Trang chủ Tin tức 10 sự kiện Phật sự nổi bật năm 2006 của Phật giáo...

10 sự kiện Phật sự nổi bật năm 2006 của Phật giáo Việt Nam

131

1. Đại lễ Cầu siêu cho toàn dân Việt đã khuất từ khi dựng nước


 


Mở đầu năm 2006, Đại lễ Cầu siêu cho toàn dân Việt đã khuất từ khi dựng nước được tổ chức long trọng tại Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương) với hơn 800 chư tôn đức tham gia. Với tâm nguyện “âm siêu, dương thịnh”, chư tôn đức và Phật tử hành lễ không chỉ cầu cho những linh hồn siêu thoát, mà còn mang ước nguyện về một dân tộc Việt đoàn kết, cường thịnh. Nhiều lễ cầu siêu khác như Cầu siêu cho nạn nhân bão Chanchu, Cầu siêu cho chiến sĩ trận vong, nạn nhân chất độc màu da cam cũng được tổ chức, đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào, thể hiện nét văn hóa cao đẹp của Phật giáo và Dân tộc


 



Đại lễ Cầu siêu tại Đại Nam Quốc tự – Bình Dương


 


2. Đại lễ Phật đản được tổ chức quy mô, hoành tráng trên khắp cả nước


 


Năm 2006 là năm chẵn của Phật lịch (2550), cũng là năm UNESCO chính thức công nhận Lễ Phật đản là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới. Chính vì vậy, Đại lễ Phật đản đã được tổ chức quy mô, long trọng, trang nghiêm và hoành tráng nhất từ trước tới nay. Hầu hết các Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo đều tổ chức kết và diễu hành xe hoa. Lần đầu tiên xe hoa Phật đản xuất hiện tại Hà Nội – thủ đô cả nước. Nhiều hoạt động văn hóa – xã hội của Tăng Ni, Phật tử được tổ chức nhân dịp này như triển lãm mỹ thuật Phật giáo, hội thi giáo lý, biểu diễn văn nghệ Phật giáo… Tuy nhiên, một vài nơi ở vùng sâu, vùng xa còn gặp một số trở ngại khi tổ chức lễ Phật đản. Việc tổ chức lễ Phật đản mới chủ yếu diễn ra trong phạm vi ngôi chùa hay tại các lễ đài chính mà chưa đi vào từng nhà của Phật tử. Chưa có nhiều Phật tử, nhất là ở miền Bắc thể hiện niềm hân hoan đón ngày Phật đản bằng việc treo đèn lồng Phật đản, cờ Phật giáo tại gia. Còn rất nhiều việc phải làm để ngày lễ Phật đản thật sự trở thành một ngày lễ hội của đất nước, nói rộng hơn, để Phật giáo đi vào cuộc đời với một hình ảnh tôn nghiêm nhưng sống động, mang tính thời đại.


 


ảnh


Xe hoa Phật đản tại Hà Nội


 


3. Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Việt Nam ra đời – một mô hình sinh hoạt mới của Phật tử trẻ


 


Khởi đầu từ Hà Nội, Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Việt Nam đã ra đời, bước đầu tập hợp được một số thanh niên ba miền Bắc, Trung, Nam tham gia chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoằng dương Phật pháp, hộ trì Giáo hội. Mặc dù mới ra đời nhưng Câu lạc bộ đã có một số hoạt động thiết thực như phối hợp với Trang thông tin điện tử Phật tử Việt Nam tổ chức Buổi tọa đàm với chủ đề “Tuổi trẻ Phật tử với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam”, hỗ trợ Ban tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập GHPGVN tại Hà Nội…


 



 


4. Hội thảo “Phật giáo trong thời đại mới – Cơ hội và Thách thức” thành công ngoài mong đợi


 


Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (GHPGVN) tổ chức đã thu hút được sự tham gia và quan tâm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử, nhà khoa học, nhà trí thức Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là của các vị Tăng, các vị trí thức Việt Kiều như HT. Thích Mãn Giác, TT. Thích Trí Hoằng, GS. Trần Chung Ngọc, TS. Thái Kim Lan… Bốn chủ đề: Phật giáo và những vấn đề toàn cầu; Tìm kiếm những giải pháp; Phật giáo và dân tộc; Phật giáo và kinh tế – chính trị đã được đưa ra trao đổi sôi nổi và thẳng thắn. Thời gian hạn hẹp, không gian hạn chế nhưng Hội thảo đã đặt ra những vấn đề cốt lõi cho sự phát triển của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Mong rằng những vấn đề được đặt ra không chỉ được phát biểu trong Hội thảo hay nằm trong tập bài viết mà phải trở thành hành động của những người có trách nhiệm đối với Phật giáo Việt Nam.


 



 


 


5. Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc Gia đình Phật tử Việt Nam khẳng định sức sống và sức vươn lên trong lòng Giáo hội và đất nước


 


Gần 300 huynh trưởng đại diện cho hơn 60.000 huynh trưởng và đoàn sinh trong hơn 800 đơn vị GĐPTVN đã hội tụ về thành phố mang tên Bác để kiện toàn tổ chức, tu chỉnh chương trình tu học để hướng sinh hoạt của Gia đình Phật tử phù hợp với tuổi trẻ trong thời đại mới. Qua hơn nửa thế kỷ phát triển cùng với sự thăng trầm của đất nước, GĐPTVN ngày nay đang có bước khởi sắc, mang sức sống của lớp Phật tử mới sinh sau ngày thống nhất đất nước, đóng góp vào việc giáo dục thanh thiếu niên Phật tử nói riêng và sự phát triển của GHPGVN nói chung.


 



Hội nghị Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc tại TP. Hồ Chí Minh


 


6. Đại lễ Vu Lan dần trở thành lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc


 


Những triển lãm, những đêm thơ nhạc về Mẹ, về sự biết ơn và báo hiếu của con cái đối với các bậc sinh thành, hình ảnh bông hồng cài áo, những lễ cúng Mông sơn thí thực đậm chất dân gian và nhân văn… đã góp phần đưa một ngày lễ thuần túy tôn giáo trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống của đa số người dân Việt Nam. Mặc dù trong năm có nhiều dịp về nói về mẹ như ngày 8/3 (Quốc tế Phụ nữ), ngày 20/10 (Phụ nữ Việt Nam) nhưng ngày Vu lan báo hiếu vẫn là một ngày đặc biệt để nói về một tình cảm thiêng liêng của con người – tình cảm cha mẹ và con cái, là dịp để những người con suy nghĩ và hành động, là ngày để tôn vinh những tấm lòng hiếu thảo.


 


Dong lai


Lễ Vu lan Báo hiếu tại chùa Pháp Vân – Hà Nội


 


7. Khánh thành giai đoạn I – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội


 


Học viện PGVN tại Hà Nội được khánh thành đúng dịp khai giảng khóa V (2006 – 2010) đã đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động đào tạo Tăng tài của GHPGVN. Với kinh phí xây dựng hơn 200 tỷ đồng, nằm trên địa thế đẹp của Thủ đô, với đầy đủ giảng đường, hội trường, ký túc xá, nhà ăn…, Học viện sẽ có điều kiện tốt để không chỉ đào tạo cho Tăng Ni sinh Việt Nam mà còn có thể trở thành đại học Phật giáo của khu vực và quốc tế. Học viện được khánh thành cho thấy sự quan tâm của các cấp Giáo hội, công đức của đông đảo Tăng Ni, Phật tử, trong đó không thể không kể đến Đại đức Thích Thanh Quyết (chùa Phúc Khánh – Hà Nội) – người đã đứng ra chủ trì và thực hiện thành công một Phật sự lớn lao và khó khăn này.



Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội


 


8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 25 năm thành lập


 


GHGPVN – biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, tổ chức duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã trải qua chặng đường phát triển đúng 1/4 thế kỷ. Qua 25 năm đó, Giáo hội đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp Tăng già, tập hợp được khối Tăng Ni, Phật tử một lòng vì hạnh phúc của số đông. Giáo hội đã thu đạt được những thành quả to lớn, xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam và góp phần xây dựng đất nước. Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã làm theo đúng lời Phật dạy, kế tục xứng đáng sự nghiệp của lịch đại tổ sư, góp phần tạo dựng cuộc sống hòa bình, an lạc, hạnh phúc bằng những hành động cụ thể hàng ngày.


 



Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập GHPGVN tại Hà Nội


 


9. Đại giới đàn Linh Nhạc – Phật Ý được THPG TP. Hồ Chí Minh tổ chức long trọng


 


1495 giới tử của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã tham gia đại giới đàn lớn nhất cả nước mang tên vị Tổ Sư đầu tiên Trụ trì Chùa Từ An xứ Gia Định năm xưa. Đại giới đàn đã thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đối với việc phát huy Đạo pháp bằng con đường hành trì giới luật của Tăng già, đào tạo những sứ giả Như Lai để sau này đảm đương sự nghiệp của Giáo hội và truyền thừa Đạo pháp.


 



 


10. Nhiều hoạt động từ thiện – xã hội được tổ chức


 


Góp phần thực hiện lời Phật dạy, nhiều hoạt động xã hội từ thiện đã được Tăng Ni, Phật tham gia như cứu trợ nạn nhân các cơn bão Chanchu, bão số Chanchu, Xangsane, Durian, ủng hộ đồng bào nghèo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tham gia các hoạt động phòng chống HIV-AIDS… với số tiền cứu trợ và ủng hộ lên đến hàng chục tỷ đồng.