điện thoại: “Có số rồi thì thỉnh thoảng gọi cho thầy nhé. Để thầy được nghe tiếng nói từ đất liền”. Đây, số điện thoại của thầy Định Thông 0975908877. Đừng quên gọi cho thầy nhé.
Thầy Thích Tâm Trí xúc động quá, chỉ biết cúi đầu chắp tay cung kính thưa: “Cảm ơn thầy đã ban lời hay cho con”. Thầy Tâm Trí đã 7 năm ở quần đảo Trường Sa, trong đó có 1 năm trụ trì chùa trên đảo Sinh Tồn. Khi còn lại với mấy nhà báo chúng tôi, thầy trấn tỉnh lại và tâm sự: “Đảo chỉ có hai mùa nắng và mưa. Mùa mưa tới cũng giống như mùa xuân đến, vì có mưa là có nước, như là thần tài đến. Khó khăn nhất là thiếu nước. Cạnh đó còn nhiều khó khăn khác, nhưng đều vượt qua được, một phần là nhờ cán bộ, chiến sĩ trên đảo đến giúp”.
Thầy Tâm Trí vừa vào đất liền và trở ra đảo cùng trên con tàu HQ 571 với chúng tôi nên thầy đã quen với nhiều thầy trong đoàn. Vậy nên giờ chia tay kẻ ở người đi rất bịn rịn. Có thầy ôm vai thầy Tâm Trí chúc cho mạnh khoẻ, hoàn thành nhiệm vụ và luôn hoan hỉ. Có thầy tặng cái quạt giấy để thầy Trí vượt qua mùa nóng trên đảo. Chứng kiến cảnh chia tay xúc động đó, tôi đã vụt hoàn thành được bài thơ “Chùa ở Trường Sa” viết dở trên tàu và đọc cho các thầy nghe ngay trên sân chùa Nam Yết.
Tôi đã xin số điện thoại của thầy Tâm Trí, cũng như trước đó đã xin số điện thoại của thầy Thích Định Thông ở chùa Linh Sơn trên đảo Sơn Ca. Tôi nhớ với đôi chút day dứt lời thầy Định Thông sau khi đọc cho tôi và vài bạn nữa ghi số điện thoại: “Có số rồi thì thỉnh thoảng gọi cho thầy nhé. Để thầy được nghe tiếng nói từ đất liền”. Đây, số điện thoại của thầy Định Thông 0975908877. Đừng quên gọi cho thầy nhé.
Trên đảo thì đều khó khăn, nhưng người chiến sĩ áo nâu thì khó khăn hơn vì hầu hết thời gian chỉ có một mình, khác với các chiến sĩ khác luôn có đồng đội bên cạnh. Các thầy trụ trì cũng có những cảm nghĩ khác nhau về hoàn cảnh này. Cũng có thầy thú thật là khi trời mưa gió, ngồi trong chùa một mình nhìn ra cũng có tâm trạng, nhưng xong rồi thì lại quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Thầy Thích Lệ Quang trên đảo Sinh Tồn Đông thì nghĩ: “Thiếu nước, rau ăn là đồ xa xỉ. Nhưng khó khăn thì các chiến sĩ cũng đều nếm trải cả nên đối mặt và vượt qua nó mới là điều trân quý”. Thầy Thích Nhuận Hiếu trụ trì chùa Đá Tây mới khánh thành việc tôn tạo (nhưng thầy đã ở đây một thời gian vì việc khánh thành bị hoãn đến bây giờ là do dịch COVID) phát biểu: “Ở đảo rất ít người, nhưng cuộc sống của người tu hành đã quen rồi nên lúc nào cũng hoan hỉ, không thấy trống vắng”. Thầy Thích Quang Nghĩa đã ở chùa Trường Sa Đông (lần này cũng khánh thành việc tôn tạo) được 6 tháng thì cảm thấy mình như người lính, hoàn thành nhiệm vụ thì vui.
Hôm cuối cùng của chuyến đi ở đảo Trường Sa lớn, tôi thấy hai nhà sư đang hoan hỉ chuyện trò bên cột mốc chủ quyền bèn lại hỏi chuyện. Thì ra sư trụ trì chùa Trường Sa lớn là thầy Thích Nhuận Đạt vừa gặp sư huynh của mình là thầy Thích Nhuận Liên, thành viên của đoàn công tác. Trước các thầy Nhuận Liên và Nhuận Đạt đều tu ở chùa Viên Ngộ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thầy Thích Nhuận Đạt năm 13 tuổi một hôm vào chùa ăn giỗ thấy thích chùa nên ở lại tu luôn. Thầy Nhuận Đạt xung phong đi Trường Sa từ năm 2013. Khi thầy đi, sư phụ động viên cố gắng làm Phật sự ở Trường Sa một năm. Nhưng thầy Nhuận Đạt đi đã thấm thoắt gần 10 năm mà chưa thấy cần trở về. Thầy là vị sư ở Trường Sa lâu nhất nhưng vẫn nghĩ: “Mình tuổi còn trẻ, còn muốn cống hiến cho Giáo hội, cho đất nước”.
Những nhà sư, những người áo nâu ra các đảo Trường Sa ấy thực sự là những người lính tiên phong của Giáo hội, của Tổ quốc Việt Nam ở địa đầu gian khó. Vậy nên, trong bài thơ “Chùa ở Trường Sa” mà tôi hoàn thiện được trên sân chùa Nam Yết đó có câu: “Xin chào người lính áo nâu/ Sát vai đứng trụ địa đầu đảo xa” và bài thơ “Áo nâu ra đảo” kết bằng câu: “Áo nâu ra biển bao la/ Chung tay quyết giữ sơn hà vẹn nguyên”. Hôm đoàn chia tay đảo Trường Sa Lớn, đơn vị hải quân đóng trên đảo đã ra xếp hàng trên bến tàu đứng hát hành khúc hết bài này đến bài khác để tiễn con tàu đang đi xa dần. Đứng trên lan can tàu nhìn lại, tôi thấy giữa hàng quân áo trắng ấy nổi bật lên chiếc áo cà sa màu vàng của nhà sư – chiến sĩ Thích Nhuận Đạt.
Ngày 13/7/2022
Lê Xuân Sơn