Trang chủ Văn hóa 10 kỷ lục Phật giáo Việt Nam giai đoạn 3

10 kỷ lục Phật giáo Việt Nam giai đoạn 3

60

1. QUẢ CHUÔNG GIA TRÌ LỚN NHẤT VIỆT NAM


 








 



Chuông gia trì là loại chuông Phật giáo có hình dáng như chiếc bình bát để ngửa, thường được sử dụng trong các giờ hành lễ. Chuông thường được đặt tại chính điện, nhà tổ… nhỏ hơn nhiều so với chuông u minh, tức đại hồng chung.


 


Nhưng quả chuông gia trì chùa Phật Quang có đường kính tới 1,2m, cao 1m, và nặng khoảng 400kg. Toàn bộ quả chuông này được đúc từ nửa tấn vật liệu, do nhóm thợ người Quảng Nam thực hiện. Do kích thước lớn, chuông có tiếng kêu u trầm và ngân vang rất lâu. Quả chuông gia trì của chùa Phật Quang được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam


 


2. NGÔI THÁP BẢO TÍCH CAO NHẤT VIỆT NAM


 


Chùa Từ Vân thuộc tỉnh Khánh Hòa được xây dựng vào năm 1968. Từ ngoài vào, qua một khoảng sân rộng trước chánh điện, năm 2001 đã tôn trí pho tượng Bồ tát Di Lặc ngồi trên tòa sen, bên phải có điện Dược sư, bên trái có tháp Di Lặc. Điện Quan Âm được xây dựng vào năm thành lập chùa.


 


Nét đặc sắc trong kiến trúc ở chùa là hệ thống tháp, động và tượng được làm bằng san hô như ao Liên Trì, cầu Lục Độ, đường Bát Chánh Đạo… Trong đó, đặc biệt là ngôi tháp Bảo Tích còn được gọi là chùa Ốc cao 39m, được làm hoàn toàn bằng san hô vào năm 1995, có 8 cửa tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Phía ngoài của tháp có gắn 49 ngọn tháp nhỏ đặt thờ 49 vị Phật. Bên trong tháp có hai tầng, tầng trên thờ bộ tượng Tam Tôn, tượng đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền… Các hào quang và đài sen ở đây đều được kết bằng vỏ ốc rất đẹp.Do có những kiến trúc đặc sắc này nên  chùa Từ Vân còn được gọi là chùa San Hô.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam.


 


3. CHÙA CÓ NGÔI CHÁNH ĐIỆN CAO NHẤT VIỆT NAM


 


Đó là chùa Vạn Đức, thuộc quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được hòa thượng Thích Trí Tịnh khai sáng vào năm 1954.


 


Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền dưới cội Bồ đề được đắp nổi trông thật sinh động. Ngôi chánh điện có chiều cao 43,5m. Đây là ngôi chánh điện cao nhất Việt Nam.


 


Ngoài cổng vào, bên trái chùa có đài Quan Âm được xây dựng 1954. Chùa thường xuyên trùng tu, mở rộng vào các năm 1964, 1989,1993 và 2005.


 


Chùa thường xuyên đón tiếp các phái đoàn Phật giáo trong và ngoài nước, cùng đông đảo phật tử, du khách đến thăm quan.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam.


 


4. NGÔI THÁP XÁ LỢI CÓ NHIỀU PHO TƯỢNG BẰNG ĐÁ NHẤT VIỆT NAM


 


Chùa Linh Ứng tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về phía Đông Nam. Chùa nằm ở phía Đông của ngọïn Thủy Sơn (một trong năm ngọn của dãy Ngũ Hành Sơn), đường lên chùa có 123 bậc cấp lát bằng đá.


 


Năm 1997, một tháp Xá Lợi được xây bên trái chùa, cao 30m, đường kính tầng dưới 11m, đặt thờ 130 tượng và 40 phù điêu Phật, Bồ tát, La hán. Tầng 7 tôn thờ Xá lợi Phật và 7 vị Phật truyền đăng (Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật). Tầng 4, 5, 6 thờ bảo tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn và 84 tượng Đà La Ni. Tầng 3 thờ 33 vị Tổ truyền đăng Ấn – Hoa (từ Tổ Ca Diếp đến Tổ Huệ Năng). Tầng 2 thờ tượng Di Đà Tam Tôn, còn gọi là Tây Phương Tam Thánh (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí). Tầng 1 thờ tượng đức Phật Thích Ca, Ca Diếp, A Nan cùng nhiều vị Bồ tát, La hán …


 


Là một danh lam bậc nhất nằm trong khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, hằng ngày, chùa Linh Ứng đón tiếp đông đảo du khách, Phật tử đến tham quan, chiêm bái. Chùa Linh Ứng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam


 


5. NGÔI CHÙA TỔ CHỨC NHIỀU KHÓA TU PHẬT THẤT CÓ SỐ LƯỢNG PHẬT TỬ THAM DỰ ĐÔNG NHẤT


 


Chùa Hoằng Pháp tọa lạc trên khu đất diện tích 6ha, tại Thành Ông Năm, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử (1901-1988) sáng lập năm 1957. 


 


Chùa Hoằng Pháp là nơi tổ chức mô hình Phật thất đầu tiên ở Việt Nam. Phật thất là mô hình tu học tập thể gồm nhiều người cùng tu tập niệm Phật trong thời gian bảy ngày bảy đêm tại chùa.


 


Mục đích của khóa tu để giúp cho Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật. Đây là mô hình tu Bát Quan Trai giới kéo dài bảy ngày bảy đêm, và người cư sĩ tại gia cố gắng tu tập giống như đời sống phạm hạnh của người tu sĩ xuất gia trong một tuần.


Chùa Hoằng Pháp tổ chức khóa tu Phật thất đầu tiên từ ngày 2-5 đến 9-5-1999 với 68 Phật tử tham dự đến khóa tu 13-8 đến 20-8-2006 là khóa tu 41 với số lượng Phật tử tham dự khoảng 2.000 người.


 


Hiện nay, mỗi khoá tu được chia làm ba cấp: Cấp 1 – Tín tâm niệm Phật: kinh hành 15 phút và ngồi niệm Phật 15 phút (niệm ra tiếng). Cấp 2 – Chuyên tâm niệm Phật: ngồi niệm Phật 30 phút và đi kinh hành 15 phút (niệm thầm). Cấp 3 – Nhất tâm niệm Phật: ngồi niệm Phật (niệm thầm) từ 1 giờ đến 2 giờ. Thời khoá công phu bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng và chấm dứt lúc 9 giờ 30 tối.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam.


 


6. NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO NAM TÔNG VIỆT ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM


 


Khi nghe tin người bạn là bác sĩ Lê Văn Giảng xuất gia theo Phật giáo nguyên thuỷ (Nam tông) ở Campuchia. Ông Nguyễn Văn Hiểu cùng các ông Nguyễn Văn Quyến, Văn Công Hương đến vùng Gò Dưa, Thủ Đức tìm đất xây chùa chuẩn bị cho việc truyền bá Phật giáo Nam tông. Năm 1938, Chùa Bửu Quang được xây dựng với kiến trúc đơn giản.


 


Năm 1940, ông Nguyễn Văn Hiểu xây lại chùa theo kiến trúc kết hợp Kh’mer, Phương Tây, Trung Quốc… nhưng vẫn gần gũi với kiến trúc – văn hóa Việt Nam. Năm 1947, chùa bị tàn phá do chiến tranh. Sau chiến tranh, chùa được xây dựng lại và tồn tại đến ngày nay. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông của người Việt đầu tiên ở Việt Nam.


 


Chùa tổ chức các sinh hoạt như lập trường học để đào tạo các vị Sa di (người mới vào chùa tu tập), những lớp học dành cho thiện nam tín nữ nghiên cứu về pháp học và pháp hành. Qua việc hành thiền giúp cho người học thiền đạt được sự thoải mái, thanh thản trong tâm trí vượt ra những bận rộn và căng thẳng của cuộc sống thường ngày.


 


Đối với Phật giáo Nam tông, khất thực là lối sống khiêm nhường của chư Tăng, đây cũng là phương cách gần gũi quần chúng giúp họ phát tâm đặt bát cúng dường gieo duyên lành trong chánh pháp.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là kỷ lục Việt Nam.


 


7. NGÔI CHÙA CÓ THÁP CHUÔNG CAO NHẤT VIỆT NAM


 


Chùa Xá Lợi được khởi công xây dựng vào ngày 5-8-1956 và khánh thành vào các ngày 2, 3, 4-5-1958, dưới sự dôn đốc của hai kỹ sư Dư Ngọc Aùnh và Hà Tố Thuận thi công theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh. Chùa tọa lạc trên diện tích hơn 2.500m2 tại góc đường Sư Thiện Chiếu và Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được xây dựng với mục đích tôn thờ xá lợi Phật tổ, kiến trúc theo lối mới, xây lầu, trên là bái đường, dưới là giảng đường.


 


Du khách đến vãn cảnh chùa Xá Lợi từ xa đã nhìn thấy tháp chuông. Tháp chuông của chùa được khánh thành vào ngày 23-12-1961 (nhằm ngày 16 tháng 11 năm Tân Sửu) sau hơn 11 tháng thi công. Đây là tháp chuông 7 tầng, cao 32m, tầng cao nhất là một cổ lầu có treo một đại hồng chung cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m. Đại hồng chung này được rót đồng tại phường đúc làng Dương Biều – Huế vào ngày 15-4-1961 (mồng một tháng ba năm Tân Sửu) đúc theo mẫu chuông chùa Thiên Mụ, Huế. Tiếng ngân của chuông đã được nhiều thế hệ nhắc nhở qua bài vọng cổ “Tiếng chuông chùa Xá Lợi” của soạn giả Viễn Châu. Ngày 12-4-2006Chùa Xá Lợi nhận bằng công nhận xếp loại di tích lịch sử – văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là  kỷ lục Việt Nam.


 


 


8. NGÔI TỊNH XÁ KHẤT SĨ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM


 


Tịnh xá Ngọc Viên với diện tích đất 6.193m2 được dựng vào cuối năm 1948, là một trong những dấu tích đầu tiên khai mở giáo pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang. Năm 1949, Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu lan bồn được tổ chức với quy mô lớn tại tịnh xá đã ảnh hưởng rộng khắp trong sinh hoạt Phật giáo của toàn sơn môn hệ phái.


 


Tịnh xá thuộc Giáo đoàn 1 là Giáo đoàn Du tăng đầu tiên của Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, nay là hệ phái Khất sĩ, một trong chín tổ chức thành viên tham gia Ban vận động thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Giáo đoàn 1 do Tổ Sư Minh Đăng Quang thành lập năm 1944, trực tiếp thu nhận Tăng Ni xuất gia, hướng dẫn hành đạo. Trong mười năm hành đạo, Tổ Sư đã chứng minh thành lập hơn 20 ngôi tịnh xá đầu tiên, thu nhận hơn 100 Tăng Ni xuất gia và truyền thọ Tam quy Ngũ giới cho hằng chục vạn tín đồ Phật tử tại gia. Giáo đoàn 1 hiện có 21 ngôi tịnh xá, tịnh thất.


 


Đây là ngôi Tổ đình của hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Hệ phái này hiện có khoảng 400 ngôi tịnh xá từ Quảng Trị đến Cà Mau.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là  kỷ lục Việt Nam.


 


9. HỘI THẢO PHẬT GIÁO QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM


 


Trong 2 ngày 15-16/7/2006 tại Thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức – Buddhism in the New Era: Chances and Challengers”.


Đã có 294 đại biểu và khách mời đến dự hội thảo. Trong đó, có sự tham gia của 21 học giả, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đến từ các nước như: Ấn Độ, Nhật, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Sri Lanka, Đài Loan, Hà Lan…; 28 vị tăng sĩ và cư sĩ trí thức Phật giáo người Việt Nam ở nước ngoài; 25 giáo sư, tiến sĩ các Viện Tín ngưỡng và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và khoa học, Viện nghiên cứu khoa học về Tôn giáo… Khách mời là các chư tôn hòa thượng, thượng tọa thành viên Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo, đại diện các tự viện, đại diện 48 thành hội, tỉnh hội Phật giáo trong cả nước, đại diện các tổng lãnh sự và lãnh sự nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh… 


 


Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước. Các bài thuyết trình, tham luận chia làm 4 chủ đề: Phật giáo thế giới và vấn đề toàn cầu hóa; Tìm kiếm những giải pháp; Phật giáo và dân tộc; Phật giáo và kinh tế – chính trị.


 


Mục đích của hội thảo nhằm tìm kiếm những giải pháp khả thi mà đạo Phật có thể giải quyết, góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy những thành tựu văn hóa cũng như tăng cường sự tiếp cận, hòa hợp giữa các truyền thống Phật giáo.  Trong thời đại toàn cầu hóa như hôm nay, Phật giáo – tôn giáo cho con người, vì vậy cần phải được khơi dậy những tiềm năng vốn có phù hợp với thời đại và con người thời đại. 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là  kỷ lục Việt Nam.


 


10. CƠ QUAN PHÁT HÀNH DANH MỤC KINH SÁCH VỀ PHẬT GIÁO NHIỀU NHẤT VIỆT NAM


 


Năm 1997, Thành Hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tổ In ấn và Phát hành Kinh Sách, với nhiệm vụ cung cấp cho giới Tăng Ni, Phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung những quyển sách về Kinh, Luật, và Luận cũng như những quyển sách nghiên cứu về Phật Giáo.


 


Trong đó, các quyển như Kinh Pháp Hoa, Lương Hoàng Sám, Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng… đều được phát hành hằng năm, với mỗi tựa khoảng từ 6.000 đến 10.000 quyển. Đồng thời với việc phát hành sách kinh là phát hành những quyển sách mang tính tìm hiểu, nghiên cứu như: Phật học phổ thông, 8 quyển sách quý, Cây thang giáo lý, Bước đầu học Phật, Làm sao tu theo Phật… đáp ứng nhu cầu học tập về đạo pháp cho Tăng Ni, Phật tử. 


 


Hoạt động in ấn và phát hành kinh sách Phật Giáo của Tổ In ấn và Phát hành Kinh Sách thuộc Thành Hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 1997 đến tháng 9-2006 đã phát hành khoảng 245 tựa kinh, sách với số lượng ấn bản vào khoảng 1.400.000 quyển. Đây là cơ quan phát hành danh mục kinh, sách về Phật Giáo nhiều nhất Việt Nam.


 


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là  kỷ lục Việt Nam


Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam và báo Giác Ngộ – Thành hội Phật Giáo thành phố Hồ Chí Minh sau thời gian tìm kiếm kỷ lục Phật Giáo Việt Nam sẽ giới thiệu 38 kỷ lục Phật Giáo Việt Nam đã được xác lập dự kiến tổ chức vào thứ bảy, ngày 25-11-2006 tại hội trường tòa soạn báo Giác Ngộ.


 


Trong dịp này, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam và báo Giác Ngộ tổ chức chương trình Hành trình tìm kiếm kỷ lục Phật Giáo Việt Nam bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài đến năm 2010 nhằm tìm kiếm, ghi nhận và xác lập 100 kỷ lục Phật Giáo Việt Nam.