Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Ươm trồng sen thơm ngát từ bùn

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: Ươm trồng sen thơm ngát từ bùn

541
Cuộc đời của nghệ nhân Hoàng Anh Sướng dành cho thiền và trà đạo. Vẻ đẹp văn hóa trà thiền Việt Nam được nghệ nhân Hoàng Anh Sướng giới thiệu nhiều bạn bè trên thế giới. Bên cạnh đó, anh còn là tác giả của các cuốn sách nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, đạo Phật như: “Hạnh phúc đích thực”, “Tiếng vọng từ những linh hồn”, “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu”…

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nhưng nổi tiếng là “địa linh nhân kiệt” thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ).

Quê tôi đẹp lắm, vẻ đẹp điển hình của vùng nông thôn Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mái chùa làng cổ vài trăm năm tuổi. Là đất địa linh nên mỗi cảnh vật, tấc đất nơi đây đều chứa đựng những huyền tích, trong đó, có rất nhiều chuyện tâm linh kỳ bí. Ngay từ hồi thơ bé, vì được tai nghe mắt thấy nên tôi đã tin vào thế giới tâm linh, tin vào sự tồn tại của linh hồn, tin vào sự linh ứng giữa hai cõi âm-dương và đặc biệt là luật nhân quả…

Cũng chính từ miền quê này mà anh đến với thế giới tâm linh một cách tự nhiên?

– Đình làng tôi tọa lạc trên một khu đất cao ráo ở giữa làng, cạnh gốc đa cổ thụ tán lá sum suê. Đình thờ 3 vị phúc thần: Tương Vũ tên húy là Quang Y, Nhị Vân công chúa – phu nhân của đức thành hoàng và Bạch Vân công chúa – một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Đình làng tôi trông ra hồ nước rộng mênh mông. Ở giữa hồ có một gò đất nhô lên, dân làng gọi là gò Ông Voi, nổi tiếng linh thiêng. Cả trăm năm nay, người ta vẫn đồn rằng đó là gò đất địa linh, nơi hội tụ nguyên khí của trời đất. Nếu ai táng được mồ mả tổ tiên, ông bà vào đó, gia đình, ắt sẽ có người làm vương làm tướng. Tôi đã nhiều lần bơi ra gò Ông Voi để tìm hiểu, nghiên cứu. Gò rất nhỏ, diện tích chỉ bằng 4 cái chiếu hoa. Điều kỳ lạ là nước quanh năm mấp mé mà đất trên gò vẫn rắn đanh. Đã có lần, vào sáng sớm, tôi ra gò ngồi thiền. Năng lượng vào trong tôi nhiều đến độ thỉnh thoảng, toàn thân tôi rung lên bần bật. Chỉ ngồi chừng 5 phút là tôi nhập định. Ngồi thiền xong, người thấy rất sảng khoái, nhẹ nhõm, thư thới. Sau này, tôi cũng đã đưa một số nhà tâm linh, phong thủy về nghiên cứu. Ai cũng khẳng định đây là một trong những “thiên huyệt” của vùng đất địa linh. Có điều, vì là thiên huyệt nên phải có đủ phúc, đủ duyên “thiên táng” trời cho mới đặt mộ vào đó được.

Chính vì tiếng đồn về gò Ông Voi là đất địa linh nên một số người ở quê tôi và cả những làng bên cạnh, đã lén lút vùi trộm hài cốt tổ tiên, ông bà lên gò. Song không biết có phải vì sự linh thiêng của gò Ông Voi ấy hay không mà những người vùi trộm mồ mả vẫn bị phát hiện.

Còn nhiều lắm những câu chuyện tâm linh kỳ bí khác xảy ra ở quê tôi, ở chính gia đình nhà tôi mà tôi không thể kể hết ra đây. Những câu chuyện ấy, nhiều khi chúng ta không thể lý giải bằng tư duy logic thông thường được. Và chúng ám ảnh tôi suốt cả tuổi thơ.

Từ kí ức ấy, có những dấu hiệu nào về việc anh sẽ dành cả cuộc đời mình để tìm hiểu, nghiên cứu về tâm linh không? Nguyên do nào anh đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu về tâm linh?

– Chính vì tận mắt chứng kiến những chuyện tâm linh kỳ lạ ấy mà ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn thao thiết về thế giới tâm linh. Ví như hồi 6, 7 tuổi, mồng 4 Tết theo chân cha mẹ ra cánh đồng Khoang tảo mộ gia tiên. Thấy cha tôi bày đặt thức ăn, đồ uống, tiền vàng lên mộ rồi thắp hương lầm rầm khấn nguyện, tôi đã băn khoăn hỏi: “Cha ơi! Ông bà chết rồi. Chết là hết, có ăn được đâu mà sao cha vẫn dâng thức ăn, tiền vàng? Chết rồi, biết gì nữa đâu mà sao cha vẫn phải xây, chăm sóc mộ cho đẹp đẽ, khang trang?”. Cha tôi cười hiền: “Không con ơi! Chết không phải là hết. Chết chỉ có thân xác là tan rã, còn linh hồn vẫn tồn tại. Vì thế, dẫu ông bà, tổ tiên không còn sống nhưng họ vẫn dõi theo chúng ta, phù hộ độ trì cho con cháu. Các cụ ta ngày xưa có câu: “Sống là nhờ mồ nhờ mả chứ không ai sống bằng cả bát cơm”. Mồ mả tổ tiên quan trọng lắm. Số phận của một gia đình, dòng họ thịnh hay suy, giàu hay nghèo, sướng hay khổ, phụ thuộc rất nhiều vào mồ mả tổ tiên có phát hay không?”. “Cha ơi! Thế linh hồn là gì? Linh hồn có nhìn thấy không? Tại sao linh hồn lại có thể tác động đến cuộc sống của những người còn sống ạ?”. Lớn hơn chút nữa, tôi lại càng tò mò về thế giới tâm linh huyền bí ấy. Gặp các bậc cao niên trong làng, tôi thường đặt câu hỏi: Phong thủy mồ mả ảnh hưởng thế nào đến hậu thế gia trạch? Cách chăm sóc mồ mả? Thế nào là một ngôi mộ kết? Tình trạng rất nhiều thi hài người chết, khi cải cát, vẫn còn nguyên vẹn có phải là mộ kết không? Cách giải quyết thế nào? Khi chết đi nên địa táng hay hỏa táng rồi gửi cốt vào chùa? Nếu hỏa táng thì linh hồn có còn tồn tại không? Có bị nóng không? Chết đi về đâu? Làm thế nào để người thân mình siêu thoát?… Thường thì mỗi người trả lời một cách khiến chàng thiếu niên 15-16 tuổi là tôi càng thêm tò mò, đôi khi hoang mang.

Sau này, lớn lên, trở thành một nhà báo, những câu hỏi ấy thỉnh thoảng vẫn trồi lên trong tâm trí tôi. Nhưng công việc của một người chuyên làm phóng sự, điều tra rất bận rộn khiến tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu, khám phá, giải mã thế giới tâm linh huyền bí ấy. Mãi cho đến năm 2003, chị bạn đồng nghiệp ở Thời báo Ngân hàng đến nhà chơi, đưa tôi một tập tài liệu bảo: “Cậu đọc cái này đi. Hay lắm. Kỳ lạ lắm. Đọc xong, cả tối qua chị chẳng ngủ được vì sợ. Nó sẽ giúp cậu có thêm tư liệu nghiên cứu về thế giới tâm linh”. Tôi vội mở trang đầu tiên: “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Đề tài TK08. Tìm hài cốt liệt sĩ trong trận đánh K’Nack”. Như bị một sức hút vô hình, tôi đọc ngấu nghiến.

Câu chuyện khiến tôi xúc động, ám ảnh. Ngay ngày hôm đó, tôi tìm cách liên lạc với anh Phạm Văn Mẫn để phỏng vấn và xin được đồng hành cùng anh trong hành trìm kiếm tìm hơn 500 hài cốt liệt sĩ ở K’Nack.

Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm báo của tôi. Bắt đầu từ đây, tôi trở thành nhà báo chuyên viết phóng sự về tâm linh. Cũng bắt đầu từ đây, tôi gặp gỡ, đồng hành cùng một loạt các nhà ngoại cảm nổi tiếng: Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy, Thẩm Thúy Hoàn, chị Năm Nghĩa…

Trong suốt hành trình dằng dặc theo chân các nhà ngoại cảm đi tìm kiếm hài cốt 500 liệt sĩ ở K’Nack, Tây Nguyên, tôi đã tận mắt chứng kiến quá nhiều chuyện kỳ bí của chốn rừng thiêng, nơi mà mỗi con suối, bụi cây đều thấm đỏ máu đào của các anh hùng liệt sĩ. Tôi cũng đã quá nhiều lần thực chứng sự linh ứng giữa hai cõi âm – dương để rồi nhiều lần bật khóc vì xúc động. Nhờ đó, một nhà báo trẻ sinh ra trong thời bình như tôi, đến tận lúc ấy, mới hiểu, chiến tranh khốc liệt như thế nào? Đến tận lúc ấy, tôi mới thấm thía tận cùng cái giá của hòa bình mà thế hệ trẻ chúng tôi đang được hưởng quá đắt, phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Tất cả những điều đó khiến lòng tôi đau thắt, để rồi tâm phát khởi một hạnh nguyện phải làm một điều gì đó cho những người nằm xuống, phải sớm tìm đưa các anh về với gia đình, quê hương.

Và thế là suốt 20 năm trời, tôi cứ miệt mài khoác ba lô theo chân các nhà ngoại cảm, các đơn vị bộ đội lên rừng, xuống biển, vượt thác trèo non, đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đó vừa là một hành động thiết thực để tri ân những thế hệ cha anh đã hy sinh thân mình vì nước, vừa là cánh cửa để tôi bước vào khám phá thế giới tâm linh huyền bí thông qua các nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng, Vũ Minh Nghĩa, Nguyễn Khắc Bảy…

Sau rất nhiều năm trải qua từ với câu chuyện về thế giới khác, về những nhà ngoại cảm, cho tới đi vào sâu và thực hành đạo Phật, anh đã trải qua những nhận thức khác nhau ra sao? Con đường bắt đầu cho việc anh nghiên cứu về đạo Phật và anh đã chiêm nghiệm ra sao từ triết lý Phật giáo đến thực hành?

– Năm 2013, tôi được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mời đi Mỹ cùng Thầy trong chuyến hoằng Pháp đạo Phật dọc nước Mỹ. Suốt 3 tháng được nghe pháp, học giáo lý, thực hành chánh niệm cùng Thầy, màn vô minh giống như màn sương mù che lấp bao năm dần tan, tôi nhìn mọi vật, mọi sự đúng hơn. Trái tim dần rộng mở yêu thương. Những sân hận giảm dần. Lòng bao dung hơn, độ lượng hơn với đời. Mặt hồ tâm dần tĩnh lặng để phản chiếu rõ hơn mây bay, gió thổi, hoa nở, tiếng chim ca. Hạnh phúc đến ngày một nhiều. Ba tháng sống bên cạnh Thầy là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Chính ngài, bằng trí tuệ tuyệt vời và trái tim yêu thương của một đấng giác ngộ đã mở cánh cửa kho tàng tuệ giác của Đạo Phật, trao truyền cho tôi những pháp môn thật quý để chế tác khổ đau thành hạnh phúc, chế tác bùn thành sen.

Tôi hiểu, một trong những thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần tích lũy, bồi đắp hàng ngày, đó là trí tuệ, tuệ giác. Bởi có trí tuệ sáng suốt, chúng ta sẽ không có những định kiến, tà kiến, không có những hành động, lời nói, quyết định sai lầm. Từ cổ chí kim, biết bao bi kịch lớn nhỏ xảy ra chỉ vì chúng ta không có trí tuệ sáng suốt, bị màn vô minh che lấp. Song là một Phật tử, tôi cũng hiểu, điều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần bồi đắp hàng ngày, đó chính là tình yêu thương trong trái tim mỗi người. Có trái tim đầy ắp tình yêu thương, chúng ta sẽ không hờn trách, oán giận, không bon chen, đố kỵ, hận thù. Chúng ta dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với mọi người. Và nếu như tôi, nếu như mọi người có hai “báu vật” ấy trong đời: trí tuệ sáng suốt và trái tim yêu thương, xã hội này sẽ đẹp đẽ biết bao. Khi ấy, niết bàn hay thiên đường không phải ở cõi nào xa xôi. Niết bàn, thiên đàng chính là ở đây, bây giờ. Tôi luôn cầu mong ai trong chúng ta cũng đều có hai báu vật đó!

Đời người, ai cũng có ít nhiều khổ đau. Khổ đau không chừa ai hết. Cổ nhân có một câu rất hay: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hãy đón nhận những khổ đau như một phần tất yếu của cuộc sống một cách bình thản. Đừng khóc lóc, kêu ca, phàn nàn hay sợ hãi. Hãy dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nó, nhận diện nó. Hãy dùng tuệ giác và lòng từ bi để tìm cách chuyển hóa nó. Và tôi tin, từ những vũng bùn tanh hôi của khổ đau ấy, hoa sen của hạnh phúc sẽ nở và tỏa hương thơm ngát. Đức Phật nói: “Không bùn thì không sen”. Hoa sen từ cổ chí kim chỉ nở trên bùn lầy chứ không nở trên kim cương, đá quý. Vì thế, đừng sợ bùn. Hãy biết ơn bùn vì nhờ bùn mới có hoa sen. Cầu mong cho tất cả mọi người luôn biết ươm trồng những đóa sen thơm ngát từ bùn!

Xin cảm ơn anh!


Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)